CHÁNH VĂN (Từ câu 55 đến câu 66)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 43027)
CHÁNH VĂN (Từ câu 55 đến câu 66)

55.“Điên này Điên của Thần-Tiên,

          Ở trên Non Núi xuống miền Lục-Châu.

                   Đời còn chẳng có bao lâu,

          58. Rán lo tu-niệm đặng chầu Phật-Tiên.

                   Thế-gian ít kẻ làm hiền,

            Nhiều người tàn-bạo làm phiền Hoá-Công.

                   Thế-gian chuyện có nói không,

          62. Đến hội Mây-Rồng thân chẳng toàn thây.

                   Việc đời đến lúc cấn gay,

          Mà cũng tối ngày nói xéo nói xiên.

                  

                    Dương-trần tội ác liên miên,

       66. Sau xuống huỳnh-tuyền Địa-ngục khó ra”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 55 đến câu 66)

          -Tuy Đức Thầy xưng hiệu là Điên, nhưng Ngài cũng cho bá tánh hiểu, từ cõi siêu thoát Tiên Phật, Ngài giáng trần khai Đạo tại miền Nam nước Việt để báo tin cho vạn dân biết rằng cơ tận diệt hầu kề hãy rán lo tu thân lập hạnh, tưởng niệm Phật Trời thì sau nầy được kiến diện Phật Tiên. Thế mà không mấy ai thi thố việc lành, mãi lo gây tạo điều hung ác, hơn thua giành giựt lẫn nhau, lại còn lắm lời huyễn hoặc châm biếm người hiền, e cho đến ngày lập hội khó bảo tồn thân mạng. Bởi luật Trời đã quy định:

                    “Xử những kẻ hung hăng tồi tệ,

          Thưởng những người trung nghĩa vẹn toàn”.

                                                (Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)

          -Nếu ai mải mê đuổi theo con đường danh lợi gây nên nghiệp ác, thì chẳng những bị quả đau sầu tại thế gian, “Xử người tàn bạo vậy mà tại đây”(Sấm Giảng Q.1), mà khi mạng chung còn phải tiếp tục chịu sự hành phạt triền miên nơi cảnh Địa ngục khó thoát khỏi ra được.

 

CHÚ THÍCH

          LỤC CHÂU: Sáu châu nằm trong sáu trấn, cũng gọi Lục tỉnh ở miền Nam Việt Nam (Nam kỳ) vào thời nhà Nguyễn, Vua Gia Long chia làm sáu trấn: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Long Hồ, An Giang và Hà Tiên. Đến năm Tân Mão (1831) vua Minh Mạng đổi sáu trấn ra sáu tỉnh, tức là sáu châu (tên tỉnh cũng y như trên). Đến thời kỳ Pháp thuộc 6 tỉnh nầy chia ra 20 tỉnh, rồi 21 tỉnh,

 

tức tỉnh Vũng Tàu, trước đó thuộc tỉnh Bà Rịa. Danh từ (dạo Lục Châu), Đức Thầy có đề cập nhiều lần trong Sấm Giảng Thi Văn của Ngài:

                   “Thoàn nhỏ ly gia vị tất nan,

                     Bửu sanh du lịch Lục Châu giang.

                      Kim Sơn thương mãi toàn lê thứ,

                     Thức tỉnh bá gia giấc mộng tràng”.

                                      (Bài cho Đức Ông mất ghe)

          PHẬT TIÊN: (Xem Chú thích đoạn 7 Bài Sứ Mạng).

          THẾ GIAN: Khoảng đời, cõi đời. Mọi sự việc trong thế gian vạn vật cùng chung sống. Ý chí bao quát cả gầm trời.

          Ca dao có câu:

“Thế gian lắm kẻ mơ màng,

Thấy hòn son thắm ngỡ vàng Trời cho”.

          HÓA CÔNG: Thợ Trời. Cũng gọi là Tạo Hóa hay Tạo Công. Người xưa cho Hóa công là Đấng thiêng liêng, là ông thợ tạo ra vạn vật trong vũ trụ, và định số mạng cho muôn loài. Cho nên mọi việc xảy ra quá với sức lực, ý nghĩ hoặc không vừa lòng thì người ta đổ thừa Tạo hóa, hoặc khen, hoặc hờn trách đủ điều, như câu:

          “Phụ phàng chi bấy hóa công”. (Truyện Kiều)

            Theo nhà Phật, tạo hóa là luật công bằng của nhân và quả, như Đức Thầy đã bảo:

“Hóa công chí thiện cầm cân,

Công bình thưởng phạt thứ dân nào tường”.

                                      (Viếng làng Mỹ Hội Đông)

          CHUYỆN CÓ NÓI KHÔNG: Nghĩa của chữ Vọng ngữ, một trong bốn điều ác của khẩu nghiệp. Người đời không thận trọng lời nói thường hay phạm Vọng ngữ.

         

          Điều ác nầy, Đức Thầy có giải:“Thêm thừa, huyễn hoặc, có nói không, không nói có, Ác Vọng ngữ đã làm nguyên nhân cho những sự bất công của nhân loại”. (Quyển 6 – Ác Vọng ngữ).

          Cổ nhân từng dạy:“Nhất ngôn bất trúng, Vạn sự bất thành”.(Một lời nói chẳng đúng, thì muôn lời muôn sự khác đều chẳng thành cả).

          Đức Thầy hằng khuyên:

                   “Khuyên nhơn sanh lấy lẽ chí công,

                     Mà ăn ở nói năng chơn chất”.

                                               (Khuyến Thiện, Q.5)

          HỘI MÂY RỒNG: Nghĩa của chữ Long Vân hội. Do câu “Vân Khỉ (khởi) Long Đăng” (mây nổi thì rồng bay lên). Nghĩa bóng có hai ý:

         

          1.- Chỉ cho người thi cử đỗ đạt:

          “Mong con gặp hội rồng mây với người”.(Cổ thi)

          2.- Chỉ cho điều may mắn vui vẻ như Tôi Chúa gặp nhau. Cổ nhân bảo:

“Trời sanh Trời chẳng phụ nào,

Long vân gặp hội anh hào ra tay”.

          Đức Thầy kêu gọi mọi người sớm lo xử trọn luân lý Tứ Ân thì:

                   “Long Vân đến hội lầu son dựa kề”

                                                (Sấm Giảng Q.3)

          Ắt gặp được nhiều may mắn. Bằng trái lại, khi đến hội ấy phải chịu thảm khổ. Như Ngài từng thốt:

                   “Lời xưa di tích rõ việc nầy,

                     Ai muốn mắt phàm gặp Rồng Mây,

                     Hãy rán nghe lời ta mách trước,

                     Không gìn Đạo Đức phải phơi thây”.

                                                (Để chơn đất Bắc)

          CẤN GAY: Cũng đọc là gay cấn. Cấn là nghẹt thở, không thông, không êm; Gay là gay gắt, trở nên khó khăn. Cấn gay là ví như hai đàng gây chuyện ăn thua với nhau, đến lúc hết sức gay cấn.

          Vậy câu “Việc đời đến lúc cấn gay” là ý nói cảnh đời đến hồi quá khó khăn gay gắt, gần như nghẹt thở, khó giải quyết cho xuyên suốt được.

          LIÊN MIÊN: Liền liền không dứt. Đây ý nói người đời gây tội ác nầy đến tội ác khác, không sao kể xiết.

          HUỲNH TUYỀN: Suối vàng. Tục truyền rằng dưới Âm phủ có 9 suối vàng, nên cũng gọi là Cửu tuyền hay Chín suối. Do đó, xưa nay người ta dùng chữ Suối Vàng để chỉ chỗ Âm ty, người có tội chết rồi phải xuống đó.

          Truyện Kiều có câu:

“Gọi là gặp gỡ giữa đàng,

Họa là người dưới suối vàng biết cho”.

          Đức Thầy từng bảo:

                   “Ở dương thế tạo nhiều cảnh khổ,

                   Xuống Huỳnh Tuyền địa ngục khảo hình”.

                                                (Kệ Dân, Q.2)

          ĐỊA NGỤC: Phạn ngữ Niraya (Scr). Naraka (Phạn ngữ) phiên âm có nhiều tên: Nê Lê Giả, Naraca, Na lạc ca, dịch là Địa ngục. Nghĩa là chỗ giam cầm và trừng phạt những linh hồn của người phạm tội lúc ở thế gian. Chữ Địa ngục có nhiều nghĩa:

          1.- Bất Lạc, Bất Khổ lạc: Ấy là nơi chẳng vui, chẳng có thể vui được.

          2.- Bất khả cứu tế: Không thể cứu cho thoát khỏi liền được, vì cảm ứng các việc đã làm.

         

         

 

          3.- Âm minh: Nơi tối tăm, chúng sanh ở cảnh ấy không hề biết được Đạo lý, Chánh pháp.

          4.- Địa ngục: Cảnh ngục thất, cảnh hành phạt ở dưới đất.

          Địc ngục là một trong 6 đường luân hồi (Lục đạo Luân hồi) và cũng một cảnh trong Lục thú. Địa ngục là nơi có đủ thứ khổ đau, vị trí của nó hoặc ở dưới đất hoặc ở kẹt núi, hoặc ở theo sông rạch, hoặc ở theo biển cả hay đồng nội. Những người nào sống ở dương gian phạm các trọng tội như Ngũ nghịch hay Thập ác khi chết phải đọa Địa ngục. Đức Thầy có cho biết:

                   “Mê muội ác hung về Địa ngục,

                   Hiền lành nhắm mắt thấy non Tiên”.

                                                (Hai mươi tháng Chạp)

          Trong Địa Tạng Kinh có chép:

          “Những cảnh Địa Ngục đều ở trong núi Thiết Vi (núi bao bọc toàn bằng vách sắt). Địa ngục lớn có 18 sở, thứ nữa có 500, thứ nữa có trăm ngàn vô số tên gọi đều khác nhau. Còn Địa ngục Vô gián thì ghê hơn hết, chung quanh là 18 vạn dặm, thành bằng sắt cao 10 vạn dặm, trên mặt thành lửa cháy khắp cả, không phút nào ngưng…”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn