III.- ÂN TAM BẢO

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 45869)
III.- ÂN TAM BẢO

CHÁNH VĂN

          ÂN TAM BẢO : Tam Bảo là gì ? Tức Phật, Pháp, Tăng.

          Con người nhờ Tổ-Tiên, Cha Mẹ sanh ra, nuôi dưỡng nhờ đất nước tạo kiếp sống cho mình. Ấy về phương diện vật chất.

          Về phương diện tinh thần, con người cần nhờ đến sự giúp-đỡ của Phật, Pháp, Tăng khai mở trí óc cho sáng suốt. Phật là đấng toàn thiện, toàn mỹ, bác-ái vô cùng, quyết cứu vớt sanh linh ra khỏi vòng trầm-luân khổ-hải. Thế nên Ngài mới truyền lại giáo pháp, tức là những lời chỉ dạy cho các chư tăng đặng đem nền Đạo cả của Ngài ban bố khắp trần thế. Các chư tăng chẳng ai lạ hơn những đại đệ tử của Đức Phật vậy. Bởi vì Đức Phật luôn luôn chỉ dẫn và cứu vớt quần-sanh thoát miền mê-khổ, nên ta hãy kính trọng Phật, hãy tin tưởng và tín-nhiệm vào sự-nghiệp cứu đời của Ngài, làm theo những điều chỉ dạy do các chư tăng cho biết. Tổ-Tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm-mầu, lòng quảng ái của Phật đối với chúng sanh, đã kính trọng sùng-bái Ngài, đã hành động đúng theo khuôn-khổ Ngài đã dạy, đã vun trồng bồi-đắp cho nền Đạo được phát triển thêm ra, xây dựng một toà lầu đài Đạo hạnh vô thượng vô song, roi truyền mãi mãi với hậu-thế.

          Nên bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền-nhân hầu làm cho trí tuệ minh mẩn đặng đi đến con đường giải thoát, dẫn dắt giùm kẻ sa-cơ và nhứt là phải tiếp-tuc khai thông nền Đạo-đức để cái tinh thần từ-bi bác ái được gieo rải khắp nơi trong bá tánh. Như thế mới chẳng phụ công trình vĩ đại của Đức Phật và của tiền nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy.

 

LƯỢC GIẢI

          Ân Tam Bảo là một trong tứ đại trọng ân, đây thuộc về phần tinh thần.

1/- LÝ DO THỌ ÂN TAM BẢO

          Nhờ có Tam Bảo đánh thức, giáo hóa chúng ta mới tỉnh ngộ tu hành, cải ác tùng thiện:

          a)- Vì cảm phục tâm đại hùng, đại lực, đại từ bi và đại nguyện độ tận chúng sanh của Đức Phật.

          b)- Diệu năng của Pháp giới ví như thuyền bè, đèn đuốc, đưa người tu ra khỏi sông mê bể khổ.

          c)- Đức độ và lời thệ nguyện cứu độ chúng sanh lớn lao của Chư Tăng, chúng ta mới trọn niềm kính tin và quyết tâm trì hành theo lời giáo huấn của các Ngài.

2/- TỔ TIÊN TA ĐỐI VỚI TAM BẢO

          a)- Tổ Tiên ta đã nhận thức lòng quảng ái và sự nghiệp cứu đời của Tam Bảo.

          b)- Đã hành động đúng theo Kinh, Luật, Luận. Cũng đã vun bồi nền Đạo được vững chắc và roi truyền đến ngày nay.

3/- CÁCH ĐÁP ƠN TAM BẢO

          a)- Ta có bổn phận kính tin và vâng lời Phật pháp. Noi gương Phật và chư Tăng để học hỏi và hành trì giáo pháp cho mình có trí huệ và giải thoát sanh tử.

          b)- Tiếp tục khai thông Đạo pháp bằng cách: Giảng dạy Đạo lý, ấn tống kinh sách, trợ giúp các tổ chức truyền Pháp để giác tỉnh quần chúng tu hành. Truyền pháp có hai phần: thuyết giáo và hạnh giáo…

          Đức Thầy hằng kêu gọi:

                   Cả tiếng kêu cùng khắp chư Tăng,

                     Với tín nữ thiện nam Phật giáo.

                     Nên cố gắng trau thân gìn Đạo,

                     Hiệp cùng nhau truyền bá Kinh lành”.

          Và hãy:“…Giảng giải Đạo Phật cho đại chúng nghe, hoặc giả mở trường dạy Đạo Phật”.

4.- LỢI ÍCH SỰ ĐÁP ƠN TAM BẢO

          Người nào đáp được ơn Tam Bảo, sẽ được các điều lợi ích đáng kể:

          a)- Không đắc tội với Tam Bảo, tiền nhân và hậu thế.

          b)- Phước đức siêu thượng, trí huệ sớm phát khai.

          c)- Gieo duyên lành với nhiều người và độ được vô số chúng sanh chứng chơn giải thoát.

          d)- Sớm hoàn thành quả Tam giác: tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.

                   “Từ đây đến buổi thanh bình,

             Muôn người niệm Phật quả mình biết bao”.( ĐT)

5.- TAI HẠI NGƯỜI KHÔNG ĐÁP ƠN TAM BẢO

          Người đã thọ ơn Tam Bảo mà chẳng lo tu học hoặc không đền đáp, tất vương các điều hại:

          a)- Đắc tội với tiền nhân và hậu thế.

          b)- Mang tội ngũ nghịch và chôn lấp thiện căn.

          c)- Vô lượng kiếp tối dốt, chết đọa 3 đường ác.

 

KẾT LUẬN

          Là môn đồ nhà Phật, chúng ta phải đáp đền ơn Tam Bảo bằng cách cố gắng phụng hành và phổ truyền chánh pháp để tất cả chúng sanh có cơ thức tỉnh tu hành, vượt khỏi vòng khổ đau sanh tử.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          TAM BẢO: Ba ngôi quí báu, tức: Phật, Pháp, Tăng. Phật là đấng hoàn toàn giác ngộ, toàn thiện, toàn mỹ, tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Pháp là lời của Phật thuyết ra để giáo hóa chúng sanh. Tăng là các đại đệ tử của Phật, bậc giới hạnh tinh nghiêm, thường nối tiếp ngọn đuốc huệ của Phật mà giác tỉnh chúng sanh.

          Đó là phần sự tướng và lịch sử Tam Bảo. Còn phần lý tánh Tam Bảo gồm có: Tự tâm giác ngộ là Phật Bảo. Tự tâm chơn chánh là Pháp Bảo. Tự tâm thanh tịnh là Tăng Bảo.

          PHƯƠNG DIỆN: Một mặt, một khía cạnh hay một phần.

          VẬT CHẤT: Những cái gì có hình tướng, rờ nắm được, thấy được.

          TINH THẦN: Linh hồn hay thần thức…phần vô hình.

          TOÀN THIỆN TOÀN MỸ: Hoàn toàn tốt lành sáng suốt.

          KHỔ HẢI: Biển khổ. Ý nói sự khổ của chúng sanh quá nhiều mênh mông như bể cả. Đức Thầy bảo:

                   Thoát nơi khổ hải liên đài được lên”.

          BAN BỐ: Cấp phát truyền rải cho đều.

          QUẦN SANH: Chỉ chung các giới chúng sanh.

          TÍN NHIỆM: Tin cậy, trọn lòng tin tưởng.

          NHIỆM MẦU: Cũng gọi là mầu nhiệm. Có nghĩa sâu kín và mầu diệu vô cùng:“Đạo mầu thâm diệu nan tri lão bày”.( ĐT)

          QUẢNG ÁI: Thương yêu rộng lớn. Đức Thầy từng nói: “Lòng quảng ái xót thương nhân chủng”.

          CHÚNG SANH: Chỉ chung các loài có tri giác, có mạng sống. Phân làm 4 loại:

          1/-Thai sanh: các loài sanh bằng bào thai.

2/-Noãn sanh: các loài sanh bằng trứng.

3/-Thấp sanh: các loài sanh nơi ẩm thấp.

4/-Hóa sanh: các loài sanh bằng cách hóa sanh.

          PHÁT TRIỂN: Mở mang ra.

          SÙNG BÁI: Kính trọng và tôn thờ lễ bái.

          VÔ THƯỢNG: Cao tột, không có gì cao hơn. Đức Thầy bảo:“Vô thượng thậm thâm dĩ ý truyền”.

          VÔ SONG: Không có tới hai, không có gì bì kịp.

          ROI TRUYỀN: Cũng gọi là truyền roi. Có nghĩa truyền dạy lại cho người sau noi theo.

                   Lời lành của Phật truyền roi”.( ĐT)

          HẬU THẾ: Đời sau, người sau.

          CHÍ ĐỨC: Chí nguyện và đức độ cao cả.

                   Noi chí đức Hoàng Thang luật chế”.( ĐT)

          TIỀN NHÂN: Người đời trước.

          MINH MẪN: Sáng suốt thông hiểu:“Trí linh mẫn nhìn xem các chuyện”.( ĐT)

          KHAI THÔNG: Mở mang thông suốt.

          VĨ ĐẠI: To lớn.

          GIẢI THOÁT: Cởi mở sự ràng buộc đeo níu, thoát khỏi 6 nẻo luân hồi sanh tử. Đức Thầy nói:“Miễn sanh chúng thông đường giải thoát”.

          SA CƠ: Cũng viết là sơ cơ. Chỉ cho kẻ mới phát tâm tu hành, hoặc những người bị sa ngã theo tứ đổ tường hay chìm đắm trong biển sanh tử.

 

CÂU HỎI

          1/-Tam Bảo là gì, hãy giải cả sự và lý ?

          2/-Tại sao ta thọ ơn Phật Bảo ?

          3/-Lý do nào ta mang ơn Pháp Bảo ?

          4/-Tại sao ta mang ơn Tăng Bảo ?

          5/-Khi hiểu ân Tam Bảo, ta có quyết định thế nào ?

          6/-Tổ Tiên ta đối với Tam Bảo ra sao, và có hành động gì ?

          7/-Muốn đáp ơn Tam Bảo ta phải làm sao ?

          8/-Đáp ơn Tam Bảo xong ta được kết quả gì ? Bằng ngược lại ta phải làm sao ?

          9/-Hãy tóm tắt ân Tam Bảo ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn