Bài thứ năm mươi mốt-> Bài thứ sáu mươi

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 37454)
Bài thứ năm mươi mốt-> Bài thứ sáu mươi

Bài thứ năm mươi mốt

 

TỎ CÂU HUYỀN BÍ (tt)

 

                  Ngũ hồ ly cấu tạn hài Tiên,

                  Nguyền thuyết thanh danh tác thiện duyên.

                  Thậm thâm tối thiểu kim tàng cốc,

                  Đa giả khứ hồi giải nghiệp duyên.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-NGŨ HỒ: Tên gọi năm cái hồ lớn ở Trung Hoa: Tây Hồ và Thái Hồ (Ở giữa hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang), Động Đình Hồ, Sài Hồ và Phan Dương Hồ.

Dao chơi phong cảnh ngũ hồ,

            Nước non xinh lịch bày phô thợ trời.(Cổ thi)

          LY CẤU: Ly: Hai người cùng sánh với nhau, như chữ “Ly tao”. Ly: Gặp gỡ. Tao: Lo lắng. Gặp nỗi lo lắng nên Khuất Nguyên làm khúc Ly Tao. Cấu: Kết thành. Nghĩa rộng: Nỗi lo lắng mãi canh cánh bên lòng.

          TẠN: Giáp mặt, gặp tại chỗ.

          HÀI TIÊN: Hài: Chiếc giày. Tiên: Người tu trên núi, có phép thuật. Cốt tu cho được trường sanh bất lão. Nghĩa rộng: Thần thông của Tiên đi lại dễ dàng.

*Tóm lược ý câu “Ngũ hồ ly cấu tạn hài tiên”: Nơi ngũ hồ thường hay gặp gỡ Tiên, báo hiệu điềm lành cho người lo tu hành chân chính.

2/-NGUYỀN THUYẾT: Nguyền: Như chữ Nguyện: Nguyện cầu, những điều mong ước trong lòng. Thuyết: Nói cho biết. Nghĩa rộng: Mong muốn nói cho người nào đó hiểu rõ việc gì mà mình muốn truyền đạt.

THANH DANH: Thanh: Tiếng tăm. Danh: Tên. Nghĩa rộng: Có tiếng tăm, tên tuổi trong xã hội hay cộng đồng thế giới.

TÁC: Làm.

THIỆN DUYÊN: Thiện: Lành. Duyên: Mối liên lạc từ kiếp trước, lưu lại kiếp sau giữa hai người. “Duyên lành rõ được Khùng Điên, Chẳng qua kiếp trước thiện duyên hữu phần” (ĐHGC).

*Tóm lược ý câu “Nguyền thuyết thanh danh tác thiện duyên”: Gặp được Đức Huỳnh Giáo Chủ và hiểu rõ “Sứ mạng” của Ngài là tiền kiếp đã gieo duyên lành.

3/-THẬM THÂM: Thậm: Rất. Thâm: Sâu, nồng hậu. Nghĩa rộng: Rất sâu xa, nồng hậu.

TỐI THIỂU: Tối: Rất, nhiều. Thiểu: Ít. Nhiều ít.

KIM TÀNG CỐC: Kim: Nay. Tàng: Ẩn dấu. Cốc: Cái hang. Nghĩa rộng: Hiện nay còn ẩn dạng.

*Tóm lược ý câu “Thậm thâm tối thiểu kim tàng cốc”: Mối tương quan giữa Đức Huỳnh Giáo Chủ và chúng sanh rất sâu nặng, không nhiều thì ít vẫn còn chất chứa trong lòng.

4/-ĐA GIẢ: Nhiều người, nhiều kẻ.

KHỨ HỒI: Khứ: Đi. Hồi: Về. Đi và về. Nghĩa rộng: Trở lại.

GIẢI: Cởi bỏ.

NGHIỆP DUYÊN: Nghiệp: Việc mình làm. Duyên: Nguyên nhân, mối liên lạc từ kiếp trước lưu lại kiếp sau.

*Tóm lược ý câu “Đa giả khứ hồi giải nghiệp duyên”: Nhờ có duyên lành nên qui y theo Đức Huỳnh Giáo Chủ, hầu thoát ly mọi đau khổ kiếp trần ai.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Nhờ có sâu duyên cùng Đức Huỳnh Giáo Chủ nên gặp được Chánh Pháp, hầu tinh tấn tu hành cho đến ngày chứng đắc.

Bài thứ năm mươi hai

 

TỎ CÂU HUYỀN BÍ (tt)

 

                   Canh tràng dạ đoản, đoản canh sơ,

                   Ngã thứ trung sanh trực thế chờ.

                   Ngỡi khí yêng hùng ghi đởm lược,

                   Hà giang lương thố vẽ Thiên cơ.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-CANH TRÀNG: Canh: Thời gian của một phần năm đêm (Mỗi canh là hai giờ). Tràng: Dài. Nghĩa rộng: Đêm dài.

          DẠ ĐOẢN: Dạ: Ban đêm. Đoản: Ngắn. Nghĩa rộng: Đêm ngắn.

          ĐOẢN CANH SƠ: Thời gian ngắn. : Đầu. Nghĩa rộng: Đầu canh.

          *Tóm lược ý câu “Canh tràng dạ đoản, đoản canh sơ”: Trăn trở thức suốt thâu canh.

          2/-NGÃ THỨ: Ngã: Ta, tiếng tự xưng. Thứ: Dân chúng. Nghĩa rộng: Giữa mình và người khác.

          TRUNG SANH: Sanh ra đời giữa lúc, nhằm lúc…

          TRỰC: Thẳng.

          THẾ CHỜ: Thế: Đời. Chờ: Đợi để gặp mặt.

          *Tóm lược ý câu “Ngã thứ trung thông trực thế chờ”: Đức Huỳnh Giáo Chủ và chúng sanh hiện giờ còn phải chờ cơ Thiên định.

          3/-NGỠI KHÍ: Ngỡi: Còn gọi là Nghĩa: Việc họp với lẽ phải. Khí: Tinh thần phát lộ ra ngoài. Nghĩa rộng: Chí khí anh hùng được thể hiện bằng hành động.

          YÊNG HÙNG: Yêng: Còn gọi là Anh: Cái gì đẹp nhứt trong loài hoa cỏ. Hùng: Con vật xuất sắc nhứt trong các loài thú. Nghĩa bóng: Những kẻ xuất sắc nhất, hơn người về mọi phương diện.

          GHI: Đánh dấu, biên vào cho nhớ.

          ĐẢM LIỆT: Can đảm, cứng rắn, ngay thẳng. Không a dua nịnh bợ.

          *Tóm lược ý câu “Ngỡi khí yêng hùng ghi đảm liệt”: Người anh hùng luôn có nghĩa khí và tiết tháo.

          4/-HÀ GIANG: : Từ dùng để hỏi: Đâu, nào. Giang: Sông. Nghĩa rộng: Con sông nào ?

            LƯƠNG THỐ: Lương: Tốt lành. Thố: Con thỏ, ám chỉ mặt trăng.

          VẼ: Dùng bút mà chấm nên hình. Nghĩa bóng: Lời văn.

          THIÊN CƠ: Thiên: Trời. : Máy móc. Trời sắp đặt mọi việc như có guồng máy vận hành bí mật, người ta không thể hiểu được những gì xảy ra.

          *Tóm lược ý câu “Hà giang lương thố vẽ Thiên cơ”: Không thể hiểu được sự vận hành của tạo hóa.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Con sông nào có trăng đẹp của đất trời, mà ta đang chờ đợi, và đã từng gây nên sóng gió ?

 

Bài thứ năm mươi ba

 

TỎ CÂU HUYỀN BÍ (tt)

 

                   Khởi điệu tầm vương Phật cổ hồi,

                   Vạn năng sĩ tử hiệp hòa ngôi.

                   Tam thanh truyện tích ghi biên tự,

                   Khán giả tận tường liệt võng khôi.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-KHỞI ĐIỆU: Khởi: Còn đọc là Khỉ: Bắt đầu, nổi lên. Điệu: Qui luật của âm nhạc, đem chỗ nầy qua chỗ khác. Nghĩa rộng: Bắt đầu một sự việc hay sự kiện nào đó rất quan trọng.

          TẦM VƯƠNG: Tầm: Tìm. Vương: Vua. Nghĩa rộng: Chờ đợi Minh chủ.

          PHẬT: Bậc đã hoàn toàn giác ngộ. Do câu: “Phật dã Phật Đà chi tỉnh xưng, thị giác ngộ tự tâm đạt đáo viên mãn, giả chi đức hiệu” (Chữ Phật nói cho đủ là Phật Đà, bậc đã hoàn toàn giác ngộ tự tâm, đó là danh hiệu của Ngài).

          CỔ HỒI: Cổ: Xưa. Hồi: Về, trở lại. Trước kia nay đã trở lại.

          *Tóm lược ý câu “Khởi điệu tầm vương Phật cổ hồi”: Đang trông đợi Phật Vương khai đời Thượng Nguơn.

          2/-VẠN NĂNG: Vạn: Một muôn, mười ngàn. Từ dùng để chỉ con số nhiều. Năng: Tài năng, giỏi. Nghĩa rộng: Có nhiều tài năng hơn người, không ai sánh kịp.

          SĨ TỬ: : Học trò. Tử: Người. Người học trò. Nghĩa bóng: Ý nói đến những người có tài năng, đức độ hơn người.

          HIỆP: Cùng nhau.

HÒA NGÔI: Hòa: Thuận thảo. Ngôi: Thứ bậc. Nghĩa rộng: Không phân chia giai cấp.

*Tóm lược ý câu “Vạn năng sĩ tử hiệp hòa ngôi”: Đời Thượng Nguơn không phân chia giai cấp, ngôi vị tùy theo công phu tu tập mà có.

3/-TAM THANH: Tam: Ba. Thanh: Tiếng động. Nghĩa bóng: Ý chỉ ba tiếng sấm nổ.

TRUYỆN TÍCH: Truyện: Ghi chép lại. Tích: Xưa lâu. Nghĩa rộng: Ghi chép những điều đã qua.

GHI: Đánh dấu, chép vào.

BIÊN TỰ: Biên: Ghi chép. Tự: Chữ. Nghĩa rộng: Dùng chữ để ghi lại những gì cần thiết.

*Tóm lược ý câu “Tam thanh truyện tích ghi biên tự”: Sau nầy đến ngày chấm dứt Hạ nguơn, để lập lại Thượng Nguơn, sẽ có những hiện tượng xảy ra trong Trời đất, chẳng hạn như ba tiếng sấm nổ. “Sấm vang thì lộ bảng vàng” (ĐHGC).

4/-KHÁN GIẢ: Khán: Xem. Giả: Đại từ thay thế người hoặc vật. Người đi xem biểu diễn. Người đi nghe diễn thuyết.

TẬN TƯỜNG: Tận: Hết sức. Tường: Rõ ràng đến nơi, đến chốn. Nghĩa rộng: Hiểu thật chính xác, tường tận.

LIỆT: Bày ra.

VÕNG KHÔI: Võng: Cái lưới. Khôi: To lớn. Ví dụ như chữ “Khôi khôi”: Lồng lộng. “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọi một ai).

*Tóm lược ý câu “Khán giả tận tường liệt võng khôi”: Người ta không ai có thể sống ngoài luật chi phối của tạo hóa. Ý nói luật Nhân quả rất công bằng, không hề thiên vị một ai. Có vay thì có trả. “Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy” (ĐHGC).

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đến ngày khai lập Thượng Nguơn, có Phật Vương trị vì để công bình thưởng phạt. Luật nhân quả thật công minh, không hề thiên vị một ai.

 

Bài thứ năm mươi bốn

 

TỎ CÂU HUYỀN BÍ (tt)

 

                   Canh niên viễn lự tối thi thần,

                   Kê thủ nhứt tràng vạn địch nhân.

                   Nam thức quân thần cuồng Lão sĩ,

                   Châu nhi phục thỉ cổ đồng lân.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-CANH NIÊN: Canh: Chữ thứ 7 trong thập can. Niên: Năm, tuổi tác. Nghĩa rộng: Thời gian tính bằng con số.

          VIỄN LỰ: Viễn: Xa. Lự: Lo lắng. Nghĩa rộng: Lo xa.

          TỐI: Rất, nhiều.

          THI THẦN: Thi: Thơ, bài vận văn hay lời lẽ. Thần: Một đấng thiêng liêng (Nói về phần tinh thần). Nghĩa rộng: Bài thơ của đấng thiêng liêng hay bài thơ nói về tinh thần linh ứng.

          *Tóm lược ý câu “Canh niên viễn lự tối thi thần”: Bài thơ nói về máy trời, rất sâu xa mầu nhiệm.

          2/-KÊ THỦ: : Tra cứu, nghiên cứu. Ngoài ra còn có nghĩa: Cúi lạy cung kính. Thủ: Đầu. Nghĩa rộng: Cúi đầu sát đất để lạy.

          NHỨT TRÀNG: Nhứt: Một, đồng loại. Tràng: Một việc gì sau khi xong xuôi. Nghĩa bóng: Sự việc đã quyết định.

          VẠN ĐỊCH NHÂN: Vạn: Một muôn, mười ngàn. Từ dùng để chỉ con số nhiều. Địch: Chống đối. Nhân: Người. Nghĩa rộng: Người có sức mạnh phi thường. Nghĩa bóng: Nhiều người không chấp hành.

          *Tóm lược ý câu “Kê thủ nhứt tràng vạn địch nhân”: Mặc dù có nhiều người chống đối, nhưng sau cùng họ cũng phải cúi đầu thần phục.

          3/-NAM THỨC: Nam: Người đàn ông, đứa con trai. Thức: Biết. Nghĩa rộng: Người trí thức biết thời thế để hành xử.

          QUÂN THẦN: Quân: Ông vua. Thần: Tôi. Vua và tôi thần.

          CUỒNG: Người mất trí.

          LÃO SĨ: Lão: Ông già. : Từ chỉ người có học thức. Nghĩa rộng: Ông già có học thức.

          CUỒNG LÃO SĨ: Ông già mất trí. Hiểu theo quan điểm Phật Giáo Hòa Hảo: Đây là một danh xưng của Đức Huỳnh Giáo Chủ, một lối xưng danh khiêm nhượng. Nhưng Ngài cũng xác nhận: “Ta Khùng mà chẳng có cơn” hoặc “Khùng toán biết âm dương kết liễu, Khùng huyền cơ Khùng đạo Thích Ca”.

          *Tóm luợc ý câu “Nam thức quân thần cuồng Lão sĩ”: Một lối xưng danh khiêm nhượng của Đức Huỳnh Giáo Chủ, nhận mình là Cuồng Lão sĩ.

          4/-CHÂU NHI PHỤC THỈ: Châu: Trọn vẹn. Nhi: Mà. Phục: Lại. Thỉ: Đầu. Cứ hết một vòng thì trở lại ban đầu. Nghĩa bóng: Sự vận hành của Tạo hóa. Hết suy tới thạnh và trái lại.

          CỔ: Xưa.

          ĐỒNG LÂN: Đồng: Cùng chung, bằng nhau. Lân: Bên cạnh. Nghĩa rộng: Gần bên cạnh nhau.

          *Tóm lược ý câu “Châu nhi phục thỉ cổ đồng lân”: Trong lý Tam nguơn, hết Hạ nguơn sẽ trở lại Thượng nguơn, mọi người sẽ sống trong hòa bình, hạnh phúc.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Những lời thơ rất sâu xa mầu nhiệm, nói về đời Thượng nguơn Thánh đức. Những người chống đối cũng phải phục tòng, còn hiền đức thì được hạnh phúc.

 

Bài thứ năm mươi lăm

 

TỎ CÂU HUYỀN BÍ (tt)

 

                   Bửu kiến trừng tâm dụng thể tiên,

                   Sơn sanh giả kế chưởng quyền Thiên.

                   Kỳ thâm hạ giái ly đài nguyệt,

                   Hương vị trầm thinh bí kỷ niên.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-BỬU KIẾN: Bửu: Vật quí báu. Kiến: Thấy, gặp gỡ. Nghĩa rộng: Thấy được vật quí báu.

          TRỪNG TÂM: Trừng: Răn đe. Tâm: Lòng. Nghĩa rộng: Gìn giữ tấm lòng trong sạch, không để vương theo thất tình lục dục.

          DỤNG THỂ TIÊN: Dụng: Dùng. Thể: Lối. Tiên: Trước hết. Nghĩa rộng: Việc cần làm trước hết.

          *Tóm lược ý câu “Bửu kiến trừng tâm dụng thể tiên”: Trước hết phải giữ lòng cho được sạch trong, đừng để vương theo lục dục thất tình.

          2/-SƠN SANH: Sơn: Núi. Sanh: Ra đời, đời sống. Nghĩa rộng: Vị trí, nơi phát sinh trái núi.

          GIẢ KẾ: Giả: Chỉ về người. Kế: Nối tiếp.

          CHƯỞNG: Trông coi, lòng bàn tay.

          QUYỀN THIÊN: Quyền: Như từ Quyền biến: Gặp phải sự cố, tùy lúc mà hành động, nhưng phải hợp với đạo lý. Thiên: Trời. Nghĩa rộng: Chịu mệnh trời.

          *Tóm lược ý câu “Sơn sanh giả kế chưởng quyền Thiên”: Đức Huỳnh Giáo Chủ chịu mệnh Trời (Ý nói Đức Ngọc Đế) ra đời khai đạo.

          3/-KỲ THÂM: Kỳ: Lạ lùng. Thâm: Sâu xa, huyền bí. Nghĩa rộng: Hết sức sâu xa huyền diệu.

          HẠ GIÁI: Hạ: Dưới. Giái: Vùng, cõi. Nơi người trần đang sinh sống. Nghĩa rộng: Xuống trần, lâm phàm.

          LY: Lìa, xa cách.

          ĐÀI  NGUYỆT: Đài: Một kiến trúc trên cao, có thể nhìn thấy bốn phương. Nguyệt: Hình mặt trăng. Nghĩa rộng: Nơi các Tiên ở.

          *Tóm lược ý câu “Kỳ thâm hạ giái ly đài nguyệt”: Sứ mạng lâm phàm của Đức Huỳnh Giáo Chủ rất sâu xa huyền bí, khó mà hiểu cho thấu đáo.

          4/-HƯƠNG VỊ: Hương: Mùi thơm. Vị: Mùi. Mùi thơm tho. Nghĩa bóng: Đạo lý cao sâu, mầu nhiệm vô cùng.

          TRẦM THINH: Trầm: Ẩn giấu. Thinh: Tiếng. Nghĩa rộng: Giấu tiếng.

          : Kín đáo, không lộ ra, không thể lường được.

          KỶ NIÊN: Kỷ: Mấy. Niên: Năm. Mấy năm. Nghĩa rộng: Nhiều năm.

          *Tóm lược ý câu “Hương vị trầm thinh bí kỷ niên”: Đức Huỳnh Giáo Chủ kế thừa tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương đã mấy thập niên vừa qua.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ kế thừa Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương đã mấy thập niên qua. Ngài có sứ mạng lập Hội Long Hoa, chọn người hiền để phò chơn chúa.

 

Bài thứ năm mươi sáu

 

DIỆT TIỀN KHIÊN

 

                   Bồng Lai như khứ khổ nan truyền,

                   Cảm tác quyền hồ tố thiện duyên.

                   Quốc thủy đài chương trung liệt cổ,

                   Trần gian ngã đáo diệt tiền khiên.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          DIỆT: Làm cho nó mất đi.

          TIỀN KHIÊN: Tiền: Trước. Khiên: Lỗi lầm. Những lỗi lầm trước kia đã gây ra.

          1/-BỒNG LAI: Còn gọi Bồng Hồ, tên hòn đảo Tiên ở trong biển. Cùng với Phương Trượng (Phương Hồ) và Doanh Châu (Doanh Hồ) là hòn đảo Tiên. Ba hòn nầy hình giống bầu rượu (Hồ: Bầu rượu). Nghĩa rộng: Nơi Tiên ở.

          NHƯ KHỨ: Như: Giống như, đi đến một nơi nào. Khứ: Những gì đã qua. Nghĩa rộng: Việc xưa, chuyện đã qua.

          KHỔ: Chịu khó nhọc, lo lắng.

          NAN TRUYỀN: Nan: Khó khăn. Truyền: lưu lại. Người nầy trao cho người khác. Nghĩa rộng: Khó gìn giữ để lưu lại.

          *Tóm lược ý câu “Bồng lai như khứ khổ nan truyền”: Nói đến cõi Tiên người ta khó tin, vì đó là chuyện xa xưa.

          2/-CẢM TÁC: Cảm: Xúc động. Tác: Làm, viết. Nghĩa rộng: Do ngoại cảnh tác động mà viết ra.

          QUYỀN HỒ: Quyền: như quyền biến, hành động dùng lúc gặp sự cố, nhưng phải hợp lẽ phải. Hồ: Sao ?

          TỐ: Vốn sẵn.

          THIỆN DUYÊN: Thiện: Lành. Duyên: Mối liên lạc từ kiếp trước, lưu lại kiếp sau. Nghĩa rộng: Sự may mắn, duyên lành.

          *Tóm lược ý câu “Cảm tác quyền hồ tố thiện duyên”: Vì xúc động nên mới sáng tác. Cũng như có duyên làn nên được hiểu biết, gặp gỡ.

          3/-QUỐC THỦY: Quốc: Nước. Thủy: Ở đây còn có nghĩa là Thổ: Đất. Nghĩa rộng: Đất nước.

          ĐÀI CHƯƠNG: Hay là Chương Đài, tên một con đường ở Trường An bên Trung Hoa. Đời Đường, Hàng Hoành lấy một người kỷ nữ tên Liễu ở Chương đài. Hàng Hoành làm quan xa, Liễu ở nhà bị tướng Phiên cướp đi. Ba năm sau Hàng Hoành và Liễu mới được đoàn tụ. Lúc xa cách, Hoành gởi cho Liễu một bức thơ, trong ấy có những câu: “Chương đài liễu tích nhật thanh thanh kim tại phủ ? Giả ưng phan chiết tha nhơn thủ” (Liễu chương đài ngày xưa xanh xanh nay còn chăng ? Hay tay người khác đã bẻ mất rồi). Dùng để tỏ sự lưu luyến, mà cũng có  ý thầm trách móc.

Khi về hỏi liễu chương đài,

           Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay (Kiều).

          TRUNG LIỆT: Trung: Hết lòng với vua, với nước. Liệt: Ngay thẳng. Nghĩa rộng: Một mực trung quân ái quốc.

          CỔ: Xưa, lâu.

          *Tóm lược ý câu “Quốc thủy đài chương trung liệt cổ”: Ân quốc vương thủy thổ, từ xưa tới nay có bao người lo cho trọn vẹn.

          4/-TRẦN GIAN: Trần: Bụi bặm, cõi đời chúng ta đang ở. Gian: Khoảng giữa. Nghĩa rộng: Cõi chúng sanh đang sống.

          NGÃ ĐÁO: Ngã: Ta, tiếng tự xưng. Đáo: Đến. Nghĩa rộng: Ta đã có mặt.

          DIỆT: Làm cho mất hết.

          TIỀN KHIÊN: Tiền: Trước. Khiên: Lỗi lầm. Nghĩa rộng: Những lỗi lầm mà trước kia đã gây nên, kết thành.

          *Tóm lược ý câu “Trần gian ngã đáo diệt tiền khiên”: Đức Huỳnh Giáo Chủ lâm phàm để dìu dắt chúng sanh vào con đường chân chính, lìa bỏ những tội lỗi xấu xa.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Trung quân ái quốc là nền tảng của đạo nhân luân. Nếu xuất xử trọn vẹn sẽ được sống đời Thượng Nguơn, thoát ra khỏi nghiệp chướng trần gian.

 

Bài thứ năm mươi bảy

 

DIỆT TIỀN KHIÊN (tt)

 

                   Vạn lý trường đồ mộ nhứt sơn,

                   Danh Tiên liễu bá định hồi yên.

                   Vị phi lai tục đa ưu lự,

                   Sơn hải điền viên tất tảo nan.

          Hòa Hảo, tháng giêng, năm Canh thìn (1940)

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

1/- VẠN LÝ: Vạn: Một muôn, mười ngàn. Từ dùng để chỉ con số nhiều.: Một dặm đường. Nghĩa rộng: Đường dài. (Tính theo Anh quốc: 1 dặm là 1609 thước – mille – Anglais. Tính theo Pháp quốc: 1 dặm là 1852 thước – Mille marin - Francais).

TRƯỜNG ĐỒ: Trường: Dài. Đồ: Đường. Con đường dài.

MỘ: Mến.

NHỨT SƠN: Nhứt: Cùng nhau. Ví dụ: Nhứt tâm: Đồng lòng với nhau hay một lòng một dạ. Sơn: Núi (Ám chỉ Thất sơn).

*Tóm lược ý câu “Vạn lý trường đồ mộ nhứt sơn”: Con đường đi đến đời Thượng Nguơn rất dài.

2/-DANH TIÊN: Danh: Tên. Tiên: Người tu trên núi, có phép thuật, cốt tu cho được trường sanh bất lão. Nghĩa rộng: Tên một vị Tiên đã đắc đạo.

LIỄU BÁ: Liễu: Xong, đã. : Người lớn nhứt trong các chư hầu, hoặc một trong năm tước ngày xưa vua ban: Công, Hầu, Bá, Tử và Nam. Nghĩa rộng: Đã có tên tuổi, ngôi vị từ lâu.

ĐỊNH: An ninh, trật tự.

HỒI YÊN: Hồi: Quay trở lại. Yên: An ổn. Nghĩa rộng: Trở lại như xưa, lúc nào cũng bình an vô sự.

*Tóm lược ý câu “Danh tiên liễu bá định hồi yên”: Tên của ông Tiên ấy đã có ngôi vị.

3/-VỊ PHI: Vị: Vì. Phi: Không đúng, chẳng phải. Nghĩa rộng: Không phải như vậy hay chẳng phải như vậy.

LAI TỤC: Lai: Trở lại. Tục: Cõi chúng ta đang ở. Nghĩa rộng: Sống tại thế gian hay lâm phàm, xuống thế.

ĐA: Nhiều.

ƯU LỰ: Lo nghĩ.

*Tóm lược ý câu “Vị phi lai tục đa ưu lự”: Vì ở tại cõi thế gian, nên còn nhiều điều lo nghĩ.

4/-SƠN HẢI: Sơn: Núi. Hải: Biển. Núi và biển.

ĐIỀN VIÊN: Điền: Ruộng. Viên: Vườn. Ruộng vườn.

TẤT TẢO NAN: Khó tồn tại được.

*Tóm lược ý câu “Sơn hải điền viên tất tảo nan”: Cảnh vật như núi, biển, ruộng và vườn không thể tồn tại.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Con đường tiến đến Thượng Nguơn thời đại rất dài và khó khăn. Nay đã có vị Tiên đắc đạo lâm phàm, nhắc nhở cho mọi người biết, cảnh sắc cõi thế gian không thể tồn tại.

Bài thứ năm mươi tám

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC

 

Để chơn đất Bắc Thầy trò,

Dân còn quê kịch hát hò nghêu ngao.

Xóm làng Đồng Thạnh xôn xao,

Cùng nhau bàn tán khác nào trong Nam.

Chúng dân tựu ngũ tùng tam,

Kẻ ma người mị kẻ ham người cười.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          ĐẤT BẮC: Còn gọi Bắc Bộ, Bắc Phần hay Bắc Kỳ. Nước Việt Nam trước kia chia làm ba miền: Bắc Phần, Trung Phần và Nam Phần. Còn gọi là ba Kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Đây là sự phân chia của người Pháp. Đất Bắc: Tức là Miền Bắc nước Việt Nam.

          THẦY TRÒ: Nghĩa của chữ Sư đồ. Đức Huỳnh Giáo Chủ và đệ tử của Ngài. “Thầy là Huệ Lựu tớ là Huệ Tâm” (ĐHGC).

          DÂN: Từ chỉ chung cho mọi người cùng sống trong quả địa cầu.

          QUÊ KỊCH: Quê: Mộc mạc, chất phác. Kịch: Như chữ kệch: Thô. Nghĩa rộng: Người dân còn mộc mạc, kém mở mang dân trí.

          HÁT HÒ: Một điệu hát bình dân, có âm tiết đơn giản đều đều, hoặc là theo điệu hát khi chèo đò.

          NGHÊU NGAO: Vơ vẩn, không chủ đích nhất định. Ví dụ: Nghêu ngao suốt ngày.

          XÓM LÀNG: Như từ Ấp, Xã bây giờ.

          ĐỒNG THẠNH: Một địa danh ở miền Bắc. Ngày xưa là Làng Đồng Thạnh, nay là Xã Đồng Thành (Bắc Giang).

          XÔN XAO: Rộn rịp, ồn ào. “Xôn xao oanh yến, dập dìu trúc mai” (Kiều).

          BÀN TÁN: Bàn ra tán vô. Bày tỏ ý kiến dông dài.

          TRONG NAM: Tức miền Nam, Việt Nam.

          CHÚNG DÂN: Chúng: Nhiều người. Dân: Người dân. Nghĩa rộng: Nhiều người dân cùng sinh sống trong một quốc gia hay thế giới.

          TỰU NGŨ: Họp năm.

          TÙNG TAM: Kéo ba.

          TỰU NGŨ TÙNG TAM: Chia thành từng nhóm.

          KẺ MA, NGƯỜI MỊ: Kẻ thì khôn lanh, xảo quyệt. Người thì nịnh hót tâng bốc.

          KẺ HAM, NGƯỜI CƯỜI: Kẻ thì tham lam, người thì chê bai khinh dễ.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ ra Bắc. Xứ nầy ngày xưa dân trí còn thấp, dân chúng mộc mạc chất phác.

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

Làng nầy đông đúc nhiều người,

Dân tình cũng được đôi mươi tu hành.

Nhiều người già cả lòng lành,

Có nhiều kỳ lão biết rành tích xưa.

Tới đâu cũng ít người ưa,

Nằm lăn ca hát sớm trưa dỗ dành.

Trưng bày tích cũ đành rành,

Thiên cơ đạo đức tu hành phận tôi.

Dân quê nghe nói hỡi ôi !

Hung đồ cường nghịch một hồi cười reo.

Dâu đây mà có hùm beo,

Khéo bày bá láp nghe theo làm gì.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          ĐÔNG ĐÚC: Nhiều người ở.

          DÂN TÌNH: Tình cảnh của người dân hay tình cảm của người dân.

          ĐÔI MƯƠI: Hai mươi. Con số ít.

          TU HÀNH: Tu: Sửa đổi, chỉnh đốn lại cho được hoàn hảo, tốt đẹp. Hành: Làm theo. Nghĩa rộng: Theo một Giáo Lý của Tôn giáo mà mình đã qui y, để trở nên người lương thiện.

          GIÀ CẢ: Nghĩa của chữ Niên Lão hay Lão trượng. Nghĩa rộng: Người có tuổi tác.

          LÒNG LÀNH: Nghĩa của chữ Thiện tâm.

          KỲ LÃO: Người già cả, có tuổi tác và đức độ, tiếng tăm địa vị trong xã hội.

          TÍCH XƯA: Tích: Sự tích xảy ra đã lâu, chuyện trước kia. Xưa: Thời đã qua. Những câu chuyện đã xảy ra trước đó.

          CA HÁT: Hát theo nhịp điệu. Tùy theo nội dung mà ra bộ cho ăn nhịp.

          SỚM TRƯA: Suốt buổi.

          DỖ DÀNH: Vỗ về và dành riêng ra để cho ai. Vỗ về an ủi một người nào.

          TRƯNG BÀY: Trưng: Chứng cớ. Bày: Phô trương, sắp đặt. Nghĩa rộng: Có bằng chứng rõ ràng.

          TÍCH CŨ: Như chữ tích xưa.

          ĐÀNH RÀNH: Rõ ràng, minh bạch.

          THIÊN CƠ: Thiên: Trời. : Máy móc. Trời sắp đặt mọi việc như có cả một guồng máy vận hành bí mật, mọi người không thể biết được những gì xảy ra.

          ĐẠO ĐỨC: Đạo: Con đường hợp với lẽ phải, bổn phận phải đền đáp. Đức: Tâm lành. Nghĩa rộng: Việc làm tốt đẹp hay con đường của tâm lành.

          HỠI ÔI: Như tiếng Than ôi ! Lời than vãn.

          HUNG ĐỒ: Hung: Ác độc. Đồ: Bọn. Bọn hung tàn, bạo ác.

          CƯỜNG NGHỊCH: Cường: Mạnh mẽ. Nghịch: Trái ngược. Nghĩa rộng: Ỷ sức mạnh hiếp yếu.

          HÙM BEO: Hai loại thú dữ, ăn thịt người.

          BÁ LÁP: Như chữ Ba láp: Bậy bạ, không đáng kể, không ăn nhập vào đâu.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đến làng Đồng Thạnh (Bắc Bộ), nơi đây dân chúng chưa mở mang dân trí, tánh tình chất phác.

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

Thấy trong lê thứ cũng kỳ,

Đi đâu cũng bị dân tì ghét vơ.

Ngày đầu nhiều kẻ còn mơ,

Trị chơi ít bịnh ngẩn ngơ xóm riềng.

Cũng không thèm trọng bạc tiền,

Quyết lòng tìm kiếm người hiền mà thôi.

Bắc Kỳ dân ít mép môi,(1)

Cũng còn cúng kiếng chè xôi ê hề.

Thương dân nên chịu nặng nề,

Lời ăn tiếng nói nhiều bề thấp cao.

Tớ Thầy nào nệ cần lao,

Thương dân dạy dỗ xiết bao nhọc nhằn.

 

(1)    Có bản chép: “Bắc Kỳ dân lắm mép môi”.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          LÊ THỨ: : Dân đen. Dân chúng đông đúc, mọi người dân đều đầu đen máu đỏ. Thứ: Dân chúng. Nghĩa rộng: Mọi người cùng sống trong quả địa cầu.

          GHÉT VƠ: Không ưa, cố ý xua đuổi.

          CÒN MƠ: Hiểu một cách mập mờ. Nửa tin nửa ngờ.

          TRỊ CHƠI ÍT BỊNH: Chữa trị cho vài bệnh nhân mắc chứng nan y, lành bệnh mà không lấy tiền.

          NGẨN NGƠ: Ngạc nhiên, ngơ ngác. Như chuyện không có thật, mà có thật xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều người.

          XÓM RIỀNG: Như chữ xóm giềng: Xóm: Một phần của làng (cũng như hiện giờ là ấp). Giềng: Lân cận. Những người sống gần nhau. Ngoài ra từ Xóm giềng cũng như Láng diềng: Những người sống chung quanh mình. “Bà con xa không bằng láng diềng gần” (Tục ngữ).

          NGƯỜI HIỀN: Người có tài đức và phẩm hạnh. Không còn ham muốn của thế gian. “Cư trần bất nhiễm là người Thánh, Lẫn tục đừng mê chứng bậc Hiền”( ĐHGC).

          BẮC KỲ: (Xem Đất Bắc).

          DÂN: Người dân. Nói chung những người sống trong trái đất.

          ÍT MÉP MÔI: Ít: Không nhiều. Mép môi: Đầu môi chót lưỡi, tìm đủ cách nói để cho người ta tin mà nghe theo. Nghĩa rộng: Ít gian ngoa, xảo quyệt.

          CÚNG KIẾNG: Cúng: Dâng lên để thờ phụng. Kiếng: Dâng lên. Cúng lễ chánh thức, cùng các mâm dâng lên các bậc khác đáng được hưởng gọi là Kiếng.

          CHÈ XÔI: Hai thứ đều làm bằng nếp. Chè: Nếp xay thành bột trộn đường, vò viên tròn, nhân bằng đậu xanh ướp nước dừa nấu chín. Xôi: Nếp hấp chín. Theo các lễ cúng trong dân gian vào những ngày “Sóc vọng” đều có chè xôi.

          Ê HỀ: Tràn trề, thừa thải.

          NẶNG NỀ: Bị sức ép đè nén cả hai mặt, vật chất lẫn tinh thần.

          LỜI ĂN TIẾNG NÓI: Những lời gièm pha, những câu bóng gió chỉ trích.

          THẤP CAO: Thấp: Kém, thiếu trí. Cao: Hơn người. Nghĩa bóng: Nói những lời ỷ ngôn, thiếu văn hóa.

          CẦN LAO: Siêng năng; khó nhọc.

          DẠY DỖ: Chỉ dạy và khuyến khích động viên.

          NHỌC NHẰN: Mệt mỏi kéo dài.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Người ta chưa tin tưởng, nên Đức Huỳnh Giáo Chủ phải dùng huyền diệu của Tiên gia chữa lành bệnh để gây sự chú ý của dân chúng. Ngài cũng cho biết dân quê còn mê tín dị đoan, tin theo những tục lệ lỗi thời.

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

Ngũ luân lễ nghĩa năm hằng,

Tam cang trung trực người rằng ngu si.

Viết ra mới bốn bài thi,

Đặng cho trần thế biết thì Thần Tiên.

Cũng xưng rằng hiệu Khùng Điên,

Nhắc ta nhiều khúc Rồng Tiên Hồng Bàng.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          NGŨ LUÂN: Ngũ: Năm. Luân: Đạo thường ở đời, lẽ đương nhiên ở đời. Mạnh Tử: “Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu tín” (Cha con có tình thân, Vua tôi có nghĩa, vợ chồng có phân biệt, anh em có trật tự, bằng hữu lấy đức tin làm trọng). Nghĩa rộng: Đạo nhân mà con người phải xuất xử.

          LỄ NGHĨA: Lễ: Cử chỉ bày tỏ lòng kính trọng. Nghĩa: Việc làm đúng theo lẽ phải. Nghĩa rộng: Phép tắc hợp với lẽ phải của xã hội, mọi người phải tuân theo.

          NĂM HẰNG: Còn gọi Ngũ thường: Năm việc làm hằng ngày đối với mọi người: Nhơn, nghĩa, lễ, trí và tín.

          TAM CANG: Còn gọi Tam cương. Ba giềng mối: Quân thần cang, Phụ tử cang và Phu thê cang. Nghĩa rộng: Ba mối quan hệ trong đạo làm người: Vua tôi, Cha con và Chồng vợ.

          TRUNG TRỰC: Trung: Hết lòng với vua. Trực: Ngay thẳng. Nghĩa rộng: Ngay thẳng một lòng một dạ.

          NGU SI: Khờ khạo, mê muội. Không biết phân biệt phải trái.

          BỐN BÀI THI: Bốn bài vận văn, Đức Huỳnh Giáo Chủ viết theo thể “Thất ngôn tứ tuyệt” trong bài Để chơn đất Bắc. Mở đầu câu thứ nhứt:

          Nam thiền vô ngại đại Hoành sơn”…

          Và câu thứ mười sáu:

          Qui hồi quốc thủy tiện phương hoa”.

          TRẦN THẾ: Trần: Bụi bặm. Thế: Đời. Cõi đời đầy bụi bặm nhớp nhơ. Nghĩa rộng: Cõi chúng ta đang ở.

          THẦN TIÊN: Thần: Trời đất sinh ra vạn vật. Vật đều có chủ với tính cách thiêng liêng gọi là Thần. Tiên: Người tu trên núi, có phép thuật. Cốt tu cho đặng trường sanh bất lão. Theo Phật Giáo: Bậc đã chứng đắc quả Tiên là thoát khỏi vòng sanh tử.

          KHÙNG ĐIÊN: Một danh xưng khiêm nhượng của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

          NHIỀU KHÚC: Nghĩa bóng: Nhiều sự kiện, lịch sử. Hay nhiều giai đoạn sự kiện, lịch sử.

          RỒNG TIÊN HỒNG BÀNG: Rồng Tiên: Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sanh ra cái bọc, nở một trăm người con. Năm mươi người theo cha xuống biển (Gọi là Rồng). Năm mươi người theo mẹ lên non (Gọi là Tiên). Do đó mới gọi là Rồng Tiên. Hồng Bàng: Sanh ra Lạc Long Quân, vị vua đầu tiên của nước Việt Nam (Ngày xưa gọi là Văn Lang). Hồng Bàng chính là Thỉ Tổ của dân tộc Việt, gọi chung Hồng Bàng và Lạc Long Quân là “Hồng Lạc”, tức Tổ Tiên của người Việt.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ nhắc nhở mọi người về nguồn gốc Tổ Tiên của dân tộc Việt Nam. Chính là con Rồng cháu Tiên.

Bài thứ năm mươi chín

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Nam thiền vô ngại đại Hoành sơn,

                   Nhiên khước hành vi kỷ khách hườn.

                   Tân tạo huyền sanh hồi châu ngọc,

                   Hữu nhựt Tiên Thần hiệp luyện đơn.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-NAM THIỀN: Nam: Phương Nam. Thiền: Một trong mười Tông của Phật Giáo. Nghĩa rộng: Phật Giáo đã du nhập vào miền Nam Việt Nam.

          VÔ NGẠI: : Không. Ngại: Ngăn trở. Không có gì ngăn cách. Nghĩa rộng: Như từ Phật trí: Gọi là Vô ngại trí (Trí huệ của Phật thông suốt, không có gì ngăn trở được).

          ĐẠI: To lớn.

          HOÀNH SƠN: Tên một dãy núi ở giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, có một cửa ải gọi là Hoành Sơn Quan. Nguyễn Hoàng nhờ chị ruột là Nguyễn thị Ngọc Bảo, giúp lời với Trịnh Kiểm cho vào trấn đất Thuận Hóa, được Trịnh Kiểm chấp thuận, Nguyễn Hoàng cho người ra tận Hải Dương, nơi Bạch Vân Am xin ý kiến của cụ Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Cụ không trả lời dứt khoát, nhân đang đứng ngắm đàn kiến đang bò quanh hòn non bộ, cụ lấy tay chỉ vào hòn giả sơn mà nói: “Hoành sơn nhứt đái vạn đại dung thân” (Dãy núi Hoành Sơn có thể dùng làm nơi yên thân đến muôn đời). Đúng như lời tiên tri ấy, Nguyễn Hoàng nhờ đó mà dựng nghiệp lâu dài cho dòng dõi nhà Nguyễn sau nầy.

          *Tóm lược ý câu “Nam thiền vô ngại đại Hoành sơn”: Đạo của ta (ám chỉ Đạo Phật), không như ngọn Hoành Sơn làm cản trở bước đi của nhiều người.

          2/-NHIÊN KHƯỚC: Nhiên: Như, nhưng mà, vậy thì…Khước: Không nhận. Nghĩa rộng: Xác định không nhìn nhận.

          HÀNH VI: Việc làm của một người nào.

          KỶ: Mấy.

          KHÁCH HUỜN: Khách: Người khách, người từ phương xa đến. Huờn: Trở lại. Nghĩa rộng: Người từ xa đến địa phương của mình. Hoặc người không phải ở tại địa phương.

          *Tóm lược ý câu “Nhiên khước hành vi kỷ khách huờn”: Nhưng mà có bao nhiêu người đi đến đó, rồi thụt lùi trở lại.

          3/-TÂN TẠO: Tân: Mới. Tạo: Làm nên, lập ra. Nghĩa rộng: Mới xây dựng, mới làm nên.

          HUYỀN SANH: Huyền: Sâu xa, kín đáo. Sanh: Ra đời. Nghĩa rộng: Sự ra đời một cách khác thường.

          HỒI: Quay trở lại.

          CHÂU NGỌC: Châu: Hạt trai. Ngọc: Viên ngọc. Nghĩa rộng: Những vật, thứ quí giá.

          *Tóm lược ý câu “Tân tạo huyền sanh hồi châu ngọc”: Đức Huỳnh Giáo Chủ có sứ mạng khai đạo, dẫn dắt chúng sanh tu hành để trở thành con người hiền lương đức hạnh.

          4/-HỮU NHỰT: Hữu: Có. Nhựt: Ngày. Nghĩa rộng: Có một ngày nào đó.

          TIÊN THẦN: Tiên: Bậc tu trên núi, có phép thuật. Cốt tu cho được trường sanh bất lão. Thần: Đấng linh thiêng do trời đất lập nên hay bậc trung hiếu lưỡng toàn, khi chết được sắc phong hay dân chúng tôn trọng thành thần.

          HIỆP: Cùng chung.

          LUYỆN ĐƠN: Luyện: Tinh chế. Đơn: Còn gọi Đan: Thuốc viên. Nghĩa rộng: Nấu thành thuốc để chữa bệnh cho mọi người. Nghĩa bóng: Cùng nhau đem đạo lý phổ truyền, để dẫn dắt chúng sanh tu hành, hầu thoát ra khỏi cảnh sanh tử luân hồi.

          *Tóm lược ý câu “Hữu nhựt Tiên Thần hiệp luyện đơn”: Có ngày các vị Thần Tiên cũng về đây hội hiệp.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

           Cửa đạo ở phương Nam không như ngọn Hoành Sơn, chắn bước đi của con người. Thế mà có biết bao người chồn bước. Hãy trở lại đời sống mới, rồi đây sẽ có Thần Tiên hiệp mặt.

Bài thứ sáu mươi

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                   Vân vân bạch bạch thức sinh thần,

                   Cổ quán thôn hương nhứt dị nhân.

                   Tiên sinh hiện kiếp phò Lê chúa,

                   Hậu truyền độ chúng cảm hoài ân.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-VÂN VÂN: Vân: Mây. Nghĩa rộng: Mây và mây. Mây lồng mây. Nghĩa bóng: Khoảng không gian huyền ảo.

          BẠCH BẠCH: Bạch: Trắng. Nghĩa rộng: Sáng. Sáng và sáng. Nghĩa bóng: Thanh thiên bạch nhựt. Rất sáng suốt.

          THỨC: Biết.

          SINH THẦN: Sinh: Ra đời, đời sống. Thần: Tinh thần, phần thiêng liêng của con người (nói về sức mạnh của tinh thần). Nghĩa rộng: Phần tâm linh của con người.

          *Tóm lược ý câu “Vân vân bạch bạch thức sinh thần”: Nói về sự ra đời của bậc đại đức, có một sức mạnh tinh thần vô biên (Ở đây muốn nhắc đến nơi ẩn cư của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm).

          2/-CỔ QUÁN: Cổ: Xưa. Quán: Quê ở nhiều nơi. Nghĩa rộng: Chỗ ở trước kia, như nguyên quán.

          THÔN HƯƠNG: Thôn: Xóm. Hương: Làng, Nghĩa rộng: Xóm làng.

          NHỨT: Đứng đầu.

          DỊ NHÂN: Dị: Lạ thường. Nhân: Người. Người khác thường.

          *Tóm lược ý câu “Cổ quán thôn hương nhứt dị nhân”: Nguyên quán của bậc dị nhân (Ý chỉ cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), ở làng Cổ Am, huyện Vĩnh Lại (Hải Dương) (1)

            (1) Chúng tôi xin mở dấu ngoặc để nói rõ về sự liên quan giữa Đức Huỳnh Giáo Chủ và Cụ Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Trong bài thi của ông Huỳnh Hiệp Hòa vấn Đức Thầy, câu thứ bảy và thứ tám:

                        Thi vấn hồi âm tri bửu hiệu,

                        Tứ minh tam hiệu hiển văn chương.

(Thơ hỏi xin cho biết một trong ba vị: Trạng Trình, Cử Đa và Đề Thám, mà ông đã nói đến trong văn thơ).

            Trong bài thơ đáp họa, cũng hai câu thứ bảy và thứ tám, Đức Huỳnh Giáo Chủ viết:

                   Tam bá ngoại niên chơn bút hiệu,

                        Hàn lâm nhứt đấu vịnh thiên chương”.

(Hơn ba trăm năm về trước mới thật là bút hiệu của ta. Trước kia là quan nhứt phẩm trong viện Hàn Lâm, đã sáng tác một ngàn bài thơ).

            Cụ Trạng Trình tộc danh là Nguyễn Bỉnh Khiêm, sanh năm Tân Hợi (1491), mất ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu (1585). Nguyên quán làng Cổ Am, huyện Vĩnh Lại (Hải Dương). Ông có hiệu tự là Bạch Vân Cư Sĩ, trong sự nghiệp văn chương, ông đã trước tác cả ngàn bài văn, bao gồm mọi thể loại. Điển hình hai tác phẩm “Bạch Vân Thi Tập” và “Bạch Vân Quốc Ngữ Thi”.

            Nếu tính vào thời điểm Đức Huỳnh Giáo Chủ ra đời khai đạo, ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), trừ đi năm mất của cụ Trạng trình (1585), ta thấy:

                        Năm 1939 – 1585 = 354 năm.

            Chính vì thế mà Đức Huỳnh Giáo Chủ xác nhận:

                   “Tam bá ngoại niên chơn bút hiệu,

                        Hàn lâm nhứt đấu vịnh thiên chương”.

          Đồng thời, Ngài cũng khẳng định trong câu đáp họa bài thi vấn của ông Chín Diệm:

                        “Trình Mỗ ngộ kim khuê cổ địa” (Ta là Trạng Trình ở đất xưa. Ý nói làng Cổ Am, huyện Vĩnh Liạ, tỉnh Hải Dương).

          3/-TIÊN SINH: Tiên: Trước. Sinh: Ra đời. Những người sinh ra trước, lớn tuổi mà ta kính trọng. Nghĩa bóng: Ám chỉ cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

          HIỆN KIẾP: Hiện: Trong lúc nầy, bây giờ. Kiếp: Thời gian dùng thông thường đối với một đời người. Nghĩa rộng: Lúc còn sanh tiền.

          PHÒ: Giúp đỡ, hỗ trợ.

          LÊ CHÚA: Nhà Lê, bắt đầu từ triều đại của vua Lê Uy Mục trở về sau, vận nước dần dần suy yếu. Mạc Đăng Dung nhân đó mới tiếm vị, lập ra nhà Mạc. Lúc bấy giờ cụ Trạng Trình, vốn biết trước nhà Lê có ngày sẽ được trung hưng, và cũng muốn trọn đạo với nhà Lê, ông không chịu xuất chính. Nhưng vì tình thế bắt buộc, nên ông mới đi thi đỗ đạt và ra làm quan với nhà Mạc. Nhưng vì có sự bất hòa, nên ông về trí sĩ, trong khi đó vẫn nhớ về nhà Lê và nuôi hy vọng phục hưng Lê nghiệp.

          *Tóm lược ý câu “Tiên sinh hiện kiếp phò Lê chúa”: Lúc sinh thời cụ Trạng Trình vẫn tôn thờ Lê chúa, cũng như gặp lúc suy vong, ông luôn nhớ về nhà Lê và nuôi hi vọng phục hưng.

          4/-HẬU TRUYỀN: Hậu: Sau. Truyền: Trao cho. Nghĩa rộng: Sau nầy, về sau.

          ĐỘ CHÚNG: Độ: Cứu giúp. Chúng: Tất cả, đông đúc. Nghĩa rộng: Cứu giúp mọi người.

          CẢM: Tâm ứng với ngoại vật mà động. Nghĩa rộng: Xúc động.

          HOÀI ÂN: Hoài: Tưởng nhớ, mang trong lòng. Ân: Ơn. Nhớ ơn.

          *Tóm lược ý câu “Hậu truyền độ chúng cảm hoài ân”: Sau nầy (Đức Huỳnh Giáo Chủ) ra đời khai đạo, cứu giúp mọi người thoát khỏi hoạn nạn tai ương. Ân đức đó sẽ được thế nhân ghi nhớ.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Giữa Đức Huỳnh Giáo Chủ và cụ Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) có sự liên hệ mật thiết: Cùng tôn thờ Lê Chúa và vì dân mà phục vụ, vì nước mà dám quên mình. Đức ân đó đáng được hậu thế ghi nhớ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn