9- ÁC SÂN NỘ

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 41115)
9- ÁC SÂN NỘ

CHÁNH VĂN

          SÂN NỘ.- Tánh nóng nảy thường xúi con người làm những chuyện bất-công sái phép, chém giết oán thù nhau. Kẻ thắng kiêu hãnh, người bại hổ ngươi nên sự hiềm thù càng lan rộng. “Giận mất khôn”, cơn giận làm con người cuồng trí, mất sự tự chủ, trở nên dữ-dằn bạo tợn, chẳng còn nghĩ đến việc công bình, lẽ phải trái.

          Diệt được nó tâm ta được thảnh-thơi, trí ta được thong-thả. Hãy mở rộng lượng khoan hồng dung tha kẻ lầm lỗi. Hãy nhẫn nhịn và chẳng nên cãi cọ tranh luận hơn thua làm cho nảy sanh ra những điều hiềm khích.

 

LƯỢC GIẢI

(Ác thứ hai trong Ý nghiệp)

1- ĐỊNH NGHĨA:

          SÂN NỘ : Cũng gọi là sân hận hay hận sân hoặc sân nhuế. Có nghĩa nóng giận, hờn ghét, thù hận, Đức Thầy khuyên:

                   “Chữ gây gổ là sân hãy diệt,

                 Cho nó đừng thấp thoáng trong lòng”.

2- NGUYÊN NHÂN:

          - Sở dĩ có sân nộ là do bị người khinh rẻ, húng hiếp, đàn áp mình; hoặc phạm lỗi hay làm hư hao tài vật của mình.

3- CẢNH TRẠNG:

          - Khi tánh nóng giận nổi lên thì người ta làm những chuyện bất công sái phép, chém giết, đánh chửi, la ó; đập phá đồ đạc, tức bực khó chịu, oán thù càng lan rộng. Kinh xưa đã bảo:“Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”.(Một đốm lửa sân hận nổi lên thì trăm cửa nghiệp chướng đều mở rộng). Đức Thầy đã diễn tả cảnh ấy:

                  “Ác thứ chín Hận Sân luận tiếp,

                   Lửa trong tâm chẳng đốt mà lừng.

                   Nổi lôi đình đâu có định chừng,

                   Cho ta biết mà toan giữ trước.

                   Tánh sân nộ thường làm bạo ngược,

                   Nên loài người ở cõi thế gian.

                   Giận hờn nhau thù oán dẫy tràn,

                   Mới có cuộc tranh tài đấu lực”.

4- TAI HẠI:

          - Người nóng giận cực độ sẽ cuồng loạn tâm trí, không làm chủ được thâm tâm, con người trở nên hung bạo, chẳng còn nghĩ đến sự công bình phải trái. Đức Thầy đã bảo:

                  “Hơn tự đắc khoe khoang dõng sức,

                   Phải bị người hềm khích ghét ganh.

                   Thua hổ ngươi làm chuyện bất lành,

                   Gây nghiệp dữ oan oan tương báo.

                   Trong cơn giận kể gì nhơn đạo,

                   Tỷ như con cọp dữ trên rừng.

                   Gặp thịt toan cấu xé tưng bừng,

                   Phân từng mảnh mới là thỏa dạ”.

5- GIẢI TRỪ:

          Để giải trừ tánh sân hận, nhà tu phải dùng trí huệ mà quán xét mọi sự trạng xảy ra, rồi áp dụng ba phương cách như  sau:

          a)- Mở lòng khoan dung cho những người lầm lỗi “..hãy tha thứ tội lỗi cho nhau trong khi nóng giận”.( ĐT)

          b)- Nhẫn nhịn những kẻ muốn hơn hoặc hiếp đáp chưởi mắng mình.

                   “Ai chưởi mắng thì ta giả điếc,

                   Đợi cho người hết giận ta khuyên.

                   Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên,

                   Thì đâu có mang câu thù oán”.( ĐT)

          c)- Lấy lòng tử bi bình đẳng đối xử với mọi người và sanh vật. Đức Thầy thường răn dạy:

                   “Diệt được nó tâm trần thong thả,

                   Ta thường nên tập tánh khoan dung.

                   Thiệt hành đi đừng có ngại ngùng,

                   Tha thứ kẻ lỗi lầm ngu xuẩn.

                   Và nhẫn nhịn đừng ham tranh luận,

                   Khỏi mất lòng tất cả mọi người.

                   Tánh thuần lương vẻ mặt vui tươi,

                   Vậy mới đáng tín đồ Phật Giáo.

                   Nay ta đã qui y cầu Đạo,

                   Gây gổ là trái thuyết từ bi”.

          Hoặc là:

                   Việc hung ác hễ vừa thấp thoáng,

                   Chữ từ bi ta diệt nó liền.

                   Sự oán thù đáp lại chữ hiền,

                   Thì thù oán tiêu tan mất hết”.

          Ba phương cách nói trên ví như cây quạt Ba tiêu, có diệu năng quạt tắt Hỏa Diệm Sơn:

                   Chúng sanh nên tìm quạt Ba Tiêu,

                   Chữa Hỏa Diệm nơi tâm cho tắt”.( ĐT)

          Xưa thầy trò Tam Tạng đi Tây Phương thỉnh Kinh, giữa đường bị hòn “Hỏa Diệm Sơn” cản đường. Nhờ Tôn Ngộ Không (tượng trưng cho trí huệ) tìm ra quạt Ba Tiêu, quạt tắt núi lửa, Thầy trò mới đạt được mục đích thỉnh đặng Tam Tạng Kinh. Nhà tu diệt được ác sân nộ, cũng được chứng quả như thế.

6- LỢI ÍCH:

          - Khi diệt trừ được tánh nóng giận, hành giả không còn bị người hiềm khích thù hận.

          - Tâm trí được thảnh thơi sáng suốt, công đức chẳng hao mòn và không hề mê tín theo tà đạo.

          -  Đời sống luôn gặp chánh Đạo, trí huệ sớm phát khai và đắc thành Đạo quả.

7- KẾT LUẬN:

          Đại khái lòng sân hận là một trong Ngũ độn sử (Năm món phiền não ngu độn căn bản). Nó nảy sanh muôn ngàn phiền não khác. Và cũng là một trong Tam độc (Ba điều độc hại), chúng sanh vì nó mà phải đọa trong Tam đồ Lục đạo. Cho nên nhà tu quyết định phải trừ dứt để lòng được thanh tịnh, an vui trên đường tiến sang bờ giác.

 

CHÚ THÍCH

          CUỒNG TRÍ: Mất trí, không còn biết phải quấy.

          KHOAN HỒNG: Đại lượng rộng rãi hay tha thứ kẻ lầm lỗi.

          NHẪN NHỊN: Nhịn thua dằn lòng xuống để cho kẻ khác hơn mình. Xưa, Nhẫn Nhục Tiên nhờ nhẫn nhịn vua Ca Lợi Vương mà cảm hóa được nhà vua và cả thần dân trong nước hồi tâm hướng thiện. Cho nên Đức Thầy hằng khuyên:

                   Phải nhẫn nhục chờ người cổ tích,

                     Phật với Trời phân định cho ta”.

 

CÂU HỎI

          1/-Hãy giải nghĩa chữ Sân nộ ?

          2/-Nguyên nhân nào sanh nóng giận ?

          3/-Cảnh trạng tánh Sân nộ ra sao ?

          4/-Người hay Sân nộ có tai hại gì ?

          5/-Muốn trừ tánh sân nộ ta phải làm sao ?

          6/-Trừ xong lòng sân hận ta được lợi ích gì ?

          7/-Kết luận ác sân nộ ra sao ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn