I- CHÁNH KIẾN

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 43929)
I- CHÁNH KIẾN

CHÁNH VĂN

          CHÁNH-KIẾN.- Chánh: đúng sự thật, Kiến: thấy, xem xét. Chánh-kiến: dòm thấy, xem đúng theo sự thật.

          Phàm con người thường hay bị bản-ngã lôi cuốn, trí mờ-ám làm cho sai chạy ít nhiều sự-thật. Khi vì thiếu sự sáng suốt, khi vì tư thù, khi vì lợi kỷ, khiến cho con người không biết đường ngay nẻo thẳng nên sự phán đoán không công bình chánh đáng, làm cho kẻ khác chịu oan tình. Vì thế, mục Chánh-Kiến dạy ta phải đem hết trí-năng truy-cứu các sự rắc-rối, cẩn-thận xem xét tránh sự lạc lầm trong khi phê đoán bất cứ việc gì, dầu của mình hay của kẻ khác. Sự quan-sát cực điểm, cách xét đoán tận tường, tránh cho ta những tà-kiến (sự xem xét lầm lạc) sai chạy, khiến ta dẹp bản-ngã đã làm cho trí-tuệ mịt mờ u-ám; giúp cho ta hiểu biết được rõ ràng minh bạch, cách phán đoán được ngay thẳng, công-bình.

          Chẳng thế, nó còn giúp ta hiểu biết các điều tục-lụy trong trần, biết được lẽ nhiệm-mầu tôn-giáo khiến ta xua đuổi các điều tà mị, bỏ các sự say mê, trở về với đạo lý, thoát đọa hồng-trần. Nó tránh cho ta tất cả sự giả-dối và nhờ thế nên ta khỏi bị lạc lầm trong khi hành Đạo.

 

LƯỢC GIẢI

          (Chánh thứ nhứt trong Bát Chánh)

1- ĐỊNH NGHĨA:

          - Chánh Kiến: Chánh là đúng sự thật; Kiến là thấy, xem xét. Chánh Kiến là dòm thấy xem xét đúng sự thật (ở đây phải thấy cả mắt lẫn tâm, chớ chẳng phải thấy bằng mắt suông)

          - Tà Kiến là thấy biết, nhận xét lầm lạc tà vạy.

2- NGUYÊN NHÂN SANH TÀ KIẾN:

          Mỗi chúng sanh vì bị bản ngã lôi cuốn, làm mờ ám tâm trí, nên sự thấy biết, nhận xét lầm lạc ngược lại Chánh kiến.

3- HÀNH TRẠNG TÀ KIẾN:

          - Bởi thiếu sáng suốt nên hành giả thấy biết và xét đoán mọi việc theo tư thù, hay lợi kỷ…

          - Do đó mà phân định mọi vấn đề: từ hành động, ngôn ngữ và vạn vật bên ngoài, đến bên trong của tâm ý đều chẳng đúng chơn lý. Như năm người mù rờ một con voi…Sau khi rờ xong, mỗi người đều tả được một bộ phận con voi theo nhận xét của mình (biên kiến); chớ không tả được toàn diện con voi. Chỉ người sáng mắt (có chánh trí và chánh kiến) mới thấy toàn diện của nó…

4- TAI HẠI:

          - Bởi thiếu chánh kiến, nên nhà tu thường “nhận ngụy làm chơn” phân xét mọi việc đều sai chơn lý hoặc thấy một bên, hoặc nhận thấy ngược lại (biên kiến và tà kiến).

          - Vì thế, mà sự phán đoán không công bình, chánh đáng, làm bao nhiêu kẻ khác chịu oan tình. Xưa, có Trí Huyền Ngộ Đạt, tiền kiếp của ông là Viên Án, xử oan Triệu Thố…Nghiệp oan đó trải 10 kiếp sau, vẫn còn bị trả quả…

5- HÀNH CHÁNH KIẾN:

          Muốn hành trì Chánh kiến hành giả phải đem hết trí năng truy cứu mọi vấn đề, để:

          -Dẹp tan bản ngã bằng cách quán lý vô thường, vô ngã.

          -Cẩn thận, quán xét tận tường các việc; từ việc làm, lời nói và ý nghĩ cho đến chỗ cực điểm, đúng với chơn lý. Đức Thầy từng dạy:

                   “Đạo mầu Bát Chánh rán ghi,

              Thứ nhứt Chánh Kiến việc chi xem nhìn.

                     Luận bàn chơn lý cho minh.

                Việc chi xét đoán xảo tinh mới là”.

          Hoặc là:

              “...Trí linh mẫn nhìn xem các chuyện,

                   Phải đừng cho lầm lạc nẻo tà.

                   Dầu việc người hay việc của ta,

                   Nên phán đoán cho tường cho tận.

                   Tội với phước xét coi nhiều bận,

                   Mới khỏi lầm tà kiến đem vào”.         

6- LỢI ÍCH:

          Khi hành giả tu rèn được Chánh kiến, sẽ đặng kết quả:

          a)- Tránh được tà kiến và diệt trừ đặng bản ngã.

          b)- Hiểu rõ ràng các việc chân giả, không hề lầm lạc và phán đoán mọi việc được chí công, bình đẳng.

          c)- Không còn say mê tục lụy, thấu đạt lý nhiệm mầu của đạo pháp.

          d)- Đoạn trừ được “kiến hoặc”(Kiến hoặc là thấy hiểu sai lầm) tức là Ngũ lợi sử. (Năm món phiền não lanh lợi: 1- Thân kiến: Chấp thân ngũ uẩn thật có và của ta vĩnh cửu. 2- Biên kiến: thấy một bên. 3- Tà kiến: thấy ngược lại chánh kiến. 4- Kiến thủ: bảo thủ ý kiến của mình là đúng hơn hết. 5- Giới cấm thủ kiến: Chấp giữ những giới lặt vặt mà các giới chánh lại không gìn giữ.)

7- KẾT LUẬN:

          Tóm lại, người hành được Chánh kiến, không còn kiến thức sai lầm, thường được tâm vô úy tự tại và tiến hành phương pháp lợi lạc cho các tầng lớp chúng sanh; thẳng đến khi thành Đạo Bồ đề.

 

CHÚ THÍCH

          BẢN NGÃ: Cái ta, chấp cái ta là trên hết, đáng yêu đáng quí hơn hết.

          TƯ THÙ: Mối thù hận riêng của cá nhân mình.

          LỢI KỶ: Lợi ích riêng mình.

          TRÍ NĂNG: Năng lực và trí huệ, nó rất mầu diệu sáng suốt.

          TRUY CỨU: Theo dõi để tìm hiểu tận gốc.

          CỰC ĐIỂM: Điểm cao hơn hết, tới chỗ cùng tột.

          TỤC LỤY: Những điều phiền lụy thống khổ trong cõi trần tục:

                   Nếu mãi mê mang mùi tục lụy,

                   Linh hồn chìm đắm chốn nê hà”.( ĐT)

          HỒNG TRẦN: Bụi đỏ. Ý chỉ cõi đời đầy bụi bặm, nhớp nhơ đau khổ:“Hồng trần biển khổ thấy rồi”.( ĐT)

 

CÂU HỎI

          1/-Hãy định nghĩa hai từ: Chánh kiến và Tà kiến ?

          2/-Bản ngã là gì và muốn dẹp nó phải làm sao ?

          3/-Do đâu tâm sanh Tà kiến ?

          4/-Hành trạng của tà kiến ra sao ?

          5/-Người sống tà kiến có tai hại gì ?

          6/-Muốn mình được Chánh kiến phải làm sao ?

          7/-Hành Chánh kiến được lợi ích gì ?

          8/-Kết luận người tu được Chánh kiến ra sao ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn