2- ÁC ĐẠO TẶC

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 40723)
2- ÁC ĐẠO TẶC

CHÁNH VĂN

          ĐẠO TẶC.-  Câu “Bần cùng sanh đạo tặc” cần phải là một câu chửa mình của bọn bất lương vô Đạo. Những kẻ này ngày vẩn vơ đầu đường xó chợ, tối kiếm chỗ khoét vách đào tường, không làm muốn có ăn, không lo muốn có mặc. Lớp người cặn bã của xã-hội này, sống ngoài vòng pháp luật, trốn nhủi trốn chui, phá rối sự an ninh của dân chúng, chuyên lo giết người cướp của, đoạt giựt tài sản lương dân, không nghĩ rằng phải tốn bao nhiêu giọt mồ-hôi, bao nhiêu dòng nước mắt mới làm ra được. Họ là giống sâu làm rầu nồi canh, là tội-nhân gây ra những tai biến trong những gia-đình cần-lao kiệm-tiết, là nguyên-nhân của sự nghèo sự khó, họ phá hoại hạnh-phúc của con người.

          Cơ-hàn đói khổ, thay vì phải làm-lụng như những kẻ khác mưu cuộc sống còn, họ gây cái lỗi này rồi đến cái lỗi khác, phạm tội này rồi tới tội nọ, tạo chẳng biết bao nhiêu chuyện bất lành cho nhân-chủng. Lưới Trời tuy thưa nhưng khó lọt, những kẻ ấy dầu họ không bị luật hình của loài người phân xử, song cơ Trời cũng sẽ báo ứng đến những hành-vi đen tối, nếu họ không chịu ăn-năn chừa lỗi, sửa tánh tu thân, bỏ thói vô nghì, lánh điều phi-nghĩa.

 

LƯỢC GIẢI

(Đây là ác thứ hai trong Thân nghiệp)

1- ĐỊNH NGHĨA:

          Đạo tặc là trộm cướp gian lừa. Vô công mà lấy của quốc gia hay của người khác về làm của mình đều gọi là Đạo tặc.

2- NGUYÊN NHÂN:

          Vì ý muốn không làm có ăn, không lo có mặc, nên kẻ trộm cướp thường mượn câu:“Bần cùng sanh đạo tặc, Phú quới tác lễ nghi” để chữa mình.

3- HÀNH TRẠNG:

          a)- Hành động kẻ đạo tặc là gây nên thảm trạng: trộm cướp sát nhân, sống ngoài vòng pháp luật, phá rối an ninh và hạnh phúc mọi người.

          b)- Lường gạt, chiếm đoạt của công hoặc tư, đến như những đồ vặt vụn: củi đuốc, trái cà, trái ớt cũng vơ vét về làm của mình.

4- TAI HẠI:

          Những kẻ hành nghề đạo tặc là lớp người cặn bã của xã hội, sống bị đời khinh miệt, luật pháp phân xử, chết bị luân chuyển báo đền…(như câu chuyện “Thập Bát La Hán”…hoặc “Anh học trò thi rới và con lừa” của ông Bàn Công Cư sĩ)

                   “Tội chập chồng đâu biết ở mô,

                   Trốn người khỏi trốn trời sao khỏi”.( ĐT)

5- GIẢI TRỪ:

          a)- Muốn giải trừ ác đạo tặc, trước nhứt ta phải nghĩ đến công mồ hôi nước mắt của người tạo ra tiền của.

          b)- Phải ăn năn chừa lỗi, sửa tánh tu thân và bỏ điều phi nghĩa. Luôn nhớ lời cảnh tỉnh của Đức Thầy:

                   Hãy tu thân chừa thói vô nghì,

                   Của phi nghĩa làm chi xong chuyện.

                   Luật nhân quả thật là cao viễn,

                   Suốt cổ kim chẳng lọt một ai”.

6- LỢI ÍCH:

          Người chừa đặng ác Đạo tặc sẽ được lợi ích:

          a)- Tiền của không bị nạn nước lửa, lường gạt, cướp giựt hay con cháu phá tán.

          b)- Được mọi người chung quanh yêu kính và thân tâm thường phúc lạc yên ổn.

                   Vậy ta nên làm việc thẳng ngay,

                    Cứ bền chí có ngày thong thả”.( ĐT)

7- KẾT LUẬN:

          Nói tóm lại, ác Đạo tặc là một trong 10 điều ác, cũng là một trong ngũ giới. Nhà tu diệt trừ được nó chẳng những an vui trong kiếp sống hiện tại mà tương lai còn đặng giải thoát luân hồi sanh tử.

 

CHÚ THÍCH

          BẦN CÙNG SANH ĐẠO TẶC: Người nghèo khổ cùng quẫn thường sanh ra trộm cướp gian lừa.

          BẤT LƯƠNG: Chẳng hiền lành.

          VÔ ĐẠO: Không có đạo đức nhân nghĩa.

          LƯƠNG DÂN: Dân lành, chỉ chung cho dân chúng biết lo làm ăn chơn chất.

          KIỆM TIẾT: Kiệm là bồi chỗ thiếu, tiết là bớt chỗ dư. Đây chỉ cho người ăn xài có chừng mực.

          CƠ HÀN: Đói lạnh (rét). Nghĩa bóng là cảnh nghèo đói khổ sở.

          LƯỚI TRỜI: Luật trừng phạt tự nhiên của tạo hóa (nhân quả). Sách Thánh có câu:

                  Thiên võng khôi khôi phân khúc trực,

                   Thần linh hích hích định khuy vinh”.

                   (Lưới trời lồng lộng chia ngay vạy,

                    Thần linh tỏ xét việc đầy vơi).

          Đức Thầy bảo:

                    Trốn người khỏi trốn trời sao khỏi”.

          LUẬT HÌNH: Cũng gọi là hình luật hay hình pháp. Có nghĩa luật pháp để trừng trị người có tội.

          BÁO ỨNG: Trả lại, làm lành trả lành, làm dữ trả dữ.

          VÔ NGHÌ: Không có tình nghĩa, Đạo nghĩa.

                   Hãy tu thân chừa thói vô nghì”.( ĐT)

          PHI NGHĨA: Chẳng phải nghĩa, chẳng đúng với lẽ phải.

CÂU HỎI

          1/-Hãy định nghĩa ác Đạo tặc ?

          2/-Thâm ý của kẻ đạo tặc ra sao ? Và họ mượn câu gì để chữa mình ?

          3/-Hành động kẻ đạo tặc như thế nào ?

          4/-Tai hại kẻ đạo tặc ra sao ?

          5/-Muốn chừa ác đạo tặc ta phải làm thế nào ?

          6/-Trừ xong ác đạo tặc ta được lợi ích gì ?

          7/-Cho biết kết luận của ác đạo tặc ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn