CHÁNH VĂN (Từ câu 763 tới câu 836)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 36923)
CHÁNH VĂN (Từ câu 763 tới câu 836)

763.-Dạy bổn-đạo lấy lời đích-xác,

Mà chẳng tu là bởi không ưa.

Chớ nước sâu mà bị gàu thưa,

766.-Dân đông-đảo lời truyền chẳng xiết.

Nên phải tạm mượn cây ngòi viết,

Đem Đạo-mầu như hạn cho mưa.

Đặng tố-trần tâm ý Người Xưa,

770.-Chữ thậm thâm trong kinh Phật-Giáo.

Nền chơn lý chúng chê rằng láo,

Mà nào Ta có lợi-dụng ai.

Trong bá-gia nhiều ít lòng chay,

774.-Để giữ trọn trong nền Phật-Pháp.

Gìn giới cấm sửa tâm ô-tạp,

Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà.

Nhớ từ-bi hai chữ ngâm-nga,

778.-Dầu làm lụng cũng là trì chí.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 763 đến câu 778)

          -Lời khuyên dạy của Đức Giáo Chủ rất rõ ràng chính xác, thế mà người đời chẳng chịu hồi tâm hướng thiện, là vì lòng họ không thích Đạo đức. Vả lại, một cái hầm sâu, nước rất nhiều, chiếc gàu lại thưa thì bảo làm sao tát cho mau cạn được. Cũng như lời thuyết giáo của Ngài, trong cấp thời chưa ban đều hết vạn dân.

          -Thế nên Ngài phải tạm dùng giấy mực, sáng tác Kệ kinh, để làm cho nguồn giáo pháp mưa rãi khắp nơi. Chính đó là phương tiện cho Ngài, vừa tỏ bày tâm ý và vừa luận giải giáo lý thâm huyền trong Đạo Phật.

          -Ngài giảng dạy cách thức tu hành rất thật tế, đúng theo chân lý Phật giáo, chẳng hề có ẩn ý lợi dụng một ai; lại có số người cho đó là lời không thiệt. Ngài còn bảo: Trên đường tu học Phật pháp, ai muốn được kết quả phải thật lòng trì chay, hoặc nhiều hoặc ít. Nghĩa là tùy theo trình độ và lòng nhân ái của mỗi hành giả, mà từ chỗ ăn chay kỳ, sẽ tiến đến trường chay một cách trọn vẹn.

          -Còn phần giới luật, mỗi người cần nghiêm giữ chính chắn, lọc sạch các vọng tâm đen tối. Đồng thời phải nhiếp tâm trì niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật”; để diệt trừ những ý nghĩ tà khúc, xấu xa. Song muốn cho sự niệm Phật có hiệu quả, mỗi khi: đi, đứng, nằm, ngồi hoặc nói, làm, ăn uống đều phải kiên trì niệm Phật như vậy:“Tu uống nước niệm Phật uống vào, Ăn cơm niệm Phật chỗ nào cũng tu”.(Kim Cổ Kỳ Quan của Ô. Ba Thới)

 

CHÚ THÍCH

          LỜI CHÍNH XÁC: Lời nói chính xác, rõ ràng, thật đúng. Ví dụ: Luận giải rất chính xác.

          TỐ TRẦN: Bày tỏ ra. Đức Thầy có câu:“Bút nghiên tạm lấy tờ hoa tố trần”.(Viếng làng Phú An).

          THẬM THÂM: Rất cao sâu mầu nhiệm. Chữ thậm thâm là lời pháp giáo có nghĩa lý sâu mầu khó tả. Kinh Phật xưa có câu:“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp”. Đức Thầy nay cũng nói:“Vô thượng thậm thâm dĩ ý truyền”.(Kh/thiện, Q.5)

          CHƠN LÝ: (Xem CT câu 301, T-1, Q.1)

          LÒNG CHAY: Do chữ “Tâm chay”. Chay cũng viết là Trai (theo Hán tự), tức là chỉ sự ăn chay. Xưa nay, trong giới tu hành dù ai cũng phải trì chay. Song vì hoàn cảnh và trình độ của mỗi người mà sự ăn chay hoặc nhiều hoặc ít chẳng đồng nhau.

          Đại khái có hai cách:

          1-Chay trường: cũng gọi là tố thực, tức ăn toàn những thứ không phạm tội sát sanh, như: muối, dưa, tương đậu, rau cải.v.v…và cứ ăn luôn như vậy cho đến mãn kiếp hoặc thành Đạo.

          2-Chay kỳ: là mỗi tháng chỉ ăn bốn ngày chay, hoặc sáu hay mười ngày; hoặc mỗi năm ăn chay luôn ba tháng có các ngày rằm lớn, như: Thượng ngươn (tháng giêng), Trung ngươn (tháng bảy), Hạ ngươn (tháng mười).

          Song dù ăn chay cách nào cũng phải giữ tâm chay mới được kết quả quí báu. Nghiã là phải tăng trưởng lòng nhơn, diệt tâm tham sát, tránh sự sát sanh vô cớ. Trong cửu khúc của ông Nguyễn Văn Thới có câu:“Tu biết thương vốn thiệt chay trường”. Và Đức Thầy nay cũng từng bảo:

                   Chữ Nam mô trì giái giữ chay,

                   Chay được tánh chay tâm mới quí”.(Sa Đéc)

            PHẬT PHÁP: (Xem CT đoạn 5, T-1, bài Sứ Mạng).

          GIỚI CẤM: Cũng đọc là giái cấm. Phạn ngữ là Sila, phiên âm là Thi la, dịch là giái cấm, hoặc gọi là cấm giái, Phạn ngữ: Protimôksha, dịch là Ba la đề mộc xoa; tức là “giái ác cấm phi”. Có nghĩa: răn chuyện dữ, cấm điều quấy. Hai chữ giới và cấm đồng một nghĩa, nhưng viết ghép lại cho rõ nghĩa thêm. Giới cấm do Tổ Thầy lập ra để răn cấm môn đồ không cho quấy phạm.

          Theo Kinh Phật từ xưa thì gồm có: Ngũ giới, Bát giới, Thập giới, Cụ túc giới và Tam Tụ giới của hạnh Bồ Tát.

          Còn theo Sấm kinh PGHH, hiện nay gồm có Bát giới (tám điều răn cấm) và Thập giới (diệt thập ác v.v…). Nhưng trong đây gồm nhiếp cả Ngũ giới và Tam Tụ giới của hạnh Bồ Tát.

          Tóm lại, người tu hành có giữ gìn giới cấm, thân tâm mới được an định trong sạch, và tâm có định trí tuệ mới phát khai, chứng thành Đạo quả. Kinh Phật gọi ba món ấy là tam học (giới, định, huệ), nó có diệu năng trừ được tam độc (tham, sân, si).

          Xưa, Đức Phật từng phán dạy:“Giới là kho diệu pháp, là của xuất thế. Giới là tàu bè lớn, đưa người qua biển khổ sanh tử. Giới là pháp vô úy phá tan tà kiến độc hại. Giới là tướng dõng mãnh dẹp hết ma quân. Giới là hào, thành ngăn che được giặc phiền não. Giới là đất bằng, để kiến tạo lầu đài định huệ”.

          Ngài Đàm Nhứt Luật Sư cũng bảo:

                   Tam Thế Phật Pháp, giới vi căn bổn.

                     Bổn chi bất tu, Đạo viễn hồ tai”.

(Chư Phật ba đời thuyết Pháp đều lấy giới luật làm căn bản, căn bản không tu thì xa Đạo lắm rồi !).

          Đức Thầy hiện nay hằng dạy tín đồ:“…cần nhứt ở chỗ giữ giới luật hằng ngày…”(Lời khuyên Bổn đạo). Và phải:“…Tôn trọng giới luật của Đạo, rán sửa mình cho trong sạch để gây quả phúc tốt cho linh hồn và xác thịt”.(Lời tâm huyết)  

          TÂM Ô TẠP: Lòng hỗn loạn đen tối, thường nghĩ tưởng và ô nhiễm việc nhơ xấu tội ác.

          LÒNG TÀ: Tâm vọng tưởng việc tà vạy, tội ác.

          TRÌ CHÍ: (Xem CT câu 116, T-2, Q.2).

 

CHÁNH VĂN

779.-Chờ Thiên-Địa châu-nhi phục-thỉ,

Như đời xưa có gã Tử-Phòng.

Xem thời cơ người đã rõ thông,

782.-Dùng tôi thiểu mà an bá-tánh.

Đời vật-chất văn-minh tranh-cạnh,

Chữ lợi quyền giựt-giết lẫn nhau.

Động lòng hiền chư Phật đớn-đau,

786.-Cho kinh sấm dạy-răn trần-thế. 

Nhìn thấy chuyện gạo châu củi quế,

Nghèo bạc vàng đạo-đức cũng nghèo.

Ta xuống trần nhằm lúc nạn eo,

790.-Nên phải bị kẻ hung khinh-bỉ.

Vì bác-ái nên thân Cuồng-Sĩ,

Phải chịu điều khổ hạnh sâu-xa.

Mong cho đời gặp lúc khải-ca,

794.-Trong bốn biển thái bình mới toại.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 779 đến câu 794)

          Hiện thời dân tộc Việt Nam đang bị sự kềm kẹp, dưới chánh sách độc ác của bạo quyền (Pháp), nên Đức Thầy khuyên mọi người hãy kiên trinh nhẫn nại để chờ định luật xoay vần của trời đất:“Xây vần trời đất tiết thì, Hết cơn bĩ cực tới kỳ thới lai”.(Khuyên người giàu lòng Phước thiện) Cũng như trường hợp của Trương Tử Phòng xưa kia, bấy giờ dân chúng liên tiếp gánh chịu hai chế độ tàn ác, của Tần Thủy Hoàng và Hạng Võ. Tử Phòng phải lánh mình tầm sư học Đạo, sau khi thông đạt thời cơ, ông theo phò Hán Bái Công và vận dụng đủ cơ mưu, trước đánh đổ bạo Tần; và sau cùng, ông chỉ dùng khúc tiêu thổi lên mà phá được quân binh của Hạng Võ tại Cửu Lý Sơn, chấm dứt cuộc “nắng Sở mưa Tần”, đem lại sự hoà bình an lạc cho dân chúng.

          -Bởi nhân loại thời nay chạy theo văn minh vật chất, lòng tham vọng dẫy đầy, gây nên cuộc chiến tranh tàn khốc, khắp năm châu. Do đó, chư Phật đầy lòng Từ Bi, sắc lịnh cho Đức Thầy, lâm phàm truyền bá kệ kinh, khuyên dạy người đời sớm cải ác tùng thiện.

          -Ngài tiên tri sắp tới đây, bá tánh phải chịu cảnh nghèo đói:“Gạo lúa kém là đồ sản thổ, Hàng hóa cao ấy của ngoại bang vào”.(Trao lời cùng Ô. Táo) Sự nghèo túng về vật chất, như: Gạo lúa vàng bạc đã đành, song phần tinh thần Đạo đức, trong bá tánh cũng ít người tầm cầu tu sửa. Và công cuộc độ thế của Đức Thầy cũng bị lắm kẻ khinh khi nhạo báng:“Hung đồ cường nghịch một hồi cười reo”. (Để chơn đất Bắc)

          Hơn nữa, vì lòng thương xót vạn loại sanh linh nên Đức Giáo Chủ chẳng nài sự gian khổ, giả dạng điên khùng, len lỏi khắp nơi để tùy phương giáo hóa. Ngài hằng mong đến một ngày kia, toàn dân Việt Nam hát khúc khải hoàn và cả thế giới đều vui sống cảnh thanh bình:

                   Mong tạo hóa sắp xong tuồng cổ điển,

                   Đặng nhơn sanh kiến cảnh thái bình hòa”.

                                                                        (Không buồn ngủ)

CHÚ THÍCH

          CHỜ THIÊN ĐỊA CHÂU NHI PHỤC THỈ: Do câu: “Thiên địa tuần hườn châu nhi phục thỉ”. Có nghĩa luật xoay chuyển trong trời đất, hễ giáp vòng rồi phải trở lại mối đầu và cứ thế mà xoay mãi. Ý nói cuộc đời hết suy tới thạnh, hết nhục tới vinh, hết chiến tranh loạn lạc, đến hồi yên ổn thái bình. Đức Thầy từng nói:“Tuần hườn Thiên địa đổi xây”.(Sám Giảng Q.3) Và:

                   Nam thức Quân thần cuồng lão sĩ,

                  Châu nhi phục thỉ cổ đồng lân”.(Tỏ câu Huyền bí)

            TỬ PHÒNG: Ông tên tộc là Trương Lương, hiệu là Tử Phòng, người ở nước Hàn (Tr.Hoa), con của Nguyên Soái Trương Xa. Khi Tần Thủy Hoàng gồm thâu sáu nước: Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Tề, Sở thì Trương Lương gặp cảnh nước mất nhà tan, muôn dân bị kềm kẹp dưới chế độ bạo Tần. Ông cảm thấy mình có trách nhiệm phục thù cho Quốc dân; nên thường giao du khắp thiên hạ, tìm liên kết các dũng sĩ để đánh đổ bạo Tần. Thời gian ông cùng với Thượng Hải Công hành thích vua Tần, song việc bất thành, ông lánh nạn qua xứ khác.

          Trên đường lưu vong, Trương Lương gặp Tiên Ông Huỳnh Thạch Công, cho ba quyển Thiên thơ đồ trận, ông liền xem đó mà học tập; sau thấy Lưu Bang (Hán Bái Công) là người tài đức gồm đủ, nên theo phò. Chính nhờ mưu kế của Trương Lương mà Bái Công chiếm được Kinh đô nhà Tần, buộc con vua Tần là Nhị Đế (Tử Anh) ra hàng. Đoạn rồi lui về Bao Trung để chuẩn bị binh lương, đốt Sạn đạo khiến Hạng Võ dời đô về Bành Thành.v.v…

                 Trương Lương còn tìm được Hàn Tín, tiến cử làm Phá Sở Đại Nguyên Soái, đánh lấy Tam Tần, nhanh chóng khiến quân Sở trở tay không kịp. Điểm quan trọng là khi Hàn Tín và tướng sĩ nhà Hán bao vây Hạng Võ tại Cửu Lý Sơn. Thấy vây lâu ngày mà chưa hạ được Hạng Võ, nên đêm nọ Trương Lương lên núi Kê Minh cầm tiêu thổi lên, tiếng tiêu phát ra âm điệu vừa du dương, vừa buồn bã tha thiết ! Bản tiêu ấy trong truyện “Hán Sở tranh hùng” có dịch:

Đêm thu mù mịt trời sương,

Có người thiếu phụ quê hương lạnh lùng.

Sa trường vó ngựa,

Trẩy gót binh nhung,

Con thơ nheo nhóc mịt mùng dặm xa!

Cơ hàn đau đớn mẹ cha,

Canh khuya vò võ tuổi già đợi con !

Chí trai vạn dặm,

Hồ thỉ bốn phương,

Nhưng con đi đã lầm đường,

Giúp người tàn bạo không thương dân lành.

Mơ màng nửa giấc ba sinh,

Một đi, một nhớ, một mình canh thâu”.

          Khúc tiêu trổi giọng, muôn vạn cung sầu len vào tâm hồn của binh tướng Sở, khiến người người đều nhớ quê hương, con vợ, mẹ cha…Trong đêm ấy có hai phần ba tướng sĩ, mất hết tinh thần chiến đấu, bỏ ngủ ra đi; tám ngàn học trò trước kia, nay chỉ còn lại vài trăm. Cuối cùng Hạng Võ cắt đầu tuẫn tiết tại bến Ô Giang.

          Khi Lưu Bang thống nhất sơn hà, lên ngôi xưng là Cao Tổ nhà Hán thì Trương Lương từ quan, theo thầy là Huỳnh Thạch Công, về núi tu hành và sau được thành Tiên.

          THỜI CƠ: (Xem CT đoạn 1, T-1, bài Sứ Mạng).

          TÔI THIỂU: Theo văn tự thì nghĩa là tôi ít, nhưng chữ Tôi thiểu ở đây nói lái lại là “tiêu thổi”(lối văn lộng ngữ).

          Lúc Đức Thầy còn ở Tổ Đình Hoà Hảo, có ông Cả Đô ở làng Tân An (Tân Châu). Ông đến gặp Đức Thầy nhiều lần để nghe Ngài thuyết pháp. Ông để ý thường thấy Đức Thầy chỉ ngồi trên hai cái ghế trong số tám cái để hai bên chiếc bàn dài, nên thừa lúc Ngài đi ra đường, ông liền đổi cái ghế mà Ngài thường ngồi (cũng giống hệt như mấy cái kia). Xong rồi ông đi theo Đức Thầy ra ngoài lộ, hỏi:

          -Bạch Thầy ! xưa nay người ta phải dùng nhiều tôi lương đống mới tế thế an bang được. Tại sao Ngài lại nói dùng tôi ít trong câu giảng:“Dùng tôi thiểu mà an bá tánh ?” Đức Thầy liền đáp:

          -Tôi nói lái đấy ! Tôi thiểu là tiêu thổi !...

          Thầy trò nói chuyện một chập rồi trở vô nhà, đi lại hai hàng ghế, Đức Thầy vừa nhìn ông Đô nói chuyện và cũng vừa nhắc cái ghế mà Ngài thường ngồi, đổi lại cái ghế mới thay vào khi nãy. Sau khi dứt câu chuyện Ngài ngồi trên cái ghế đã ngồi từ trước một cách tự nhiên, như không có gì xảy ra. Bấy giờ ông Cả Đô và mọi người có mặt đều thì thầm thán phục.

          Chữ “tôi thiểu” tức là  tiêu thổi” trên đây, ý Đức Thầy muốn nhắc lại chuyện Trương Lương dùng tiếng tiêu phá được binh Sở, chấm dứt tai vạ “nắng Sở mưa Tần”. Từ đấy dân chúng được hưởng cảnh thái bình an lạc, như Ngài từng nói (trong bài Thu đã cuối):

                   Còn một đoạn mưa Tần nắng Sở,

                     Trải qua rồi việc dở hóa hay.

                     Thế gian sẽ biết Thánh tài,

                     Bế bồng con dại hát bài khải ca”.

          VẬT CHẤT VĂN MINH: (Xem CT câu 89, T-2, Q.3).

            LỢI QUYỀN: Tài lợi và quyền tước vị danh, hai điều trong lục dục.

          GẠO CHÂU CỦI QUẾ: Cũng gọi là “củi quế gạo châu”. Đây là một thành ngữ. Ý nói thời chiến tranh hoặc gặp lúc thất mùa thì gạo củi mắc như châu như quế (giá sinh hoạt quá đắt đỏ).

          KHINH BỈ: Khi dể, khi thị, coi không ra gì.

          BÁC ÁI: (Xem CT câu 40, T-1, Q.1).

          CUỒNG SĨ: Cũng gọi là sĩ cuồng. Có nghiã là người có chí khí lớn và hăng hái tiến thủ. Cuồng sĩ còn có nghĩa là kẻ sĩ không thiệt tánh.

          Nhưng chữ cuồng sĩ ở đây có ngụ ý ẩn danh, và đối lại hạng người khôn lanh quỉ quái. Cũng như hai chữ khùng điên mà Đức Giáo Chủ dùng làm danh hiệu, Ngài đã từng thốt (trong bài “Tỏ câu Huyền bí”):

                   Nam thức quân thần cuồng Lão sĩ,

                     Châu nhi phục thỉ cổ đồng lân”.

          Ngài cũng đã từng dùng biệt hiệu “Sĩ Cuồng” để ký tên cho tác phẩm:“Hồi chuông cảnh tỉnh những kẻ trông Tây hững hờ với nạn đói Bắc Kỳ”.

          KHẢI CA: (Xem CT câu 54, T-2, Q.2).

          BỐN BIỂN: Do chữ Tứ hải, tức bốn biển lớn bao quanh lục địa, gồm có: Thái Bình Dương, Nam Băng Dương, Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương. Đây có ý chỉ cho khắp thế giới, khắp thiên hạ. Đức Thầy có câu:“Khắp bốn biển liên dây Hòa Hảo”.(Diệu pháp Quang Minh)

 

CHÁNH VĂN

795.-Phật, Tiên, Thánh, lòng nhơn hà-hải,

Những ước-ao thế-giới hòa-bình.

Nên khuyên đời truyền-bá sử-kinh,

798.-Cho sanh-chúng sửa mình trong sạch.

Giàu đổi bạn khinh-khi kẻ rách,

Là những câu trong sách Minh-Tâm.

Tánh kẻ sang đổi vợ nào lầm,

802.-Thánh-nhơn để nhiều câu hữu-lý. 

Có mấy kẻ ăn-năn xét kỹ ?

Mãi ỷ tài chê bướng chê càn.

Thì ngày sau đừng có trách than,

806.-Những tội lỗi của mình tạo lấy.

Bị háo-thắng việc người không thấy,

Rồi mảng lo gièm-siểm nhiều lời.

Vì vậy nên tình nghĩa xe lơi,

810.-Đâu gần-gũi mà tường diệu lý.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 795 đến câu 810)

          -Lòng thương xót của Phật Tiên Thánh bao la như sông dài biển rộng, lúc nào cũng mong ước cho bá tánh được sống cảnh thanh bình an lạc. Cho nên các Ngài thức tỉnh người đời, bằng cách quảng truyền Kinh Giảng khắp nơi, để mỗi hành giả xem theo đó mà tu sửa, cho thân tâm sớm trở nên trong sạch tốt lành.

          -Nhìn lại loài người sống trong xã hội hiện thời, ít ai ăn ở theo luân thường Đạo nghĩa, vì lòng quá tham giàu sang quyền tước mà những cuộc thay vợ đổi chồng, bạn bè không thành tín, thường thấy xảy ra liên tiếp. Từ trước các bậc Thánh Hiền đã cảnh giác người đời bằng những câu danh ngôn, được ghi lại trong sách “Minh Tâm Bửu Giám”. Xét ra toàn là những câu hữu lý, thế mà dân chúng thời nay ít ai chịu học theo.

          -Số người ấy, chẳng những họ không suy xét để cải hối các điều sái quấy, lại ỷ tài ỷ tận chê bai Kinh Sách. Đức Thầy còn cho biết những kẻ đã gieo nhân tội ác, trái với tinh thần đạo đức thì sau nầy họ sẽ gặt lấy hậu quả đau khổ; chừng đó dầu có trách than cũng không sao thoát khỏi.

          Tai hại nói trên, phần lớn là do lòng háo thắng, lúc nào cũng chỉ thấy có mình là hay giỏi hơn hết, chẳng hề để tâm xét kỹ hạnh đức của người khác, và cũng chẳng tìm hiểu coi lời lẽ trong Kinh Sách dạy chỉ như thế nào; có đúng chơn lý hay không ? Hễ mỗi khi nghe ai nhắc đến việc Đạo, hoặc vừa thấy quyển Kinh là họ gièm pha đủ cách. Do đó, càng ngày càng cắt đứt duyên lành, tình cảm với những nhà Đạo đức và lần lần xa lánh Sấm Kinh. Ấy là duyên cớ làm cho họ không hiểu được lý mầu nhiệm trong Kệ Giảng.

CHÚ THÍCH

          LÒNG NHƠN HÀ HẢI: Tâm nhơn đức thương xót khắp chúng sanh rộng lớn như sông biển.

          TRUYỀN BÁ: (Xem CT 452, T-2, Q.2).

          GIÀU ĐỔI BẠN, SANG ĐỔI VỢ: Do câu “Phú dịch giao, quới dịch thê” và câu “Tiểu nhân sạ phú tiện khi bần”(Kẻ tiểu nhân bỗng trở nên giàu có thì hay khi thị kẻ nghèo hèn). Trong đời có lắm người như thế.

          Xưa, vào thời Đông Châu (Tr.Hoa) có Ngô Khởi người nước Vệ, rất giỏi về việc cầm binh, được vua Tề gả công chúa, nhưng sau bỏ Tề đầu Lỗ. Ngô Khởi đành giết vợ để được vua Lỗ tin dùng và đặng lấy vợ khác là công chúa Lỗ Lâm. Tuy đánh Tề có công và được phong tước cao, song cũng không được Lỗ tin cậy. Túng thế phải bỏ Lỗ sang đầu Sở và sau cùng bị chết ở Sở, khi nước nầy có loạn. Cổ thi có câu:

                   Kìa Ngô Khởi tấm gương còn đó,

                     Giết vợ hiền chẳng rõ nhục vinh”.

          -Lại một hành động phản bạn của Bùi Kiệm và Trịnh Hâm trong tác phẩm Văn học Việt Nam (Lục Vân Tiên) của cụ Đồ Chiểu. Ngày nay Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng nhắc lại (trong bài Diệu pháp Quang minh):

                   Được vinh hoa khinh bỉ kẻ hèn,

                     Bạn phản bạn như người Bùi Kiệm.

                     Trên mặt đất hạng người ấy hiếm,

                     Thấy Tiên mù xô xuống giữa dòng.

                     Nhìn Trịnh Hâm lão bắt mũi lòng,

                     Than cặn kẽ kêu dân sớm tỉnh”.

          Ngược lại, cũng có những tầm gương tình bạn rất tốt, như: Lưu Bình, Dương Lễ và Tống Hoằng, đã chứng tỏ cho việc giàu không đổi bạn, sang không đổi vợ. (Xem thêm CT chữ Bố Kình, câu 11, Q.1).

          SÁCH MINH TÂM: Quyển sách viết bằng chữ Tàu, thâu lượm trong các sách thời xưa mà kết tập lại, nhan đề là “Minh Tâm Bửu Giám”. Có nghĩa: tấm gương quí báu, sáng sủa để soi tỏ lòng người. Giảng xưa có câu:“Minh Tâm là sách Hớn đàng, Hiếu chỉ rõ ràng sao chẳng học coi ?” 

          ĂN NĂN: (Xem CT đoạn 7, T-1, Bài Sứ Mạng).

          HÁO THẮNG: Thích tranh đua, muốn ra mặt hơn người, kiểu cách không khiêm nhượng.

          DIỆU LÝ: Diệu là tốt đẹp, sáng suốt, ngon ngọt, sạch sẽ, tinh tế, nhiệm mầu. Những đức tính ấy diễn tả không kể xiết, suy nghĩ cũng không cùng. Tức là cái lý của chơn tâm diệu minh. Diệu còn đối với thô trược, là thoát khỏi phiền não, ngũ dục của phàm phu, chứng đắc thánh quả (diệu quả). Lý là lẽ phải, không biến đổi, không sai chạy, là điều suy luận bằng tinh thần trí tuệ. Lý cũng là cảnh giới giác ngộ thuộc phần của tâm tánh; cho nên lý là đối với sự tướng.

          Vậy chữ diêu lý, nói cho đủ là “diệu huyền chơn lý”. Nghĩa gọn của nó là giáo lý mầu nhiệm chơn thật của Đạo. Nó chính là nghĩa của chữ “Niết Bàn diệu tâm”. Đức Giáo Chủ thường nói:“Say câu diệu lý hỡi người ơi !”(Say). Và:

                   Diệu huyền chơn lý noi đường sáng,

                   Ảo thuật tà tâm kiếm nẻo ra”.(Tỉnh bạn trần gian)

 

CHÁNH VĂN

811.-Trong Lục-Tỉnh ai là người trí,

Mau thức thời tìm Đạo nhiệm-sâu.

Khuyên dân đừng chia áo rẽ bâu,

814.-Phải hợp tác gieo trồng giống quí.

Coi rồi phải thân mình tự-trị,

Chẳng độ xong Phật khó dắt-dìu.

Thả thuyền Từ bến Giác nâng-niu,

818.-Kẻ hiểu Đạo mau mau bước xuống. 

Việc trải qua như mây gió cuốn,

Nhìn cuộc đời ngày tháng thoi đưa.

Trời sáng ra kế lại thấy trưa,

822.-Năm cũ đó rồi qua năm mới.

Mười hai tháng mà còn mau tới,

Thì tuồng đời cũng chóng đổi thay.

Chữ phù-vân phú-quí nay mai,

826.-Luân với chuyển dời qua đổi lại.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 811 đến câu 826)

          -Đức Giáo Chủ kêu gọi khắp sáu tỉnh miền Nam, ai là người trí thức hãy sớm biết thời cơ, suy tầm lẽ cao sâu, mầu nhiệm trong Đạo lý. Toàn dân nên quay về nẻo Đạo, thương yêu đoàn kết lẫn nhau trong công cuộc gieo trồng giống thiện.

          -Song ai muốn cho sự tu hành được kết quả như ý thì khi xem đến kệ kinh phải tự sửa trị các điều sái quấy của thân, khẩu, ý. Có đặng vậy mới mong được sự tiếp độ của chư Phật; bằng ngược lại, ắt khó đặng sự gia hộ của tha lực. Con thuyền từ bi (Đạo) của Đức Giáo Chủ, lúc nào cũng chực rước chúng sanh đưa sang bờ giác. Vậy ai là người có duyên lành và thông hiểu Đạo pháp hãy sớm hành y theo lời chỉ giáo của Ngài. Ấy là người đã được đứng trên thuyền từ, nhứt định sớm muộn gì cũng đến bờ bên kia (giác ngạn).

          -Xét lại cuộc đời thay đổi như làn mây trước gió, ngày giờ, năm tháng trôi qua, qua mãi không dừng và rất lẹ như thoi đưa. Từ năm cũ sang năm mới nào khác bóng ngựa qua song cửa.

          -Trong mười hai tháng mà còn xem lẹ như chớp mắt, thì sự vinh nhục của tuồng đời cũng chóng tợ sao băng. Đến như cảnh giàu sang phú quí và gia tài, sự nghiệp cũng thay đổi từ tay người nầy sang người khác, rất mau lẹ như gió thoảng mây bay.

CHÚ THÍCH

          LỤC TỈNH: (Xem CT câu 56, T-1, Q.1).

          HỢP TÁC: Góp sức cùng làm chung với nhau một việc gì.

          GIỐNG QUÍ: Giống Bồ Đề, tức là giống giác ngộ, cũng gọi là giống Đạo. Đức Thầy từng nói:

                    “Chí toan gieo giống Bồ Đề,

            Kiếm người lương thiện dắt về Tây phang”.(K/thiện)

          -Lúc Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền phó chánh Pháp cho Lục Tổ Huệ Năng, Ngài có kệ rằng:

                   Hữu tình lai hạ chưởng,

                     Nhơn địa quả hườn sanh.

                     Vô tình diệc vô chưởng,

                     Vô tánh diệc vô sanh”.

          -Đại ý nói: Kẻ hữu tình gieo trồng hạt giống thì nhân đó phải nhờ nơi đất, quả mới phát sanh. Còn là vô tình thì hạt giống đã không gieo tất nhiên nó không có tính và cũng không có cái gì để phát sinh ra nữa.

          TỰ TRỊ: Mình tự trừng trị những điều tội ác nơi thân tâm của mình, đừng cho phát sanh ra nữa. Đây là cách tu tự lực (Thiền Tông), trước kia do mình tạo tội, bây giờ cũng tự mình chừa bỏ; trước do mình mê đắm trần ai sanh tử, giờ cũng tự mình tỏ ngộ giải thoát.

          THUYỀN TỪ: Nói cho đủ là Thuyền Từ Bi. Cũng gọi là thuyền Đạo. Ý nói vì lòng Từ bi, Đức Thầy mới khai truyền Đại Đạo để cứu chúng sanh ra khỏi biển khổ sanh tử. Cho nên Đạo pháp ví như chiếc thuyền, có diệu năng đưa hành giả rời bờ mê, sang bến giác, như Ngài từng nói:

                   Thuyền từ bi thẳng cánh lướt sang,

                Qua Đông độ vớt người hữu đức.”(Diệu pháp QM)

          BẾN GIÁC: Do chữ “Giác ngạn”, tức bờ giải thoát của Phật. Đối với bờ mê (mê tân), bờ mê khổ của chúng sanh đang ở. Đức Thầy có câu (trong “Để chơn đất Bắc”):

                   Bến giác bờ mê, mê phải tránh,

                     Ly biệt hồng trần hỡi ai ơi !”.

          NÂNG NIU: Săn sóc vỗ về, cưng dưỡng. Ý nói Đức Thầy dùng thuyền Đạo rước đưa chúng sanh sang qua cõi Phật (giác ngạn).

          PHÙ VÂN PHÚ QUÍ: Do thành ngữ “Phú quí như phù vân”. Có nghĩa giàu sang quyền tước như đám mây nổi, mới họp kế tan, thấy đó rồi mất đó, không bền chắc lâu dài. Đức Giáo Chủ đã từng nói:“Vinh hoa phú quí chòm mây bạc”.(Hai mươi chin tháng Chạp) Và Ngài cũng thường cảnh tỉnh người đời:“…họ không hiểu rằng cuộc đời là giả tạm, nay vầy mai khác, thân thế lạc luân, của cải gia tài như đám phù vân trước gió, nước bọt mây bèo. Những cái sanh, cái bịnh, cái lão, cái tử được đặt lên cuộc đời của người nầy rồi đến người khác…rồi đến người khác nữa, nghĩa là tất cả nhân loại không thiếu sót một ai. Thế mà, họ vẫn cuống cuồng tâm trí theo bả lợi danh, mùi phú quí, đi theo những vặt vụn, tiểu ti eo hẹp”.  

 

CHÁNH VĂN

827.-Cõi Ta-Bà mấy ai tồn-tại,

Sống dư trăm như tuổi lão Bành.

Đời Hạ-Nguơn hay chết tuổi xanh,

830.-Như thuở trước Nhan-Hồi còn trẻ.

Miễn cho được ngày hai cơm tẻ,

Buổi bần hàn đặng có tu thân.

Nhờ ơn Trời ban bố đức ân,

834.-Xem chung cuộc Phong-Thần tại thế.

Xử những kẻ hung-hăng tồi-tệ,

836.-Thưởng những người trung-nghĩa vẹn toàn. 

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 827 đến câu 836)

          Tất cả chúng sanh hiện sống trong cảnh trầm luân thống khổ, ít ai bảo tồn được sanh mạng lâu dài, như Bành Tổ xưa kia mà hầu đeo đắm lợi danh tài sắc. Hơn nữa, thời Hạ ngươn mạt pháp phần đông nhân loại bị chết lúc tuổi còn xuân như Nhan Hồi thuở trước.

          -Đã nhận được kiếp sống của con người quá ngắn ngủi, kẻ thức thời nên an phận thủ thường; vui sống với cảnh nghèo để tu thân lập hạnh:“Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc Đạo an bần, xả thân tu tỉnh”.(Bát chánh – Chánh Tư duy) Nếu ai hành trì như thế, sẽ được Trời Phật độ qua các tai nạn và đặng chứng kiến cảnh phong thần tại thế tới đây:“Thời rõ việc phong thần trở lại”.(Xuân Hạ tác cuồng thơ)

          -Cuộc phong thần ấy là một sự tuyển chọn rất công minh. Trời đất căn cứ vào nghiệp nhân của mỗi chúng sanh mà trừng trị kẻ tà gian hung ác, và ban thưởng cho những ai vẹn lòng hiếu trung tiết nghĩa “Kẻ tà gian sau bị lửa thiêu, Người tu niệm sống đời thượng cổ”.(Kệ Dân, Q.2)

 

CHÚ THÍCH

          CÕI TA BÀ: (Xem CT câu 183, T-2, Q.2).

          LÃO BÀNH: Cũng gọi là Bành Tổ. Căn cứ theo sách Ấu Học thì Lão Bành sống vào đời Đường Nghiêu (Tr.Hoa), tên thật là Tiền Kiên, con của Trưởng Lão Lục Chung. Tương truyền mẹ ông mang thai 12 năm, hôm nọ bỗng nhiên nứt hông bên hữu sanh ra 6 người con, mà Ông là người thứ ba.

          Thuở nhỏ Ông học rất thông minh, lớn lên được Vua Nghiêu phong làm quan trấn giữ đất Bành Thành. Ông sống tới 880 tuổi (cũng có sách chép Bành Tổ sống 800 hoặc 700 tuổi), có 49 người vợ và 54 người con. Do sự sống lâu nên người đương thời gọi Ông là Bành Tổ hay là Lão Bành.

          Ông làm quan rất liêm chính, hết lòng giúp đỡ lương dân. Tuy làm quan, song Ông thường tìm nơi thanh tịnh, di dưỡng tánh tình, không hề để cho lợi danh chi phối. Ông phò luôn cả bốn triều vua: Đường, Ngu, Hạ, Thương.

          Đức Thầy nhắc chuyện trên, ý muốn nói ở đời mấy ai sống được lâu như Bành Tổ mà mong hưởng danh lợi:

                   “Mấy ai trăm tuổi ở đời,

              Được như Bành Tổ mà rời lợi danh”.

                                      (Viếng làng Phú An)

          ĐỜI HẠ NGƯƠN: (Xem CT đoạn 5, T-1, Bài Sứ Mạng)

          NHAN HỒI: Cũng gọi là Nhan Uyên, Nhan Tử hay Tử Uyên, sanh tại nước Lỗ, thời Đông Châu (Tr.Hoa), khoảng 514-483 trước Tây Lịch.

          Ông là học trò của Đức Khổng Tử, bản tánh thông minh và hiếu học, hỏi một thì luận ra tới mười. Ông có tiếng là người đức hạnh và không bao giờ ông phạm lỗi hai lần. Nhà Ông nghèo, chỗ ở chật hẹp, ăn uống khắc khổ, một giỏ cơm, một bầu nước lã; theo người khác đã không chịu nổi, nhưng ông vẫn vui vẻ và an phận như thường (tri túc thường lạc).

          Khổng Tử thường nói:“Từ ngày có Nhan Hồi, học trò ta càng đông”. Và Ngài từng khen ngợi ông:“Anh ấy thật là người tốt, ăn cơm gạo sô, uống nước lã, ở nơi chật hẹp, nếu là người khác đã ngã lòng thối chí; thế mà vẫn an phận vui vẻ, thật là người đáng quí”.

          Năm Nhan Hồi 29 tuổi, tóc đã bạc hết và ông mất vào năm 31 tuổi. Đức Khổng Tử vô cùng thương xót, tiếc than !

          Lúc đầu Nhan Hồi được liệt vào hàng Thập nhị hiền triết trong Nho giáo, nhưng sau đặng xếp vào bậc Tứ Phối, kế Đức Khổng Tử và được tôn làm Phục Thánh.

          Đức Giáo Chủ nhắc tích Nhan Hồi là ý nói con người sanh thời ngươn Hạ hay bị chết lúc còn trẻ như Nhan Hồi vậy.

          BAN BỐ: (Xem CT câu 174, tập 1, Q.1).

          PHONG THẦN: Vua ban chức tước và cấp vàng bạc, đất vườn cho bầy tôi trung nghĩa có công. Phong Thần còn có nghĩa phong tặng chức phận cho các vị Thần Thánh.

          Trong truyện Phong Thần có kể rằng: Vào thời Mạt Thương, sắp chuyển sang nhà Châu, chư Tiên có hội nghị, lập bảng Phong Thần. Giao trọng trách cho Ngươn Thỉ Thiên Tôn, truyền lịnh cho học trò là Khương Thượng Tử Nha, xuống giúp nhà Châu, hưng binh phạt Trụ và dựng đài Phong Thần. Các trận chiến trong cuộc diệt Trụ hưng Châu, những người chưa đủ phước đức để chứng quả Phật Tiên hoặc sống hưởng cuộc thái bình, thì bị chết hồn bay vào đó. Chờ xong việc, Khương Thượng y theo danh sách đã lập sẵn, gọi từng tên các hồn ấy ra mà phong đặt địa vị. Kế đó Võ Vương ban thưởng chức vụ và cấp đất cho các quan viên tướng sĩ có công trận.

          Đức Giáo Chủ cho biết cuộc Phong Thần tại thế tới đây, tức là việc chọn lọc hiền còn dữ mất để lập lại cảnh đời Thượng ngươn an lạc:

                   Như thuở xưa trời sắp cuộc Phong Thần,

        Diệt kẻ quấy lọc lừa dân lương thiện”.(Không buồn ngủ)

            TRUNG NGHĨA: Trung hiếu tiết nghĩa. Đức Thầy có câu:“Gương trung nghĩa Thánh Thần cảm động”.(Tặng Đoàn thanh niên ái quốc)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn