277.“Dương-gian chậu úp được soi,
Giấu đầu rồi lại cũng lòi sau đuôi.
Nói nhiều mà dạ chẳng nguôi,
280. Việc tu bá-tánh bắn lùi như tôm.
Tưởng Phật được lúc đầu hôm,
282. Đêm khuya muốn giựt nồi cơm của người”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 277 đến câu 282)
-Ở đời những kẻ hành động bất chánh, thường dùng đủ cách che dấu thiên hạ, nhưng chỉ được một thời gian rồi cũng bày lộ chân tướng. Đức Thầy nhận thấy có vô số người theo Đạo chỉ tinh tấn được ít lâu rồi thối chuyển, hoặc “bán đồ nhi phế”. Lại có kẻ khác, xem đường Đạo hình như có cái gì bắt buộc khổ sở nên họ thụt lùi chẳng dám bước vào.
-Ngoài ra còn có số người giả tu, phô trương hình thức để che giấu việc làm gian xảo. Mỗi chiều thì công phu bái sám, niệm kinh để cho ai cũng thấy mình là người tu hành kỹ lưỡng, nhưng đêm lại thì tính toán mưu nầy kế nọ để lường giựt cơm tiền của bá tánh. Lại còn hạng người khác chẳng lo trau giồi đạo đức, cứ mãi thổi lông tìm vết chê cười thiên hạ.
Do đó Đức Thầy thường khuyến tỉnh họ:
“Tiên xử kỷ hậu lai xử bỉ,
Bắt lỗi người phải xét lỗi mình,
Vậy mới là phải bực công bình,
Nẻo chánh trực chí người quân tử”.
CHÚ THÍCH
CHẬU ÚP ĐƯỢC VOI: Cái chậu thì nhỏ, con voi thì lớn không thể nào úp trọn vẹn. Dầu cho úp khuất cái đầu thì ló cái đuôi, bằng úp kín cái đuôi cũng bày cái đầu ra. Đây chỉ cho người làm việc gian tà ám muội thì sớm muộn gì thiên hạ cũng hay (dấu đầu lòi đuôi) và rốt cuộc chuốc lấy tai hại.
Như vào đời Thương (Tr. Hoa) có Trụ Vương đắm say sắc đẹp của Đắc Kỷ (nguyên là hồ ly tinh). Đắc Kỷ gạt vua Trụ khi xây cất Bá Lộc Đài xong sẽ cho chư Tiên giáng thế. Vua Trụ tưởng thiệt tin theo. Đắc Kỷ thông tin cho quyến thuộc nhà chồn hay. Kẻ biến Tiên ông người hóa Tiên cô đằng vân đến dự tiệc. Vua bắt Hoàng thúc Tỷ Can đãi rượu, Tỷ Can bất mãn nhưng vì lịnh vua nên chẳng dám cãi. Các giả Tiên mê ăn uống say mèm, tà phép hết linh, ló đuôi ra ngoài, bay hơi chồn nực mũi. Tỷ Can nhờ mạnh rượu không say, nên lẻn về bàn với Hoàng Phi Hổ cho binh tướng theo dõi đám giả tiên. Bởi quá say bọn ấy đằng vân không nổi đành dìu nhau kéo bộ. Hoàng Phi Hổ chờ bọn giả tiên chui vào hang xong bèn ra lịnh lấp củi vào miệng hang thiêu rụi hết. Lửa tắt, bươi tro ra thấy toàn là xác chồn, hai người truyền lột da may áo hồ cừu dâng vào trào can vua.
CHẲNG NGUÔI: Chẳng chịu bớt, chẳng vơi được cơn buồn thương.
BẮN LÙI NHƯ TÔM: Tôm là loại động vật không máu dưới nước, vỏ mỏng cứng, mình cong có nhiều đốt, sáu chân hai râu, đuôi chẻ ba, đi tới thì chậm, bắn lùi rất nhanh lẹ.
Bởi hiện tình có số người tu, đáng lẽ càng ngày càng tinh tấn, đằng nầy họ cứ chần chờ giải đãi nên Đức Thầy ví như loài tôm hay bắn lùi.
Ngài cũng hằng khuyên:
“Ít ai giữ đặng chí bền,
Tu theo nước lớn, ròng bèn thả trôi”.
(Khuyên người giàu lòng Phước Thiện)
Xưa, lúc Đức Phật còn trụ thế, một hôm Ngài cùng các đệ tử đi ngang qua một cánh đồng có một người nông phu đang cày ruộng. Anh thấy Phật có vầng hào quang sáng rỡ, oai nghi đoan chánh, lòng anh rất hân hoan, toan đến lễ Phật xin quy y, nhưng chực nhớ chuyện cày cấy chưa xong bèn tự nhủ:
“Thôi để khi khác, bao giờ cày cấy gieo giống xong, rảnh rang ta sẽ đến nơi Phật xin quy y cũng chẳng muộn”. Nghĩ thế rồi anh tiếp tục việc đồng áng.
Phật biết rõ ý niệm của anh nông phu kia nên mĩm cười. A
-Các ông có thấy người đó chăng ? Anh đã trải qua 91 kiếp, gặp cả thảy 7 vị Phật ra đời. Mỗi lần gặp Phật, anh đều hoan hỷ toan đến quy y lễ bái, nhưng nghĩ lại việc mùa màng chưa xong bèn thôi, rồi cứ mãi chần chờ lây lất.. Đến nay gặp ta vừa hoan hỷ đến quy y rồi cũng thối niệm, tự hẹn khi khác. Cứ như thế mà biết bao lần sanh tử chuyển luân, việc cày cấy vẫn chưa xong và cũng vẫn chưa được quy y Tam Bảo.
Anh nông phu nghe Phật nói tiền nghiệp giải đãi của mình, giật mình kinh sợ tự hối, buông cày đến lễ Phật cầu xin thọ giới quy y.
Xuyên qua mẩu chuyện trên, nhận thấy đời nay cũng có lắm người chần chờ giải đãi như thế nên Đức Thầy hằng khuyên:
“Chẳng chịu tu mãi còn lục thục,
Lo giàu nghèo lo cũng chẳng rành”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)
TƯỞNG PHẬT: Niệm Phật và nhớ Phật, đây chỉ cho thời công phu niệm Phật.