Sanh ra ở đời, con người dầu muốn hay không, cũng phải chịu sự chi phối của định-luật thiên-nhiên. Định-luật ấy gồm vào một chữ Đạo. Đạo của con người kêu bằng “Đạo Nhân”, và nó là một con đường, đi trúng thì sống, bước trật tất chết.
Muốn làm tròn Nhân Đạo, phải giữ vẹn Tứ Ân. Nhưng trước hết hãy tránh Tam Nghiệp và chừa Thập Ác, cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng thiếu nợ.
Mỗi người đều có ba nghiệp chướng sau đây:
- Thân-nghiệp: tội lỗi do xác thịt gây nên.
- Khẩu-nghiệp: tội lỗi do miệng gây nên.
- Ý-nghiệp: tội lỗi do ý tưởng gây nên.
Ba nghiệp chướng ấy khiến con người phạm mười điều ác kể ra dưới đây:
- Thân-nghiệp sanh 3 điều ác :
1.- Sát-sanh,
2.- Đạo-tặc,
3.- Tà-dâm.
- Khẩu-nghiệp sanh 4 điều ác:
1.- Lưỡng-thiệt,
2.- Ỷ-ngôn,
3.- Ác-khẩu,
4.- Vọng-ngữ.
- Ý-nghiệp sanh 3 điều ác:
1.- Tham-lam,
2.- Sân-nộ,
3.- Mê-si.
LƯỢC GIẢI
Mỗi chúng sanh trong trần, ai ai cũng phải đi theo định nghiệp của Nhân và Quả. Định nghiệp ấy cũng gọi là Đạo, tức là do thân tâm của mình tự tạo rồi hưởng lấy. Cho nên cũng gọi nó là con đường, nếu làm lành, tức đi trúng thì sống, bằng tạo hung dữ, tức là đi trật ắt chết.
Vậy ai muốn cho mình được trọn lành để sống thì đồng thời với đáp tứ ân, cần phải trừ ba nghiệp chướng và tránh 10 điều ác.
CHÚ THÍCH
CHI PHỐI: Cầm giữ sai khiến, chỉ huy, điều khiển.
ĐỊNH LUẬT: Luật lệ đã định sẵn không sai chạy. Đây chỉ cho định luật nhân quả.
THIÊN NHIÊN: Tự nhiên, phải như vậy. Cũng chỉ cho luật tạo hóa hay luật nhân quả.
ĐẠO: Chữ Đạo có ba nghĩa.
1/-Đạo là con đường của tâm hồn: Có nghĩa ai tạo nghiệp nào, khi thác sanh về cảnh giới ấy. Đức Thầy bảo:
“Địa ngục cũng tại tâm làm quấy,
Về thiên đàng tâm ấy tạo ra.
Cái chữ tâm mà quỉ hay ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó”.
2/-Đạo là bổn phận: Có nghĩa: người ở vào địa vị nào thì sử dụng đúng theo phận sự nấy, như: Đạo vua tôi, thầy trò, cha con, chồng vợ, huynh đệ và bè bạn. Đó là về phần “tu Nhân” xử thế. Còn phần nội tâm “tu Phật” Đức Thầy có dạy:“Cái Đạo của mình đối với nhân loại, của mình đối với trời Phật, của mình đối với mình”.
3/-Đạo là bản thể tuyệt đối: Tức là cái chơn tâm diệu minh của mỗi người, tạm chia làm 3 phần: TƯỚNG, DỤNG và THỂ:
-Với cặp mắt thường nhân ta nhìn vào cái Đạo thấy có vị trí chùa am, Kinh văn giáo điển; nhưng thật thể của nó là chẳng có hình tướng, sắc màu hay ngữ ngôn đối đãi, nên gọi có mà không là TƯỚNG của ĐẠO.
-ĐẠO vốn không có hình tướng sắc màu hay văn từ ngôn ngữ, nhưng vì có nhiệm vụ cứu độ chúng sanh nên phải vào đời áp dụng mọi phương tiện tổ chức và Kinh Pháp để giáo hóa nhân sanh; nên gọi không mà có là DỤNG của ĐẠO.
-ĐẠO tuy không có hình tướng sắc màu hay văn từ ngôn ngữ và cũng chẳng có tên chi gọi được:(Đạo khả Đạo phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thườnh Danh). Nhưng trong cái không nầy nó hàm chứa cái mầu nhiệm sáng suốt vô cùng tận, chẳng thể nghĩ lường được, cho nên gọi Không mà chẳng Không là THỂ cuả ĐẠO.
Do đó, hễ nói tới Đạo tức nói tới tâm.“Đạo không rời bản tâm”.
“Đạo tại tâm, tâm Đạo tích tùng,
Tùng tâm Đạo mới là Phật Đạo”.(Giảng Xưa)
ĐẠO NHÂN: Cũng gọi là Nhân Đạo. Có nghĩa Đạo làm người, bổn phận làm người. Đức Thầy khuyên:“Rán tu nhân Đạo cho tròn mới hay”.
ĐI TRÚNG THÌ SỐNG, BƯỚC TRẬT TẤT CHẾT: Câu nầy có nghĩa ai thi hành đúng theo con đường nhân đạo của Đức Thầy đã vạch, tuy xác thân cũng chết, nhưng linh hồn được siêu thoát và danh tốt được muôn đời nhắc nhở, nên gọi là sống. Bằng hành sai con đường Đạo thì xác thể chết, linh hồn bị đọa lạc trầm luân và tiếng xấu lưu mãi tới đời sau. Ấy gọi là chết.
NGHIỆP CHƯỚNG: Nghiệp là việc làm, là nguyên nhân gây tạo; chướng là quả, là ngăn che trở ngại. Kinh Phật giải nghiệp chướng có ba món: - Phiền não chướng, Nhân chướng và Báo chướng. Đức Thầy giải là: Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp.
Do ba nghiệp chướng ấy, gây tạo 10 điều ác rồi bị quả báo trả lại làm chướng ngại con đường giải thoát của mình:“Nghiệp chướng lăng loàn hại xác thân”.( ĐT)
CÂU HỎI
1/-Định luật thiên nhiên là định luật gì ?
2/-Hãy cho biết ý nghĩa của chữ Đạo ?
3/-Ta phải tu làm sao mới tròn Nhân Đạo ?
4/-Đức Thầy bảo:“ Đi trúng thì sống, bước trật thì chết” hãy cho biết sự sống chết ấy như thế nào ?