CHÁNH VĂN
Đối với những kẻ xuất-gia quy-y đầu Phật, phụ vào những ân-huệ đã thọ như đã nói trên, họ còn phải trực-tiếp chịu ân của các đàn-na thí chủ, nghĩa là những thiện-nam tín-nữ có hảo tâm cung-cấp những vật dụng cần thiết cho họ. Họ nhờ đến hột cơm, đến miếng vải, đến thuốc men đặng sanh sống. Rốt lại, họ phải nhờ sự nuôi dưỡng hoàn-toàn của những kẻ tốt lòng.
Với quần sanh, họ mang cái ân rất nặng cho nên họ phải dìu dắt sinh linh đi tầm Chân-lý đặng đáp tạ tấm lòng chiếu cố của Thiện tín.
LƯỢC GIẢI
Các Tăng Ni xuất gia ngoài việc thọ bốn điều ân vừa kể qua, còn phải chịu thêm ân “Đàn Na Thí Chủ”.
1- LÝ DO THỌ ƠN
a)-
b)- Nên các nhà hảo tâm thường giúp đỡ các Tăng, Ni mọi phương tiện: cơm ăn, thuốc uống, y phục và các phương tiện nghỉ ngơi.
2- CÁCH ĐÁP ƠN
a)- Mỗi Tăng Ni đều phải noi gương Đức Phật tu hành cho đến khi thành quả.
b)- Phát đại nguyện độ tận chúng sanh.
c)- Cố gắng học và hành trì Kinh pháp.
d)- Giác tỉnh thiện tín tầm ra chơn lý tu hành.
3- LỢI ÍCH ĐÁP ƠN ĐÀN NA
Người đáp được ân Đàn Na sẽ đặng lợi ích:
a)- Gieo duyên lành với khắp cả.
b)- Độ đặng vô số chúng sanh tu hành giải thoát.
c)- Chính mình cũng mau đạt quả vô thượng Bồ đề.
4- TAI HẠI KHÔNG ĐÁP ƠN ĐÀN NA\
a)- Bị xa lần Chánh Đạo, chôn lấp thiện căn.
b)- Luân hồi vô lượng kiếp báo đền nghiệp nợ. Kinh xưa đã bảo:
“Thập phương nhứt lạp mễ,
Như đại Tu Di sơn.
Thực liễu bất tu Đạo,
Phi mạo đái giác hườn”.
(Một hột cơm của “Đàn na thí chủ” nặng như hòn núi Tu Di. Nhà tu dùng rồi mà chẳng lo tu cho đắc Đạo thì phải luân hồi mang lông đội sừng (thú) để đền trả.)
KẾT LUẬN
Hạnh tu xuất gia là hạnh giải thoát cao cả, song ân “Đàn na thí chủ” cũng nặng lớn vô biên. Hành giả phải hy sinh từ vật chất lẫn tinh thần và thực hiện lòng tự giác, giác tha cho đến khi giác hạnh viên mãn.
“Nếu xuất gia thì phải hy sinh,
Cả vật chất tinh thần lo Đạo”.( ĐT)
TỔNG KẾT
Phẩm báo “Tứ Đại Trọng Ân” khi xưa Đức Phật đã dạy chư Bồ Tát trì hành để đạt đại thừa trong Phật Đạo. Ngày nay Đức Giáo Chủ PGHH đặt Tứ Ân trong phần Nhân Đạo thì đủ biết Đạo Nhân của Ngài dạy siêu thượng đến chừng nào !
Căn cứ theo tôn chỉ PGHH, Tứ Ân là phần ân nợ. Nếu ai thi hành được, chẳng những đáp đặng phần ân nợ mà còn tạo được vô lượng phước đức để làm món tư lương bước lên thuyền trí huệ, tiến sang bờ giác:
“Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen”.( ĐT)
CÂU HỎI
1/-Các tăng ni xuất gia có thọ mấy ân ?
2/-Lý do nào thọ ân Đàn na thí chủ ?
3/-Muốn đáp ân Đàn na thí chủ phải làm sao ?
4/-Người đáp ơn Đàn na thí chủ được lợi ích gì ?
5/-Kẻ không đáp ơn Đàn na thí chủ tai hại ra sao ?
6/-Cho biết mục kết luận của Ân Đàn na thí chủ ?
7/-Phần tổng kết phẩm đáp Tứ Ân ra sao ?