CHÁNH VĂN (Từ câu 369 tới câu 448)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 35012)
CHÁNH VĂN (Từ câu 369 tới câu 448)

369.-Đúc Phật lớn chùa cao bối-rối,

Mà làm cho Phật-Giáo suy đồi.

Tu Vô-Vi chớ cúng chè xôi,

372.-Phật chẳng muốn chúng-sanh lo lót.

Tăng với chúng ưa ăn đồ ngọt,

Nên bày ra cúng kiếng hoài hoài.

Ỷ nhiều tiền chẳng biết thương ai,

376.-Cúng với lạy khó trừ cho đặng.

Kẻ nghèo khó tu hành ngay thẳng,

Không cầu siêu Phật bỏ hay sao ? 

Lập trai đàn chạy-chọt lao xao,

380.-Bôi lem mặt làm tuồng hát Phật.

Nay nhằm lúc mùa màng ngập thất,

Vậy hãy mau bỏ bớt dị-đoan.

Rán giữ-gìn luân-lý tam cang,

384.-Tròn đức-hạnh mới là báu-quí.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 369 tới câu 384)

          Bởi nhận thấy có số người tu Phật, mãi đua theo hình tướng, tạo chùa, đúc tượng, cúng kiếng chè xôi…Khiến cho người đời chán chê xa lánh, Đạo Phật do đó càng lúc càng bị suy yếu. Đức Thầy kêu gọi họ hãy tu theo Chánh pháp vô vi mới đúng chân lý. Vì rằng Phật chẳng hề dùng các món: chè xôi, bánh trái, hoặc tiền của. Chỉ vì chúng tăng làm sai chơn lý mới bày ra cúng kiếng nầy nọ để thọ hưởng vật thực đó mà thôi.

          -Ở đời có lắm kẻ gian tham, bỏn sẻn, ỷ mình giàu có, chẳng thương xót một ai, cứ đem tiền của vật thực đến chùa mướn người cầu siêu, lễ bái, lầm tin rằng làm như vậy sẽ trừ hết tôi lỗi, khỏi cần phải tu, họ có ngờ đâu:                 “Phật chẳng qua dụng chữ tín thành,

                     Chớ nào dụng hương, đăng, trà, quả”.

                                                (Giác mê TK, Q.4)

          Do đó, Đức Giáo Chủ hằng cảnh tỉnh, Đức Phật chẳng bao giờ ngỏ ý rằng:“Các người hãy lạy thờ ta cho nhiều rồi Ta sẽ độ giúp các người” mà trái lại, Ngài dạy rằng:“Các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình. Thiệt hành theo giáo lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn và ủng hộ vậy”.(Trong việc Tu thân Xử kỷ).

          -Xét như trên, chư Phật lúc nào cũng tiếp độ những người tu hành chân chất, dù kẻ đó là bần hàn hạ tiện. Còn những cuộc trai đàn hát Phật, là trò mị dối, mê tín dị đoan, làm sai lạc chân truyền của Đạo Phật quá nhiều. Cho nên Đức Thầy kêu gọi các môn đồ trong Phật giáo từ đây hãy chấm dứt tệ đoan ấy để làm cho tròn bổn phận thực tại:“Rán tu Nhân Đạo cho tròn mới hay”.(Sấm Giảng Q.1). Ấy là bổn phận từ trong gia đình: giữa cha con, chồng vợ, huynh đệ; đến ngoài xã hội, đâu đó đều đối xử được vẹn toàn tốt đẹp. Đồng thời lo trau giồi hạnh nết, phát triển lòng nhơn và gội rửa tâm trí cho được sạch trong để tiến lên đường giải thoát, chính đó mới là điều cao quí.

CHÚ THÍCH

          SUY ĐỒI: Đồi bại, đổ nát. Ví dụ: Phong hoá suy đồi hay Phật giáo suy đồi. Đức Thầy có câu:

                   “Lòng quảng ái xót thương nhân chủng,

                   Buổi lố lăng Phật giáo suy đồi”.(K/Thiện Q.5)

            VÔ VI: (Xem chú thích câu 290, Q.2).

          TRAI ĐÀN: (Xem chú thích câu 326, Q.2)

          LÀM TUỒNG HÁT PHẬT: Lối hát y như hát bộ (bội), cũng mang râu đội mão, vẽ mặt.v.v…Những tuồng tích theo sử liệu Phật giáo, do Tăng chúng và các ông Nhưn bông đóng trò. Trong những cuộc làm chay ở các chùa, thường bày hát như vậy, nên gọi là Hát Phật.

          DỊ ĐOAN: (Xem chú thích câu 78, Q.2).

          LUÂN LÝ: (Xem Chú thích câu 78, Q.2).

          TAM CANG: Cũng gọi là tam cương, tức là ba giềng mối quan trọng của Đạo làm người: 1-Quân thần cang; 2-Phụ tử cang; 3-Phu thê cang. Việc ăn ở, đối xử đâu phải ra đấy, như: vua tôi đối nhau phải có lòng trung chánh, cha con đối nhau phải có hiếu từ và chồng vợ đối nhau phải ân nghĩa song toàn. Đức Thầy có câu:

                   “Ngũ luân lễ nghĩa năm hằng,

                Tam cang trung trực người rằng ngu si”.

                                                        (Để chơn đất Bắc)

          ĐỨC HẠNH: Đức là tâm lành; hạnh là nết tốt. Người vẹn tròn đức hạnh là bên trong đầy lòng nhân ái, khoan hòa; bên ngoài mọi cử chỉ nói làm đều biểu hiện hạnh nết tốt lành với mọi người: từ gia đình đến xã hội.

                   “Những người tích đức tu nhân,

                  Ít khi gặp phải tai ương khổ nàn”.(Ca dao)

          Đức Thầy cũng khuyên:

                   “Chốn Phật đường rán trau đức hạnh,

                     Phải bền lòng mới rảnh trần ai”.(Sa Đéc)

 

CHÁNH VĂN

385.-Nay gần đến long phi xà vĩ,

Cảnh gian-nan bá-tánh hầu kề. 

Thấy chúng sanh còn hỡi say mê,

388.-Khùng chỉ rõ đường tà nẻo chánh.

Ta là kẻ vô hình hữu ảnh,

Ẩn xác phàm gìn đạoThích-Ca.

Làm gian ác là quỉ là ma,

392.-Làm chơn chánh là Tiên là Phật.

Hiếm những kẻ không nhà không đất,

Mà sang giàu chẳng xót thương giùm.

Có lỡ-lầm chửi mắng um-sùm,

396.-Thêm đánh đập khác nào con vật.

Ăn không hết lo dành lo cất,

Đem bạc trăm cúng Phật làm chi ?

Phật Tây-Phương vốn tánh từ-bi,

400.-Đâu túng thiếu mà quơ mà tởi.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 383 tới câu 400)

          Đoạn nầy Đức Thầy tiên tri, nay sắp đến hai năm Thìn, Tị, cảnh gian lao chiến nạn sẽ đến với chúng sanh không còn xa lắm. Điều nầy Ông Sư Vãi Bán Khoai đã nói:“Rồng bay xao xuyến nào yên, Rắn bò giáp giới đảo điên dương trần”. Ông Ba Thới cũng bảo:“Rắn lộn rồng nhơn dân sanh giặc”. Và trong Quyển Nhứt, Đức Thầy còn cho biết:       “Mèo kêu bá tánh lao xao,

                      Đến chừng rồng rắn máu đào chỉn ghê”.

          Điều nầy đã ứng nghiệm vào hai năm (1940-1941) giai đoạn đầu cuộc Đệ nhị Thế chiến.

          -Đức Giáo Chủ nhìn thấy chúng sanh mãi đắm mê trong cảnh đời ảo mộng, đầy gian lao tội lỗi, nên Ngài phân tách rõ hai nẻo chánh tà cho bá tánh nhận thức. Công cuộc chuyển kiếp độ đời Ngài không hề phô trương hình tướng Phật Tiên, mà chơn linh Ngài chỉ ẩn nương vào xác phàm, để hoằng truyền Phật Pháp. Vậy ai muốn biết đâu tà đâu chánh, chẳng phải xem hình thức mà phải căn cứ vào hành động, hễ ai hành động chơn chánh thiện lương là Tiên Phật, còn tạo việc gian ác tức quỉ ma.

          -Ngài hằng kêu gọi kẻ giàu sang nên bỏ tánh kiêu căng ỷ thị, nhiếc xài đánh đập tôi tớ mà hãy mở lòng thương xót, bố thí cho kẻ khốn cùng đó là điều chánh lý, đáng làm. Bằng ai mãi tham lam ky cỏm, rồi mang tiền của đến chùa cúng Phật, thật chẳng có ích chi. Bởi lẽ chư Phật lúc nào cũng đầy lòng từ ái, hằng rộng độ khắp vạn dân, đâu có túng thiếu, cũng chẳng hề xài tiền bạc của thế gian mà chúng Tăng lại tởi khuyên như thế.

CHÚ THÍCH

          LONG PHI XÀVĨ: Rồng bay đuôi rắn. Ý chỉ năm Thìn đã qua và đến cuối năm Tị.

          SAY MÊ: Cũng gọi là sa mê, tức say đắm mê nhiễm một cách mù quáng, không thức tỉnh rời rứt ra. Đức Thầy nói (trong Giác mê TK, Q.4):

                   “Thương lê dân còn mảng say mê,

                     Chẳng tu tỉnh cho rành sương nắng”.

          VÔ HÌNH HỮU ẢNH: Không có hình tướng, nhưng có bóng (Chơn linh hay Pháp thân). Ông Sư Vãi Bán Khoai có nói:“Phật Trời hữu ảnh vô hình, Thánh Thần cũng vậy mới là oai linh”. Đức Thầy cũng cho biết:

                   “Tuy là hữu ảnh vô hình,

             Chớ dân lòng tưởng sân trình đáo lai”.

                                      (Từ giã Bổn đạo khắp nơi)

          ẨN XÁC PHÀM: Dấu kín Chơn linh trong xác thể phàm tục. Ý nói Đức Thầy chuyển kiếp độ đời, cũng mang xác thể như bao nhiêu người phàm tục khác, nhưng tâm hồn siêu việt hơn người thường.

          THÍCH CA: Phạn ngữ là Sakya. Họ của Phật. Tàu dịch là Năng nhơn, nghĩa là người có năng lực từ bi rộng lớn. Kinh “Di Đà Sớ Sao” nói:“Năng giả thiện quyền phương tiện khúc trực cơ nghi, Nhơn giả trí đức hồng ân phổ triêm vạn loại. Thị đại từ lợi vật dã”. (Chữ Năng là hay dùng pháp phương tiện quyền xảo tùy theo cho thích hợp các căn cơ để hóa độ; chữ Nhơn là lấy trí đức ân từ rộng lớn bủa khắp muôn loài. Thật là đại từ đại bi, tế nhơn, lợi vật của Phật vậy).

          TỪ BI: (Xem chú thích đoạn 1 bài Sứ Mạng).

          QUƠ TỞI: Quơ là lấy, vơ vét, quơ quào. Tởi là tải, quyên góp. Ví dụ: Tởi tiền cất chùa, đúc tượng…Đức Thầy từng nói:“Bị Tăng chúng quá ham chùa ngói,

                        Nên tởi khuyên khắp chốn cùng làng.

                         Phật nào ham tượng cốt phết vàng,

                        Mà Tăng tạo hao tiền bá tánh”.

                                                (Giác mê Tâm kệ, Q.4)

 

CHÁNH VĂN

401.-Khùng cả tiếng kêu dân ơi hỡi,

Hãy giúp cho kẻ đói mới nhằm.

Đến loạn-ly khổ hạnh khỏi lâm,

404.-Còn hơn đúc chuông đồng Phật bự.

Chẳng làm phước để làm hung dữ,

Rồi vào chùa lạy Phật mà trừ.

Phật Tây-Phương có lẽ hiểu dư,

408.-Dụng tâm ý chớ không dụng vật.

Muốn bổn-đạo tánh tình chơn-chất,

Rèn lòng hiền thương xót lẫn nhau.

Kể từ rày vàng lộn với thau,

  412.-Phật, Tiên, Thánh cùng nhau xuống thế.

Cứu bá-tánh không cần lễ mễ,

Để dắt-dìu đạo lý rành đường.

Nước Nam-Việt nhằm cõi Trung-Ương,

416.-Sau sẽ có Phật Tiên tại thế.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 401 tới câu 416)

          -Đoạn nầy Đức Thầy kêu gọi bá tánh, muốn tạo phước nhân, hãy trợ giúp cho kẻ nghèo đói mới đúng lý, đã thoát qua các tai nạn khổ ách, lại còn được phước đức nhiều hơn người sắm chuông đúc tượng.

          -Ngài hằng thống trách hạng người chẳng chịu tu thân hành thiện, mãi làm điều hung ác rồi mang tiền, vật đến chùa cúng bái, cho rằng làm như vậy sẽ trừ được tội lỗi. Nào ngờ mỗi hành động, hoặc tâm niệm nhỏ nhặt nào của chúng sanh, chư Phật đều thông suốt cả và các Ngài luôn tiếp độ những ai trở về với Đạo bằng tấm lòng thành thật. Còn những kẻ tuy đem lễ vật đến chùa cúng Phật rất nhiều, song chỉ để cầu phước và chẳng thật ý tu hành, thì các Ngài không hề chấp nhận.

          -Đức Thầy hằng mong mọi người đều rèn luyện tâm tánh cho được chơn thật hiền lương, để biết:“Thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt lẫn nhau vào con đường Đạo đức”.(Tám điều răn cấm: Điều thứ tám).Trong thế gian hiện giờ, kẻ chân giả, xấu tốt, còn đang lẫn lộn. Chư vị Phật Tiên, lâm phàm độ chúng, chẳng vì lợi lộc, mà chỉ vì muốn vạch rõ con đường Đạo lý, để bá tánh nương theo đó mà tu hành thoát khổ.

          -Bởi cơ luân chuyển Việt Nam nhằm trung tâm điểm của quả địa cầu:“Cõi trung ương luân chuyển phương Nam, Mở hội thánh chọn người trung hiếu”. (Diệu pháp QM) nên sau nầy và nơi đây sẽ có Phật, Tiên, Thánh giáng lâm để “An Bang cùng định quốc”,(Trao lời cùng Ông Táo) và:

                   “Long Hoa Tiên Phật đáo Ta bà,

                     Lừa lọc con lành diệt quỉ ma”.

 

CHÚ THÍCH

          LOẠN LY: Rối loạn và tản mác, lộn xộn. Ví dụ: gặp lúc loạn ly, phân vân khổ sở. Đức Thầy bảo:“ Đời cùng ly loạn khắp chư bang”.(Lộ chút cơ huyền).

          KHỎI LÂM: Khỏi là thoát qua được. Lâm là gặp phải, vướng nhằm. Khỏi lâm là khỏi vướng phải. Đức Thầy có câu (trong Sấm Giảng, Q.1):

                   “Đến sau khổ hạnh khỏi lâm,

                 Nhờ công tu niệm âm thầm quá hay”.

          DỤNG TÂM Ý CHỚ KHÔNG DỤNG VẬT: Câu nầy ý dạy, ai thành tâm thật ý cải hối tội lỗi thì Phật trời sẽ ứng chứng cho, chớ không phải dùng lễ vật cúng tế cho nhiều mà được. Đức Thầy hằng khuyên:

                   “Tới với Ta chớ đem đồ cúng,

                Chỉ đem theo hai chữ thành lòng”.(Giác Mê,Q.4)

            CHƠN CHẤT: Thật thà chấc phác. Đức Thầy (trong Tám điều răn cấm: Điều thứ nhì) có dạy:“..Phải cần kiệm sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất”.

          VÀNG LỘN VỚI THAU: Ý nói chân giả, tốt xấu còn lộn xộn chưa phân biệt. Đây chỉ cho hiện thời: Tiên, Phàm, Ma, Phật đang ở chung lộn trong cõi thế gian, rồi đây sẽ có ngày:

                   “Nấu lọc rành mới biết vàng thau,

                     Ai thật tánh ai người giả đạo”. (Sa Đéc)

          LỄ MỄ: Lễ lọc. Vật thực để cúng tế.

          ĐẠO LÝ: (Xem chú thích câu 155, Q.1)

          NAM VIỆT: (Xem chú thích câu 3, Q.2).

          TRUNG ƯƠNG: Ở giữa, chỗ chính giữa. Đức Thầy từng nói (trong Trao lời cùng Ông Táo):

                   “Ngài vâng chỉ đáo lai trần thế,

             Cõi Trung ương nhằm nước Việt Nam”.

 

CHÁNH VĂN

417.-Khuyên sư vãi bớt dùng của thế,

Gắng công tu đặng có xem đời.

Tu thật tâm thì được thảnh-thơi,

420.-Tu giả-dối thì lao thì lý,

Khùng khuyên hết kẻ ngu người trí,

Rán tĩnh tâm suy nghĩ Đạo-mầu.

Chuyện huyền-cơ bí-hiểm cao sâu,

424.-Hãy nghiệm xét hai đường tà chánh.

Các chư Phật không khi nào rảnh,

Tâm từ-bi vẫn nhớ chúng-sanh.

Các chư Thần tuần vãng năm canh,

428.-Về Thượng-Giái tâu qua Thượng-Đế.

Sổ tội ác thì vô số kể,

Còn làm nhơn thì quá ít-oi.

Hội công-đồng xem xét hẳn-hòi,

432.-Sai chư tướng xuống răn trần-thế.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 417 tới câu 432)

          -Đức Giáo Chủ hằng khuyên các sư vãi bớt hưởng dụng tiền vật của thập phương và cố gắng trau sửa thân tâm cho được toàn thiện, hầu sau nầy đặng xem cảnh đời biến đổi. Nếu ai thành lòng tu niệm sẽ được giải thoát an vui, bằng tu dối thế, phải gánh chịu vô vàn lao khổ.

          -Ngài kêu gọi khắp mọi người hãy mau thức tỉnh, dốc hết tâm trí suy nghiệm lẽ diệu mầu trong Đạo pháp, để xác định được hai đường tà chánh, thì sự tu mới khỏi bị lầm lạc.

          -Lòng từ bi của chư Phật lúc nào cũng thương xót chúng sanh, hằng tùy phương cứu độ. Các bậc Thần Thánh ngày đêm luôn tuần du xem xét điều tội phước của nhân gian để tấu trình về Thượng Đế.

          Xét ra thấy điều tội ác của chúng sanh quá nhiều, còn việc nhơn hiền quá ít, nên các Ngài hội công đồng phân xử, quyết định cho chư tướng xuống trần, răn phạt kẻ hung ác.

CHÚ THÍCH

          GẮNG CÔNG: Cố công, đem hết tâm lực làm một việc gì. Ví dụ: Gắng công học tập, gắng công hành Đạo. Đức Thầy bảo (trong Giác mê TK, Q.4):

                   “Gắng công tu xem nhiều phép lạ”.

          Hay là (trong Khuyến Thiện, Q.5):

                   “Gắng công trì niệm sớm khuya”.

          TU THẬT TÂM: Thật lòng tu sửa, không dối trá.

          THẢNH THƠI: Rảnh rang, thung dung, không bị ràng buộc lo nghĩ. Ví dụ: Cảnh sống thảnh thơi.“Bao giờ đồng ruộng thảnh thơi, Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuấn Nghiêu”.(Ca dao). Đức Thầy hằng dạy:

                   “Nghe Điên dạy sau nầy thơi thảnh,

             Đây chỉ đường Cực Lạc vãng sanh”.(Kệ Dân, Q.2)

            TU GIẢ DỐI: Không thành thật tu hành, giả dạng mang sắc áo nhà tu, nhưng không quyết lòng tu sửa, chỉ ẩn dương nương Phật, lòng luôn mưu tính lợi dụng bá tánh.

          TỈNH TÂM: (Xem chú thích câu 20, Q.2).

          ĐẠO MẦU: (Xem câu 901, Q.1).

          HUYỀN CƠ:(Xem chú thích đoạn 4, bài Sứ Mạng)

          BÍ HIỂM: Bí mật sâu kín.

          NGHIỆM XÉT: Ngẫm nghĩ, suy xét kỹ lưỡng.

          TỪ BI: (Xem chú thích đoạn 1 bài Sứ Mạng).

          TUẦN VÃNG: Đi qua lại để xem xét. Ví dụ: Vua phái các khâm sai đi tuần vãng các tỉnh, huyện…

          NĂM CANH: Theo giờ giấc thời xưa, một đêm có 5 canh, mỗi canh là 2 tiếng đồng hồ: Từ đầu 19 giờ tới 21 giờ (đêm) là canh 1, đầu 21 giờ tới cuối 23 giờ là canh 2, đầu 23 giờ tới cuối 1 giờ là canh 3, từ đầu 2 giờ tới cuối 3 giờ là canh tư, từ đầu 3 giờ đến cuối 5 giờ là canh năm. Ví dụ: Đêm năm canh, ngày sáu khắc. Ông Ba Thới có nói:                 “Đêm năm canh thổn thức chẳng an,

                     Ngày sáu khắc sầu riêng đoạn đoạn”.

          THƯỢNG ĐẾ: Vua cõi Trời. Chỉ cho Ngọc Hoàng Thượng Đế.

          VÔ SỐ: Nhiều lắm, không thể đếm hết.

          CÔNG ĐỒNG: Cùng chung nhau, toàn thể. Có tánh cách một hội nghị mở rộng:“Công đồng hoạch định san hà, Nước ai nấy ở nhà nhà tự do”.( Đức Thầy – Đi khuyến nông về)

          HẲN HÒI: Cũng gọi là hẳn hoi. Có nghĩa tiêm tất đường hoàng, có quy định chắc chắn. Ví dụ: Làm việc hẳn hòi.

CHÁNH VĂN

433.-Đau nhiều chứng dị-kỳ khó kể,

Sắp từ nay lao-khổ đến cùng.

Kẻ dương gian khó nỗi thung-dung,

436.-Người bạo ác không toàn tánh mạng. 

Đường đạo-lý chớ nên chán-nản,

Hãy bền lòng tầm Phật trong tâm.

Phật Tây-Phương thiệt quá xa-xăm,

440.-Phải tìm kiếm ở trong não trí.

Sau đến việc sơn băng kiệt thủy,

Khùng thảm thương bá-tánh quá chừng.

Nhìn xem trần nước mắt rưng-rưng,

444.-Cảnh áo-não kể sao cho xiết. 

Ta dạy-dỗ là vì tình thiệt,

Cho bá-gia rõ biết người Khùng.

Thấy dương-trần làm dữ làm hung,

448.-Nên khuyên nhủ cho người lương-thiện.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 433 tới câu 448)

          -Đoạn giảng trên ý cho biết, bởi chúng sanh quá gian ác, nên Thượng Đế răn phạt, từ đây dân chúng vướng phải nhiều bịnh tật kỳ lạ, nếu kẻ nào còn tiếp tục gây tạo việc tội ác, tất tự chuốc lấy mọi điều thống khổ và khó bảo tồn thân mạng.

          -Trên đường tu học Đạo pháp, hành giả không nên nản lòng (bán đồ nhi phế) mà “Phải bền lòng chặt nẻo sắt đinh”.(Diệu pháp QM). Và ai muốn gặp Phật chẳng cần phải tìm xa xôi bên ngoài, mỗi người nên dùng trí sáng suốt tìm lại Phật tâm của mình. Bởi Đức Phật xưa từng bảo:“Nhơn nhơn hữu tánh Như Lai”, Đức Thầy nay cũng nhắc lại:“Các chúng sanh đều có như Ta”.(Khuyến Thiện, Q.5). Vậy, nhà tu vừa nương theo giáo pháp, vừa dùng trí lực của mình phá tan màn vô minh, tức Phật tánh hiện bày, chứng thành Đạo quả.

          -Đức Thầy cũng cho biết đến lúc biến đổi cuộc đời, sẽ có cảnh hãi hùng thảm khốc đưa đến cho nhân loại. Vì lòng quá thương xót sanh linh cứ lăn sả vào con đường tôi ác, nên Ngài mới truyền dạy lời chân thật cho bá tánh rõ, hầu sớm cải dữ về lành.

 

CHÚ THÍCH

          DỊ KỲ: Lạ lùng, khác thường.

          THUNG DUNG: Thảnh thơi, thong thả.

          CHÁN NẢN: Ngã lòng thối chí, không thiết đến nữa. Ví dụ: Trên đường tu học vẫn tiến hành, không hề chán nản, quyết định sẽ thành công. Đức Thầy hằng khuyên:“Chớ nản chí đường tu bỏ líp”.(Cho ông Tham tá Ngà).

          TẦM PHẬT TRONG TÂM: (Xem chú thích câu 283, và câu 262, T1 và T2).

          XA XĂM: Rất xa, xa lắm, cũng có nghĩa như chữ xa khơi. Ví dụ: Ngàn dặm xa xăm.

          NÃO TRÍ: Trí óc sáng suốt. Đức Thầy từng dạy: “Nghe sơ lời Lão cạn bày, Tìm trong não óc gặp ngày bình an”. (Từ giã Bổn đạo khắp nơi).

          SƠN BĂNG THỦY KIỆT: Cũng gọi là thủy kiệt sơn băng. Có nghĩa núi bị vở (lở), nước bị hết (khô cạn). Điềm báo tin Quốc gia sắp bị tai nạn: Nước mất nhà tan, dân chúng gặp hồi đói đau khổ sở.

          Truyện Đông châu Liệt quốc có chép: Một hôm Vua nhà Châu (U Vương) đang thiết triều tại Kỳ sơn có quan Thủ Thần vào tâu: Chẳng biết cớ gì sông Kinh, sông Hà, sông Lạc cùng động đất một lượt.

          U Vương mỉm cười nói:

          -Núi lở, đất động là lẽ thường, nhà ngươi tâu với Trẫm làm gì ?

          Quan Thái sử Bá Dương trở ra cầm tay quan Đại phu Triệu Thúc Đái than rằng: Thuở trước sông Ỷ, sông Lạc cạn, nhà Hạ mất; sông Hà cạn nhà Thương hư. Nay cùng một lúc ba con sông đều động cả, ấy là Trời muốn lấp nguồn, nhà Châu khó tránh sự tai biến.

          Sau vài hôm có tin núi Kỳ Sơn lở, đè chết dân chúng rất nhiều.  Quan Thái Sử đoán rằng: nếu vua biết răn mình thì chừng 10 năm nữa loạn mới đến, bằng không thì mau hơn.

          Chử “Sơn băng thủy kiệt” ở đây là chỉ cho cảnh:

                   “Nay tận diệt lập đời trở lại,

                     Khắp lê thứ biến vi thương hải,

                    Dùng phép mầu lập lại Thượng ngươn”.     

                                                (Kệ Dân, Q.2)

            ÁO NÃO: Sầu thảm, buồn bực. Đức Thầy có câu: “Áo não thương đời đa đói khổ, U buồn trăm họ vẽ vài câu”.(Khuyên người giàu lòng Phước Thiện).

          LƯƠNG THIỆN: Người hiền lành tốt đẹp, không vô tình hay cố ý gây thiệt hại cho một chúng sanh nào khác. Đức Thầy từng nói (trong Không buồn ngủ):

                    “Phật từ bi đặng chữ thanh cao,

          Người lương thiện hưởng muôn điều hạnh phúc”.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn