CHÁNH VĂN (Từ câu 67 đến câu 72)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 39267)
CHÁNH VĂN (Từ câu 67 đến câu 72)

67.“Điên này nói việc gần xa,

              Đặng cho lê-thứ biết mà lo tu.

                   Tu cho qua cửa Diêm-phù,

            70. Khỏi sa Địa-ngục ngao du Thiên-đài.

                   Đường đời chẳng có bao dai, 

             72. Nên viết một bài cho bá-tánh coi”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 67 đến câu 72)

          -Bởi chúng sanh không nhận được cảnh đời là giả tạm, đầy sự buộc ràng đau khổ, nên Đức Thầy giảng dạy đủ lời, từ việc gần trong nước đến việc xa cả thế giới, từ cuộc đời đau khổ hiện tại, đến cảnh xán lạn ở tương lai để bá tánh tỉnh ngộ tu hành.

          -Đã phát tâm hành đạo thì ta phải tu cho đạt đến mức cứu cánh giải thoát, tức là phải hành đạo sao cho:

“Tội tiêu phước hưởng trường tồn,

Không còn mắc nẻo dại khôn luân hồi”.

                                      (Khuyến Thiện Q.5)

          Để cùng hưởng cảnh:

“Tiêu diêu đạo đức luận bàn,

Vân du võ trụ thanh nhàn biết bao”.

                                                          (Hoài Cổ)

          Và Đức Thầy cũng không ngần ngại cho mọi người biết trước, cuộc đời sắp đến ngày tàn cỗi, khuyên bá tánh nên thường xem coi Sấm Giảng của Ngài, hầu tiến thẳng trên đường Đạo đức.

 

CHÚ THÍCH

          DIÊM PHÙ: Cũng gọi là Diêm Phù Đề (Phạn ngữ: Sambudvipa). Một trong 4 châu thiên hạ ở thế giới Ta Bà, thuộc về phía Nam núi Tu Di, cũng gọi là Nam Thiệm bộ châu, tức là trái đất chúng ta đang ở mà cõi Thiên Trước choán một phần rộng lớn.

          Sở dĩ có tên Diêm Phù Đề là vì cõi nầy có cây Linh tên Diêm Phù (Jambuds). Dưới bóng cây ấy có một lần Thái tử Sĩ Đạt Ta ngồi tham thiền tại đây nhằm lúc dân Ấn Độ làm lễ Hạ điền (bắt đầu cày ruộng). Cho nên người ta cũng gọi là Thiên Trước (Ấn Độ) là Diêm Phù Đề. Ở cõi nầy có dãy núi Hy Mã Lạp Sơn là cao hơn hết (1.840m).

          Theo các Kinh nói:“Cõi Diêm Phù Đề bề vòng là 30.000 do tuần, hình phân nửa mặt trăng. Dân sống đến 100 tuổi là cùng và phải làm cực khổ mới có đủ phương tiện: ăn, mặc, ở. Ngoài ra còn phải chịu muôn ngàn khổ lụy, kể chẳng xiết”.

          Thế nên Đức Thầy khuyên chúng sanh, rán tu làm sao cho vượt khỏi cảnh nầy, tức là giải thoát về Niết Bàn, Cực lạc. Như Ngài từng kêu gọi:

“Muốn cho rắn đặng hóa cù,

Xả thân làm phước Diêm Phù vượt qua”.

                   (Khuyên người giàu lòng Phước Thiện)

          NGAO DU: (Xem Chú thích Bài Sứ Mạng đoạn 3)

          THIÊN ĐÀI: Đài ở trên Trời, nơi chư Tiên ngự. Chỉ cho cõi siêu thoát, Thiên đường hay Cực lạc.

         

          CHẲNG CÓ BAO DAI: Chẳng còn bao lâu nữa, việc gần lắm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn