CHÁNH VĂN (Từ câu 467 đến câu 492)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 39462)
CHÁNH VĂN (Từ câu 467 đến câu 492)

467.“Kiến-Vàng làng nọ chẳng xa,

                   Kíp mau tới đó vậy mà thử coi.

                             Xứ này nhà cửa ít-oi,

                   470. Mà trong dân sự nhiều người chơn tu.

                             Thấy người đói rách xin xu,

                   Ra tay cứu vớt đui mù chẳng chê.

                   Khỏi đây đến chỗ bộn-bề,

                   474. Rõ ràng Bến-Lức đã kề bên ghe.

                             Giả Người Tàn Tật đón xe,

                   Rồi lại nói vè ròng việc Thiên-cơ.

                   Hết vè rồi lại nói thơ,

         478. Làm cho bá-tánh ngẩn-ngơ trong lòng”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 467 đến câu 478)

          -Qua khỏi Rạch Chanh, Đức Thầy thấy xã Kiến Vàng cũng kề cận, nên Ngài cho thuyền đi nhanh tới đó. Nơi đây nhà dân thưa thớt, nhưng điểm đáng quí là có nhiều người chơn thật tu hành, gặp kẻ tàn tật ăn xin, họ chẳng dám khinh chê, lại còn ra tay giúp đỡ.

          -Khỏi đây, Đức Thầy xuôi thuyền theo sông Vàm Cỏ để đến chợ Bến Lức nơi thuyền ghe phố xá chen chút, dân chúng buôn bán đông đảo. Ngài liền lên bờ, giả ra người tàn tật, lần theo các ngã đường đón xe xin tiền, miệng luôn đọc thơ vè. Nhưng thơ của Ngài nói ra khác hơn thơ của kẻ ăn xin thường tình, chỉ nói ròng việc Thiên cơ Đạo lý, nên khi dân chúng ở đây được nghe qua, lòng họ bắt bồi hồi suy nghĩ.

 

CH Ú TH ÍCH

          KIẾN VÀNG: Tên một làng trong quận Thủ Thừa,

 

thuộc tỉnh Long An (Việt Nam)

          CHƠN TU: Người tu hành chơn chất, thật tâm hành Đạo, đối với kẻ dối tu. Đức Thầy có câu:

                   “Tu thật tâm thì đặng thảnh thơi,

                     Tu giả dối thì lao thì lý”.

          BỘN BỀ: Cũng đọc là bề bộn, có nghĩa là nhiều, ngổn ngang bừa bãi. Công việc bộn bề thấy bắt ngán. Đây chỉ cho bến chợ quận Bến Lức: Ghe xuồng tấp nập, người buôn bán đông đảo, hàng hóa ngổn ngang.

          BẾN LỨC: Một quận trong tỉnh Long An, (năm 1939 là Tân An) nơi kháng chiến chống Pháp của Ngài Nguyễn Trung Trực, con sông lịch sử ấy là Vàm Cỏ Đông (Nhựt Tảo).

          NGẨN NGƠ: Đờ đẩn, thẩn thờ, dáng người không hiểu chi cả.

CHÁNH VĂN

                   479.“Thơ vè Điên đã nói xong,

                   Đi luôn Ba-Cụm kẻo lòng ước-mơ.

                   Tới đây dẹp hết vè thơ,

                   Giả Người Bán Mắm quá khờ quá quê.

                             Chợ này thiên-hạ bộn-bề,

         484. Kẻ nhún người trề chê mắm chẳng ngon.

                   Bạn hàng tiếng nói quá dòn:

         Giá này chẳng bán còn chờ chuyện chi ?

                   Bưng thời kẻ níu người trì:

         488. Ở đây không bán chị thì đi đâu ?

                   Dứt lời rồi lại câu-mâu,

         Mắng: con đĩ chó khéo hầu làm khôn !

                   Muốn làm cho có người đồn,

         492. Biến mất xác hồn cho chúng chỉn ghê”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 479 đến câu 492)

          -Đức Giáo Chủ khuyên đời tại Bến Lức xong, Ngài đi luôn Ba Cụm, một nơi nổi tiếng là tham lam trộm cắp. Đến đây, Ngài không nói vè thơ nữa, mà giả ra một cô gái bán mắm với dáng vẻ quê mùa chất phác.

          -Các chị bạn hàng ở chợ Ba Cụm, ỷ mình lanh lợi, dở đủ trò bắt bẻ xài xể. Họ dùng những tiếng tục tằn, chửi rủa kẻ thật thà. Thấy thế, Đức Thầy liền cho người và vật đều biến mất, khiến dân chúng ở đây phải giựt mình kinh sợ.

CHÚ THÍCH

          BA CỤM: Tên một vùng hoang vu giữa chợ Đệm và Vàm sông Bến Lức, thuộc tỉnh Long An, bên con sông nằm dọc từ Chợ Lớn đến Bến Lức. Nơi giáp nước có ba cội da to, ghe xuồng qua lại thường đậu nghỉ tay, chờ nước rất đông nên có nhiều bối (trộm cắp); vì thế mới nổi danh là “Bối Ba Cụm”.

          MẮM: Một thức ăn người ta làm bằng các loại cá, tép để dành ăn lâu. Cách thức: Làm cá rửa sạch, đem ướp muối gài chặt trong lu, hủ, độ vài tuần thì đem ra trộn thính rồi gài lại, vài tháng sau trộn đường vô, ít lâu là ăn được. Đức Thầy bán mắm ở chợ Bến Lức là Ngài dùng huyền diệu hóa hiện ra, chớ không phải mang mắm thiệt theo.

          BẠN HÀNG: Những khách hàng của những nhà vựa, hay đi chợ, mua để bán lại nơi khác hoặc bán tại chỗ.

          CÂU MÂU: Cách nói cạnh khía, xóc óc, hay gây chuyện rầy lộn.

         

 

          CHỈN GHÊ: Lo sợ, rất ghê sợ, kinh ngạc. Cổ nhân bảo: Đạo Trời báo phục chỉn ghê”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn