Bài thứ chín mươi mốt-> Bài thứ một trăm

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 32451)
Bài thứ chín mươi mốt-> Bài thứ một trăm

Bài thứ chín mươi mốt

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

                    Huyền cơ đạo hạnh hãy rán tầm

                   Đời cùng Tiên Phật dụng nhơn tâm

                   Ngàn năm Thích đạo đành chôn lấp.

                   Thương tưởng bá gia nỗi lạc lầm.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          HUYỀN CƠ: Huyền: Sâu xa, kín đáo. : Máy móc. Nghĩa rộng: Trời vận hành như một guồng máy, không ai có thể hiểu được.

          ĐẠO HẠNH: Đạo: Con đường hợp với lẽ phải. Hạnh: Tính nết. Nghĩa rộng: Tính chất của đạo lý vốn tốt đẹp.

          TẦM: Tìm tòi, học hỏi.

          TIÊN PHẬT: (Xem phần trước).

          DỤNG: Dùng.

          NHƠN TÂM: Nhơn: Lòng thương người, mến vật. Tâm: Lòng. Nghĩa rộng: Lòng thương người mến vật.

          THÍCH ĐẠO: Đạo Phật hay Phật Giáo. Giáo Chủ là Phật Tổ Thích Ca, Giáo Chủ cõi Ta Bà.

          CHÔN LẤP: Vùi sâu. Nghĩa rộng: Không còn được nhắc nhở, truyền tụng.

          THƯƠNG TƯỞNG: Nghĩ đến.

          BÁ GIA: Bá: Một trăm. Gia: Nhà. Trăm nhà. Nghĩa rộng: Mọi nhà.

          LẠC LẦM: Sai lệch, nhầm lẫn.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đời Hạ nguơn sắp kết thúc, để lập lại Thượng nguơn. Sau nầy xã hội chỉ sử dụng những người nhân từ đức hạnh, còn hạng hung hăng sẽ bị đào thải.

 

Bài thứ chín mươi hai

 

ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC (tt)

 

Cảnh thảm khổ chiều mai sẽ đến,

Sao dân còn tríu mến trần mê.

Mắt nhìn ngoại quốc thảm thê,

Nam bang cảnh khổ cũng kề bên tai.

Cuộc biến động nay mai nguy ngập,

Một hội nầy rán lập thân danh.

Kìa kìa các bậc công khanh,

Miễu son tạc để đành rành chẳng sai.

Đất với nước hậu lai vinh diệu,

Đạo lo tròn yểu điệu tấm thân.

Một câu quân lý tứ ân,

Ta đừng phai lợt Phong thần bảng ghi.

 

Hòa Hảo, tháng giêng năm Canh Thìn (1940).

(Chép theo bản chánh của Đức Thầy do Đức Ông giữ).

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          THẢM KHỔ: Thảm: Đau xót. Khổ: Lo lắng.

          CHIỀU MAI: Chiều nay, sáng mai. Nghĩa rộng: Gần bên, kề bên.

          TRÍU MẾN: Nuối tiếc, luôn nghĩ đến.

          TRẦN MÊ: Trần: Bụi bặm. Mê: Rối loạn, mất khả năng nhận biết.

          NGOẠI QUỐC: Nước ngoài.

          THẢM THÊ: Buồn khổ đau đớn.

          NAM BANG: Nước Nam, tức nước Việt Nam.

          CẢNH KHỔ CŨNG KỀ BÊN TAI: Những nạn đói, nạn chiến tranh, tai trời ách nước sát một bên rồi.

          BIẾN ĐỘNG: Xáo trộn, ồn ào.

          NGUY NGẬP: Đầy dẫy hiểm nghèo. Nghĩa rộng: Ý nói tình hình bất ổn.

          MỘT HỘI NẦY: Cơ hội duy nhứt. Nghĩa bóng: Ngày được dự Long Hoa đại hội, chọn những bậc hiền nhơn phò chơn chúa.

          RÁN LẬP THÂN DANH: Cố gắng tạo cho mình có tên tuổi địa vị trong xã hội. Nghĩa bóng: Rán lo tu hành để trở thành hiền nhơn, có mặt ngày Long Hoa đại hội.

          KÌA KÌA: Ở sát đằng kia. Nghĩa rộng: Sờ sờ ra đó.

          CÁC BẬC CÔNG KHANH: Các bậc: Nhiều vị, nhiều phẩm trật. Công khanh: Do chữ “Tam công cửu khanh”. Ngày xưa ở Trung Hoa vào đời nhà Chu, Tam Công là: Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo. Cửu Khanh là: Thiếu sự, Thiếu phó, Thiếu bảo, Trung tể, Tư đồ, Tôn bá, Tư mã, Tư khấu, Tư không. Nghĩa rộng: Những người có chức vị cao.

          MIỄU SON TẠC ĐỂ: Những bậc công thần được nhân dân xây ngôi thờ, dựng bia đá khắc tên và thành tích. Nghĩa rộng: Sự tôn kính, ghi ơn đối với những người có công với dân với nước.

          ĐÀNH RÀNH: Hiển hiện ra trước mắt. Rõ ràng minh bạch.

          ĐẤT VỚI NƯỚC: Bao gồm sông núi, cỏ cây. Gọi chung là đất nước.

          HẬU LAI: Sau nầy.

          VINH DIỆU: Vinh: Vẻ vang. Diệu: Sáng, rực rỡ. Vẻ vang, rực rỡ.

          ĐẠO: Con đường hợp với lẽ phải. Nghĩa rộng: Từ nói về Tôn giáo: Là con đường, là bổn phận, là chơn lý. Đức Huỳnh Giáo Chủ: “Chân lý ấy là cái đạo của mình đối với Trời Phật, của mình đối với Đồng bào nhân loại và của mình đối với mình”.  

          YỂU ĐIỆU: Nhịp nhàng, hài hòa. Nghĩa bóng: Tròn trách nhiệm.

          QUÂN LÝ: Quân: Đồng đều. Lý: Lý lẽ. Nghĩa rộng: Lẽ phải.

          TỨ ÂN: Bốn ân. Theo Phật Giáo Hòa Hảo gồm có:

          1.- Ân Tổ Tiên Cha mẹ.

          2.- Ân Đất nước.

          3.- Ân Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).

          4.- Ân Đồng bào và Nhân loại (Đối với các bậc xuất gia thì có ân Đàn na thí chủ).

          PHONG THẦN BẢNG GHI: Ngày chung cuộc được ghi tên vào Bảng Phong thần, có mặt trong ngày Long Hoa đại hội. Tùy theo công đức mà Chúa Thánh định ngôi phân thứ. (Cũng như trường hợp của Khương Tử Nha, sau khi giúp Châu Võ Vương dẹp xong Trụ Vương, lãnh nhiệm vụ lập bảng Phong Thần, để định công phạt tội).

          Xin ghi vào đây bài thơ cổ nói về trường hợp nầy:

                   Mười năm nghèo túng áo còn bâu

                        Hãy gượng mua vui chớ chác sầu

                        Ngồi chốn bàn khê câu đợi vận

                        Chờ xe vương giả rước về chầu.

                        Tám mươi lẻ nửa mang đai ngọc,

                        Chín chục dư ba buộc ấn hầu,

                        Mậu Ngũ hội hàm trăm trấn phục,

                        Phong Thần chin tám bốn xuân thu.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Ngày tiêu diệt hầu kề. Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyến khích mọi người hãy cố gắng làm tròn nhân đạo, để kịp dự Long Hoa đại hội.

 

Bài thứ chín mươi ba

 

TRÔNG MÂY

 

Phiêu phiêu mây bạc trắng lòa,

Ấy là tại lịnh Ngọc Tòa sai ta.

Xuống trần thấy chúng thiết tha,

Vì đâu sắp đến hằng hà lụy rơi.

Chừng nào mới được thảnh thơi,

Qua năm Tuất Hợi, Phật trời định phân.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          PHIÊU PHIÊU: Tiếng kép, tả cảnh mây bay một cách nhẹ nhàng. Văn tuyển có câu: “Nhạn phiêu phiêu nhi Nam phi”(Phiêu phiêu chiếc nhạn bay về phương Nam).

          PHIÊU PHIÊU MÂY BẠC: Mây trắng bay nhẹ nhàng.

          ẤY LÀ TẠI LỊNH NGỌC TÒA SAI TA: Ngắm mây trắng bay qua mà nhớ lại “Sứ mạng” của Đức Huỳnh Giáo Chủ, là do Đức Ngọc Đế và Phật Tổ, sắc lịnh cho Ngài lâm phàm khai đạo. Tức cảnh sanh tình cũng giống như trường hợp của Địch Nhân Kiệt, một hôm nhìn lên núi Thái hàn, thấy một chòm mây trắng ở chốn xa xôi, mà nói với người hai bên: “Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây ấy”.

          XUỐNG TRẦN: Do chữ Lâm phàm: Sanh ra hay ra đời tại cõi thế gian.

          THẤY CHÚNG: Gặp nhiều người.

          THIẾT THA: (Xem phần trước).

          HẰNG HÀ: Do từ “Hằng hà sa số”. Hằng: Tên con sông. : Sông. Sa: Cát. Số: Con số, số đếm. Nhiều như cát của sông Hằng (bên Ấn Độ). Nghĩa rộng: Con số rất nhiều, không thể đếm được.

          LỤY RƠI: Lụy: Còn đọc là Lệ: Nước mắt. Rơi: Nhỏ giọt. Đỗ lệ. Nghĩa rộng: Nước mắt chảy thành dòng.

          THẢNH THƠI: Không bận rộn lo nghĩ.

          QUA NĂM TUẤT HỢI: Lấy cái mốc Đức Huỳnh Giáo Chủ viết bài “Trông Mây” tại Hòa Hảo năm Canh Thìn (1940).

          -Đến năm Tuất: Tức năm Bính Tuất (1946), tính thêm 60 năm (một giáp lớn), là năm 2006-2007.

          -Đến năm Hợi: Tức năm Đinh Hợi (1947), tính thêm 60 năm (một giáp lớn), là năm 2007-2008. Trong bài “Thiên lý ca”, Đức Huỳnh Giáo Chủ:

                      “Trong một giáp ân cần suy tính”.

          Ngài cũng xác nhận năm Tuất và năm Hợi, Phật trời sẽ định phân:

“Chừng nào mới được thảnh thơi,

Qua năm Tuất Hợi, Phật trời định phân”.

 

ĐẠI Ý ĐOẠN TRÊN:

          Đứng trông mây trắng bay qua, Đức Huỳnh Giáo Chủ chạnh lòng nhớ lại “Sứ mạng” của Ngài, chẳng còn bao lâu nữa sẽ hết hạn mà lòng bồi hồi thương cảm.

 

Bài thứ chín mươi bốn

 

TRÔNG MÂY (tt)

 

                   Tây vức liên Nam hiệp định phân

                   Tam giáo qui nguyên viện lý cân.

                   Hùng anh phiên quốc lai hàng phục,

                   Đinh Hợi đáo niên tạo thiện nhân.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-TÂY VỨC: Còn gọi Tây Vực. Tây: Hướng tây. Vực: Cõi. Như các chữ: Tây Thiên, Tây Trúc. Nghĩa rộng: Nơi Phật ở.

          LIÊN: Nối liền.

          NAM: Phương Nam. Nghĩa rộng: Nước Việt Nam.

          HIỆP: Cùng nhau, hòa đồng.

          ĐỊNH PHÂN: Định: Quyết chắc như vậy. Phân: Chia ra. Nghĩa rộng: Phân chia cho rõ ràng, không thể để như vậy.

          *Tóm lược ý câu “Tây Vức liên Nam hiệp định phân”: Phương Nam sau nầy sẽ có Phật Tiên Thánh đáo lai.

          2/-TAM GIÁO: Tức ba Tôn giáo ngày xưa: Phật Giáo (Giáo Chủ: Phật Tổ Thích Ca), Khổng Giáo (Giáo Chủ: Đức Khổng Tử) và Lão Giáo (Giáo Chủ: Lão Tử).

          QUI NGUYÊN: Gom về một mối.

          VIỆN LÝ: Viện: Đưa ra, dẫn ra. : Lẽ. Nghĩa rộng: Đưa ra những lý lẽ để thuyết phục người khác.

          CÂN: Đo lường. Nghĩa rộng: Lượng, xem xét điều gì.

          *Tóm lược ý câu “Tam giáo qui nguyên viện lý cân”: Phật Giáo sau nầy sẽ tồn tại, trong đó có cả Khổng Giáo và Lão Giáo.

          3/-HÙNG ANH: Như chữ Anh hùng. Hùng: Con vật xuất sắc nhứt trong các loài thú. Anh: Cái gì tốt đẹp nhứt trong các loài hoa cỏ. Nghĩa rộng: Những kẻ xuất sắc hơn người.

          PHIÊN QUỐC: Các nước chư hầu. Nghĩa rộng: Những nước lân cận.

          LAI: Lại đến.

HÀNG PHỤC: Qui thuận theo. Nghĩa rộng: Chịu phục tùng người nào đó hơn mình, trong phạm vi nào đó.

*Tóm lược ý câu “Hùng anh phiên quốc lai hàng phục”: Những nước hùng mạnh lân cận sau nầy sẽ chịu tùng phục, khi mà Thượng nguơn khai, Thánh Chúa trị vì Thiên hạ.

4/-ĐINH HỢI: Năm (1947), cộng thêm 60 năm (con giáp lớn), tức là năm 2007-2008.

ĐÁO NIÊN: Đáo: Trở lại. Niên: Năm. Năm trở lại. Ví dụ: Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt ngày 16-04-1947 (Nhằm ngày 25-02 nhuận năm Đinh Hợi), công thêm một con giáp lớn (60) năm, tức là năm Đinh Hợi (2007-2008). Gọi là đáo niên: (1947-2007).

TẠO: Lập, dựng nên.

THIỆN NHÂN: Thiện: Lành. Nhân: Người. Người hiền lương đức hạnh.

*Tóm lược ý câu “Đinh Hợi đáo niên tạo thiện nhân”: Đến năm Đinh Hợi trở lại sẽ chọn người hiền lương đức hạnh.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Sau nầy nước Việt Nam có Phật giáng lâm. Chừng ấy Phật Giáo tồn tại, trong đó có Khổng Giáo và Lão Giáo.

Bài thứ chín mươi lăm

 

LÝ LỊCH

 

                   THƯỢNG thẩm đạo mầu nẻo cao sâu

                   ĐẲNG đắng hãy làm chớ để lâu

                   ĐẠI pháp vô vi là chơn lý

                   THẦN làm trọn vẹn khỏi lo âu.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          LÝ LỊCH: Những công việc đã làm, những nơi đã công tác trong cuộc đời của mình.

          THƯỢNG ĐẲNG: Thượng: Trên. Đẳng: Thứ bậc. Nghĩa rộng: Thứ bậc trên cao.

          ĐẠI THẦN: Đại: Lớn. Thần: Quan chức. Nghĩa rộng: Quan lớn.

          THƯỢNG ĐẲNG ĐẠI THẦN: Một tước hiệu của vua Tự Đức truy phong cho anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, sau khi bị Pháp hành quyết năm (1868), ba năm sau (1871) mới được truy phong. Theo quan điểm Phật Giáo Hòa Hảo: Trong những thời cúng thường nhật, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đều nguyện vái danh hiệu Ngài: “Nam Mô Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, chư quan Cựu Thần, chư vị Sơn Thần, chư vị năm non bảy núi, cảm ứng chứng minh, nay con nguyện cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, qui y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật đạo”.

          THƯỢNG THẨM: Thượng: Trên. Thẩm: Xét. Nghĩa rộng: Phẩm trật vua ban, bậc dưới là Sơ thẩm, bậc trên là Thượng thẩm.

          ĐẠO MẦU: Đạo: Con đường hợp với lẽ phải, bổn phận của mỗi người phải đền đáp. Mầu: Huyền diệu, cao sâu. Nghĩa rộng: Chơn lý rất sâu xa, mầu nhiệm.

          NẺO: Lối đi, đường đi.

          CAO SÂU: Sâu xa, kín đáo.

          ĐẲNG ĐẲNG: Số nhiều. Nghĩa bóng: Bề tôi.

          HÃY LÀM CHỚ ĐỂ LÂU: Thật hành ngay công việc, sứ mạng không nên trễ nải.

          ĐẠI PHÁP: Pháp lớn. Nghĩa rộng: Pháp giáo của Phật Tổ Thích Ca, sau nầy các đệ tử cu tập lại thành Tam Tạng Kinh Điển (Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng).

          VÔ VI: Phạn ngữ: Asamskrta, dịch là Vô vi. Nghĩa là: Không có nhân duyên tác động, không có hình tướng sắc màu, không có bốn tướng (sanh, trụ, dị, diệt). Vô vi còn gọi là chơn lý tuyệt đối.

          CHƠN LÝ: Lý lẽ chơn chánh, hợp với đạo đức. Theo Đức Huỳnh Giáo Chủ: “Chân lý ấy là cái đạo của mình đối với Trời Phật, của mình đối với Đồng bào Nhân loại và của mình đối với mình”.

          THÂN LÀM TRỌN VẸN: Làm tôi trung với vua với nước, vẹn thảo ngay với Tổ Tiên cha mẹ.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ nhắc đến tấm gương trung hiếu lưỡng toàn của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Bài thứ chín mươi sáu

 

LÝ LỊCH (tt)

 

                   Huỳnh Long tự thế gần sanh chúng

                   Bổn tánh Hòa thôn Hảo dĩ đầu

                   Tiên cảnh thoát ly truyền bá kỷ

                   Năng tầm Phật lý rạch từ câu.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          HUỲNH LONG: Huỳnh: Vàng (màu vàng). Long: Con rồng. Rồng vàng. Nghĩa bóng: Họ Huỳnh.

          TỰ THẾ: Tự: Mình. Thế: Đời. Nghĩa rộng: Vào đời.

          GẦN: Kế cận.

          SANH CHÚNG: (Xem phần trước).

          BỔN TÁNH: Bổn: Gốc. Tánh: Tên. Nghĩa rộng: Tính chất căn bản.

          HÒA THÔN: Nghĩa rộng: Ám chỉ làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc ngày xưa.

          HẢO DĨ ĐẦU: Hảo: Tốt đẹp. : Lấy, dùng. Đầu: Bậc cao nhứt.

          HÒA THÔN HẢO DĨ ĐẦU: Hòa Hảo tên làng đứng đầu, thuộc hạng cao nhứt. Nghĩa bóng: Ám chỉ nơi đản sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ, cũng là Thánh địa của nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

          TIÊN CẢNH: Nơi Tiên ở.

          THOÁT LY: Thoát: Vượt khỏi. Ly: Chia lìa, tách rời. Nghĩa rộng: Vượt khỏi vòng cương tỏa. Ra khỏi sự ràng buộc.

          TRUYỀN: Trao cho. Người nầy trao cho người khác, thế hệ nầy lưu lại thế hệ khác.

          BÁ KỶ: : Một trăm. Kỷ: Mấy. Nghĩa rộng: Trên một trăm hay mấy trăm năm.

          NĂNG TẦM: Tích cực tìm tòi, học hỏi.

          PHẬT LÝ: Lý lẽ Đạo Phật. Nghĩa rộng: Giáo lý của Phật Giáo do Phật Tổ Thích Ca để lại.

          RẠCH TỪ CÂU: Chia, phân từng chi tiết.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ ra đời khai đạo tại làng Hòa Hảo, để xiển dương giáo pháp của Phật Tổ Thích Ca.

 

Bài thứ chín mươi bảy

 

LÝ LỊCH (tt)

 

                   Oai hùm chấn động một gốc trời

                   Độ chúng ra kinh rải khắp nơi.

                   Cứu thế chẳng mong ơn ai trả,

                   Nương xác phàm phu ngõ đợi thời.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          OAI HÙM: Oai: Còn gọi là uy: Sức mạnh. Hùm: Như từ Hổ, cọp. Tiếng tăm chấn động khắp nơi.

          CHẤN ĐỘNG: Rung chuyển mạnh mẽ.

          MỘT GÓC TRỜI: Một nơi nào đó, như một nước, một chỗ lớn lao có đông đúc người ở.

          ĐỘ CHÚNG: Cứu giúp mọi người.

          RA KINH: Viết giảng kệ.

          RẢI KHẮP NƠI: Truyền bá, phổ thông rộng rãi khắp mọi nơi.

          CỨU THẾ: Giúp đời.

          CHẲNG MONG ƠN AI TRẢ: Không đòi hỏi người nào phải đáp lại.

          NƯƠNG XÁC PHÀM PHU: Tạm mang xác thịt như bao người khác, để làm phương tiện cứu dân độ thế. Đức Huỳnh Giáo Chủ:

                   “Tạm xác Huỳnh danh thanh sắc trẻ,

                          Chờ thời Thiên định thiết hùng ca”.

          NGÕ ĐỢI THỜI: Ngõ: Để mà. Đợi thời: Chờ đến lúc nào đó. Nghĩa bóng: Cho biết đang chờ cơ Thiên định.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ ra đời khai đạo, tạm xác thân phàm tục để hòa nhập cộng đồng dân chúng, cho dễ bề giáo hóa.

Bài thứ chín mươi tám

 

LÝ LỊCH (tt)

 

                   Huỳnh sanh cơ thẩm đáo trung đàn

                   Tự giác âm thầm kiến Tiên bang.

                   Bửu ngọc Sơn trung Kỳ Hương chí

                   Tứ hải bất hòa khởi liên giang.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          HUỲNH SANH: Huỳnh: Họ. Sanh: Ra đời. Nghĩa rộng: Họ Huỳnh ra đời. Ám chỉ Đức Huỳnh Giáo Chủ.

          CƠ THẨM: Cơ: Máy móc, sự vận hành của trời đất như một guồng máy, không ai có thể hiểu được. Thẩm: Hiểu rõ. Nghĩa rộng: Thấu đáo cơ trời.

          ĐÁO: Đến.

          TRUNG ĐÀN: Trung: Chính giữa. Đàn: Như chữ Việt đàn, còn gọi Đàn việt, chỉ chung giới tu hành.

          TỰ GIÁC: Tự: Mình. Giác: Biết. Nghĩa rộng: Tự mình giác ngộ, hiểu biết.

          ÂM THẦM: Lặng lẽ, kín đáo.

          KIẾN: Thấy, gặp gỡ.

          TIÊN BANG: Nước Tiên.

          BỬU NGỌC: Viên ngọc quí. Nghĩa rộng: Vật quí giá.

          BỬU SƠN: Núi báu.

          KỲ HƯƠNG: Kỳ: Lạ lùng. Hương: Mùi thơm. Nghĩa rộng: Mùi thơm kỳ lạ.

          BỬU SƠN KỲ HƯƠNG: Nghĩa rộng: Ám chỉ tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Giáo Chủ là Đức Phật Thầy Tây An.

          CHÍ: Đến.

          BỬU NGỌC SƠN TRUNG KỲ HƯƠNG CHÍ: Núi báu và mùi thơm lạ. Nghĩa bóng: Giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật Thầy Tây An khai lập. Nay Đức Huỳnh Giáo Chủ kế thừa.

          TỨ HẢI: Tứ: Bốn. Hải: Biển. Bốn biển. Nghĩa rộng: Khắp nơi.

          BẤT HÒA: Bất: Chẳng. Hòa: Thuận thảo. Nghĩa rộng: Không phù hạp, không đồng chung chí hướng.

          KHỞI: Nổi lên, bắt đầu.

          LIÊN GIANG: Liên: Liền nhau, kết hợp. Giang: Hai người cùng khiêng một vật gọi là giang. Nghĩa rộng: Kết bè, kết đảng. Nghĩa rộng: Cùng nhau chia bè kết đảng.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ kế thừa Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

Bài thứ chín mươi chín

 

VIẾNG ĐÊM

 

                    Trắng thời chịu vẽ ngọt là nêm

                   Vui dạ chi bằng đọc sách đêm.

                   Học đủ ba dư trời chẳng phụ,

                   Đến ngày bẻ đặng quế cung Thềm.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          TRẮNG THỜI CHỊU VẼ: Trắng: Màu trắng, nghĩa của chữ Bạch. Thời chịu vẽ: Phải chịu khó vẽ vời cho khéo.

          NGỌT LÀ NÊM: Ngọt: Ngon ngọt. Là nêm: Cho thêm gia vị.

          VUI DẠ CHI BẰNG: Trong lòng khoan khoái không thể tả.

          ĐỌC SÁCH ĐÊM: Cái thú hằng đêm đọc sách rất thanh cao, hữu ích không có gì sánh bằng.

          HỌC ĐỦ BA DƯ: Học đủ: Học hết chương trình của nhà trường, hết các cấp học. Ba dư: Con số tượng trưng cho thời gian, vượt mức ấn định. Nghĩa bóng: Người có kiến thức rộng rãi, có tiếng tăm địa vị trong lĩnh vực văn hóa. Trong tác phẩm Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu có chú thích Ba dư: 1.-Đêm là dư của ngày, 2.-Mưa là dư của nắng, 3.-Mạnh là dư của ốm đau.(Tác phẩm Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu của tác giả Nguyễn văn Hầu đã chiếm giải thưởng văn chương toàn quốc, với bộ môn Biên khảo).

          TRỜI CHẲNG PHỤ: Trời không phụ lòng tốt, không bạc đãi người hiếu học. “Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhơn”. Nghĩa bóng: Người có tâm hồn cao cả, biết đem văn hóa phụng sự nhân loại, tất nhiên trời không phụ lòng tốt.

          ĐẾN NGÀY BẺ ĐẶNG: Ngày nào đó sẽ thành công.

          QUẾ CUNG THỀM: Trần Hậu Chúa có nàng Vương phi nhan sắc tuyệt trần, tên là Trương Lệ Hoa. Trần Chúa rất sủng ái, cho xây một cung điện đặc biệt phía sau điện Quảng Chiêu. Cửa lớn bằng kính pha lê hình mặt trăng, giữa sân rộng chỉ trồng một cây Quế, cung nầy có tên là “Quế cung”. Cung quế cũng dùng chỉ cung Quảng Hàn của Hằng Nga tiên nữ.

          ĐẾN NGÀY BẺ ĐẶNG QUẾ CUNG THỀM: Có ngày sẽ được lên cảnh Tiên, ý nói thành công mỹ mãn trong lĩnh vực văn hóa.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Muốn thành công phải chuyên luyện hết sức, học phải giồi mài kinh sử, tu phải hành thâm trí huệ. Đây là kiến giải của Nội tổ ông Hương Bộ Thạnh.

 

Bài thứ một trăm

 

ĐỨC THẦY đáp họa:

 

Tình thương thăm viếng chật như nêm,

                   Tưởng nhớ lòng ta chớ ở đêm.

                   Nhà nước khác chi người thiếu phụ,

                   Ôi thôi ! chờ vận bước lên thềm.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          TÌNH THƯƠNG THĂM VIẾNG: Tới lui thăm nhau là do tình cảm phát sinh.

          CHẬT NHƯ NÊM: Quá đông người. Như câu: “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”(Nguyễn Du).

          TƯỞNG NHỚ LÒNG TA CHỚ Ở ĐÊM: Lúc bấy giờ khoảng tháng 5 năm Canh Thìn (1940). Có nhiều tín đồ ở xã Long Điền (Long Xuyên), đến tại nhà ông Hương Bộ Thạnh (tại rạch So Đủa, Kinh xáng Xà No, Cần Thơ), để thăm Đức Huỳnh Giáo Chủ và muốn ở lại vài ngày. Nhưng mật thám luôn theo dõi để làm khó khăn. Ngài viết bài nầy để khuyên anh em nên về sớm.

          NHÀ NƯỚC KHÁC CHI NGƯỜI THIẾU PHỤ: Chính sách của thực dân Pháp rất khắt khe, nhỏ mọn luôn đề phòng cẩn mật, như thể người đàn bà trẻ tuổi, có lắm người dòm ngó.

          ÔI THÔI ! CHỜ VẬN BƯỚC LÊN THỀM: Đức Huỳnh Giáo Chủ chờ đến thời thế hanh thông, sẽ thực thi sứ mạng của mình.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

Tình cảm của tín đồ dành cho Đức Huỳnh Giáo Chủ thật không có bờ bến. Nhưng vì chính sách khắt khe của thực dân Pháp, nên Ngài phải ẩn nhẫn chờ cơ Thiên định, cho đến thời vận hanh thông sẽ thi hành sứ mạng của mình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn