CHÁNH VĂN (Từ câu 565 đến câu 584)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 39555)
CHÁNH VĂN (Từ câu 565 đến câu 584)

565.“Dạo cùng khắp tỉnh Bến-Tre,

         Đủ bực thơ vè lìa lại Trà-Vinh.

                   Tới đây bày đặt hát kình,

         568. Đua nhau bán thuốc mặc tình mua không.

                   Nói ra những chuyện bông-lông,

         Trách trong lê-thứ không lòng từ-bi.

                   571. Gặp người đói khó khinh-khi,

         Điền-viên sự sản ai thì làm cho.

                   Dạy rồi thuyền lại Mỹ-Tho,

         Khuyên trong trần-hạ rán lo tu-trì.

                   Xưa nay không có mấy khi,

         576. Dương-trần có Phật vậy thì xuống đây”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 565 đến câu 576)

 

 

          -Đức Giáo Chủ dạo khắp tỉnh Bến Tre rồi sang qua Trà Vinh. Đến đây, Ngài giả ra người bán thuốc dạo, đua nhau quảng cáo như các đoàn hát thuật khác. Người ta có mua hay không mặc tình, mà điểm chánh là Ngài giả vờ nói chuyện không đâu, để rồi kêu gọi bá tánh mở rộng tình thương đối với mọi người; bởi bao nhiêu sự nghiệp gia tài của mình đã có, không phải bỗng dưng mà được.

          Theo ý Phật Thánh là do ông bà cha mẹ tích đức, hoặc tiền kiếp của ta đã thi ân bố đức, cộng với sự tích cực làm ăn nên kiếp nầy mới có ra. Tại sao có nhiều người làm lụng đầu tắt mặt tối, suốt kiếp vẫn nghèo khổ ? Trái lại, có người chỉ làm ăn thông thường, nhưng làm đâu được đấy, dịp may tới tấp tiền của đầy nhà.

          -Giờ đây nếu ta không tiếp tục làm lành làm phải thì bao nhiêu tiền của ấy có ngày “Cũng tiêu theo luật của Trời”. Đức Giáo Chủ kêu gọi:

“Lòng nhơn xin khá tập rèn,

     Thạch Sùng Vương Khải sách đèn ai ưa ?

Thánh hiền roi tích đời xưa,

Nhờ tâm từ thiện người ưa kính nhờ”.

                          (Khuyên người giàu lòng Phước thiện)

          -Đức Thầy khuyên dạy dân tình ở Trà Vinh xong liền quày thuyền về Mỹ Tho. Ở đây Ngài cũng tiếp tục kêu gọi vạn dân lo tu niệm. Vì đây là một dịp may, mà từ ngàn xưa tới giờ, mới có được thời kỳ Phật Tiên lâm phàm khai hóa.

CHÚ THÍCH

          TRÀ VINH: Tỉnh số 5 của Nam kỳ thời Pháp thuộc, từ năm 1956 được đổi tên là Vĩnh Bình. Đông giáp tỉnh Kiến Hòa; Tây giáp Phong Dinh và Ba Xuyên; Nam

 

giáp biển Nam Hải; Bắc giáp Vĩnh Long. Diện tích 268 km vuông, dân số 254.000 trong đó có 129.000 người Việt gốc Miên.

          HÁT KÌNH: Đua nhau mà hát. Một chợ có nhiều đám hát thuật, quảng cáo bán thuốc, họ đua với nhau mà hát để giành khán giả đông về mình. Ở đây Đức Thầy cũng giả hát đua với họ, nhưng người ta mua thuốc hay không chẳng cần thiết, chỉ cần thức tỉnh người đời mà thôi.

          ĐIỀN VIÊN SỰ SẢN: Ruộng vườn tiền của.

          MỸ THO: Tỉnh thứ 14 của Nam kỳ thời Pháp thuộc, từ năm 1956 hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho nhập lại thành tỉnh Định Tường. Đông giáp Nam Hải; Tây giáp tỉnh Kiến Phong; Bắc giáp Kiến Tường và Long An; Nam giáp Kiến Hòa và Vĩnh Long. Diện tích 2.000 km vuông, dân số 611.000.

 

CHÁNH VĂN

                   577.“Chợ quê giáp hết thuyền quay,

         Đi trở lộn về Ông-Chưởng giảng dân.

                   Quản chi nắng Sở mưa Tần,

         580. Chèo xuôi chèo ngược mấy lần không thôi.

                   Thảm thương bá-tánh lắm ôi !

         Bồng-Lai Tiên-Cảnh rao rồi một khi.

                   Nếu ai rảnh việc thì đi,

         584. Còn mắc nợ thì ở lại dương-gian”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 577 đến câu 584)

          -Ở Mỹ Tho, Đức Thầy chỉ lược qua thành thị và thôn quê, rồi trở về Cù lao Ông Chưởng. Trên đường dạo

 

Lục châu, xuôi ngược mấy lần Ngài chẳng nài sự gian khổ, bởi lòng quá thương xót sanh linh nên:“Quyết lòng dạy dỗ dương trần mà thôi”.

          -Ngài nhắc đi nhắc lại nhiều lần, con đường về Tiên cảnh cũng không khó khăn lắm, nếu lòng ai hết tham luyến danh lợi, tình thì cảnh Tiên sẽ hiện ra trước mắt. Bằng kẻ nào còn đắm mê dục lạc, gây nên nghiệp nợ (Thập Ác), tất phải ở lại trần gian mà đền trả.

 

CHÚ THÍCH

          ÔNG CHƯỞNG: tức Cù lao Ông Chưởng hay rạch Ông Chưởng, thuộc tổng Định Hoà, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cù lao nầy trước kia có tên là “Tiêu Mộc”, từ khi quan Chưởng Binh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) dẹp loạn ở Chân Lạp (Miên) năm Kỷ Mão 1699, về đây đóng binh rồi thọ bịnh. Được dân chúng ngưỡng mộ công lao của Ông nên đổi lại là Cù lao Ông Chưởng. Đây là một Cù lao dân cư đông đảo và lớn nhứt trong tỉnh An Giang, có tới 4 xã: Kiến An, Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ và Long Kiến. Dân chúng miền Nam thường hát:

                   “Ba phen quạ nói với diều,

              Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”.

          NẮNG SỞ MƯA TẦN: Sở và Tần là hai trong các nước thời Chiến quốc (Tr.Hoa) đã từng đánh nhau gây tang tóc cho sanh linh chẳng ít. Hai bạo chúa ấy là Tần Thỉ Hoàng và Sở Bá Vương Hạng Võ (221-206 Tr. TL) đều liệt vào hàng bá đạo (dùng võ lực trị dân). Người dân nào sanh nhằm thời ấy phải chịu dưới một chánh sách vô

 

 

cùng khắc nghiệt. Nhưng chữ “nắng Sở mưa Tần” ở đây cho sự dầm sương trải nắng, cực nhọc vất vả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn