219.“Dương trần nhiều kẻ ham sân,
Cứ theo biếm nhẻ xa gần người Điên.
Lòng buồn mượn lấy bút nghiên,
222. Viết cho trần hạ bớt phiền lo tu.
Thương đời chớ chẳng kiếm xu,
Buồn cho bá-tánh hết mù tới đui.
Có chi mà gọi rằng vui,
Khắp trong bá-tánh gặp hồi gian lao.
Từ đây hay ốm hay đau,
228. Rán tu đem được Phật vào trong tâm”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 219 đến câu 228)
-Đoạn nầy ý nói bởi lòng người đầy dẫy Sân Si, Tà kiến, không phân biệt được giả chơn; thấy Đức Thầy khuyên dạy, chẳng chịu tin nghe lại còn khinh khi nhạo báng. Ngài viết ra kệ giảng là vì bởi lòng từ bi, muốn cho mọi người biết tỉnh tâm tu niệm, thế mà bá tánh còn ngờ vực.
-Ngài cũng báo tin cho vạn dân được rõ cuộc thế từ đây rất nhiều gian khổ. Song đã tu hành thì phải nương theo Phật pháp rèn luyện cho tâm mình trở thành Tâm Phật, ấy là đặng kết quả cao quý.
CHÚ THÍCH
HAM SÂN: Thích nóng giận. Nó là một điều ác trong ý nghiệp (Sân Nộ). Tánh sân hận gây ra tai hại lớn lao “giận mất khôn”. Kinh Phật bảo:“Nhất niệm Sân tâm khởi, Bách vạn Chướng môn khai”.(Một niệm nóng giận nổi lên thì muôn cửa tội chướng đều mở rộng).
Đức Thầy cũng bảo:“Cơn giận làm cho con người cuồng trí, mất sự tự chủ, trở nên dữ dằn bạo tợn, chẳng còn nghĩ đến việc công bình lẽ phải trái”.(Bàn luận về Tam Nghiệp – Ác Sân nộ).
BÚT NGHIÊN: Cây viết và nghiên mực (bình mực). Ý chỉ về sự học hành hay sự nghiệp văn chương.
“Theo đòi cũng thể bút nghiên,
Thua em kém chị cũng nên hổ mình”.(Ca dao)
HẾT MÙ TỚI ĐUI: Mù và đui cũng đồng một nghĩa là không thấy đường, nhưng ở đây muốn nói chúng sanh trước kia không biết đường Đạo nghĩa cũng đành; nay có Phật Tiên ra đời khuyến hóa họ cũng không nhận được để tu hành, trở lại còn khinh khi nhạo báng, nên nói là hết mù tới đui.
PHẬT VÀO TRONG TÂM: Vẫn biết nơi lòng mỗi chúng sanh đều có Phật tánh “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, nhưng tại sao Đức Giáo Chủ lại bảo phải tu đem Phật vào tâm ? Bởi lẽ Phật tánh của mỗi người còn ẩn sau bức màn vô minh dày bịt, nay hành giả phải nương theo Giáo lý của Phật bên ngoài mà tu hành; hoặc hành Bát Chánh đạo hoặc niệm Phật cho tâm được thanh tịnh và chánh niệm, tức phá được màn vô minh, huệ nhựt hiện bày, tâm và Phật hòa nhau một đại thể (Phật tánh).
Như Đức Thầy đã dạy:
Tu cầu Phật hóa tánh tình,
Lưới mê chẳng buộc nhẹ mình tiêu dao”.
(Khuyến Thiện, Q.5)
Ấy là được giải thoát.