21. “Điên này vưng lịnh Minh-Vương,
Với lịnh Phật đường đi xuống giảng dân.
Thấy trong bá tánh phàm trần,
24. Kẻ khinh người nhạo Thần Tiên quỉ tà.
Mặc ai bàn tán gần xa,
Quỉ của Phật Bà sai xuống cứu dân.
Kẻ xa thì mến đức-ân,
28. Làm cho người gần ganh-ghét khinh khi.
Nam mô, mô Phật từ-bi,
Miệng thì niệm Phật lòng thì tà-gian.
Khắp trong bá-tánh trần-hoàn,
32. Cùng hết xóm làng đều bỉ người Điên”.
LƯỢC GIẢI : (Từ câu 21 đến câu 32)
-Đoạn nầy ý nói Đức Thầy lâm phàm cứu thế là vì lòng từ bi, vì vưng sắc lịnh của Đức Phật Tổ, Đức Minh Vương và Phật Bà Quan Âm…thế mà có nhiều người bàn tán khen chê. Kẻ thì nhận Ngài là bậc Thần Tiên, người lại nhạo chê là tà quỷ, song Đức Giáo Chủ vẫn an nhiên không màng nghĩ, bởi sự khen chê là thường tình của thói đời, hễ ai được nhiều người kính mộ đức ân, tất nhiên phải có kẻ ghét ghen đố kỵ.
-Trường hợp nói trên chẳng những ở trường đời mà trong cửa Đạo cũng thế ! Bởi hiện thời có vô số người giả tu, tuy ngoài miệng thì nói là từ bi, nhưng trong lòng họ luôn mưu tính việc gian tà, lợi dụng tiền bạc đủ cách.
Nên khi gặp người chơn chánh ra đời là họ đố kỵ ngay. Bởi ánh sáng chơn lý rọi ra thì tà thuyết dị đoan phải tan mất. Do đó, họ bịa đặt này nọ, chỉ trích khinh khi Đức Thầy.
CHÚ THÍCH
MINH VƯƠNG: Vị vua sáng suốt, chỉ cho Đấng Thánh Vương, người đã tu hành gần chứng quả Phật, nên lòng rất hiền từ minh chánh.
Đức Thầy có câu:
“Thương Minh Vương bắt chước Thuấn Nghiêu,
Lòng hiền đức nào ai có biết”.
(Sấm Giảng Q.2)
PHẬT ĐƯỜNG: Phật là chỉ cho Đức Phật, chư Phật. Đường là nhà thờ, là nghĩa của chữ Đạo. Vậy, Phật Đường là nhà thờ Phật, là nơi Phật ngự, là Đạo Phật, cũng có nghĩa là con đường về cảnh Phật; nhưng chữ Phật Đường ở đây là chỉ cho Phật Thích Ca. Vì Ngài là Đấng cha lành trong Tam giới, là Giáo Chủ đạo Phật trong thế giới Ta Bà.
Ngài Huệ Lựu đã chứng minh:
“Kế đó Phật Tổ giá lâm,
Tâu cùng Ngọc Đế thấp cao tỏ tuờng.
Minh Vương có đến Phật Đường,
Giáo khuyên dưới thế trung ương tu trì”.
(Giảng Mười Một Hồi)
Vậy thì câu:“Với lịnh Phật Đường đi xuống giảng dân” là Đức Thầy vưng lịnh Đức Phật Tổ lâm phàm dạy thế. Như Ngài thường thốt:
“Ngọc toà Phật Tổ nấy sai ta,
Xuống cứu thế gian nẻo vạy tà.
Hiệp sức tớ Thầy truyền diệu pháp,
Cho dân thấu tỏ Đạo Ma Ha”.
(Tối Mùng Một)
PHẬT BÀ: Là Phật Quan Âm Nam Hải, do câu nguyện trong Thập Nhị Nguyện của Ngài:
“Nam mô nhứt niệm tâm vô quái ngại, Quan Âm Như Lai thường cư
Và câu Kinh:
“Nam Hải Viên Thông Giáo Chủ, đại từ đại bi, tầm thanh cứu khổ, cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát”.
Nghĩa là Đức Quán Thế Âm làm Giáo Chủ có đủ đạo hành tròn đầy, thông suốt cõi Nam Hải, thường nghe tiếng nguyện cầu của chúng sanh mà cứu độ khỏi tai nạn và cảm ứng một cách thiêng liêng.
Nguyên Ngài là bậc đạo hạnh viên vun chứng thành Phật Quả, nhưng vì lòng bi mẫn muốn ở gần chúng sanh để cứu khổ cứu nạn và thường lui tới vùng bể Nam Hải nên mới có danh từ “Quan Âm Nam Hải”. Hiện nay đa số hình tượng của Ngài được thờ phượng với xác thân nữ giới, tay cầm Tịnh bình, tay cầm nhành Dương liễu, Ngài đứng trên hoa sen trắng có Thiện Tài đồng tử theo hầu. Đó là Ngài dùng Thiên Bá Ức Hóa Thân thị hiện cứu khổ chúng sanh, hoặc chuyển kiếp làm thân nữ để nêu gương hạnh độ rỗi hàng nữ giới.
Kinh sách có chép:
“Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có lần chuyển kiếp là Diệu Thiện công chúa, con thứ ba của Diệu Trang Vương. Bà sớm giác ngộ lìa bỏ ngôi vị công chúa và cuộc đời nhung lụa vàng son trong cung điện để tìm đường giải thoát. Sau bà tu đắc Đạo và độ thoát được cha mẹ, nêu gương nhẫn nhục cho đời sau, nhứt là giới
nữ nhờ noi gương Bà mà tu hành có rất nhiều người chứng đắc”.
Người Á Đông theo Đạo Phật hằng năm đến ngày vía của Đức Quán Thế Âm đều có tưởng niệm chay lạt. (Các ngày vía của Quan Âm Diệu Thiện: - Ngày 29/2 âl: Vía Đản Sanh, - Ngày 19/6 âl: Vía Xuất gia, - Ngày 19/9 âl: Vía Thành Đạo) Do điển tích trên đây, người đời mới xưng tụng Đức Quán Thế Âm là Phật Bà. Hiện nay, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng từng cho biết:
“Đến lâm cảnh khổ có ta,
Với lịnh Phật Bà cứu vớt giùm cho”.
(Sấm Giảng Q.1)
ĐỨC ÂN: Tâm từ thiện đối với vạn loại chúng sanh gọi là Đức, nói và làm những việc có phúc lợi cho mọi người gọi là Ân. Nói chung là người có hạnh đức thường gia ân bố phước cho bá tánh, thì bá tánh cảm Đức Ân đó:
“Nghìn trùng ân đức sâu dày,
Phận trò vẹn đáp công Thầy mới ngoan”.
Hai câu :”
Miệng thì niệm Phật lòng thì tà gian”.
(Sấm Giảng Q.1)
Là chỉ cho hạng người tu giả dối, do câu “Khẩu Phật tâm xà”(Miệng nói từ bi như Phật mà lòng thì độc ác như rắn). Hạng người nầy tuy ngoài miệng họ nói là quy y Phật và niệm Phật từ bi, nhưng lòng họ luôn chứa việc gian tà độc ác để gạt người thủ lợi.
TRẦN HOÀN: Trần là bụi; Hoàn là cảnh địa, tức chỉ cõi đời đầy bụi bặm nhơ nhớp đau khổ mà cả nhân loại đang cư trú.
Đức Thầy nói:
“Trần hoàn thiện tín còn mê,
Thêm lời giục thúc gọi về đàng tu”.
(Khuyến Thiện Q.5)
BỈ: Khinh thường chê bai.