CHÁNH VĂN (Từ câu 221 đến câu 308)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 31006)
CHÁNH VĂN (Từ câu 221 đến câu 308)

221.-Công là phải sửa làm sao,

Làm ăn các việc tầm-phào chẳng nên.

          Mình là gái mới lớn lên,

224.-Đừng cho công việc hớ-hênh mới là.

          Chữ dung là phận đàn bà,

Vóc hình tươi-tắn đứng đi dịu-dàng.

          Dầu cho mắc chữ nghèo-nàn,

228.-Cũng là phải sửa phải sang mới mầu.

 

          Ngôn là lời nói mặc dầu,

Cũng cho nghiêm-chỉnh mới hầu khôn-ngoan.

          Đừng dùng lời tiếng phang-ngang,

232.-Thì cha với mẹ mới an tấm lòng.

          Hạnh là đức tánh phải không ?

Ở cùng chòm-xóm đừng cho mất lòng.

          Bốn điều nếu đã làm xong,

236.-Cũng gìn chữ hiếu phục tòng song thân.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 221 đến câu 236)

          -Đoạn nầy, Đức Thầy dạy bổn phận của hàng phụ nữ cần phải trau giồi bốn đức tánh: Công, dung, ngôn, hạnh.

          -Trước nhứt là chữ “Công”, tức mọi sự nấu nướng vá may cho sắc sảo, khéo léo, cùng các việc làm lụng đều được thứ lớp và thu xếp gọn gàng, kỹ lưỡng, không nên để phào phẹt bừa bãi.

          -Thứ nhì là chữ “Dung”; nghĩa là phải giữ trang mạo đằm thắm, cử chỉ hòa hưỡn và mỗi lúc đi, đứng, nằm, ngồi phải dòm ngó trước sau một cách cẩn thận. Thân thể phải cho sạch sẽ, hình dáng đoan trang, ăn mặc giữ được chừng mực kín đáo, không được hở hang, cách điệu quá lẽ.

          -Thứ ba là chữ “Ngôn”: Mỗi khi thốt ra, người phụ nữ cần phải giữ lời nói cho được dịu dàng, lễ nghĩa, không nên dùng những tiếng thô lỗ láo xược, chưởi rủa, tục tằn, tất cha mẹ được vui lòng thỏa mãn.

          -Thứ tư là chữ “Hạnh”, tức phải giữ hạnh nết hiền hậu, tánh ý ôn hòa, hay tha thứ kẻ lầm lỗi, giúp đỡ người thiếu hụt. Chốn khuê phòng thường trau giồi giá gương trong sạch. Không xem những loại sách bất chánh, cũng không gần kẻ lả lơi, trây trúa, hổn ẩu tham gian để ngừa hại đến danh thể. - Ở với cha mẹ đầy lòng hiếu thuận, với ông bà cô bác, anh chị thân quyến cũng giữ mực cung kính khiêm từ đáo để.

CHÚ THÍCH

          CÔNG: Khéo léo đứng đắn.

          TẦM PHÀO: Cũng gọi là tầm phèo. Có nghĩa: bừa bãi không gọn gàng cẩn thận.

          HỚ HÊNH: Không cẩn thận chu đáo. Công việc hớ hênh là làm việc không kỹ lưỡng, vén khéo.

          DUNG: Hình sắc, dáng điệu.

          TƯƠI TẮN: Xinh xắn, đẹp đẽ. Ví dụ: gương mặt tươi tắn.

          DỊU DÀNG: Yểu điệu tha thướt, tướng đi của giới nữ.

          NGÔN: Lời nói. Đây, ý dạy nữ giới cẩn thận lời nói trong mọi việc đối xử; “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.(Ca dao). Cổ Đức từng bảo:“Lập thân chi yếu, Ngôn hạnh thị tiên”.(Cốt yếu của sự lập thân, ngôn hạnh là trước nhứt). Đức Thầy nay cũng dạy:“Người biết Đạo phải gìn ngôn ngữ”.(Giác Mê TK, Q.4)

          NGHIÊM CHỈNH: Nghiêm trang tề chỉnh, không lả lơi cười cợt. Ví dụ: Người ấy ăn nói nghiêm chỉnh.

          PHANG NGANG: Phang là cầm cây mà vụt mạnh vào ai. Ngang là ương ngạnh, bất chấp lề lối. Tiếng phang ngang là lời nói ngang tàng, thiếu sự dịu dàng mềm mỏng và lễ độ.

          HẠNH: Tánh nết, cách cư xử:“Thương vì hạnh, trọng vì tài”.(Tr.Kiều) Kinh Thơ dạy:“Chẳng giữ hạnh nhỏ có hại cho đức lớn”.(Bất năng tế hạnh chung lụy đại đức).

          ĐỨC TÁNH: Tâm tánh tốt lành nhân ái. Đức Thầy có dạy:“Làm thế nào phát hiện được những đức tánh cao cả…”.(ĐT đáp lời Ký giả Hồn Quyên)

          BỐN ĐIỀU: Chỉ bốn đức tánh: Công, Dung, Ngôn, Hạnh đã kể qua.

          HIẾU: Lòng ân cần tôn kính, bảo dưỡng và vâng lời khuyên răn của cha mẹ. Kinh Minh Thánh dạy:“Hiếu tử chi sự thân: Cư tắc chí kỳ kính, dưỡng tắc chí kỳ lạc, bệnh tắc chí kỳ ưu, Tang tắc chí kỳ ai, tế tắc chí kỳ nghiêm. Cố bất ái kỳ thân, như ái tha nhân giả, vị chi bội đức”.(Người con hiếu thờ cha mẹ: Lúc ở thì tôn kính rất mực, khi nuôi phải vui hết mực, khi bệnh phải lo lắng hết mực. Khi chịu tang phải buồn hết mực, khi tế thì nghiêm trang hết mực. Cho nên không yêu cha mẹ mà yêu người ngoài (khác) gọi là trái đức).

            Kinh Đạt Ma có lời khuyên:

                   “Ngàn kinh muôn điển hiếu vi tiên,

                     Thảo thuận đời sau nhỏ giọt truyền.

                     Ở thế Đạo người làm vẹn vẻ,

                     Tu hành Tiên Phật sẽ nên duyên.

                     Ba năm nhũ bộ công lao nhọc,

                     Chín tháng cưu mang mấy đoạn phiền.

                     Nghĩa mẹ ơn cha hằng tạc nhớ,

                     Ngày qua bể ngạn mới là yên”.

          Đức Thầy nay cũng hằng dạy:“Hiếu hạnh gìn lòng chí ư Thiên”.(Hai mươi chín tháng Chạp) Và:

                   Nhơn sanh hiếu nghĩa dĩ vi tiên,

                     Hành thiện tri Kinh thị sĩ hiền”.

                                                (Hiếu nghĩa vi tiên)

          PHỤC TÒNG: Tùng phục, tuân theo. Vui lòng chịu sự dạy bảo của cha mẹ.

          SONG THÂN: Tiếng gọi chung Phụ thân và Mẫu thân, tức là cha mẹ.

CHÁNH VĂN

          237.-Dạy rồi những chuyện đức ân,

Phận làm cha mẹ xử phân lẽ nào.

          Lỗi-lầm chớ có hùng-hào,

240.-Đừng chửi đừng rủa đừng cào đừng bươi.

          Đem lời hiền-đức tốt tươi,

Đặng mà giáo-hóa vàng mười chẳng hơn.

          Cũng đừng gây gổ giận-hờn,

244.-Cho con bắt chước sạ dươn mới là.

          Nam-Mô sáu chữ Di-Đà,

Từ-bi tế-độ vậy mà chúng sanh.

          Xưa nay Sáu Chữ lạnh tanh,

248.-Chẳng ai chịu khó niệm sành thử coi.

          Trì tâm thì quá ít-oi,

Bây giờ dùng thử mà coi lẽ nào.

          Rạch tim đem để Nó vào,

252.-Thì là mới khỏi máu đào tuôn rơi.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 237 đến câu 252)

          -Sau khi chỉ dạy về bổn phận làm con cháu, từ trong gia đình đối với ông bà, cha mẹ, đến cô bác láng diềng đều cư xử được vẹn vẻ, đức ân. Đức Thầy dạy qua trách nhiệm làm cha mẹ về cách phân xử và dạy bảo con cháu.

          -Mỗi khi con có vi phạm lỗi lầm, làm cha mẹ không nên ra tuồng giận dữ, la ó lớn tiếng hoặc đay nghiến chửi rủa, đánh đập tưng bừng, nên dùng những lời hiền hòa, tốt đẹp ra dạy dỗ chúng, nếu được vậy có chi quí báu cho bằng. Giữa chồng vợ chẳng nên mặt giận, mày hờn ấu đả lẫn nhau vì đó là duyên cớ làm cho con mình bắt chước.

          -Với Pháp môn niệm Phật là phương cách tu giản tiện nhứt, chỉ có trì niệm sáu chữ: Nam Mô A Di Đà Phật mà được Đức Phật A Di Đà cứu độ vượt khỏi mọi tai nàn, và đặng phúc báo vãng sanh về cõi cực lạc:“Cứu khổ Nam mô vô lượng phước, Diệt nàn tu rị hữu thiên Kinh”.(Tỉnh bạn trần gian). Thế mà xưa nay, không mấy người chịu hành trì cho đúng cách.

          -Từ trước tới giờ, người niệm Phật chẳng phải là không có, song niệm cho được nhứt tâm bất loạn thì ít ai làm đặng, nên không thấy kết quả. Do đó, Đức Thầy kêu gọi mọi người nay hãy trì tâm niệm Phật cho đúng phương pháp thử coi. Nghĩa là phải niệm làm sao cho tiếng niệm nghe đều đều và hòa vào nhịp thở của con tim. Tuy không niệm ra tiếng mà tai vẫn nghe rõ, từng chữ một nơi tâm, không hề gián đoạn hoặc vọng tưởng xen vào. Nếu niệm Phật được như thế, tất khỏi cảnh máu đổ thịt rơi trong ngày chiến tranh, tận diệt:“Chữ lục tự trì tâm bất viễn, Thì lâm nguy có kẻ cứu mình”.(Kệ Dân, Q.2)

 

CHÚ THÍCH

          ĐỨC ÂN: (Xem CT câu 81, T-2, Q.3).

          XỬ PHÂN: Cũng gọi là phân xử. Có nghĩa xử trí cho hợp lẽ. Ví dụ: Phân định việc phải quấy mỗi bên rất công bằng hợp lý.

          HÙNG HÀO: Mạnh mẽ và hào phóng. Đây chỉ cho sự nóng giận, làm dữ. Ví dụ:Ra vẻ hung hào giận dữ.

          HIỀN ĐỨC: (Xem CT câu 66, T-2, Q.3).

          GIÁO HÓA: Dạy dỗ và mở mang (khai hóa). Dùng sự giáo dục mà cảm hóa mọi người. Ví dụ: Cảm hóa dân chúng, cảm hóa con cháu.

          VÀNG MƯỜI: (Xem CT câu 109, T-2, Q.3).

          SẠ DƯƠN: (Xem CT câu 112, T-2, Q.3).

          NAM MÔ: (Xem CT câu 9, T-1, Q.1).

          SÁU CHỮ DI ĐÀ: Do chữ “Lục tự Di Đà”, tức sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật. Ý dạy tu Pháp môn Tịnh Độ, hành giả luôn trì niệm danh hiệu Đức A Di Đà, sẽ được Ngài cứu độ vãng sanh Cực Lạc hoặc chứng Di Đà tự tánh. Đức Thầy từng dạy:“Nam Mô A Di Đà Phật, sáu chữ, đi, đứng, nằm, ngồi, rán niệm chớ quên, không đợi gì thời khắc”.(Niệm Phật trong Q.6)

          TẾ ĐỘ: Cứu giúp và đưa qua. Chư Phật cùng hàng Bồ Tát dùng pháp giáo và các phương tiện tế độ chúng sanh rời bờ mê, sang bến giác, khỏi bể khổ sanh tử, đến Cực lạc Niết Bàn. Đức Thầy có câu:

                   Chờ con đầy đủ nghĩa nhân,

                    Ra tay tế độ dắt lần về ngôi”.(Bóng Hồng)

          NIỆM SÀNH: (Xem CT câu 106, T-1, Q.1).

          TRÌ TÂM: (Xem CT câu 449, T-2, Q.3).

          RẠCH TIM: Vạch tâm. Ý toàn câu dạy người niệm Phật phải đem tiếng niệm Phật để vào tâm và trì niệm mãi cho đến khi tâm và Phật tương ưng thì được thoát qua các tai nạn khổ ách. Như Đức Thầy từng dạy :“Rán tu đem được Phật vào trong tâm”.(Sấm Giảng Q.1) và:“Lòng sáu chữ nhớ không có ngớt, Thì nạn tai cũng thoát như không”.(Sa Đéc)

CHÁNH VĂN

          253.-Để sau đến việc tả-tơi,

Rồi tu sao kịp chiều mơi cho thành.

          Ngày nay chim đã gặp cành,

256.-Chẳng lo đậu lại cho rành gió mưa.

          Tu hành nhiều kẻ chẳng ưa,

Mặc ai gièm siểm sớm trưa chẳng màng.

          Gẫm trong thế-sự trần-hoàn,

260.-Người hung người ác tà-gian cũng nhiều.

          Thương đời ta mới đánh liều,

Mong người tu tỉnh ít nhiều cũng hay.

          Muốn tu còn đợi chiều mai,

264.-Khuyên người rèn sớm thì xài lâu hư.

          Những người có của tiền dư,

Hãy nên bố-thí dành tư làm gì.

          Sau đây nhiều chuyện ly-kỳ,

268.-Kể sao cho xiết vậy thì dân ôi !

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 253 đến câu 268)

          -Đoạn giảng trên Đức Thầy khuyên bá tánh, nếu không sớm lo làm lành niệm Phật, để khi gặp khổ ách, dầu có muốn tu cũng chẳng kịp, bởi sự tu không phải chỉ một sớm một chiều mà thành công được. Sống giữa thời mạt pháp may mắn gặp chánh Đạo, nếu chúng sanh chẳng sớm nương theo, không khác nào loài chim gặp cành cây tốt lành, chẳng chịu đậu, ắt bị mưa bão làm nguy hại.

          -Ở thế gian nhiều kẻ không thích việc tu, còn dùng đủ tiếng gièm pha nhạo báng, song đối với người đã quyết tâm hành Đạo thì chẳng màng kể. Xét lại cõi đời không được mấy người hiền đức, phần đông là kẻ gian tà hung ác.

          -Vì lòng quá thương xót sanh linh, nên dù đời có nhiều bạc đãi, Đức Thầy cũng:“Quyết lòng truyền bá Đạo mầu mà thôi”.(Dặn dò Bổn đạo). Ngài mong sao mọi người đều thức tỉnh tu hành, dầu nhiều ít gì cũng có kết quả. Lại có số người cũng muốn tu, nhưng cứ mãi trù trừ lần lựa, nên Ngài khuyên họ càng sớm tu càng tốt.

          -Đối với những người giàu có, Ngài dạy nên mở lòng bố thí, giúp đỡ hạng cơ bần để gây phúc duyên về sau. Nếu ai mãi:“Giữ bo đến lúc phong ba, Gặp cơn bát loạn khó mà yên thân”.(Khuyên người giàu lòng Phước thiện) Bởi sau nầy có nhiều biến chuyển lạ lùng, không sao tả xiết, bao nhiêu của tiền vàng bạc đã dành giụm từ trước phải bị tiêu sạch:

                   “Giàu sang như nước trên nguồn,

           Gặp cơn mưa lớn nó tuôn một giờ”.(Sấm Giảng Q.1)

 

CHÚ THÍCH

          TẢ TƠI: Cũng gọi là tơi tả. Có nghĩa rách nát, ten ben, lòng thòng nhiều miếng. Ý chỉ cảnh chiến tranh, chạy giặc khiến dân chúng phải đói rách tơi tả.

          GIÈM SIỂM: (Xem CT câu 302, T-1, Q.1).

          TRẦN HOÀN: (Xem CT câu 31, T-1, Q.1).

          TÀ GIAN: Tà vạy, gian xảo, không ngay thẳng, chánh đáng.

          TU TỈNH: (Xem CT câu 342, T-2, Q.2).

          BỐ THÍ: Phạn ngữ: Dâna, phiên âm là Đàn na, dịch là Bố thí. Vốn là một trong Lục độ (sáu pháp Ba La Mật của chư Bồ Tát thường hành). Bố là bủa ra, rải ra. Thí là cấp cho. Vậy, Bố thí là đem cái sở hữu của mình giúp cho kẻ khác. Đức Thầy từng kêu gọi:

                    “Nếu đã xả thân tầm Đạo đức,

                     Mở lòng bố thí ngộ thần ca”.

                                     (Khuyên người giàu lòng Phước thiện)

          Bố thí có 3 cách:

          1/- Tài Thí: Là đem những cái gì thuộc về mình, như: tiền vải, lúa gạo, thuốc men ban cấp cho kẻ nghèo đói bệnh tật, hoặc góp công của vào các việc từ thiện khác.v.v…Đức Thầy hằng dạy:

                   “Khá thương những kẻ bần cùng,

                     Tâm lành dư của hãy dùng vào đây”.

                                     (Khuyên người giàu lòng Phước thiện) 

          2/- Pháp Thí: Là dùng lời lẽ, trí huệ giảng dạy Đạo lý hoặc ấn tống Kinh Giảng để người khác được xem nghe, tỉnh ngộ tu hành. Đức Thầy dạy:“… đi các nơi giảng giải Đạo Phật cho đại chúng nghe, hoặc giả mở trường dạy Đạo Phật”.(Ban Huấn luyện và TBĐP). Và về Kinh Giảng, Ngài cũng dạy rõ: Hãy “Hiệp cùng nhau truyền bá Kinh lành”.(Kh/Thiện, Q.5) Và:

                   Ai lòng nhơn hoặc chép hay in,

           Mà truyền bá đặng nhiều phước đức”.(Kệ Dân, Q.2)

            3/- Vô Úy Thí: Là phương tiện giúp cho người khỏi cơn sợ hãi, bằng cách: dùng lời lẽ an ủi hoặc đem tánh mạng đỡ gạt hay bảo vệ cho người được an ổn…

          Bố thí lại còn chia làm hai phần:

          1)- Sự tướng Bố thí: Cũng gọi là Trụ tướng bố thí, tức là lúc đem tài vật thí ra cho người mà lòng còn phân biệt người là kẻ thọ thí, ta là kẻ bố thí, khởi tâm mong cầu tiếng khen và được phúc báo. Nhơn đó làm cho bản ngã càng tăng trưởng, sự tôn ti thêm nảy sanh, khiến cho sự bất bình đẳng một ngày một chất ngất, để rồi phải hưởng cái quả sai biệt nhỏ nhen.

          2)- Lý tánh Bố thí: Cũng gọi là “Vô trụ tướng Bố thí”. Tức là lúc thi hành công việc bố thí xét vì lòng từ bi, vì bổn phận mà làm, ngoài cảnh không chấp mắc, trong tâm chẳng nhiễm ô, không hề tham cầu phước báo; cũng không phân biệt nhơn ngã, tôn ti và chẳng trụ vào: Sắc, thinh, hương, vị, xúc pháp mà bố thí. Kinh Kim Cang, Phật bảo: Bố thí không trụ tướng thì được phước đức chẳng thể so sánh, nghĩ lường được. (Bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất ngã tư nghị).

          Đức Thầy nay cũng dạy:

                   Giúp đời đừng đợi trả ơn,

    Miễn tròn bổn phận hay hơn bạc vàng”.(Sám Giảng Q.3)

            LY KỲ: Lạ lùng kỳ dị. Chuyện rất ly kỳ.

 

CHÁNH VĂN

          269.-Tại sao chẳng cúng chè xôi,

Bởi vì tận thế Phật thôi ăn chè.

          Cũng không có muốn hoa-hoè,

272.-Lầu đài sơn phết cũng là chẳng ham.

          Ai chê khờ dại cũng cam,

Chớ Tôi cũng chẳng có ham lầu đài.

          Chữ tu hãy rán miệt-mài,

276.-Đừng kể vắn dài đừng nệ mau lâu.

          Giáo khuyên khắp hết đâu đâu,

Bớt điều mị-dối mới hầu thấy Ta.

          Đừng theo lũ quỉ lũ ma,

280.-Cúng kiếng nó mà nó phải ăn quen.

          Chết rồi cũng bớt cóc keng,

Trống đờn lễ nhạc tế xen ích gì.

          Đàn nhu thầy lễ cũng kỳ,

284.-Mắc phải chuyện gì phủ phục bình hưng ?

          Lại thêm đờn địch từng tưng,

Đem con heo sống mà dưng làm gì ? 

          Chủ gia kẻ lạy người quì,

288.-Làm chuyện dị-kỳ giả-dối hay không ? 

          Nếu không thì trả lời không,

290.-Bằng mà có dối thì hòng sửa đi.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 269 đến câu 290)

          -Từ trước đến giờ các chùa thường dùng chè xôi, bánh trái cúng Phật. Nay sắp đến ngày tận diệt, Đức Thầy khuyên bá gia không nên cúng như thế nữa; bởi chư Phật không hề dùng bất cứ một thức ăn nào ở thế gian. Nếu ai quan niệm rằng chư Phật còn ăn uống và cúng có lễ vật mới được chứng minh thì rất sai lầm mê tín:“Chẳng ham cúng kiếng chè xôi, Phật Trời chẳng muốn điều tồi ấy đâu”.(Sấm Giảng Q.1) Ngài cũng dạy chư Thiện Tín lìa bỏ âm thinh sắc tướng để:“Làm vô vi Chánh Đạo mới mầu”.(Kệ Dân Q.2), chớ Ngài đâu có muốn chùa lầu sơn phết mà bá tánh lo gây tạo rồi đổ thừa cho Phật.

          -Đức Thầy luôn noi gương Đức Phật, không ham nhà cao chùa lớn, tài sắc vị danh, dù người đời có chê là khờ dại Ngài cũng cam chịu. Trên đường tu mỗi người phải bền tâm kiên chí, không nên chán nản trước lộ trình xa thẳm hay công phu khó nhọc. Vì rằng:“Tuy xa mà tới mấy hồi”.(Khuyên người giàu lòng Phước thiện) Và:“Hết khổ lao thì đến vui cười”.(Giác Mê TK, Q.4)

          -Ngài khuyên khắp giới tu hành hãy diệt trừ những sự trạng tà mị, gian dối để thật tâm thành ý tu hành, mới mong gặp Thầy thấy Phật. Bỏ hẳn sự giết các sanh vật cúng tế quỉ thần, vì các hạng ăn đồ cúng kiếng của thế gian là tà thần, ma mị. Nếu ta tin tưởng, nó sẽ ăn quen và càng theo phá hại ta mãi.

          -Đến như trong gia đình có người từ trần, không nên rước Thầy Lễ, thầy cúng, bày ra trống đờn chuông mõ, hay nhạc lễ rình rang. Việc báo hiếu Đức Thầy có dạy:“Còn hiếu sự do hồi còn sanh tiền và do sự tu hành, sự thành tâm cầu nguyện, chớ không phải có tiền rước người khác cầu nguyện mà đạt được hiếu thuận nhơn nghĩa. Chỉ vọng bàn giữa nhà hay giữa trời cầu nguyện rồi im lặng đi chôn”.(Mục Tang Lễ)

            -Còn việc tế thần hoặc làm tuần, làm đám không nên sát sanh hại vật hay đem thịt sống lên bàn thờ mà cúng. Vì các vật ấy người quá vãng chẳng hề dùng được, làm thế không những vô ích mà còn gây thêm nghiệp tội cho người chết. Do đó, Đức Thầy khuyên mọi người nên xét rõ các việc nói trên, nếu thấy là giả dối và mê tín thì hãy mau cải sửa đi !

CHÚ THÍCH

          TẬN THẾ: (Xem CT câu 25, T-2, Q.2).

          HOA HÒE: Lòe loẹt, rực rỡ màu săc. Ý chỉ những cái đẹp đẽ hào nhoáng bên ngoài, nhưng bên trong chẳng tht tốt. Đây chỉ cho sự sắc tướng.

          CŨNG CAM: Cũng đành lòng, nhn chịu.

          MIỆT MÀI: Cũng gọi là mài miệt. Miệt là mãi miết, cần cù chăm chú. Mài là cọ xát nhau. Nghĩa bóng là bền chí chuyên cần không lơ đễnh.

          MỊ DỐI: Nịnh hót, gian xảo dối trá.

          CÓC KENG: Là chỉ chung cho những thứ trống kèn, chiêng mõ, dùng để đánh lên trong khi tế lễ.

          TẾ XEN: Tế là làm lễ cúng theo nghi tiết; xen là chen vào giữa. Tế xen là cho buổi lễ rình rang thêm lên.

          ĐÀN NHU: Đàn nho. Chỉ việc tế lễ tang ma theo Nho giáo.

          PHỦ PHỤC: Lạy sụp xuống.

          BÌNH HƯNG: Bình là bằng; Hưng là đứng dậy. Tiếng của học trò lễ xướng lên trong khi tế lễ.

          ĐỜN ĐỊCH: Cây đờn và ống tiêu. Ý chỉ chung mọi thứ đờn (đàn). Ví dụ: Đờn địch tối ngày.

          TỪNG TƯNG: Âm thanh nhạc điệu do người khảy đàn phát ra.

          ĐEM CON HEO SỐNG MÀ DƯNG LÀM GÌ: Theo cổ lệ từ trước, những cuộc tế Thần (Thành Hoàng Bổn Cảnh) trong các ngôi Đình; người ta làm thịt heo rồi để sống nguyên con đem chong trước bàn Thần mà tế, chẳng biết vị thần ấy có ăn được thịt sống hay không mà họ cứ nhắm mắt làm càn.

          Vào năm 1939, Đức Thầy có đến Đình Thần xã Hòa Hảo, thấy cuộc cúng tế như vậy, khi về nhà, gặp Đức Ông (thân sinh của Ngài) Ngài cười dài. Đức Ông liền hỏi:

          - Thầy Tư cười chuyện gì vậy ?

          Ngài đáp:

          - Ông Cả xuống dưới Đình mà coi. Ban Hội Tề đem chong con heo sống trước bàn Thần rồi xúm nhau lạy. Ông Thần đâu có đòi ăn thịt sống mà làm như vậy, còn các ông Hội Tề lạy biết chừng nào cho hết tội giết heo. Làm trò mị dối như vậy bảo làm sao chẳng cười cho được !         - Vậy không nên cúng Thần sao ? Đức Ông hỏi lại.

          Đức Thầy đáp:

          - Nên cúng chớ ! nhưng nên biết, ông Thần Đình là vị quan cựu thần trung quân ái quốc, được ghi vào thanh sử, Vua mới sắc phong về đây, là chánh Thần, mà chánh Thần thì Ngài đâu còn ăn thịt sống, thịt chín gì nữa ! Từ nay ông Cả hãy ra lịnh cúng chay đi.

          Nhờ lời giác tỉnh của Đức Thầy mà từ ấy (1939) đến nay, Đình Thần xã Hòa Hảo và các xã lân cận như: Phú An, Hưng Nhơn.v.v…đều sửa đổi, bỏ hẳn tục lệ sát sanh và hát chầu, hằng năm chỉ tế Thần bằng đồ chay. Nhưng phần đông các ngôi đình khác người ta còn mê tín, vẫn giữ y cựu lệ.

CHÁNH VĂN

          291.-Thương đời Ta luống sầu-bi,

Học nho cứ mãi làm thi ngạo đời.

          Rung đùi ngâm chuyện trên Trời,

Tình duyên cá nước vậy thời dỗ con.

          Thấy đời Ta cũng héo von,

296.-Học nho mà chẳng làm tròn nghĩa-nhơn.

          Khoe mình chẳng có ai hơn,

Nhờ làm thuốc bắc đỡ cơn túng nghèo.

          Hiền nhơn chẳng chịu làm theo,

300.-Đợi ai có bịnh túng nghèo chẳng tha.

          Hốt thời cắc bảy cắc ba,

Nó đòi năm cắc người ta hoảng hồn.

          Lành bay còn ác lại tồn,

304.-Đến chừng lập Hội xác hồn lìa xa.

          Mấy anh thầy thuốc Lang-sa,

Cũng là mổ mật người ta lấy tiền.

          Xin trong anh chị đừng phiền,

308.-Đồng bạc đồng tiền là thứ phi ân.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 291 đến câu 308)

          -Vì thương đời nên lòng Đức Thầy quá xót xa, thấy nhiều người đã học đòi Nho Giáo mà chẳng thi hành nhơn nghĩa; chỉ lo viết thơ ngâm vịnh, nhạo báng thế gian hoặc tình duyên luyến ái.

          -Tự khoe mình tài học chẳng ai bằng, bát cơm, manh áo của họ đều nhờ nghề làm thuốc Bắc, chẳng cần thiết đến việc hiền nhơn Đạo nghĩa là gì. Hễ có bịnh nhơn đem tới, bất luận nghèo hay giàu họ đều thẳng tay đập đổ.

          -Bấy giờ, giá tiền của mỗi thang thuốc cao lắm là một cắc bảy, thế mà họ đòi tới năm cắc làm cho dân chúng phải rên xiết. Suốt đời họ chẳng làm một việc Thiện, nên phúc lành đâu có, chỉ tồn lại các nghiệp tham ác mà thôi. Và những kẻ ấy, đến ngày lập hội khó mong bảo tồn tánh mạng.

          -Đến như ngành Tây y lại còn thâm độc hơn nữa, một số người hành nghề ấy, chẳng những họ cắt cổ lột da lại còn vơ vét tiền bạc, tận xương tủy các bệnh nhân. Thói thường, hễ trung ngôn thì nghịch nhĩ, Đức Thầy khuyên các hạng làm thuốc nói trên, chẳng nên phiền Ngài, mà hãy xét kỹ lại, nên thi thố nhơn nghĩa hơn là tham chứa tiền tài. Bởi tiền bạc không cứu giúp được ta, khi nghiệp quả đã mùi:

                   “Gẫm kim tiền bội bạc bất tài.

                     Không làm cho ta được sống dai,

             Lại chẳng bước tiễn đưa một bước”.(Kh/Thiện, Q.5)

 

CHÚ THÍCH

          HÉO VON: Cũng viết là héo don hay héo hon. Có nghĩa khô héo, âu sầu tiều tụy. Ý nói lòng xót xa vô hạn. “Ruột tằm ngày một héo don”.(Tr.Kiều)

          HỌC NHO: Cũng gọi là Nho học. Học thuật của Nho gia, học về giáo thuyết của Đức Khổng Tử.

          NGHĨA NHƠN: (Xem CT câu 868, T-1, Q.1).

          THUỐC BẮC: Thuốc trị bịnh, phần nhiều bằng: lá, vỏ, rễ, củ của các loại cây, chế ở Trung Hoa, do các Đông y dùng điều trị bệnh nhơn. Ví dụ: Hốt thuốc Bắc, thầy thuốc Bắc.

          HIỀN NHƠN: Người có đức độ hiền lành, thuần hậu. Đức Thầy có câu:“Long Hoa có mặt ấy là hiền nhơn”.(Sám Giảng Q.3)

          CẮC BẢY CẮC BA: Tiền bấy giờ (1939) mười xu người ta kêu là một cắc (miền Bắc gọi là một hào). Giá mỗi thang thuốc Bắc thời ấy chừng một cắc ba (0$,13), cao lắm là một cắc bảy (0$,17). Thế mà các thầy thuốc Đông y đòi ăn tới năm cắc (0$,50), số tiền lời của họ gấp bằng hai số vốn.

          THẦY THUỐC LANG SA: Chỉ cho các Bác sĩ, y tá trị bịnh bằng Âu dược (thuốc Tây).

          PHI ÂN: Chẳng phải, chẳng ân nghĩa gì hết.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn