45. “Dương-trần kẻ trí người ngu,
Ham võng ham dù danh-lợi xuê-xang.
Cờ đà đến nước bất an,
48. Chẳng lo tu niệm tham gian làm gì.
Phật, Trời thương kẻ nhu-mì,
Trọng cha, yêu Chúa kính vì Tổ-Tông.
Ngồi buồn nói chuyện bông-lông,
Khắp trong trần-hạ máu hồng nhuộm rơi.
Chừng nào mới đặng thảnh-thơi,
54. Dậu Phật ra đời thế-giới bình-yên”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 45 đến 54)
-Đoạn giảng trên ý nói con người sống trong cõi trần, bất luận giàu nghèo hay già trẻ trí ngu, ai cũng đồng một bịnh là ham muốn tài sắc cho nhiều, tước quyền cho lớn, để mặc tình ăn sang mặc sướng, đài các xa hoa. Họ mãi chạy theo tiếng gọi của lòng tham mà gây nên thảm cảnh chiến tranh giành xé, máu đổ thịt rơi:
“Rằng bên thế giới Ta Bà,
Chúng sanh tàn sát cũng là vì tham”.
(Đi Khuyến nông về)
-Đức Thầy kêu gọi hạng người ấy sớm diệt lòng tham gian để tỉnh ngộ tu hành, thiệt thi điều Hiếu Trung đạo nghĩa, tất được Phật Trời ban bố đức ân, thoát khỏi cảnh đói đau binh lửa. Và Ngài cũng tiên tri cho bá tánh biết định kỳ thái bình an lạc.
CHÚ THÍCH
DƯƠNG TRẦN: Cũng gọi là dương thế hay dương gian, tức chỉ cõi đời nhân loại đang ở, đầy cát bụi đau khổ.
HAM VÕNG HAM DÙ: Võng là dùng các loại dây thắt lại như lưới, hay bằng vải túm hai đầu để đưa
cho mát, hoặc nằm cho người khiêng đi. Đây là lối đi sang cả của hạng quan quyền hay các nhà giàu có thời xưa, ví dụ nghi vệ của quan đi:
“Người võng lọng, kẻ đai cân”.
Và:
“Nghi vệ đóng hai bên đường,
Kiệu anh đi trước, võng nàng đi sau”. (Ca dao)
Dù là một thứ lọng nhỏ, lợp bằng vải hoặc bằng lụa, người ta dùng để che đầu cho khỏi mưa nắng. Nghĩa bóng là chưng dọn se sua.
Vậy câu “Ham võng ham dù” là chỉ cho số người ham đua chen theo danh lợi giàu sang lên xe xuống ngựa, ăn xài xa hoa phung phí.
Một đoạn giảng khác, Đức Thầy cảnh tỉnh:
“Thương ai ham võng ham dù,
Cũng như những kẻ đui mù đi đêm”.
(Sấm Giảng Q.1)
CỜ ĐÀ ĐẾN NƯỚC BẤT AN: Đức Thầy lấy bàn cờ tướng để dẫn dụ cho thời cuộc hiện tại. Bàn cờ sắp thua nguy kịch lắm, chỉ còn một vài nước tướng nữa bị thua. Ý nói nhà cầm quyền Pháp sắp mất, đời sẽ xảy ra cuộc chiến tranh hỗn loạn, không còn được yên ổn như trước, sao bá tánh chẳng sớm tách rời lợi danh để lo tu hành ?
Đức Thầy giục thúc mọi người:
“Cờ đã thất còn chờ nước chiếu,
Mà còn ăn con chốt làm chi.
Ai là người Quân tử tu mi,
Phải sớm xử thân mình cho vẹn”.
(Kệ Dân Q.2)
THAM GIAN: Tham lam gian xảo, tức là lòng ham muốn lợi danh, quyền thế và tài sắc thật nhiều về cho mình. Người ta mưu tính mọi cách gian tà xảo quyệt để thỏa mãn lòng ham muốn, chẳng kể liêm sỉ, tội phước là gì.
“Tham danh, tham sắc, tham giàu,
Đừng ham gánh nặng mà đau xương sườn”.(Ca dao)
Cho nên Đức Thầy thường cảnh tỉnh:
“Biết sao đầy được túi tham,
Không ngăn, không đáy càng làm không kiêng”.
(Bài Từ Giả Làng Nhơn Nghĩa)
NHU MÌ: Mềm mỏng chín chắn.
“Tu là tâm trí nhu mì,
Tu hiền tu thảo vậy thì cho xong”.
(Sấm Giảng Q.3)
KÍNH VÌ: Kính trọng nể vì, ví dụ ăn ở biết kính vì ông bà, cô bác.v.v…
TỔ TÔNG: Tổ là ông bà, Tông là dòng họ. Có hai nghĩa:
1.- Những người sanh ra cha mẹ mình, tức là Ông bà Nội, Ngoại cùng một họ.
2.- Tông cũng gọi là Tổ tiên. Chỉ cho những người khai lập đất nước và gây dựng dòng giống dân tộc.
Ca dao có câu:
“Khen ai khéo tiện ngù cờ,
Khéo xây bàn án, khéo thờ Tổ Tông”.
MÁU HỒNG NHUỘM RƠI: Chỉ cho sự chiến tranh chết chóc ghê gớm, máu rơi đầy nội.
“Hung đồ với lũ dọc ngang,
Đến sau rơi máu khắp tràn mới tu”.
(Thiên Lý Ca)
BÔNG LÔNG: Bâng quơ, trổng. Cách nói không đâu, không chỉ rõ ai, nhưng ai nghe đến việc mình thì hiểu.
THẢNH THƠI: Thung dung nhàn hạ. Hết tai nạn khổ sở.