CHÁNH VĂN (Từ câu 153 đến câu 220)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 33281)
CHÁNH VĂN (Từ câu 153 đến câu 220)

153.-Tu cầu Đức Phật Như-Lai,

Cứu dân qua khỏi nạn tai buổi nầy.

          Chữ tu chớ khá trễ chầy,

156.-Phải trau phải sửa nghe Thầy dạy khuyên.

          Ra đời xưng hiệu Khùng Điên,

Nào ai có rõ Thần Tiên là gì.

          Tu không cần lạy cần quì,

160.-Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau.

          Trí hiền tâm đức chùi lau,

Ra công lọc kỹ thì thau ra vàng.

          Vinh-hoa phú-quí chẳng màng, 

164.-Ra oai ra lực cỡi thoàn xa chơi.

          Con sông dòng nước chiều mơi,

Dốc lòng trả nợ nước đời cho xong.

          Chừng nào bổn-đạo hiểu thông,

168.-Thiên-cơ đạo lý để lòng mới thôi.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 153 đến câu 168)

          -Đức Thầy dạy tín đồ hằng cầu nguyện với Đức Như Lai, cứu độ bá tánh đồng thoát qua tai nạn hiện thời. Còn việc tu hành không nên chần chờ giải đãi, lúc nào cũng phải chuyên cần trau sửa và thường xem Kệ Giảng để thực hành theo cho kỳ được.

          -Bởi người Pháp kềm kẹp dân ta đủ cách, hễ có một ai được sự uy tín trong quần chúng thì họ bắt bớ tù đày. Lại có số người giả tu thường xưng hô lớn lối để lừa bịp những ai nhẹ dạ mê tín theo. Cộng với hạng thường ỷ mình là khôn lanh, hay phỉ báng Phật Trời, nên Đức Thầy mới tá hiệu Khùng Điên để vừa đối lại hai hạng người nói trên và vừa phương tiện giáo hóa chúng sanh.

          -Ngài dạy: Sự tu không phải chỉ trong hai thời lễ bái suông, mà bất cứ ở đâu hay phút nào cũng luôn trau giồi, gội rửa những gì xấu xa tội lỗi mới mau kết quả. Vậy mỗi người tự dùng trí sáng của mình chiếu phá lớp vô minh vọng hoặc và các tư tưởng tà khúc, tất được:“Kim thân thị hiện dứt trừ tử sanh”.(Cho Ô. Cò Tàu Hảo).

          -Trên đường khai hóa nhân sanh, Đức Thầy chẳng màng đến danh lợi và dầu dòng đời có lắm thăng trầm Ngài cũng quyết:“Xông thuyền Bát Nhã lướt vào một phen”.(Tự thán) để đền xong nợ thế, vẹn đáp Tứ Ân. Ngài luôn phổ hóa Đạo mầu cho đến khi nào khắp bổn đạo thấu hiểu và gắn ghi những lời thiên cơ Đạo lý nơi lòng, hầu sớm hôm lo tu thân lập hạnh thì Ngài mới dừng thoàn an nghỉ:“Quyết chèo thoàn đến chốn Bồng Lai,

                       Mới ngơi nghỉ tấm thân của Lão”. (Sa Đéc)

 

CHÚ THÍCH

          NHƯ LAI: Phạn ngữ: Tathâgatha, Tàu dịch là Như Lai. Vốn là một trong nhiều danh hiệu của Phật. (10 hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô Thượng sĩ, Điền ngự Trượng phu, Thiên Nhơn Sư, Phật.) Có nghĩa: sừng sựng vậy, không từ đâu mà lại, cũng không từ đâu mà đi, nương theo đạo chơn như mà thành bực chánh giác, đó là chơn thân của Như Lai. Nương theo Đạo chơn như đến ba cõi để giáo hóa chúng sanh gọi là ứng thân của Như Lai. Kinh Kim Cang có câu:“Như Lai vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ; cố danh Như Lai”.(Như Lai chẳng từ chỗ nào mà lại và cũng không từ nơi nào mà đi; nhưng đâu đâu cũng có, nên gọi là Như Lai). Như Lai ở đây chỉ cho Đức Phật Thích Ca. Đức Thầy có viết:

                    “Nam mô Thích Ca Như Lai,

       Ta Bà Giáo Chủ xin Ngài chứng minh”.(Kh/Thiện Q.5)

            TRỄ CHẦY: Chậm lụt giải đãi, không tinh tấn chuyên cần. Đức Thầy hằng giục thúc:

                   Nếu để trễ chầy e chẳng kịp,

                  Khuyên ai khuya sớm gắng chuyên cần”.

                                                         (Để chơn đất Bắc)

          KHÙNG ĐIÊN: Danh xưng của Đức Giáo Chủ. Sở dĩ Ngài tá hiệu Khùng Điên là có nhiều dụng ý:

          a)- Đánh lạc hướng người Pháp, khiến họ bớt nghi ngờ, khó khăn, để Ngài tiện bề giáo hóa chúng sanh.

          b)- Đối trị hạng người thường cho mình là khôn ngoan, nhưng họ chỉ dùng cái khôn ngoan ấy gạt gẫm dân chúng để thủ lợi.

          c)- Đối trị các tà thuyết, vì số người nầy ra đời thường hay xưng hô là Phật Thánh, để lừa dối người nhẹ dạ mê tín, nhưng hành động của họ không giống Phật Thánh chút nào.

          Còn phần Đức Thầy tuy xưng hiệu Điên Khùng, nhưng Ngài cảm hóa nhân sanh với lòng từ bi, xả kỷ lợi tha, với giáo lý chơn chánh của Phật Đà:“Khùng huyền cơ Khùng đạo Thích Ca”.và:“ Điên như Ta, Điên giống Tiên rồng, Điên gỡ ách xích xiềng thế tục”.(Diệu pháp Quang minh)

          THẦN TIÊN: (Xem CT câu 24, T-2, Q.3).

          TRÍ HIỀN: Trí sáng suốt hiền lành, có diệu năng đoạn trừ những phiền não mê hoặc.

          TÂM ĐỨC: Lòng trong sạch, bình đẳng từ bi, không duyên theo ngoại cảnh, thường ban phúc lạc cho toàn thể chúng sanh mà tâm hằng thanh tịnh làu làu, không hề bị nhiễm ô trần trược.

          THAU RA VÀNG: Thau là loại đồng pha kẽm, sắc vàng nhợt. Vàng là loại kim quí, sắc vàng ánh. Hễ vàng thau pha lộn thì vàng mất giá trị, bằng lọc hết thau ra, còn lại vàng y (ròng). Ý nói tâm của mỗi người từ vô thỉ bị phiền não, vọng tưởng xen tạp nên gọi là chúng sanh. Nếu nay biết giác ngộ tu hành, đoạn trừ hết vô minh vọng hoặc thì còn lại là chơn tâm hay Phật tánh.

          CỠI THOÀN: Ngồi trên thuyền (ghe). Lúc Đức Thầy mới ra đời, có chèo thuyền dạo lục châu để thức tỉnh nhân sanh. Đây còn có nghĩa: Ngài dùng trí tuệ siêu mầu (Thoàn Bát Nhã) viết ra Kinh Giảng giác tỉnh kẻ còn mê sớm hồi tâm hướng thiện, như Ngài thường cho biết:“Con thuyền Bát Nhã xa khơi”.(Cảm tác) Hay là:

                   Thuyền Bát Nhã ta cầm tay lái,

                   Quyết đưa người khỏi bến sông mê”.

                                             (Diệu pháp Quang minh)

          DÒNG NƯỚC CHIỀU MƠI: Ý nói nước dưới sông có lúc lớn, lúc ròng, khi chảy lên, khi chảy xuống, không ngừng nghỉ. Chiều ở chỗ nầy, mai ở chỗ khác. Nghĩa bóng là chỉ cuộc thăng trầm suy thạnh của dòng đời cứ thay đổi theo thời gian. Thế thì bước đường truyền giáo của Đức Thầy cũng rày đây mai đó.

          NỢ NƯỚC ĐỜI: Nợ nước và nợ đời, có nghĩa như chữ nợ thế. Đây ý nói trước cảnh “Quốc phá gia vong”, Đức Thầy có bổn phận đền nợ Quốc dân và nghiệp nguyện cứu độ chúng sanh:“Nợ cùng bách tính hỡi còn vương”.(tặng Bác sĩ Cao Triều Lợi)

          THIÊN CƠ: (Xem CT đoạn 7, bài Sứ Mạng).

          ĐẠO LÝ: (Xem CT câu 155, T-1, Q.1).

 

CHÁNH VĂN

          169.-Chữ vinh chữ nhục mấy hồi,

Đến khi thất vận làm mồi yêu tinh.

          Tu rèn tâm trí cho minh,

172.-Tánh kia thành kiếng phỉ tình chùi lau.

          Hiểu rồi những việc lao-đao,

Ở cùng cô bác làm sao cho tròn.

          Kính yêu nào phải hao mòn,

176.-Ở cho phải nghĩa lòng son mới vừa.

          Nghinh-ngang hỗn-ẩu phải chừa,

Bà con nội ngoại dạ thưa mới là.

          Xóm diềng phải ở thật-thà,

180.-Dầu không quen biết cũng là như quen.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 169 đến câu 180)

          -Cuộc thạnh suy, vinh nhục của dòng đời, thay đổi rất mau lẹ, không thể lường trước được; lúc vinh hiển, nếu con người chẳng giác tỉnh tu hành, đến khi thất thời ắt của cải và thân xác phải làm mồi cho kẻ hung tàn giặc cướp. Cốt yếu của sự tu là hành giả phải rèn luyện tâm trí cho được thanh tịnh sáng suốt, tuy có tốn nhiều công phu, nhưng đến khi kiến tánh thành Phật thì thỏa lòng biết mấy !

          -Khi đã hiểu rõ sự lao khổ sắp tới, Đức Thầy dạy nhà tu nên đối xử tốt đẹp với chòm xóm cô bác, ăn ở đúng theo Đạo nghĩa, biết lễ phép kính nhường và thương mến giúp đỡ mọi người.

          -Cần chừa bỏ những lời ngang tang hỗn láo, đối với bà con nội ngoại phải lễ độ khiêm cung, với thôn xóm luôn vui vẻ trong việc giao tiếp, đâu đó đều được hòa hài chơn thật.

CHÚ THÍCH

          THẤT VẬN: Lỡ vận, hết thời. “Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than”.(Ca dao)

          CHO MINH: Cho được sáng suốt.

          TÁNH KIA THÀNH KIẾNG: Ý nói tâm tánh của mỗi chúng sanh từ khi bị vô minh ô nhiễm trở nên mờ ám. Nay giác ngộ tu hành, cố diệt trừ phiền não và trau giồi cho được trong sáng như mảnh gương, tất sẽ soi các sự vật một cách rõ ràng và chứng thành Đạo quả. Trong Khế Kinh có lời kệ:

                   “Phật, Tiên, Kinh, Luật tại lòng ta,

                     Trong nhà có báu kiếm đâu xa.

                     Cầm xem cho kỹ hồi sanh nhựt,

                     Tánh mình trong sạch Phật là Ta”.

          Đức Thầy nay cũng từng bảo trong “Giác mê Q.4”:

                   “Tâm sáng suốt như Đài nguyệt kiếng,

                     Tánh trong như nước bích mùa Xuân”.

          PHỈ TÌNH: Thỏa lòng. Ý nói sự tu hành tuy rất dày công cực nhọc, nhưng đến khi kết quả viên mãn là thỏa lòng, mãn nguyện. Đức Thầy nói:

                   “Hết khổ lao thì đến vui cười,

            Chừng đó mới phỉ tình nguyện ước”.(Giác mê, Q.4)

          LAO ĐAO: Lận đận khó khăn, tai nạn khổ sở. Ví dụ: Kiếp sống lao đao, thời vận lao đao.

          PHẢI NGHĨA: Đúng với Đạo nghĩa, hợp với lẽ phải.

          LÒNG SON: (Xem CT câu 711, T-1, Q.1).

          NGHINH NGANG: (Xem CT câu 125, T-2, Q.2).

          HỖN ẨU: Hỗn và vô lễ, lầm lộn, không có thứ tự. Ẩu là đánh lộn lẫn nhau. Chữ hỗn ẩu ở đây chỉ cho sự phạm thượng, vô lễ không biết nhường nhịn ai.

          XÓM DIỀNG: Hàng xóm lân cận với nhau:“Cơm ăn chẳng hết thì treo. Việc làm chẳng hết thì kêu láng diềng”.(Tục ngữ)

          THẬT THÀ: Chơn chất hiền lành, không giả dối. Ví dụ: Ăn nói thật thà, tánh tình thật thà.

 

CHÁNH VĂN

          181.-Ở cho cha mẹ ngợi khen,

Gặp người lâm nạn đua chen giúp giùm.

          Xác thân là cái gông cùm,

184.-Nếu làm chẳng trọn thú hùm xé thây.

          Cho rồi nhơn-nghĩa mới hay,

Lễ-nghi phong-hóa đổi thay làm gì ?

          Từ đây biến đổi dị-kỳ,

188.-Dương-thế chuyện gì cũng có chuyển lay.

          Rèn tâm cho được thẳng ngay,

Khỏi nơi tà quỉ một mai thấy đời.

          Cũng là người ở trong Trời,

192.-Cớ sao ăn ở nhiều lời ngổn-ngang.

          Hung hăng ỷ của giàu- sang,

194.-Chẳng kiêng Trời Phật mê-man ỷ tiền.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 181 đến câu 194)

          -Bổn phận làm con biết ăn ở đúng theo Đạo nghĩa, sẽ được cha mẹ vui lòng mà khen thưởng, và mỗi khi gặp người mắc nạn nên hăng hái tìm cách giúp đỡ. Vì xác thể con người thường bị ý dục ràng buộc như tù ngục. Nếu những ai đối xử không trọn Đạo, sẽ bị luật Trời trừng phạt bằng cách có thú dữ phân thây.

          -Đức Thầy kêu gọi bá tánh, cần cư xử đúng Đạo làm người. Những qui tắc và phong tục của Tổ tiên đã giáo hóa, ta có bổn phận gìn giữ và thiệt thi, không nên học đòi thói mới của Âu Tây mà thay đổi khác đi. Bởi thời Hạ ngươn sắp mãn để chuyển sang Thượng ngươn nên mỗi sự vật trong thế giới đều thay đổi; cuộc đổi xấu ra tốt rất nhiệm mầu kỳ bí, không ngờ trước được.

          -Vậy ai là người thức thời nên tu rèn tâm trí cho được ngay chánh sáng mầu để sau nầy kiến diện cảnh Thượng ngươn Thánh đức. Ta nên xét, cũng là một con người trong nhân loại, nhưng tại sao người ta biết tiến lên quả vị Phật Tiên, còn mình lại ăn ở ác hung và khi dể Phật Trời làm chi cho mang tội khổ. Đức Thầy hằng cảnh giác trong bài “Không buồn ngủ”:

“Giàu sang lắm kẻ vô nghì,

Ỷ mình trên bực kể gì nghĩa nhân.

Chẳng kiêng chng nể Phật Thần,

Suy mưu làm quấy nghiệp trần phải mang”.

 

CHÚ THÍCH

          GÔNG CÙM: Gông là đồ làm bằng tre hay bằng gỗ. Cùm cũng gọi là còng, vật làm bằng hai miếng ván ghép lại, có lỗ vừa để giữ chân tay tội nhơn, thời nay người ta làm còng bằng sắt, có ổ khóa.

          NHƠN NGHĨA: (Xem CT câu 868, T-1, Q.1).

          LỄ NGHI: Nghi thức và lễ nghĩa.

          PHONG HÓA: Phong tục và sự giáo hóa của một Quốc gia hay một dân tộc. Trong “Diệu pháp Quang minh” Đức Thầy có câu:

                   “Tùy phong hóa dân sanh phù hạp,

                      Chấp bút Thần tả ít bổn Kinh”.

          BIẾN ĐỔI: Sự thay đổi ra khác, từ hình thức công dụng nầy ra hình thức công dụng khác. Ví dụ: Đời có nhiều biến đổi không ngờ.

          DỊ KỲ: (Xem CT câu 321, T-1, Q.1).

          MỘT MAI: (Xem CT câu 2, T-2, Q.3).

          NGỔN NGANG: Bừa bãi, bộn bề, chỉ những người ăn nói ngang tàng, không chừng mực.

          HUNG HĂNG: Hung dữ bạo tợn.

          CHẲNG KIÊNG: Không kiêng dè vị nể ai. Chỉ cho người ngang tàng vô lễ.

          MÊ MAN: Mải mê, quá đắm say.

 

CHÁNH VĂN

          195.-Dạy rồi cái đạo tu hiền,

Làm trai nhỏ tuổi tình duyên đang nồng.

          Cũng đừng ghẹo gái có chồng,

Cũng đừng phá-hoại chữ đồng gái trinh.

          Ra đường chọc ghẹo gái xinh,

200.-Nữa sau mắc phải yêu-tinh hư mình.

          Xử cho vẹn chữ nghĩa tình,

Vâng lời cha mẹ mà gìn gia-cang.

          Nghiêm-đường chịu lịnh cho an,

204.-Loạn-luân cang-kỷ hổ mang tiếng đời.

          Anh em đừng có đổi dời,

Phụ-phàng dưa muối xe lơi nghĩa-tình.

          Tuy là Trời đất rộng thinh,

208.-Có Thần xem xét phân minh cho người.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 195 đến câu 208)

          -Sau khi chỉ dạy về phương thức làm lành lánh dữ, Đức Thầy khuyên răn trong hàng thiếu niên, lúc tuổi còn xuân, dầu dục tình đang hăng phát, cũng không nên phá hoại tiết trinh của vợ con người. Kẻ nào thấy gái đẹp hay chọc ghẹo, sau nầy bị lầm lạc yêu tinh, làm hư thân mất mạng.

          -Đối với gia đình thân tộc phải giữ vẹn nghĩa tình, mỗi việc chi đều đợi lịnh của cha mẹ, nhứt là những lời dạy bảo chánh đáng, đều triệt để vâng lời. Phải tôn trọng nền cương thường Đạo lý, từ gia đình đến bà con nội ngoại trong thân tộc, chẳng nên hành động loạn luân, bất chánh mà bị tiếng đời cười chê, xã hội ruồng bỏ.

          -Việc đối xử giữa anh em cần biết kính thuận lẫn nhau, tình nghĩa luôn đậm đà thương mến, không nên vì hoàn cảnh riêng tư, hay sang hèn mà thay lòng phụ nghĩa. Tuy là Trời đất mênh mông, nhưng lời nói riêng của mỗi người trong thế gian, Trời nghe như sấm nổ, còn lòng tính quấy trong nhà kín, song mắt của Thần Thánh thấy rất rõ ràng.(Nhơn gian tư ngữ Thiên văn như lôi, Ám khuất khuy tâm Thần mục như điển – sách “Minh Tâm Bửu Giám”.)

CHÚ THÍCH

          ĐẠO TU HIỀN: Con đường làm lành lánh dữ. Cũng có nghĩa: Bổn phận của người tu hiền.

          TÌNH DUYÊN: Cũng gọi là duyên tình. Tình ái ân của vợ chồng.

          NỒNG: Hăng quá, gắt quá, mùi làm nực mũi. Nghĩa bóng là rất mực đậm đà.

          CHỮ ĐỒNG GÁI TRINH: Sự trinh tiết của người con gái lúc chưa lấy chồng, chưa bị thất trinh.

          NGHĨA TÌNH: Cũng gọi là tình nghĩa: Tình cảm và ân nghĩa. Ý chỉ việc cư xử với nhau có ân nghĩa mực thước đứng đắn. Ví dụ: Tình nghĩa anh em còn hoài.

          GIA CANG: (Xem CT câu 2, T-1, Q.1).

          NGHIÊM ĐƯỜNG: Người cha. Người Việt Nam đang ở chế độ phụ quyền (người cha là gia trưởng).

          LOẠN LUÂN: Làm rối loạn luân thường đạo lý, lấy một người trong bà con, thân tộc mà phong tục và luật pháp nghiêm cấm, là bị tôi loạn luân.

          CANG KỶ: Cũng gọi là cương kỷ hay kỷ cương, có nghĩa: giềng mối trong luật lệ, tức là trật tự, ngăn nắp của gia đình, đoàn thể, xã hội, quốc gia. Ví dụ: Ăn ở phải có kỷ cương. Đức Thầy nói trong bài “Cảm tác”:

                   “Có đâu như thể bây chừ,

               Loạn luân cang kỷ bất từ bất lương”.

          PHÂN MINH: Rõ ràng, rành mạch, rạch ròi. Ví dụ: Ăn ở phân minh, xử đoán phân minh.

 

CHÁNH VĂN

          209.-Vô duyên chưa nói mà cười,

Chưa đi mà chạy hỡi người vô duyên.

          Lớn lên phận gái cần-chuyên,

212.-Làm ăn thì phải cho siêng mới là.

          Phải gìn dục-vọng lòng tà,

Đừng chiều theo nó vậy mà hư thân !

          Nghe lời cha mẹ cân phân,

216.-Tam tùng vẹn giữ lập thân buổi này.

          Tình duyên chẳng kíp thì chầy,

Chớ đừng cải lịnh gió-mây ngoại-tình.

          Đi thưa về cũng phải trình,

220.-Công, dung, ngôn, hạnh, thân mình phải trau.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu  209 đến câu 220)

          -Đoạn giảng trên Đức Thầy dạy hàng nữ lưu, phải có tư cách đứng đắn, sự nói cười cần giữ đúng lời, đúng lúc; chẳng nên vừa nói vừa cười, ngã ngớn. Người con gái mới lớn lên, phải chăm chú siêng năng mọi công việc cho được thứ tự, vén khéo mới tròn bổn phận.

          -Thuở thanh xuân là lứa tuổi dậy thì, dầu dục tình có bộc phát cũng cố chế ngự, không nên chìu theo nó mà làm việc hư thân mất nết, điếm nhục tông môn. Lúc còn nương với cha mẹ, nên vâng lời cân nhắc dạy bảo; khi về nhà chồng phải biết tùy theo ý lịnh của chồng; chẳng may chồng qua đời trước, vợ phải lo nuôi dạy con cái, để xứng đáng là bậc hiền mẫu và được trọn tiết với chồng.

          -Cuộc tình duyên không sớm thì muộn cũng gặp, chẳng nên cãi lịnh cha mẹ, tự gây tạo việc trăng hoa bất chánh mà mang tội bất hiếu. Phận dâu con có lễ giáo, mỗi lúc đi hoặc về đều phải trình thưa cha mẹ; đồng thời lo rèn tập bốn đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

 

CHÚ THÍCH:

          VÔ DUYÊN: Cũng gọi là vô doan. Có nghĩa: trơ trẽn, tẻ lạt, không duyên dáng lễ độ…Ví dụ: ăn nói vô duyên. Ca dao có câu:“Vô duyên chưa nói mà cười, Chưa đi mà chạy hỡi người vô duyên”.

          DỤC VỌNG LÒNG TÀ: Lòng ham muốn thèm khát việc tà quấy, do tình dục sai khiến. Kẻ nào bị dục vọng sai khiến sẽ hư thân mất nết, nên Đức Thầy bảo “đừng chìu theo nó”.

          CÂN PHÂN: Cân nhắc phân giải việc hư nên tốt xầu. Ý chỉ lời cha mẹ dạy con.

          TAM TÙNG: (Xem CT câu 203, T-2, Q.2).

          GIÓ MÂY NGOẠI TÌNH: Do chữ “Sở Vũ Tần Vân” (mưa Sở mây Tần). Thành ngữ nầy người ta thường dùng để chỉ cho hạng trai gái tư tình bất chánh (không phải vợ chồng chính thức của mình). Đồng nghĩa với chữ “mây mưa”. Truyện Hoa Tiên có câu:“Lời đầu quyến luyến thanh tân, Rủ rê gió Sở mây Tần hỡi ai”.

          ĐI THƯA VỀ CŨNG PHẢI TRÌNH:Do câu:“Xuất tắc cáo, phản tắc diện”, là khuôn phép của hàng con dâu; khi ra đi hay lúc về nhà đều phải thưa trình với cha mẹ.

          CÔNG DUNG NGÔN HẠNH: Nghĩa của chữ “Tứ Đức”, tức là bốn đức hạnh. Đó là bốn điều dạy nữ giới phải vẹn gìn theo khuôn thước của Đạo làm người.

                   “Hãy xem xưa, những bực dâu hiền,

                   Kiêm tứ đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn