361.“Nực cười trần-hạ một khi,
Ở một đêm thì sáng lại qua sông.
Bình-minh vừa buổi chợ đông,
364. Bày trò bán thuốc hát ròng đời nay.
Cho thiên-hạ tựu đông vầy,
Rồi mới ra bài hát việc Thiên-cơ.
Tới đây bá-tánh làm ngơ,
368. Buồn cho lê thứ kịp giờ ra đi.
Lìa xa Hồng-Ngự một khi,
Thẳng đường trực chỉ Điên đi Tân-Thành.
Tới đây ra mặt người rành,
372. Nói chuyện thiệt sành thông-lảu Đạo nho.
Nhiều người xúm lại đôi co,
Chê lão đưa đò mà biết việc chi.
Thấy đời động tánh từ-bi,
376. Điên chẳng bắt tì còn mách việc xa”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 361 đến câu 376)
-Đức Thầy ở Long Khánh một đêm, sáng lại Ngài sang qua chợ Hồng Ngự. Vừa lúc đông chợ Thầy trò giả ra hai người bán thuốc dạo và ca hát như kẻ thường tình, đợi khi dân chúng tựu xem đông đảo, Ngài mới nói qua việc cơ huyền đạo lý.
-Bấy giờ, thấy bá tánh ngơ ngác không muốn nghe nữa, Ngài bèn lìa nơi đây, theo dòng sông Hồng Ngự, tẻ
sang rạch Cả Cái, rồi tiến thẳng tới xã Tân Thành. Đến đây Đức Thầy giả ra một ông già nói chuyện về đạo Nho rất rành, lúc đó có nhiều người đố kỵ, buông lời chống kình chê nhạo. Dầu vậy Ngài vẫn không buồn trách, lại rất thương xót cho những kẻ quá mê lầm và còn báo tin cho họ biết những việc huyền cơ sắp tới.
CHÚ THÍCH
BÌNH MINH: Hừng sáng, vừa hết phần đêm sang phần ngày, tức là chính giữa lúc chia ngày đêm ra làm hai phần:
“Tưng bừng Trời đất bình minh”.(truyện Kiều)
THIÊN HẠ: Cõi dưới Trời, chỉ chung cho mọi người.
TRỰC CHỈ: Đi thẳng tới đích.
HỒNG NGỰ: Tên một quận trong tỉnh Kiến Phong, gồm có 14 xã, trước năm 1956 thuộc tỉnh Châu Đốc.
TÂN THÀNH: Một xã trong quận Hồng Ngự, nằm theo rạch Cả Cái, thuộc ngọn sông Hồng Ngự, ăn sâu vào đồng.
ĐẠO NHO: Cũng đọc là Nho Đạo hay Nho giáo, tức là nền đạo lý của Đức Thánh Khổng Tử khai truyền từ đời Đông Chu (Tr.H). Giáo thuyết của Ngài còn gọi là đạo Thánh.
BẮT TỲ: Do thành ngữ “Bắt tỳ bắt ố”, có nghĩa là tìm sơ suất của người mà bắt lỗi.
MÁCH: Cũng đọc là méc, do chữ mách bảo, tức là nói cho biết. Mách giùm cho biết trước mà lo liệu.
CHÁNH VĂN
377.“Khoan khoan chơn nọ bước ra,
Giáp rạch Cả-Cái rồi ra ngoài vàm.
Đoái nhìn mây nọ trắng lam,
380. Điên ra sức lực chèo chơi một giờ.
Xa nhìn sương bạc mờ mờ,
Tân-An làng nọ dân nhờ bắp khoai.
Giả người bán cá bằng nay,
384. Dân chúng ngày rày xúm lại mua đông.
Tới lui giá cả vừa xong,
Điên cũng bằng lòng cân đủ cho dân.
Có người chẳng chịu ngang cân,
388. Bỏ thêm chẳng bớt mấy lần không thôi.
Nực cười trần-hạ lắm ôi !
Giảng cho bá-tánh một hồi quá lâu.
Thân già thức suốt canh thâu,
392. Nói cho lê-thứ quày đầu mới thôi”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 377 đến câu 392)
-Đức Giáo Chủ rời xa Tân Thành theo rạch Cả Cái trở ra vàm Hồng Ngự, Ngài trông qua mấy làn mây màu lam bạc, liền ra sức chèo thật nhanh, xa nhìn thấy rặng cây ẩn sau màn sương trắng; đó chính là làng Tân An, nơi mà phần đông dân chúng chuyên sống với nghề trồng tỉa bắp khoai.
-Đến đây Đức Thầy giả ra người bán cá để thử lòng bá tánh. Dân chúng tựu lại rất đông. Khi trả giá xong Ngài cân đủ cho tất cả, nhưng cũng có nhiều người thêm bớt quèo móc đủ cách. Ngài rất buồn cười cho bá
tánh sao còn quá tham gian, nên Ngài thuyết giảng Đạo lý cho họ nghe một hồi.
-Với tấm lòng vị tha bác ái, Ngài không nài sự cực khổ, giáo khuyên kêu gọi cả ngày lẫn đêm, mong sao bá tánh biết quay đầu hướng thiện.
CHÚ THÍCH
KHOAN KHOAN: Chậm rãi, thong thả.
TRẮNG LAM: Màu trắng hơi xanh.
SƯƠNG BẠC: Hơi nước bay phơi phới, xa nhìn thấy màu trắng như bạc.
TÂN AN: Một xã ở quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, ở trên quân lỵ độ 5 km, nằm cặp theo Kinh Xáng mới và dọc theo mé sông Tiền Giang đến gần biên giới Miên-Việt.
CANH THÂU: Lúc ban đêm, mỗi canh có tiếng trống hoặc mõ đánh báo hiệu. Đối với người còn muốn đêm được kéo dài để cạn tình lời lẽ, nhưng bị tiếng trống canh, thâu ngắn lại. Ý nói công cuộc độ đời của Đức Thầy rất là cực nhọc, thao thức lo lắng suốt canh khuya, đến sáng mà không hay, dường như bị trống canh thâu ngắn thời gian. Ca dao có câu:
“Trống canh thâu trên lầu nhặt thúc,