Bài 6.- THIÊN LÝ CA

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 52377)
Bài 6.- THIÊN LÝ CA

XUẤT XỨ:

          Vào thượng tuần tháng bảy năm Kỷ Mão (1939), có ông Cả Châu, tức Phan Ngọc Châu ở Cù lao Tây, xã Tân Long, Châu Đốc, đến Thánh Địa Hòa Hảo gặp Đức Thầy. Ông trình ra một bài thơ và bạch với Ngài; Trước đây ông có gặp một cụ lão, xưng là ông đò chuyên đưa người về Bồng Lai Tiên Cảnh. (Ông đò vừa chèo ghe vừa rao: “Đò tôi đưa người về Bồng lai Tiên cảnh ai có rảnh thì đi, còn mắc nợ thì ở lại dương gian”.) Cụ có cho ông một bài thơ và một chén muối cục dặn rằng ông hãy rán tu hành, về sau nếu khi gặp ai có bịnh thì lấy nửa muỗng muối nầy lóng nước trong cho uống là hết. Nói rồi ông bèn bỏ đi mất tới giờ ông chưa lần nào gặp lại cụ lão đưa đò ấy nữa.

          Đức Thầy liền nhận bài thơ cầm lên xem lượt qua, rồi cầm bút viết xen vào một ít đoạn. Viết xong Ngài đưa lại bảo ông Châu, ông xem thử coi có hạp không ? Đọc xong ông Châu rất thán phục rồi xin qui y với Đức Thầy.

          VĂN THỂ:

          Thiên Lý Ca là một bài văn vận biến thể, có nhiều giọng điệu khác nhau: Nào tứ cú, bát cú Đường luật, khoán thủ, thuận nghịch đọc, nào thất ngôn trường thiên, thượng lục hạ bát…Dài 312 câu.

          Khởi đầu bằng bài thơ có ba chữ khoán thủ Phan Ngọc Châu:

                    “Phan lòng chữ dạ chớ hoài lo,

                     Ngọc ẩn non côn tợ lửa lò”.

          Và chấm dứt bởi câu:

“Không làm thì phải mang eo,

Làm xong vượt khỏi qua đèo chông gai”.

          NỘI DUNG:

          Trước nhứt Đức Giáo Chủ khuyên nhắc ông Châu hãy ghi nhớ lời giáo huấn của Ngài vào thâm tâm và mạnh tin ngọc báu quí còn tàng ẩn trong non Tiên miền Nam nước Việt. Ý nói tâm của mỗi người đều có Phật tánh. Từ trước ông Châu cũng như mọi người bị mê mờ lạc ngõ, nay may mắn được Đức Thầy trở lại khai đường dẫn lối. Vậy mỗi người hãy sớm thức tỉnh quay đầu.

          Bài pháp giáo nầy hàm chứa biết bao giáo nghĩa cao thâm và cơ huyền diệu lý: Mỗi hành giả khi xem đến hãy rán suy tầm cho thấu đáo:

“Ít câu mà ý nhiệm sâu,

Nghĩ suy cho cạn mới hầu khôn ngoan”.

          Ngoài ra Đức Thầy còn tiết lộ cơ huyền và định luật thăng trầm của tạo hóa cho người đời được rõ hầu sớm biết ăn năn cải dữ về lành.

 

CHÁNH VĂN

          1.-   “PHAN lòng chữ dạ chớ hoài lo,

                   NGỌC ẩn non côn tợ hỏa lò.

                   CHÂU lạc đường dê nương bước ngựa

           4.-    NÚI truông qua đặng rán lần dò”.

 

CHÚ THÍCH

          CHỮ DẠ: Chữ là ghi để, chạm khắc; Dạ là tấm lòng. Nghĩa chung là ghi nhớ mãi trong lòng, không nên xa rời.

          NGỌC ẨN NON CÔN: Do câu Tục ngữ xuất phát từ văn chương Trung Hoa: “Ngọc ẩn non Côn, vàng rơi sông Lệ”.(có nghĩa ai muốn ngọc quí phải lên núi Côn Lôn đập từ khối đá, lâu ngày mới tìm ra được. Còn muốn có vàng tất phải xuống sông Lệ mà đãi từ rỗ bùn mới được). Nghĩa bóng là chỉ cho sự tu phải dày công cực nhọc mới kết quả.

          Còn ở Việt Nam ta, tại xã Thị Nại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc phần), cũng có hòn núi “Côn Sơn”, là nơi có hai vị khai quốc công thần: Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Đán trí sĩ. Đặc biệt trên đỉnh Côn Sơn có ngôi chùa của Huyền Quang Tôn Sư (Tổ thứ ba của phái Trúc Lâm, một Thiền phái lớn xuất phát từ lòng dân tộc Việt Nam). Nghĩa bóng : Về sự là nơi chỉ cho các danh nhân: Phật, Tiên, Thánh cư trú. Về lý: Thì nói nơi tâm của mỗi người đều có Phật tánh (ngọc quí).

          Giảng “Giác Mê” của Phật Thầy có đoạn:

“Đi đâu cho khó nhiều đàng,

Kìa non Bửu tự, nọ ngàn Ma ha.

Kiểng nào kiểng chẳng có hoa,

Non nào non chẳng có toà thiên thai*”.

*(Thiên thai là cảnh Tiên ở)

          TỢ LỬA LÒ: Như lửa có sẵn trong lò, khói lên là cháy. Điển nầy xuất phát từ câu chuyện thầy trò Tổ Bách Trượng.

          Qui Sơn vốn là học trò của Tổ Bách Trượng (Hoài Hải). Một hôm Qui Sơn đang đứng hầu Thầy.

          Thầy kêu hỏi:

          - Qui Sơn ứng tiếng.

          - Dạ ! Con là Linh Hựu đây (Qui Sơn).

          Tổ Bách Trượng bảo:

          - Ngươi hãy vào trong, khươi bếp lấy cho ta cục lửa.

          Qui Sơn vậng lời Thầy, vào nhà bếp khươi tìm mãi không thấy lửa trở ra thưa:

          - Dạ ! Trong lò không có lửa.

          Tổ Bách Trượng liền rời chỗ ngồi đi vào bếp, cầm đôi đũa khươi sâu, gấp lên được cục than còn đỏ rực đưa lên cho Qui Sơn thấy và hỏi:

          - Đây không phải là cụa lửa sao ?

          Tổ Qui Sơn nghe giếng hỏi và thấy cục lửa, hoát nhiên tỏ ngộ…

          Câu chuyện trên ngụ ý: Tâm của mỗi hành giả đều có tánh Phật, cũng như lửa có sẵn trong lò. Ở đây Đức Giáo Chủ muốn cho ông Châu và mọi người biết: Tâm của mỗi hành giả đều sẵn có tánh Phật. Sở dĩ chúng ta còn phải nhọc tâm tìm kiếm bên ngoài là vì chưa chịu quay về nội tâm để trực nhận cái “Bản lai thanh tịnh của chính mình”:

                   “Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức tâm”.

                                                     (Sấm Giảng, Q.1)

          ĐƯỜNG DÊ: Con đường của dê đi. Trong một cánh rừng rộng lớn, có đủ các loài thú hung dữ như: Cọp, beo, sư tử, lang, sói…hiền từ như: Dê, thỏ, hươu, nai…mỗi loài đều đi theo đường riêng của nó. Người bị lạc trong rừng nên tìm con đường của dê thỏ mà đi thì không bị nguy hiểm. Nghĩa bóng là người sống trong đời phải nương con đường hiền lành đạo đức mới đưọc bình yên. Đức Thầy nhắc nhở:

                   “Nay rừng bụi có người mở ngõ,

                     Thì noi theo dấu thỏ đàng dê”.

                                                (Sa Đéc)

          BƯỚC NGỰA: Dấu chân của ngựa đi. Xưa người ta săn bắn hay đánh giặc bị lạc trong rừng. Nếu muốn ra khỏi rừng đến vị trí của mình thì tìm theo dấu chân của ngựa. Bởi ngựa vốn từ ngoài đi vào rừng, cho nên người bị lạc cứ đi theo dấu chân ngựa mà trở ra, tất sớm muộn gì cũng ra khỏi rừng.

          Hai từ ngữ: Đường dê và bước ngựa có ngụ ý chúng sanh từ trước tới giờ bị vô minh vọng nghiệp dẫn lạc vào rừng mê khổ, chưa thoát ly ra được. Nay may mắn gặp Đức Thầy vạch ra con đường đạo đức. Nếu chúng sanh nào biết nương theo đó tu hành tất được ra khỏi vòng sanh tử.

          NÚI TRUÔNG: Núi là nhiều đá vun lại cao lên thành núi hay đồi. Truông là khu đất bỏ hoang cây cỏ um tùm khó đi qua như truông mây, nghĩa bóng là chỉ đường đi rất khó khăn trở ngại. Ví dụ : Qua truông, qua núi, qua suối, qua đèo. Đây cũng chỉ sự tu hành bị điều khó khăn cản trở.

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 1 tới câu 4)

          Đại ý bốn câu thi trên Đức Thầy khuyên ông Châu nên ghi tạc lời nhắc nhở của Ngài vào chơn tâm, đừng để dạ lo lắng, bời ông đã có căn tu từ trước. Nhưng vì nấy lúc nay bị lệch lạc hay thối thất sao đó mà chưa ra khỏi vòng trần khổ. Mặc dù Ngài đã có nhắc nhở ông nhiều lần.

          Nay may mắn gặp Đức Thầy ra đời khai vạch con đường đạo đức. Vậy ông hãy nương theo đó mà hành trì và cố gắng lướt qua các chặng đường khó khăn, ắt có ngày sẽ vượt khỏi bánh xe luân hồi sanh tử.

 

CHÁNH VĂN

(Từ câu 5 tới câu 12)

          5.-   “Vườn hoa ngó khỉ giọng chiu chít,

                   Cảnh nguyệt coi gà tiếng ó o,

                   Tường tận đã nghe xê cống liếu,

          8.-     Hương thôn bỏ xế sự xang hò”.

          Đọc ngược lại bốn câu chót (Tứ tuyệt thuận nghịch đọc).

          9.-    “Hò xang sự xế bỏ thôn lương,

                   Liếu cống xê nghe đã tận tường,

                   O ó tiếng gà coi nguyệt cảnh,

          12.-   Chít chiu giọng khỉ ngó qua vườn”.         

          (Hai bài thi Tứ cú thuận nghịch đọc trên đây xin miễn luận giải, vì có ẩn ý thiên cơ, việc chưa tới).

          13.-  “Quỉ ma hay phá rối người tu,

                   Đạo đức chư nhu rán chí hành.

                   Chớ bỏ lời thề nơi Phật cảnh,

          16.-   Chớ quên  tiếng nguyện chốn non xanh”.

 

CHÚ THÍCH

          QUỈ MA: Cũng gọi là Ma Quỉ, có hai loại:

          1/- Những kẻ lúc còn sống tạo ác nghiệp, khi chết bị đọa vào A Tu La Ngạ Quỉ, sống chung lộn với cảnh giới loài người. Có số ủng hộ người hiền, cũng có số quậy phá dân chúng đòi ăn đồ cúng kiếng (mê tín dị đoan).

          2/- Ám chỉ những kẻ còn sống tại thế gian, hay trêu chọc khuấy phá kẻ khác, gây rối trật tự, xóm làng xã hội: “Nhứt quỉ, nhì ma, thứ ba là học trò”.(Tục ngữ)

          Còn thứ ma quỉ khác nào là những kẻ hung hăng bạo ác hay phá hại người tu và các Đạo giáo. Họ là tay sai của ma Ba Tuần (ở từng trời thứ 6) xuống trần quậy phá, làm chướng ngại Đạo Phật.

          Các thứ ma quỉ kể trên gọi là ngoại ma. Song người tu còn đương đầu với loại nội ma nữa, là ma thất tình lục dục, ma phiền não (tham, sân, si) hay ma Ngũ uẩn. Đức Thầy từng cho biết:

                    “Làm gian ác là quỉ là ma,

                   Làm chơn chánh là Tiên là Phật”.

                                                (Kệ Dân, Q,2)

          Nên Ngài hằng khuyên:

                   “Giữ đừng cho Ma Vương dẫn dắt,

                   Thường nhớ câu đại lực đại hùng.

                   Thắng thất tình giữ vẹn đạo trung,

                   Trừ lục dục chớ cho ô nhiễm.

                   Thập tam ma diệt bằng trí kiếm,

                   Dứt xong rồi vô sự thảnh thơi”.

          CHƯ NHU: Chư là các, là nhiều người. Nhu là nho. Chư nhu là các Nho sĩ, cũng gọi là học trò. Đây chỉ hầu hết cho tín đồ PGHH.

          LỜI THỀ NƠI PHẬT CẢNH: Lời thề là lời thệ nguyện. Nơi Phật cảnh là nơi tư gia của mỗi tín đồ PGHH đều có thờ ngôi Tam Bảo, biểu tượng cho Phật cảnh, có đủ Phật, Pháp, Tăng nên gọi là Phật cảnh.

          TIẾNG NGUYỆN CHỐN NON XANH: Lời hứa nguyện trước chư vị Sơn thần, Năm non Bảy núi, chứng minh cho mình quyết chí tu hành.

          Nghĩa chung là ý nói hầu hết tín đồ PGHH mỗi ngày hai thời cúng: Sáng và chiều đều có quì nguyện trước Ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) và chư Quan Cựu, cùng chư vị Sơn Thần Năm non Bảy Núi chứng minh cho lời nguyện hứa của mình là “Cải hối ăn năn làm lành lánh dữ qui y theo mấy Ngài tu hiền theo Phật đạo”. Không một ai dám quên lãng lời nguyện ấy.

         

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 13 tới câu 16)

          Bốn câu thi vừa qua, đại lược Đức Thầy cho biết thời nay các ma tà quỉ quái hay khuấy rối người tu; vậy trong môn đồ hãy tu chí thành chí thật mới thu phục được nó. Nhứt là phải nhớ rằng mỗi ngày hai thời lễ bái sáng và chiều, chúng ta đã sám hối và hứa nguyện trước 10 phương chư Phật, Pháp, Tăng cũng như các Quan Cựu Thần và chư vị Sơn Thần Năm non Bảy núi chứng minh cho sự phát thệ qui y của mình.

 

CHÁNH VĂN

(Từ câu 17 đến câu 22)

          17.-  “Đêm thanh vắng tiếng đờn khoan nhặt,

                   Nghe cho tường giọng Bắc hòa Nam.

                          Thích Ca còn phế tước hàm,

                  Đài cao cửa rộng mà ham tu hành.

                    Hiền đệ Châu muốn nghe lời ngọc,

          22.-     Lão tỏ bày hình vóc nhiệm sâu”.

 

CHÚ THÍCH

          KHOAN NHẶT: Khoan là chậm, nhặt là nhanh (mau). Một bản đờn khảy lên nghe tiếng khi mau, khi chậm, có lúc trầm, lúc bổng…ở đây Đức Thầy muốn nói lời Kệ Giảng của Ngài ví như một bản đờn, phải có những lúc trầm, bổng, nhặt, khoan. Người nghe tâm hồn mới rung cảm được:

                   “Đờn những câu tỉ mỉ rung hồn,

                     Cho người lành dạ ái bắt nôn,

                     Cúi đầu trước qui y Phật pháp”.

                                             (Nang thơ cẩm tú)

          GIỌNG BẮC HÒA NAM: Đây là một thể văn vần viết lối song thất lục bát, 4 câu một đoạn, hai câu đầu 7 chữ, câu thứ 3 sáu chữ, câu thứ tư 8 chữ. Viết bao nhiêu đoạn cũng được. Hai câu 7 chữ đọc nhanh và nhặt (bổng), đến câu thứ 3 và 4 đọc giọng khoan (trầm) chậm và lơi ra.

          Lúc Đức Thầy còn ở Tổ Đình (HH) mỗi tối Ngài hay nói: “Để tôi ca Tiên cho các ông nghe nhen !”. Rồi Ngài liền đọc đoạn giảng theo điệu “Giọng Bắc hòa Nam” như đoạn nói trên.

          THÍCH CA: Phiên âm của Phạn ngữ (Sers Sakya) Tàu dịch là Năng nhơn, tức người có năng lực từ bi rộng lớn. Thích Ca cũng là họ của Phật. Tên tộc là Sĩ Đạt Ta hay Tất Đạt Đa. Đức Thầy có câu:

                    “Họ Thích Ca từ đây cũng ngỡ,

                   Sẽ có người nối nghiệp hoàng gia”.

                                                (Khuyến Thiện, Q.5)

          TƯỚC HÀM: Tước là chức vị; Hàm là cấp bực phẩm trật của nhà vua ban cho các quan chức. Tước hàm của Sĩ Đạt Ta được vua Tịnh Phạn ban cho: Đông Cung Thái Tử. Đức Giáo Chủ từng nhắc đến:

                   “Mình vàng Thái tử ngôi còn bỏ,

                   Vóc ngọc Đông cung tước phế liền”.

                                                (Luận việc tu hành)

          LỜI NGỌC: Nói cho đủ là lời vàng tiếng ngọc, giáo pháp của chư Phật Thánh giáo hóa nhân sanh quí báu hơn vàng ngọc. Bởi toàn là lời hay ý đẹp, giúp người học hành theo đó trở thành Phật Thánh như các Ngài, có thể nói ngàn vàng cũng khó sánh. Người xưa từng nói: Nghe được một lời nói tốt lành, quí báu hơn được ngàn vàng. (Nhứt nhơn thắng ngữ đắc thiên kim).

          NHIỆM SÂU: Huyền diệu sâu kín và nhiệm nhặt.

“Ít câu mà ý nhiệm sâu,

Nghĩ suy cho cạn mới hầu khôn ngoan”.

                                                       (Thiên lý ca)

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 17 tới câu 22)

          Sáu câu giảng vừa qua, ý nói: Lời pháp giáo của Đức Thầy ví như một bản đờn, có đủ giọng điệu trầm, bổng nhặt khoan, khiến cho người nghe dễ cảm thông và thức tỉnh. Ngài kêu gọi ông Châu cũng như mọi người hãy nhìn gương hạnh của Đức Phật khi xưa, đang sống trong cung vàng điện ngọc, tước vị Thái Tử Đông Cung mà Ngài vẫn gát bỏ, lên đường tầm ra chánh đạo cứu khổ nhân sanh.

          Bài giảng Ngài viết ra đây sẽ luận giải tường tận những giáo lý cao siêu mầu diệu. Vậy ông Châu và mọi người nên lắng nghe cho thấu đạt.

 

CHÁNH VĂN

(Từ câu 23 tới câu 26)

          23.- “Thiên ý không riêng mối đạo mầu,

                   Rằng truyền yếu lý nhiệm cao sâu.

                   Chuyển miền Nam địa càng thâm diệu,

          26.-   Lọc lẽ tà tâm sự đứng đầu”.

 

CHÚ THÍCH

          THIÊN LÝ: Ý trời, nhưng ý Trời không ngoài ý đạo:                  “Thiên địa u minh dĩ đạo tràng”.

                                          (Lộ chút Cơ huyền)

          YẾU LÝ: Lý lẽ cốt yếu.

          NHIỆM CAO SÂU: Mầu diệu, sâu kín, cao xa lắm:          “Đạo lý tầm sâu, sâu chẳng cạn”.

          NAM ĐỊA: Đất nước Việt Nam:

               “Cõi Trung ương nhằm đất nước Việt Nam”.

                                                (Trao lời cùng ông Táo)

          THÂM DIỆU: Sâu kín, mầu nhiệm, khéo léo. Do câu: “Vô lượng thậm thâm vi diệu pháp”.

          Đức Giáo Chủ PGHH từng bảo:

                  “Huyền pháp thâm trầm thơm bất tuyệt”.

                                      (Cho ông Tham tá Ngà)

“Xả thân tầm đạo vô vi,

Nhiệm mầu thâm diệu nan tri lão bày”.

                                          (Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

          TÀ TÂM: Lòng tà vạy gian ác, ngược lại với tâm chơn chánh thiện lương. Đức Thầy hằng dạy: “Sự đầu tiên của người hành Đạo là cốt sửa những tư tưởng, tìm cách đánh đuổi tư tưởng xấu xa, thay vào những tư tưởng ôn hòa đạo đức”.

          Và:     “Gìn giới cấm sửa tâm ô tạp,

                    Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà”.

                                                     (Giác Mê, Q.4)

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 23 đến câu 26)

          Đại ý bốn câu trên Đức Thầy cho biết ý Trời không ngoài ý đạo. Ngài đã thuận theo ý Trời mà khai truyền Thánh Đạo. Đem nguồn giáo lý thâm sâu mầu diệu giác tỉnh nhơn sanh sớm tu thân hành đạo hầu xây dựng đất nước Việt Nam trở thành một quốc gia an lạc. Ngài cũng kêu gọi mọi hành giả, trước nhứt là phải lọc sạch vọng tâm tà vạy trở thành chơn chánh thiện lương là kết quả.

CHÁNH VĂN

(Từ câu 27 đến câu 42)

          27.-  “Nguồn bạch thủy trong veo thấy dạng,

                   Lẽ nhiệm sâu chưa hản trò ôi !

                        Đêm ngày buồn bã vô hồi,

          30.-  Kìa trên Tiên cảnh vị ngôi sẵn dành.

                   Đạo rải khắp năm canh tỏa bút,

                   Dạy tận tường chẳng chút nào sai.

                        Cổ nhơn tích để phân bày,

          34.- Đường chơn nẻo chánh âu ai rán tầm.

                   Thuyền Bát Nhã chí tâm trực thẳng,

                   Thả ra khơi cứu dẫn khách trần.

                        Phù sanh lắm cuộc lao thân,

          38.- Ngày đêm ta thán muôn phần đớn đau.

                   Trông đợi người tài cao đức trọng,

                   Hầu rõ thông thiên võng lẽ nao.

                        Chí tâm tường lãm thấp cao,

          42.-  Dạy cho rõ biết Thiên Tào nơi đâu”.

 

CHÚ THÍCH

          NGUỒN BẠCH THỦY: Nguồn: Cội gốc. Bạch thủy: Nước trắng trong. Nước từ nguồn chảy ra rất trong sạch không lộn chút cặn nhơ. Ý nói lời pháp giáo của Đức Giáo Chủ từ trí Bát nhã ban ra, có diệu năng làm tan hết lòng trần tục và tưới mát muôn loài được thấm nhuần phát triển:          “Nước Ma Ha tưới tắt lòng phàm”.

                                      (Diệu pháp Quang minh)

          CHƯA HẢN: Chưa hiểu tường tận, chắc chắn.

          TIÊN CẢNH: Cũng gọi là cảnh Tiên, tức là con đường thoát tục, chỉ cõi sắc giới và vô sắc giới do người tu 10 điều lành mà được. Cảnh Tiên đây còn chỉ cõi đời Thượng nguơn thánh đức, trong bài giảng nầy Đức Thầy có nói:

“Theo ta đến chốn Tiên bang,

Đặng coi các nước hội hàng năm non”.

          NĂM CANH: (Xem từ NC, TSTĐ, trang 247, cột 2).

          TỎA BÚT: Tỏa tức là túa ra, bủa ra. Bút là cây viết. Nghĩa chung Đức Thầy dùng viết mực sáng tác Sấm kinh ban rải khắp nơi.

          CỔ NHÂN: Người xưa. Những bậc có công ích cho đời, đã mãn phần; sách sử thường ca ngợi và ghi chép lại.

                  “Lời xưa người cổ còn ghi”.(Sấm Giảng, Q.1)

          ĐƯỜNG CHƠN NẺO CHÁNH: Con đường chơn chánh. Nghĩa của Bát Chánh Đạo tức 8 nẻo đưa con người ra khỏi sanh tử; có diệu năng đối trị Bát tà. Đức Giáo Chủ cho biết: Bát Chánh Đạo là: “Quyển kinh nhựt tụng của những ai muốn thoát chốn mê đồ tấn triển trên đường giải thoát”.

          BÁT NHÃ: phiên âm của Phạn ngữ (Prajra). Có nghĩa là trí huệ sáng suốt. (Xem thêm từ Bát nhã thoàn trong STTĐ, trang 35, cột 1, quyển nhất).

          KHÁCH TRẦN: Tất cả chúng sanh sống trong cõi đời đều gọi chung là khách trần.

          PHÙ SINH: (Xem từ PS trong STTĐ, trang 321, cột 2).

          LAO THÂN: Thân cực nhọc khổ sở.

          TA THÁN: Kêu gọi than thở. Thán là oán. Tiếng than thở.

          THIÊN VÕNG: Nói cho đủ là Thiên la địa võng.  Ý chỉ luật Trời đất hay luật Nhân quả. (Xem chữ Thiên la trong STTĐ trang 433, cột 2, quyển 1).

          TƯỜNG LÃM: Tường là hiểu rõ ràng. Lãm là xem biết hết. Nghĩa chung là người đã hiểu thông mọi vật, mọi lẽ trong trời đất một cách rõ ràng. Hiểu như chữ Bác lãm. Bài “Không buồn ngủ” Đức Thầy có viết:

                   “Nào ai biết tâm ta đời bác lãm,

              Kiếp người dường chùm gởi bám vào cây”.

          THIÊN TÀO: Cũng như chữ Thiên Đình. Chỗ Trời ở, triều đình trên Trời.

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 27 đến câu 42)

          -Đức Thầy dùng trí sáng suốt thuyết ra giáo lý thâm sâu mầu diệu khuyến hóa nhân sanh, nhưng ít có người thấu đạt. Ngài cũng cho ông Châu và tín đồ hiểu rằng: Ai cũng có căn tu thì ngôi vị Phật Tiên đã dành sẵn.

          -Hằng đêm Ngài luôn dùng bút mực giải bày giáo lý ban bủa khắp bàng nhân bá tánh. Bao nhiêu gương hạnh, tốt lành của người xưa đã ghi để trong sách sử vậy mọi người hãy noi theo mà tìm ra con đường chánh đạo để thi hành.

          -Cảnh trần khổ mênh mông như bể cả, thế mà chúng sanh mãi lặng ngụp. Nay may gặp Đức Thầy xông thuyền Bát Nhã cứu vớt, kêu gọi chúng ta hãy bước lên để sớm giải thoát cảnh sầu đau giả tạm.

          Đức Giáo Chủ cũng rất mong đợi người có tài trí đức hạnh, thành tâm thật ý tìm hiểu rõ luật trừng phạt của Trời đất, để sớm thi hành đạo nghĩa, hầu trở về con đường siêu thoát của Phật Tiên.

 

CHÁNH VĂN

(Từ câu 43 đến câu 58)

          43.-   “Ngồi nghĩ cạn thêm sầu cho thế,

                   Bởi ít ai cải chế đường tà.

                        Sợ e nhiễm trược đọa sa,

          46.- Sợ cho lắm kẻ chan hòa lụy tuông.

                   Sợ nhiều kẻ dạ buồn đổi chí,

                   Quên những câu chánh kỷ hóa nhơn.

                        Mảng lo tìm kiếm tước huờn,

          50.-Thất kỳ vọng tưởng lánh chơn đường lành.

                   Trong buổi khổ mau mau tránh khổ,

                   Rán tầm vào đến chỗ an cư.

                        Học câu hỉ xả đại từ,

          54.- Nêu gương nghĩa sĩ dạ tư chớ gần.

                   Câu Bát chánh rán mài chạm dạ,

                   Tứ mục điều người khá hành y.

                        Muôn thu Thiên định nhứt kỳ,

          58.- Hạ nguơn sắc lịnh khai kỳ Long Hoa”.

 

CHÚ THÍCH

          CẢI CHẾ ĐƯỜNG TÀ: Cải chế là sửa đổi để sắp đặt lại. Đường Tà là con đường tà vạy xấu ác. Nghĩa chung là cổi bỏ con đường tà vạy tội lỗi để trở lại con đường chơn chánh thiện lương. Như bỏ 8 điều tà làm theo 8 điều chánh (bát chánh) xa bỏ tà đạo trở về với  chánh đạo.

          NHIỄM TRƯỢC: Cũng gọi là trược nhiễm, có nghĩa là ô nhiễm những điều trần trược, xấu ác ở thế gian. Đức Giáo Chủ từng dạy: “Nên niệm Phật là niệm cái bản lai thanh tịnh của Phật cho lòng của mình nương theo đó mà được thanh tịnh và chẳng còn trược nhiễm trần ai”.

          ĐỌA SA: Cũng viết là sa đọa. Có nghĩa rơi rụng vào chổ thấp hèn. Đây có ý chỉ người còn sống bị sa đọa vào con đường trụy lạc (tứ đổ tường), hoặc lúc sanh tiền tạo nhiều nghiệp ác, khi chết bị đọa vào ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh:

“Phước nhiều Tiên cảnh lên rày,

Tội nhiều sa đọa nhiều ngày thảm thê”.

          CHÁNH KỶ HÓA NHƠN: Câu sách: “Chánh kỷ dĩ giáo nhân giả thuận, thích kỷ dĩ giáo nhân giả nghịch”.(Người lo tu thân xử kỷ cho đúng rồi mới dạy đời là lẽ thuận. Còn kẻ bỏ mình không lo tu sửa lại đi dạy đời là lẽ nghịch vậy).

          TƯỚC QUỜN: Cũng gọi là quyền tước, có nghĩa quyền oai và chức phận, nghĩa của chữ danh vị (một trong ngũ dục).

                   “Ưa đẹp mắt mến điều mới lạ,

                     Sang oai quyền hối lộ gần xa”.

                                             (Khuyến Thiện, Q.5)

          THẤT KỲ VỌNG TƯỞNG: Những vọng tưởng mong cầu mà không thành đạt, trong đời có hai hạng người:

          1/- Hạng ngoài đời thì lúc nào cũng nuôi hy vọng được giàu sang vinh hiển hơn người, những việc chẳng thành thì đâm ra chán nản làm điều xằng bậy.

          2/- Hạng tu hành, song chưa nắm được chân lý nên có nhiều cao vọng ước mơ mau đạt đạo quả hay sớm có nhiều pháp linh kỳ diệu, nhưng chưa đạt thành như ý thì đâm ra thối chuyển bỏ đạo thôi tu.

          TRONG BUỔI KHỔ: Chúng sanh đang sống trong hiện cảnh đang gánh chịu vô vàn đau khổ. Thân tâm đã gánh chịu 8 nỗi khổ, còn thêm các nỗi khổ bên ngoài dồn tấp đến, nào thiên tai địa ách, nào chiến tranh giặc loạn, đói đau, bệnh tật. Đức Giáo Chủ cảnh tỉnh:

                   “Cảnh thảm khổ chiều mai sẽ đến,

                    Sao dân còn triếu mến trần mê.

                        Mắt nhìn ngoại quốc thảm thê,

                  Nam bang cảnh khổ cũng kề bên tai”.

                                               (Để chơn đất Bắc)

          CHỖ AN CƯ: Nơi sống an ổn bình yên. Đây là nghĩa thông thường. Chữ an cư Đức Thầy đặt trong câu giảng nầy là cái tâm an tịnh của mỗi hành giả, tức là cảnh Niết Bàn (bất sanh bất diệt).

          Năm 1939, có lần Đức Thầy đứng trước sân Tổ Đình giải thích về cảnh khổ sau nầy, một ông lão hỏi Ngài:

          - Cảnh khổ như vậy có chỗ nào trốn khỏi không Thầy ? Ngài đáp:

          - Chung dưới bàn Thông Thiên thì khỏi.

          Ý Ngài muốn nói có tu thân hành đạo mới chứng Niết Bàn Cực lạc hoặc sống đời Thượng nguơn thánh đức mới là dứt kổ.

          HỈ XẢ ĐẠI TỪ: Cũng gọi là Từ, bi, hỉ, xả, tức bốn Đại đức của Chư Phật (Xem chữ Từ, Bi, Hỉ, Xả trong STTĐ, trang 406, cột 1, quyển 1).

          CÂU BÁT CHÁNH: (Xem từ Bát chánh trong STTĐ, trang 35, cột 2, quyển 1)

          TỨ MỤC ĐIỀU: Cũng gọi là Tứ Diệu Đề hay Tứ Diệu Đế. Sở dĩ gọi Tứ Mục Điều là Tứ Diệu Đề, vì Bát Chánh Đạo và Tứ diệu Đề luôn đi cặp với nhau. Bát chánh Đạo là một trong Tứ diệu Đề (Đạo Đề). (Xem TDĐ trong STTĐ, quyển 1, trang 403, cột 1).

          MUÔN THU: Thu là một trong bốn mùa của một năm (Xuân, Hạ, Thu, Đông) nên chỉ cho một mùa Thu là một năm; mà một muôn mùa Thu là 10 ngàn năm: “Ngàn năm mới có một thời”.   

          THIÊN ĐỊNH: Trời đã định sẵn.

          NHỨT KỲ: Có một kỳ (một lần)

          HẠ NGUƠN: Nguơn cùng cuối, Nguơn sau rốt. Căn cứ vào luật tuần hoàn của lý tam nguơn được phân định và diễn tiến như sau:

                                 -Thượng nguơn thượng.

THƯỢNG NGUƠN: -Thượng nguơn trung.

                                 -Thượng nguơn hạ.

                                 -Trung nguơn thượng.

TRUNG NGUƠN:     -Trung nguơn trung.

                                 -Trung nguơn hạ.

                                 -Hạ nguơn thượng.

HẠ NGUƠN:            -Hạ nguơn trung.

                                 -Hạ nguơn hạ.

          (Theo tài liệu của Vương Kim tác giả quyển “Đời Thượng Nguơn”).

          Cứ thế mà luân chuyển mãi, hễ hết Hạ nguơn hạ thì chuyển sang Thượng nguơn thượng, Thượng nguơn trung dần xuống… Hiện nay nhằm Hạ nguơn hạ thì sắp chuyển sang Thượng nguơn thượng. Trong Giảng ông Sư Vãi Bán Khoai có nói:

“Hạ nguơn nay đã hết đời,

Minh Hoàng cầu Phật lập đời Thượng Nguơn”.

          Đức Thầy cũng bảo:

Việc đời nhiều nỗi sầu bi,

Hạ Nguơn đã hết loạn ly cơ đồ”.

                                                (Để chơn đất Bắc)

          LONG HOA: Tức hội “Long Hoa”. Hội là tụ hợp lại đông đảo. Long là rồng chỉ cho vua Thánh Vương. Hoa là các loại bông tốt đẹp. Người ta thường nói đẹp như hoa, đây chỉ cho người hiền lương đức hạnh.

          Hội Long Hoa do Tiên Phật lập ra, để chọn bậc hiền tài và đức hạnh tốt đẹp họp lại chào mừng chúa Thánh đời Thượng nguơn thánh đức tới đây. Đức Thầy từng bảo:

                   “Hội Long Hoa chọn kẻ tu mi,

                   Người hiền đức đặng phò chơn chúa”.

                                                (Kệ Dân, Q.2)

          Theo tài liệu của Vương Kim tác giả của quyển “Đời Thượng Nguơn” đây là một cuộc thi cử chọn lọc hiền còn dữ mất:

                   “Long hoa Tiên Phật đáo Ta bà,

                      Lừa lọc con lành diệt quỉ ma”.

                                      (Thức tỉnh một nữ tín đồ)

          Và:

“Lập rồi cái hội Long hoa,

Đặng coi hiền đức được là bao nhiêu

Gian tà hồn xác cũng tiêu

Thảm thương bá tánh chín chiều ruột đau”.

                                                  (Sám Giảng, Q.3)

          Cho nên Ngài thường giục thúc:

“Trở chơn cho kịp Long Hoa,

Long Hoa có mặt ấy là hiền nhơn”.

                                                (Thiên lý ca)

          Đức Huệ Lựu (Sư Vải Bán Khoai) bảo:

“Bởi trần lỗi quá muôn phần,

Cho nên lập hội Long Hoa chọn người.

Hiền từ thì đặng thảnh thơi

Nghinh ngang khó trốn lưới trời bớ dân”.

          Nghiên cứu qua Sấm Giảng của Đức Thầy thì độ khoảng mười ngàn năm, hoặc trên hay dưới con số đó là có một lần lập hội như vậy để chọn lọc hiền còn dữ mất lập lại đời Thượng nguơn Thánh đức:

“Muôn thu thiên định nhứt kỳ,

Hạ nguơn sắc lịnh khai kỳ Long Hoa”.

                                                (Thiên lý ca)

          Hoặc là:

“Chớ mong yến thử ẩm hà,

Mười ngàn năm lẻ cửa nhà đâu con.

Ta nhắc lại héo von cho trẻ,

Cứ đâu lưng đừng rẽ đừng chia

Cả kêu lớn nhỏ quay vìa,

Trên hoà dưới thuận chớ lìa chớ phân.

Long Hoa hội ân cần lo lập

Lập cho rồi tam thập lục nhơn”.

                                                  (Thiên lý ca)

          Vì thế Đức Thầy thường kêu gọi:

                 “Mau chơn bước đến Long Hoa hội,

                   Chầu Phật hòa vui cõi đại đồng”.

                                           (Cho Bà Năm Cò)

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 43 tới câu 58)

          Xét việc thế gian, Đức Giáo Chủ u buồn khi thấy nhiều người tu hành mà không cải sửa những điều tà ác xấu xa, mãi để trược nhiễm dục trần rồi phải chuốc lấy sự sầu khổ sau nầy.

          Rủi gặp nghịch cảnh đưa đến thì buồn lòng thối chuyển đường tu. Lại có số người chẳng lo trau thân gìn đạo, mãi đua đòi danh vọng bạc tiền rồi khi gặp việc khó khăn thử thách cũng bỏ đạo thôi tu.

          Chúng sanh sống trong cõi Ta bà đều chung chịu cảnh khổ đau sầu hận, nên Đức Giáo Chủ khuyến giáo mỗi người hãy sớm tìm cách thoát ly. Song cả thế gian chẳng nơi nào không có khổ, chỉ có quay về nội tâm chuyển hóa lòng vị tư, nhân ngã để trở thành “Hỉ xả từ bi” dứt nghiệp sanh tử luân hồi mới hết khổ.

          -Đồng thời hành giả hãy nương theo pháp Tứ Diệu Đề và Bát Chánh Đạo mà hành trì. Chính đó là con đường đưa nhà tu đến chỗ an cư thật sự bởi chỉ có: Niết bàn tịch tịnh là đường vô sanh” hay là:

                   “Về Cực lạc mới là hết khổ”.

          Đức Giáo Chủ còn cho biết: Theo chu kỳ của lý tam nguơn: Hễ hết thượng, trung rồi hạ thì lập lại Thượng nguơn. Thời gian ấy trên hoặc dưới mười ngàn năm là có một lần thay đổi bằng cách lập hội Long Hoa, chọn lọc hiền còn dữ mất để chuyển qua một chu kỳ khác.

CHÁNH VĂN

(Từ câu 59 đến câu 70)

          59.-  “Rán vẹt phá sương mù trước mắt,

                   Chớ để cho quỷ dắt linh hồn.

                        Lão đây vưng lịnh Phật tôn,

          62.-Lãnh cân thưởng phạt chư môn dữ lành.

                   Khá chí tâm học hành kinh sám,

                   Thoát nơi miền hắc ám phong ba.

                        Trở chơn cho kịp Long Hoa,

          66.- Long Hoa có mặt ấy là hiền nhơn.

                   Đền nợ thế nghĩa ơn trọn vẹn,

                   Lấy tinh thần hiệp vén ngút mây.

                        Chớ nên bắt bẻ Phật Thầy,

          70.-Ngày sau phải chịu đọa đày chớ than”.

 

CHÚ THÍCH

          SƯƠNG MÙ: Cũng gọi là mù sương, tức hơi nước trong lớp khói mỏng án trước mặt. Đây chỉ cho vô minh (mê si che mờ tâm trí mình khiến không nhận được đâu là sự thật - chân lý).

          LINH HỒN: (Xem từ LH trong STTĐ, quyển 1, trang 199)

          HỌC HÀNH KINH SÁM: Học hành là học hiểu và trì hành. Kinh sám là lời Kinh Kệ Sấm Giảng của Đức Thầy đã sáng tác, để cho môn đồ nương theo đó mà học hiểu và giữ gìn, tu sửa y theo đó. Như Ngài từng cho biết:

                   “Ta yêu chúng viết ra giảng kệ,

                    Khuyên tăng đồ cùng các tín đồ.

                   Nghe cạn lời chớ có mờ hồ,

                   Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc đạo”.(Q.4)

          HẮC ÁM: Cảnh tối tăm mờ ám. Ý chỉ cõi đời ác thế ngũ trược, hoặc Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh, do nghiệp tham, sân, si chôn nhốt trong đó.

          PHONG BA: (Xem từ PB trong STTĐ, Q.1, trang 317, cột 2).

          LONG HOA: (Xem từ LH đã giải ở đoạn trước).

          HIỀN NHƠN: Người hiền lành, trọn lành, trọn sáng, không vi phạm tam nghiệp, thập ác, tám điều răn cấm. Đức Thầy luôn nhắc nhở:

“Hiền nhơn bổn phận tu mi,

Hãy mau thức tỉnh kiếm thì huyền cơ”.

                                                (Sám Giảng, Q.3)

          NỢ THẾ: (Xem từ NT trong STTĐ, Q.1, trang 254, cột 2).

          TINH THẦN: (Xem từ TT trong STTĐ, Q.1, trang 389, cột 2).

          NGÚT MÂY: Sự mê mờ tăm tối tức là vô minh hay mê si che mờ trí huệ của mình. Đức Thầy có viết:

                   “Tinh thần hiệp vén ngút mây”.

                                      (Viếng làng Mỹ Hội Đông)

          PHẬT THẦY: Tức là Đức Phật Thầy Tây An. Ngài quê ở làng Tòng Sơn, thuộc Cái Tàu Thượng, nay là xã Mỹ An Hưng, tỉnh Sa Đéc (Nam phần Việt Nam). Ngài sanh vào giờ Ngọ, ngày rằm tháng 10 năm Đinh Mão (1807) niên hiệu Gia Long thứ VIII. Ngài khai đạo vào đầu xuân Kỷ Mão (1849). Ngài chính danh là Đoàn Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh, người trong đạo cũng như người đời đều xưng tụng Ngài là Đức Phật Thầy Tây An. Ngài khai sáng tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương và là tiền thân của Đức Huỳnh Giáo Chủ. (Xem thêm phần Chú thích chữ Đức Thầy Bửu Sơn bên Q.1, tập 1, quyển Thượng)

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 59 tới câu 70)

          Đại lược Đức Thầy khuyên nhà tu, hãy phá tan màn vô minh cho trí huệ sáng tỏ hầu soi tan hay thuyết phục đám tà ma quỉ quái, để chúng không còn ám ảnh xúi dục, tâm trí ta làm điều xằng bậy.

          Đức Giáo Chủ lâm phàm khai Đạo là có sắc lịnh của Phật Thế Tôn, để đến ngày kết cuộc:

            “Non thần vang chuyển Khùng ngồi xử phân”.

          Và: “Xử những kẻ hung hăng tồi tệ,

             Thưởng những người trung nghĩa vẹn toàn”.

                                      (Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)

          Ngài cũng khuyên mọi người phải lo học hiểu và hành trì lời Sấm Kinh, để sau nầy được thoát cảnh chiến tranh biến đổi, hoặc sa đọa vào chỗ thấp hèn đen tối.

          Và hội Long Hoa sắp mở để chọn lọc hiền còn dữ mất, nên Ngài kêu gọi khắp nhân sanh sớm quay đầu hướng thiện cho kịp thời kỳ Long Hoa đại hội.

          Đã đặt chân vào cửa Đạo, mỗi người phải đền xong nợ thế, tức vừa đền đáp Tứ ân, vừa ngăn chừa 10 điều ác, vẹn tròn ân nghĩa, Đức Phật và Đức Thầy đầy lòng từ bi độ chúng, thế mà có nhiều nguời nhạo chê bác bẻ, e ngày kết cuộc phải chuốc lấy sự sầu đau hận tủi.

 

CHÁNH VĂN

          71.-   “Cuối năm Thìn sẽ lo vận chuyển,

                    Xứ “Hà tiên” linh hiển cơ quan.

                        Nhơn sanh sẽ hiệp một đàng,

          74.- Hết Thìn rồi lập Nhơn Hoàng hội ra.

                   Khuyên sanh chúng gần xa phân cạn,

                   Dựng Nhơn Hoàng cho rạng Á Đông.

                        Chúng sanh phải tưởng giống dòng,

          78.-  Hiệp tâm hiệp trí cột đồng nhà Nam.

                   Phật chỉ dạy qui tam lập hội,

                   Dựng cho rồi một cội thành ba.

                        Chớ mong yến thử ẩm hà,

          82.- Mười ngàn năm lẻ cửa nhà đâu con.

                   Ta nhắc lại héo von cho trẻ,

                   Cứ đâu lưng đừng rẽ đừng chia.

                        Cả kêu lớn nhỏ quay vìa,

          86.- Trên hòa dưới thuận chớ lìa chớ phân.

                   Long Hoa hội ân cần lo lập,

                   Lập cho rồi tam thập lục nhơn”.

 

CHÚ THÍCH

          HÀ TIÊN: Riêng chữ Hà có nhiều nghĩa, ở đây chỉ giải một ít nghĩa. Hà là sông, là chữ dùng để hỏi: Làm sao, cái gì ? Ở đâu ?

          TIÊN  là trước, là đầu mối, là địa danh. Hiểu chung hai chữ Hà Tiên có ba nghĩa:

          - Hà Tiên là tiếng dùng để hỏi ông là vị Tiên nào ở đâu ? Như ông Chín Diệm (Nguyễn Kỳ Trân) hỏi Đức Thầy: “Vị tri đại đức giáng hà tiên”.

          - Hà Tiên là địa danh, tức tỉnh Hà Tiên. (Xem chữ Hà Tiên trong STTĐ, quyển 1, trang 151, cột 1)

          - Hà Tiên là sông trước, tức sông Tiền Giang.

          Năm 1939, nước lớn lúa ngoài đồng bị ngập lụt. Con đường trước của Tổ Đình nước ngập tràn qua lộ. Ông Mười (một Đông y sĩ) từ nhà chợ Mỹ Lương đi xuống. Khi gần tới cửa Tổ Đình, Đức Thầy đứng sẵn tại đó đợi ông Mười đi gần tới, Ngài chấp tay vái chào rồi hỏi:

          - Nghe ông Mười thông suốt chữ Hán, hôm nay xin phép ông cho tôi hỏi một vài chữ được chăng ?

          Ông Mười cười đáp:

          - Muốn hỏi gì thì cứ hỏi, chớ xin phép xin tắc gì cậu ! (Lúc đó ông Mười chưa qui y, nên mới xưng hô với Ngài như vậy.)

          Đức Thầy hỏi tiếp:

          - Hà Tiên là gì ông Mười ?

          - Việc đó dễ ợt, có gì khó đâu mà cũng hỏi. Hà Tiên là một trong 20 tỉnh Nam Kỳ của mình; nằm phía trên Rạch Gía, giáp biên giới Miên Việt, nơi ấy có lăng Mạc Cửu và nhiều cảnh đẹp như Thạch Động, Đá Dựng, Mũi Nai.

          Đức Thầy vừa cười vừa nói:

          - Ông giải nghĩa không đúng rồi ông Mười ơi !

          - Cậu nói sao ? Theo cậu Hà Tiên có nghĩa như thế nào ?

          - Ông chịu thua đi tôi sẽ giải nghĩa cho nghe !

          - Thì chịu thua đó, cậu giải đi, nếu giải không đúng lý thì không được với tôi nghe !

          Bấy giờ nước ngập sát mé đường, Đức Thầy liền ngồi xuống vừa lấy tay khoát nước vừa nói:

          - Hà là sông, Tiên là trước. Nói chung hai chữ Hà Tiên là sông trước, tức là sông Tiền Giang trước mặt mình đây. Còn sông bên kia (sau lưng) là sông Hậu Giang. Có thế mà ông không hiểu lại trả lời là tỉnh Hà Tiên làm sao đúng với câu hỏi của tôi.

          Đức Thầy giải xong, ông Mười và mọi người nghe từ đầu tới giờ đều thì thầm bàn tán:

          - Ý phàm sao bằng ý Phật !

          Tóm lại chữ Hà Tiên mà Đức Thầy dùng trong câu giảng “Xứ Hà Tiên linh hiển cơ quan”, có nghĩa là sông trước (Tiền Giang).

          NHƠN HOÀNG: Vị vua cõi người. Đây chỉ cho vị Chuyển Luân Thánh Vương của cõi đời Thượng nguơn Thánh đức tới đây:

“Nhơn Hoàng cũng lấy lẽ công,

Cũng đồng trừng trị kẻ lòng tà gian.

Ấy là đến lúc xuê xang,

Tam Hoàng trở lại là đời Thượng Nguơn”.

          Á ĐÔNG: Chỉ cho châu Á chúng ta đang ở. Thế giới có năm châu: Á, Âu, Mỹ, Phi, Úc. Nước Việt Nam ở hướng Đông Nam châu Á Tế Á, nên gọi tắt là Á Đông.

          GIỐNG DÒNG: Cũng như chữ nòi giống. Nguyên thỉ con người sanh ra cùng một nòi giống hay một sắc tộc.

          Ví dụ: Dòng giống Rồng Tiên hay dòng giống Lạc Long. Đức Thầy từng nói:

                  “Thiệt chẳng hổ giống dòng Nam Việt,

                   Từng nêu cao khí tiết Lạc Hồng”.

                             (Tế chiến sĩ trận vong vườn Thơm)

          CỘT ĐỒNG NHÀ NAM: Thành ngữ nầy do câu: “Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt”, xuất phát từ thời Bắc thuộc lần thứ hai.

          Sau khi Mã Viện, tướng nhà Đông Hán đánh được Trưng Nữ Vương, liền sát nhập đất Giao Chỉ thuộc về nhà Hán. Mã Viện cho chỉnh đốn binh lương, đem quân đánh dẹp các nơi, đi đến đâu cho xây thành đắp lũy đến đó và biến cải mọi cách chính trị trong các quận. Mã Viện đem phủ trị về Mê Linh và dựng cây cột đồng ở chỗ phân chia địa giới, có khắc sáu chữ: “ĐỒNG TRỤ CHIẾT, GIAO CHỈ DIỆT”. Có nghĩa: Chừng nào cây đồng trụ nầy đổ thì người Giao Chỉ phải mất nòi. Bấy giờ người Giao Chỉ chúng ta vì sợ mất nòi giống nên mỗi ai khi đi ngang qua chỗ đó đều liệng vào gốc đồng trụ một hòn đá, ý làm cho cột đồng đứng vững, dân Giao Chỉ trường tồn. Lâu ngày như vậy đá chồng chất lên cao như ngọn núi, cột đồng trụ không thể ngã được.

          Dùng thành ngữ “Cột đồng nhà Nam”, Đức Thầy có ý biểu dương tinh thần đoàn kết của quốc dân ta thời ấy và muốn khuyến khích người sau noi dấu.

          YẾN THỬ ẨM HÀ: Yến thử uống nước sông Hà. Do câu trong sách “Ấu học Huỳnh Lâm”: “Tiêu Liêu xào lâm bất quá nhứt chi, Yến thử ẩm hà bất quá mãn phúc”.(Chim Tiêu Liêu thân hình nhỏ xíu, làm ổ trên rừng, bất quá nó chỉ làm một cây thôi, chớ đâu làm hết rừng cây cho được. Còn con Yến Thử thân lớn như con trâu, bụng to, uống nước thật nhiều; nhưng nó chỉ uống đầy bụng thôi, chớ không thể nào uống hết nước sông Hà được). Điển nầy có hai dụng ý: Thứ Nhứt nói người có tâm trí nhỏ hẹp mà muốn làm việc lớn bao hàm thế gian thì không thể được.

          Ý thứ hai: Là nói người có lòng tham lam bao gồm tiền của thật nhiều đi nữa, cũng chỉ hưởng được một đời thôi, chớ chẳng thể sống hưởng hoài được. Ở đây Đức Thầy muốn nói ý thứ hai.

          MƯỜI NGÀN NĂM LẺ CỬA NHÀ ĐÂU CON: Câu nầy có ý nói: Tất cả chúng sanh đã có từ vô thỉ, quê quán ở cõi Niết Bàn hay Cực Lạc. Nguồn gốc cùng một bản thể với chư Phật Thánh Tiên. Nói gần hơn, mỗi chúng ta có mặt trong đời trước đây trên mười ngàn năm (thời Thượng nguơn Thánh đức). Nhưng vì lòng còn tham nhiễm của tiền vật chất trong cõi hồng trần mà nay lại nỡ quên đi quê hương nhà cửa, chạy theo cảnh giả tạm, rồi phải luân hồi sanh tử, tử sanh cho đến giờ nầy cũng chưa chịu quay về quê xưa cảnh cũ của mình.

          LONG HOA HỘI: (Xem từ LH đã giải thích đoạn trước).

          TAM THẬP LỤC NHƠN: tức 36 vị Thánh Tiên. Vào năm 1939, lúc Đức Thầy còn ở Tổ Đình Hòa Hảo bấy giờ ông Nguyễn Chi Diệp có hỏi Ngài:

          -Nhờ Đức Thầy cho biết ý nghĩa bài thi, Ngài đáp họa cho ông Huỳnh Hiệp Hòa:

                  “Tam thiên lục bá giáng lâm trần,

                   Khóc tử lan tâm biến họa dân.

                   Tà quái hạ nguơn khai ác chiến,

                   Ất niên bình thự kiến quân thần”.

          Đức Thầy nói:

          - Các ông rán tu rồi sau thì biết !

          Ông Diệp và mọi người cứ nài nỉ mãi Ngài mới nói:

          - Tôi chỉ cho các ông biết một phần thôi còn bao nhiêu thì tự suy luận ! Vào khoảng cuối thời kỳ Hạ nguơn có 3.600 manh mối tà đạo ra đời dùng đủ phương tiện, có khi tà pháp tàn hại sanh linh “Tam thiên lục bá khắp tràn hại dân”. Bấy giờ cũng có 36 vị Phật Thánh “Tam thập lục nhơn” ra đời trừ dẹp số ấy, lập hội Long Hoa, kiến tạo đời Thượng nguơn Thánh đức, đem lại sự thái bình an lạc cho dân chúng.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 71 tới câu 88)

          Đoạn giảng trên ý nói năm Thìn nào đó, tại sông Tiền Giang sẽ hiển rõ cơ quan của trời đất cho dân chúng biết. Đến đó khắp bá tánh đều hiệp nhau trên con đường hiền lành đạo đức để lập hội Nhơn Hoàng.

          Vì lòng từ bi Đức Giáo Chủ giải bày cho nhơn sanh rõ, khi nào có Thánh vương xuất hiện thì cả vùng Đông Nam Á sẽ rạng rỡ khắp năm châu. Có điều là mỗi người phải tưởng nhớ đến nòi giống Lạc Hồng đã trải năm ngàn năm và đã từng thương yêu đoàn kết xây dựng cột trụ vững chắc cho nước nhà đến ngày hôm nay.

          -Ngài còn cho biết theo lời truyền dạy của Tổ Thầy thì cả tam giáo Phật Thánh Tiên cần hiệp nhứt để lo độ dân cứu nước. Chẳng nên say đắm những vật chất tạm giả hiện tiền, vì những thứ đó đã làm cho chúng ta phải lìa quê hương bản xứ và chuyển luân trong sáu nẻo luân hồi trên mười ngàn năm rồi.

          -Mỗi khi nhắc đến chuyện đó Đức Giáo Chủ quá thương xót chúng sanh, nên Ngài kêu gọi toàn dân hãy thương yêu đoàn kết lẫn nhau. Nhứt là phải quay về con đường đạo đức để được có mặt dự hội Long Hoa, gặp Phật gặp Thầy. Bởi ngày ấy Phật Trời sẽ phân định hiền còn dữ mất, và “Phật Tiên Thánh an bang cùng định quốc”.

CHÁNH VĂN

“Lôi âm giục khởi tiếng đờn

          90.-Thất sơn dấy loạn là cơn hiểm nghèo.

                   Nơi phía trước cheo leo tiếng khóc,

                   Đứng sau lưng hình vóc dảy chưn.

                        Nước kia lửa nọ tưng bừng,

          94.- Thảm cho thế sự lẫy lừng nạn tai.

                   Thời cũng tại không ai tu niệm,

                   Cứ lẳng lơ ngạo biếm khoe khoang.

                        Đến nay là buổi tai nàn,

          98.- Tam thiên lục bá khắp tràng hại dân.

                   Đến Thân Dậu Thánh Thần náo động,

                   Thảm cho trần nhà trống ruộng hoang.

                        Tiếng than lụy ngọc nhỏ tràn,

          102.-Nạn tai dồn dập xóm làng còn chi.

                   Khuyên sanh chúng rán ghi mối đạo ,

                   Lòng hằng lo ngay thảo nghe con.

                        Tương dưa giữ phận cho tròn,

          106.- Cuối niên Thân Dậu mất còn sẽ phân”.

 

CHÚ THÍCH

          LÔI ÂM GIỤC KHỞI TIẾNG ĐỜN: Lôi âm nói cho đủ là Lôi Âm Tự ở Tây thiên trước, tức chùa Lôi Âm (Ấn Độ) nơi Đức Thích Ca thường cư ngụ thuyết pháp. Tiếng đờn là chỉ cho lời thuyết giáo của Phật. Ý nghĩa nguyên câu là nói Đức Thầy đem lời giáo pháp của Đức Phật Thích Ca giáo hoá chúng sanh:

                   “Đờn lôi âm khởi điệu êm tai”.

                                      (Diệu pháp Quang minh)

          THẤT SƠN: Bảy núi (Xem chữ TS, trong STTĐ, trang 36).

          DẤY LOẠN: Cuộc loạn lạc nổi lên.

          LẲNG LƠ: Tánh cợt nhả, lả lơi, chỉ người đàn bà không có hạnh nết “Gái lẳng lơ tiếng quyển lời đờn”.

                                                (Khuyến Thiện, Q.5)

          BAO BIẾM: Kiêu căng tự đắc và hay chê bai , biếm nhẻ người.

“Mặc ai biếm nhẽ gần xa,

Nói quỉ nói tà đây cũng cam tâm”.

                                                (Sấm Giảng, Q.1)

          TAM THIÊN LỤC BÁ: Ba ngàn sáu trăm (3.600) manh mối tà đạo. Đức Thầy từng viết:

                 “Tam thiên lục bá giáng lâm trần,

                   Khóc tử lan tâm biến họa dân”.

                                      (Tặng ông Huỳnh Hiệp Hòa)

          THÂN DẬU: Hai năm Giáp Thân và Ất Dậu. Chỉ cho hai năm (1944 – 1945 cuối thế chiến thứ hai)

          NÁO ĐỘNG: Không an ổn

          NHÀ TRỐNG RUỘNG HOANG: Cảnh chạy giặc nhà dỡ vách bỏ trống vì sợ giặc đốt, đồng ruộng bỏ hoang không ai làm, vì lo trốn giặc và giá lúa lúc ấy quá rẻ, chỉ 20 xu hoặc 25 xu 1 gịa; nên dân chúng đổi sang nghề khác làm ăn (chỉ cho các năm 1944 – 1945).

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 89 tới câu 106)

          Đại lược các câu giảng trên Đức Thầy nói Sấm kinh của Ngài truyền dạy, gốc từ Đức Phật Thích Ca thuyết giáo; cũng ví như tiếng đờn dễ rung cảm các căn lành sớm thức tỉnh tu hành. Ngài còn cho biết chừng nào tại vùng Bảy Núi miền Nam nước Việt có cuộc giặc loạn xảy ra, đó là cảnh hiểm nguy đến với dân chúng: Nào nước dâng, lửa cháy, thây nằm chật đất, nào tiếng kêu than thảm thiết.

          -Cảnh trạng đó là do từ trước tới giờ rất ít người tạo nhân từ thiện, mãi lo chê bai nhạo báng người tu, khinh khi Trời Phật, tạo điều hung ác, nay đã đến thời kỳ trả quả. Ngài còn nói rõ đến ngày kết cuộc sẽ có ba ngàn sáu trăm manh mối tà đạo xuất hiện; họ bày đủ mưu mô xảo quyệt, khí giới tối tân để tàn hại sanh linh.

          -Đoạn tiếp, Đức Giáo Chủ tiên tri đến 2 năm Thân và Dậu, dân chúng phải chịu nạn tai dồn dập cho đến Thần Thánh cũng không yên; nào cảnh nhà trống ruộng hoang xóm làng tan tác, tiếng than khóc khắp nơi, lệ tràn khó ráo.

          -Do đó, Đức Thầy khuyên dạy khắp chúng dân sớm quay đầu hướng thiện, ghi nhớ lời giáo huấn của Phật của Thầy để thiệt thi cho tròn vẹn hai điều trung và hiếu, đó là then chốt của đạo làm người. Đồng thời phải chừa nghiệp sát sanh bằng cách vẹn gìn trai giới, kiên nhẫn tu hành chờ đến 2 năm Thân Dậu, Phật Trời sẽ phân định việc hư nên còn mất cho cả nhân loại.

 

CHÁNH VĂN

                  Trong một giáp ân cần suy tính,

                   Muốn làm hiền rán nhịn đừng than.

                        Đến nay gần buổi khoa tràng,

          110.-Minh quân xuất thế khắp tràng thảnh thơi.

                   Đến Thân-Dậu cơ trời thấy lộ,

                   Hết đao binh qui cổ diệt kim.

                        Gia vô bế hộ im lìm,

          114.-Lập thành mối đạo rõ điềm xưa kia.

                   Thì dân chúng danh bia hậu thế,

                   Phật, Thánh, Tiên kềm chế lập thành.

                        Diệt tà lập chánh đành rành,

          118.-Ba màu nắm chặt Nam thành xử phân.

                   Trong tam giáo ân cần mở Đạo,

                   Trường ngoại bang phục đáo như xưa.

                        Phật Tiên vận chuyển lọc lừa,

          122.-Chúng sanh rán nhớ muối dưa hội nầy”.

 

CHÚ THÍCH

          MỘT GIÁP: Giáp là chữ thứ nhứt trong thập can: (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí) một giáp nhỏ là 10 năm, một giáp lớn là 61 năm.

          KHOA TRÀNG: Cũng gọi là khoa trường thi cử. Học văn chương tới kỳ hạn phải vào tràng thi để biết đậu rớt cao thấp. Còn kẻ học đạo hay hành đạo cũng có cuộc thi. Giảng xưa Bửu Sơn Kỳ Hương có câu:

               “Phật thi đức, trào quốc thi văn,

              Nhơn tùng thi chánh nhơn tăng thi lòng”.

          Theo Sấm thi PGHH thì việc thi cử có nhiều cách nhiều nơi: Thi cả đức lẫn trí, trong lúc đang tu đã có thi rồi. Thi với thời gian dài dặt, coi ai có bền lòng hay không ? “Ít ai giữ đặng chí bền, Tu theo nước lớn ròng bèn thả trôi”. Thi với vật chất danh lợi tình câu nhữ. Thi với tà đạo thính linh lôi kéo, cuối cùng thi tại trường thi đại hội Long Hoa, hiền còn dữ mất, Đức Giáo Chủ từng khuyến tấn: “Nếu chần chờ e trễ kỳ thi”.

          Và:     “Đến kỳ thi danh thầy chạm bảng,

                     Trên đài cao gọi các linh hồn”.

                                                  (Nang thơ cẩm tú)

          MINH QUÂN: Ông vua sáng suốt minh chánh. Đây chỉ cho vị thánh vương đời Thượng nguơn Thánh đức.

          CƠ TRỜI THẤY LỘ: Sắp tới đây bộ luật tuần hoàn của tạo hóa sẽ xoay chuyển cho dân chúng thấy rõ trước mắt.

          QUI CỔ DIỆT KIM: Tiêu diệt thời nay để xây chuyển lại thời xưa. Bởi người xưa thật thà chơn chất, con người nay thì xảo quyệt gian tà:

                    “Tận kim bởi quả kim điêu xảo,

                     Thế cổ vì nhân cổ thật thà”.(Thanh Sĩ)

          Đức Thầy thường nói:

                   “Người xưa tuy ít chữ nôm na,

                   Chớ chơn chất người ta ngay thẳng”.

          GIA VÔ BẾ HỘ: Nhà không đóng cửa, chỉ cho đời thái bình an lạc, như thời Nghiêu Thuấn thuở trước. Nhà dân chúng khỏi lo đóng cửa, ngoài đường của rơi không người lượm. Đây chỉ cho đời Thượng nguơn Thánh đức.

          NAM THÀNH: Thành trì nước Việt Nam.

          TRONG TAM GIÁO: Ba nền đạo lớn mà dân tộc Việt Nam ta đã tôn thờ từ trước là Phật Giáo, Lão Giáo và Thánh Giáo.

          PHỤC ĐÁO NHƯ XƯA: Được hưng phục trở lại như thời xưa. Vào thời nước nhà có quyền tự chủ (Đinh, Lê, Lý Trần, Lê), [ Đinh là Đinh Tiên Hoàng, Lê tức là nhà Tiền Lê (Lê Hoàn), Lý là Lý Công Uẩn, Trần là các vua nhà Trần, Lê là nhà Hậu Lê, tức Lê Thái Tổ Bình Định Vương Lê Lợi.] người Việt ta rất tôn sùng Tam Giáo. Các nhà vua thuở đó thường mở khoa thi những người dung thông tam giáo ra giúp nước, nên cả nước đều xem Tam Giáo là Quốc Đạo. Sự đoàn kết của toàn dân rất chặt chẽ và đủ tinh thần nghị lực đuổi giặc xâm lăng phương Bắc.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 107 đến câu 122)

          -Bốn câu giảng trên Đức Thầy cho biết PGHH ra đời một năm sau là lâm vào vòng pháp nạn: nhưng Ngài khuyên môn đồ đã dốc chí tu hiền thì phải rán nhẫn nhịn và kiên tâm bền chí cho qua một con giáp lớn mới hết khó khăn. Và phải đợi khi nào có vị Thánh vương xuất hiện người tu sẽ hoàn toàn tự do thong thả.

          Đức Giáo Chủ còn nói: Đến hai năm Thân Dậu nào đó, cơ huyền tạo hóa sẽ lộ rõ, chiến tranh chấm dứt; đời Hạ nguơn sẽ chuyển lại thời Thượng nguơn Thánh đức như xưa. Khi ấy toàn dân chung hưởng cảnh thái bình an lạc (Gia vô bế hộ), ai ai cũng đều biết lo tu hành đạo đức.

          Bấy giờ cả dân chúng đều thống nhứt qui ngưỡng theo tinh thần Tam Giáo, khi ấy chư Phật Thánh Tiên (Tam Giáo) căn cứ nghiệp quả của mỗi chúng sanh mà mở cơ chọn lọc “Diệt tà lập chánh”.

          Hiện giờ chư Phật Thánh Tiên đều lâm phàm khai Đạo, khuyên nhủ nhân sanh sớm thức tỉnh qui về nẻo đạo, trai giới vẹn gìn, đó là nguyên nhân hưởng sự thái bình sắp tới. Bằng ai không hồi tỉnh, mãi gây nghiệp sát hại, hành động gian tà hung ác tất đành chịu cuộc chọn lọc hiền còn dữ mất.

CHÁNH VĂN

                 “Trên cùng dưới sum vầy một buổi,

                   Dựng mười hai may rủi mới hay.

                        Làm cho rõ mặt râu mày,

          126.-Thượng nguơn hồi phục là ngày an cư.

                   Cuối Thân Dậu y như Thượng cổ,

                   Thời nhơn sanh hết khổ đến may.

                        Đế Vương xuất thế là ngày,

          130.- Dậu, Thân bình trị trong ngoài âu ca.

                   Phân chỉ rành gần xa để dạ,

                   Chớ đảo điên phải đọa phải sa.

                        Nghĩ suy cho thấu mới là,

          134.-Một bầy Hồng Lạc nay đà thảnh thơi.

                   Khuyên sanh chúng nhớ lời ta tỏ,

                   Trước sau cùng chỉ rõ mối đàng.

                        Nhơn sanh giữ phận chớ than,

          138.-Minh Vương xuất thế mới an dân lành”.

 

CHÚ THÍCH

          DỰNG MƯỜI HAI: Tức mười hai bến nước. Sở dĩ hiểu các chữ nầy do thành ngữ “Mười hai bến nước” là vì Đức Thầy viết câu nầy có kèm hai chữ rủi may. Có nghĩa sống trong xã hội loài người có nhiều hạng khác nhau do hai từ may và rủi. Như may thì đặng giàu sang vinh hiển, sung sướng an vui. Rủi thì gặp nghèo hèn, gian lao cực khổ.

          Mười hai bến nước gồm có: Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục, Công, Hầu, Bá, Tước. (Sĩ là hạng học trò, Nông là làm ruộng, Công là người thợ, Thương là buôn bán, Ngư là làm nghề bắt cá, Tiều là người làm ra củi, Canh là người trồng tỉa, Mục là mục đồng, người chăn trâu, Công Hầu Bá Tước là chức tước phẩm vị các người làm quan cho một trào vua thời phong kiến. Công là quan có tước công, Hầu là quan có tước hầu, Bá là quan có tước bá, Tước là quan có chức tước).

          Trong văn chương thường dùng thành ngữ 12 bến nước để chỉ cho duyên phận của người phụ nữ, khi đi lấy chồng; được may thì nhờ, gặp rủi thì đành phải chịu:

“Linh đinh một chiếc thuyền tình,

                Mười hai bến nước gởi mình vào đâu? (Ca dao)

          Ở đây, Đức Thầy dùng thành ngữ “dựng mười hai” tức 12 bến nước trong câu giảng nầy là ý chỉ khuyên người tu hành trước khi tu phải chọn nền Đạo mà qui theo. Nếu được chánh đạo là may, còn lâm vào tà đạo là rủi. Như Ngài đã xác định và dặn dò môn đồ:

                   “Chọn bến nước rủi may trong đục,

                      Nếu chần chờ lục đục trễ chơn”.

                                            (Vọng Bắc hòa Nam)

          ĐẾ VƯƠNG: Đế có nghĩa là vua mà Vương cũng là vua, nhưng ở đây hai chữ đi cặp là muốn nói tới Đức Minh Vương tức ông vua minh chánh sáng suốt:

          “Thương Minh Vương bắt chước Thuấn Nghiêu,

                   Lòng hiền đức nào ai có biết”.

                                                     (Kệ Dân, Q.2)

          HỒNG LẠC: Cũng gọi là Lạc Hồng ý chỉ cho vua Lạc Hồng họ Hồng Bàng. Nhà vua có công lập quốc và sản sanh giống dân Việt Nam ta. Do đó, người Việt Nam từ trước đến nay đều cho mình là con Rồng cháu Tiên, hay con cháu Lạc Hồng:

                    “Hồng Lạc giống xưa rất tuyệt vời,

          Và:     “Bay mùi thơm cả tây đông,

                Bắc Nam nhơn vật Lạc Hồng thảnh thơi”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 123 đến câu 138)

          Đoạn Giảng trên ý cho biết hiện giờ đất nước Việt Nam đang bị mất quyền tự chủ, như trong một gia đình thiếu người cha cai quản. Nền đạo gặp hồi pháp nạn nhưng tín đồ hãy tin tưởng sẽ có một ngày chúa tôi thầy trò sum hiệp. Người tu hành đang sống trong cảnh rủi, đầy gian lao khổ nạn, song nếu biết nhẫn nại lo tu thân sửa tánh cho đến ngày lập lại Thượng nguơn tất được thong thả an vui.

          Đức Giáo Chủ cũng cho bá tánh hiểu thêm đến hai năm Thân, Dậu nước ta chẳng còn khổ như đã thấy. Vì đến đó “Phật Tiên Thánh an bang cùng định quốc”, lập lại đời Thượng nguơn an lạc như lúc khởi đầu Thượng nguơn.

          -Do đó hiện giờ Ngài kêu gọi vạn dân và môn đồ hãy ghi nhớ lời phân chỉ hầu lo trau thân hành đạo không nên làm ngược lại mà sau nầy phải chịu đọa sa khổ não. Đồng thời hãy dùng trí tuệ xét suy cho thấu đạt chơn lý của đạo để làm định hướng trên đường tu tiến hầu sau nầy cả nòi giống đều được thảnh thơi an hưởng.

 

CHÁNH VĂN

                  “Gội ơn Trời độ khỏi sai lầm,

                   Xin giúp chí bền chí dục tâm.

                   Hộ mạng thần Quan Âm trợ lực,

          142.- Nguyện thân ý nhiệm xứng công thần.

 

***

                                Từ bi Trời Phật độ quần sanh,

                   Cứu khỏi tai ương vạn sự lành.

                   Đệ tử gội nhuần ân đức cả,

          146.- Chung thân quyết chí dốc tu hành”.

 

CHÚ THÍCH

           GỘI ƠN: Nhờ các bậc bề trên ban ân huệ xuống. Ví dụ: Nhờ Trời Phật, vua, quan hay nhờ cha mẹ giúp đỡ.

          CHÍ BỀN: Cũng gọi là bền chí. Ý nói đã quyết chí tu hành, dù gặp sự gian lao trở ngại cũng bền dẻo, kiên tâm trì chí cho đến khi thành công. Đức Thầy từng dạy: “Đạo Phật là đạo từ bi bác ái, dĩ đức háo sanh, khoan hồng đại độ” bền bỉ dẻo dai, dung hòa nhẫn nại.

          QUAN ÂM: (Xem chữ Quan Thế Âm Bồ Tát trong  STTĐ, trang 332, Q.1, cột 1).

          Ý NHIỆM: Sự mầu nhiệm trong tâm ý con người.

          TỪ BI: (Xem trong STTĐ, trang 406, T.1, Q.1).

          QUẦN SANH: Cũng gọi là quần sinh. Quần là bầy, đông nhiều, chỉ cho số người đông; Sanh là các giới chúng sanh trong xã hội loài người. Đức Thầy từng nói: “Với quần sanh họ mang cái ơn rất nặng, cho nên họ phải dìu dắt sanh linh đi tìm chân lý đặng đáp tạ tấm lòng chiếu cố của thiện tín”.

          GỘI NHUẦN ÂN ĐỨC CẢ: Nhờ ơn Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng giác tỉnh và ban phúc huệ cho chúng sanh thấm nhuần lý diệu mầu Phật pháp giác ngộ tu hành:

                   “Nhuần gội ơn trên rải đạo mầu”.

                                                          (Tối Mùng Một)

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 139 đến câu 146)

          Đoạn nầy Đức Giáo Chủ viết hai bài thi Tứ cú. Ý nói chúng sanh đang sống trong thời Hạ nguơn mạt pháp mà được giác tỉnh tu hành theo chánh đạo là nhờ ơn Trời Phật ban bố. Vậy mỗi người hãy nuôi chí bền lòng tu tiến cho đạt đạo. Đồng thời hãy cầu nguyện Đức Quan Âm Bồ Tát dùng thần lực hộ trì thêm cho chúng ta sớm thấu đạt lý mầu nhiệm nơi tâm ý mình.

          -Chư Phật luôn có lòng từ bi bác ái, lúc nào cũng muốn cứu vớt nhơn sanh, nên các Ngài truyền dạy mỗi người hãy rán làm lành lánh dữ, để thoát khỏi tai nạn trong thời biến hoại tới đây. Chúng ta đã gội nhuần ân đức của các Ngài thì hãy quyết tâm dốc chí tu hành hầu đền đáp những đặc ân mà mình đã thọ nhận.

 

CHÁNH VĂN

“Buồn vơi mượn bút tay đề,

Đã rời trần-thế dựa kề Tiên-bang.

          Tay chèo miệng nói lang-mang,

150.-Chúng-sanh cách trở nghèo nàn hỡi ai.

          Lục châu ta dạo bằng nay,

Thấy trong lê-thứ quá dài gian-nan.

         Động tình tá quốc an bang,

154.-Nước nhà vững đặt Nam-đàng hiển-vinh.

        Bây giờ ta mượn kệ kinh,

Khuyên ai mau kíp sửa mình cho an.

       Bữa xưa giảng kệ một nang,

158.-Bởi vì ta mắc dời thoàn cảnh xa.

        Ngày nay ta cũng nôm-na,

Gẫm trong lê-thứ hằng-hà lụy rơi.

       Chừng nào mới đặng thảnh-thơi,

162.-Qua năm Tuất-Hợi Phật Trời định phân”.

 

CHÚ THÍCH

          BUỒN VƠI: Hơi buồn (từ hay dùng mở đầu câu văn có tánh cách buồn than).

          LANG MANG: Cũng viết là lan man. Có nghĩa nói chuyện nầy kế tiếp sang chuyện khác, không dứt. Ở đây Đức Thầy nhắc lại lúc đi dạo lục châu, tay Ngài vừa chèo miệng vừa kể chuyện khuyên tu không dứt.

          LÊ THỨ: Lê là đen; Thứ là đông, nhiều. Cũng có nghĩa như chữ Lê Dân (dân đen) chỉ cho tất cả dân chúng.

          TÁ QUỐC AN BANG: Bảo vệ giang san tổ quốc và giúp cuộc trị an cho quốc gia dân tộc.

          BỮA XƯA GIẢNG KỆ MỘT NANG: Bữa xưa là thời gian trên 100 năm về trước. Giảng kệ là lời Sấm Giảng khuyên tu của Đức Phật Thầy. Một nang có hai nghĩa:

          1/- Một nang thơ hay cái cẩm nang do người trước, bậc thầy hay cha mẹ lưu chiếu lại để dặn dò người sau hoặc kẻ dưới tay y theo đó mà thi hành công việc.

          2/- Một nang là cái mo nang gói những kỷ vật lưu để đời sau, bảo vệ được lâu ngày không bị chuột, gián gậm rách. Ở đây chỉ cho cái mo nang do Đức Phật Thầy gói các kỷ vật và quyển Sấm Truyền lưu để trên 100 năm, người sau tìm ra được ở Tòng Sơn. (Loại cau ăn trầu, mỗi buồng có vỏ bao bọc bên ngoài gọi là mo nang. Khi rụng xuống, người ta dùng cắt quạt, hoặc dùng gói cơm hoặc trầu cau vôi thuốc đem theo đường, không bị hư ướt).

          Từ khi Đức Phật Thầy Tây An rời Tòng Sơn đi vân du các nơi rồi dừng chân tại Trà Bư, gần mộ Phật Mẫu Rạch Cái Nai, xã Hội An. Bấy giờ bịnh ôn dịch lan tràn khắp nơi, bịnh nhơn đến nhờ Ngài điều trị rất đông. Ở làng Tòng Sơn cũng thế, dân làng nhờ ông Đoàn Văn Viên và Đoàn Văn Điểu (Bà con chú bác với Ngài) đến Trà Bư nài nỉ yêu cầu Ngài trở về đây độ bịnh cho dân chúng. Ngài không nhận, ý nói vì nơi đây bịnh nhơn còn đông lắm, các ông hãy trở về Đình vào chỗ Thầy nghỉ lúc trước, tìm lấy cái nang bằng mo cau, dùng làm đảy đựng vật dụng mà Ngài đã để lại đó. Trong đây có cây thẻ năm ông, ai có bịnh hãy vạt một miếng, khẩn vái Trời Phật rồi về nấu nước uống thì bịnh chi cũng tiêu trừ.

          -Thật vậy, trong cái mo nang còn lại, người ta thấy có một quyển Sấm Giảng, một tấm trần đỏ và một cây cờ ngũ sắc (thẻ năm ông). Tấm trần đỏ tức thời được thượng lên thờ tại Đình, quyển Sấm Giảng được truyền tay nhau đọc, còn cây cờ ngũ sắc thì chỉ trong ít ngày người ta thỉnh về uống sạch chẳng những lá cờ mà còn cả cán cờ, chưn nhang và tro nhang trên bàn cũng không còn. Bằng phương pháp đơn sơ như vậy, Đức Phật Thầy đã chận đứng được luồng bịnh ôn dịch tại làng Tòng Sơn.

          DỜI THOÀN: Cũng đọc là dời thuyền. Ý chỉ lúc Đức Phật Thầy rời đình Tòng Sơn ra đi bằng chiếc xuồng bần.

          NÔM NA: Tiếng Nôm là một thứ tiếng đặc biệt của người Việt Nam, dùng từ thời chúa Nguyễn trở về trước. Chữ viết hình thể giống chữ Hán, nhưng không phải chữ Hán, song đọc dễ hiểu nghĩa hơn chữ Hán.

          Sau đó, vì tùy theo trào lưu tiến hóa của nước nhà mà Đức Thầy sáng tác Sấm Giảng bằng chữ Việt ngữ (Quốc ngữ).

          TUẤT HỢI: Hai năm Tuất và Hợi. Đức Giáo Chủ tiên tri đến hai năm đó, Phật Trời sẽ phân định đâu ra đấy. Chúng tôi không dám quyết định là can chi nào (vì Thiên cơ) chỉ chứng minh những chỗ khác Ngài đã nói trùng hợp:

                   “Tuất Hợi nhị niên giai tiền định,

                   Huờn lai thượng cổ mới bình yên”.

          :   

“Sáng ngày con chó sủa tru,

Chừng heo cắn ổ hiềm thù mới yên”.

          Hay là:

                   “Đinh Hợi đáo niên tạo thiện nhân”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 147 đến câu 162)

          -Đoạn nầy Đức Thầy cho biết tiền thân của Ngài đã an tâm tu dưỡng nơi cảnh Tiên, nay vì quá thương xót chúng dân nên lâm phàm dùng bút mực viết ra Kệ Giảng, khuyên bá tánh thức tỉnh tu hành. Ngài chèo ghe khắp đó đây, miệng không ngới khuyên nhủ bá tánh tỉnh tâm tu niệm.

          -Lúc mới ra đời, Ngài có mượn chiếc ghe của Đức Ông đi dạo qua sáu tỉnh miền Nam. Nhân thấy khắp chúng sanh đang trong cảnh nước mất nhà tan, đói đau nghèo khổ, khiến Ngài kích động mối tình yêu dân mến nước, nên quyết tâm bảo vệ quốc dân Việt Nam cho đến ngày quang vinh tươi sáng.

          -Trước nhất, Ngài mượn lời Kinh Giảng kêu gọi người hãy sớm trau sửa thân mình cho tròn vẹn. Đức Giáo Chủ cũng nhắc lại tiền thân của Ngài, lúc còn là Đức Phật Thầy Tây An, cách đây trên 100 năm, trước khi Ngài rời khỏi làng Tòng Sơn, Ngài có lưu lại cho đời một quyển Sấm Truyền để trong cái mo nang mà sau nầy tín đồ sẽ tìm gặp.

          -Ngày nay Ngài trở lại cũng dùng Kệ kinh khuyên lơn trần thế hãy sớm thức tỉnh tu hành hầu khỏi nạn khổ sầu sắp tới. Điều cần nhất là mỗi người hãy rán kiên nhẫn tu hành chờ tới hai năm Tuất Hợi, Phật Trời sẽ định ngôi phân thứ, toàn dân đến đó sẽ hưởng cảnh vui tươi thong thả.

CHÁNH VĂN

          “Chim Ô đà dựa cầu Ngân,

164.-Người xưa trở gót cho gần người nay.

          Người nay rồi vẹn thảo ngay,

Thì là thấy tạn mặt mày người xưa.

          Nguyện cầu gắng chí sớm trưa,

168.-Cầu cho bá-tánh sớm ưa tu hành.

          Đầu đuôi ta tỏ ngọn ngành,

Mau mau trau trỉa chữ lành cho xong.

          Đến chừng lập hội mới mong,

172.-Trở về chúa cũ mới hòng xuê-xang.

          Người hiền chư thể cỏ lan,

Người hung chết rất chật đàng thảm thay.

          Cả kêu kìa hỡi là ai,

176.-Quan trường rời dứt mặt mày chùi lau.

          Lui chơn ra khỏi cho mau,

Tìm trong lánh đục tẩu đào mới ngoan.

          Theo ta đến chốn Tiên-bang,

180.-Đặng coi các nước hội hàng Năm-Non”.

 

CHÚ THÍCH

          CHIM Ô ĐÀ DỰA CẦU NGÂN: Chim ô nói cho đủ là chim Ô Thước, tức là chim Quạ và chim Khách. Hai loại chim nầy đều có sắc lông đen nhánh nên gọi là Ô; chim Khách có đặc tính là báo tin có khách đến. Còn chim quạ thì đội đá bắc cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau tại sông Ngân Hà. Ý nói những người có duyên lành với nhau thì sớm muộn gì cũng hội hiệp.

          Hai người vốn là hai ngôi sao trên nền trời (sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ), chữ Ngâu là do chữ Ngưu đọc trại. Chàng Ngưu Lang thì lo việc chăn nuôi, cày cấy; còn Chức Nữ thì lo thêu dệt vá may, việc làm rất siêng năng, Thượng Đế thấy thương cho hai người kết duyên tơ tóc, nhưng khi có đôi bạn lại sanh lười biếng. Thượng Đế bắt tội đày mỗi người một nơi cách sông Ngân Hà, hằng năm cứ tới ngày mùng bảy tháng bảy mới cho hai người gặp nhau một lần tại bến sông nầy.

          Tương truyền lúc Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau, có chim Ô Thước đến đội đá bắc cầu cho đôi đàng hiệp mặt.

          Tóm lại Đức Thầy dùng điển tích nầy trong đoạn Giảng nói trên là ý nói chúng ta (môn đồ) cùng Ngài đã có duyên thầy trò với nhau từ lũy kiếp. Nay Ngài mới trở lại dìu dắt chúng ta tiến lên con đường đạo:

“Bấy lâu chạnh cám ô ngân,

Ngày nay hiệp mặt phân trần sạ duơn”.

          Giờ đây tuy thầy tớ còn xa cách, song môn đồ nào biết xử sự thảo ngay cho tròn vẹn ắt một ngày kia chúa tôi, thầy tớ sẽ trùng phùng.

          NGƯỜI XƯA: Là nghĩa của người cổ, tức người đã có mặt độ đời trên 100 năm về trước. Ở đây chỉ cho Đức Phật Thầy Tây An, vì Ngài đã nhiều lần chuyển kiếp giáo độ chúng sanh.

          THẢO NGAY: Cũng gọi là ngay thảo. Có nghĩa tôn kính và vâng lời dạy bảo của ông bà cha mẹ gọi là thảo. Trung thành ngay chánh với tổ quốc gọi là Ngay. Thảo Ngay là hai vấn đề then chốt của đạo làm người:

“Thế gian ngay thảo đáp đền,

Ngày sau sẽ được chăn mền thơm tho”.

          TRAU TRỈA: Cũng viết là trau tria. Có nghĩa là trau chuốt giồi mài cho trơn láng tốt đẹp, nghĩa của sự tu.

          CHÚA CŨ: Ông vua rất minh chánh đã có nhiều lần cai quản đất nước Việt Nam, giờ đây sắp trở lại trị vì.

          XUÊ XANG: Sung sướng tốt đẹp.

          CỎ LAN: Cũng gọi là hoa lan, loại cỏ phụ sinh, sống gá rễ trên các loại cây khác, rễ bám vào da cây hoặc lan tủa ngoài không khí, có giống bám trên đá, trồng trên chậu, dưới đất. Hoa lan có mùi thơm và đẹp, có rất nhiều loài như: Chi lan, phong lan, thạch lan, và xuân lan. Lại còn biểu trưng cho tư chất trang nhã, phong lưu và đẹp đẽ:            “Hiệp chung một cuộc chi lan,

Rồng đà lố bóng đá vàng biết nhau”.

                                      (Viếng làng Mỹ Hội Đông)

          QUAN TRƯỜNG: Trường quan lại. Chỉ cho các quan chức thời Pháp thuộc:

“Quan trường miệng nói vang rân,

Mà tâm dính chặt hồng trần bụi nhơ”.

                                                     (Sấm Giảng, Q.1)

          TIÊN BANG: Nước Tiên. Chỉ cho cảnh siêu thoát hay đời Thượng nguơn Thánh đức tới đây.

          NĂM NON: (Xem từ Năm Non STTĐ, trang 247, cột 2, quyển 1).

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 163 tới câu 180)

          Đoạn giảng trên Đức Giáo Chủ cho biết Ngài và hầu hết tín đồ đều có duyên lành với nhau từ lũy kiếp và Ngài cũng đã có nhiều lần mở cơ phổ hóa; thế mà chúng sanh ít ai thấu hiểu. Nay là thời cùng cuối của buổi Hạ nguơn Ngài cũng có trách nhiệm độ chúng sanh sớm trau giồi cho mình trọn trung trọn hiếu để ngày lập hội gặp lại Ngài.

          Trên đường tu hành Ngài cũng khuyên mọi người hãy chuyên cần hai thời công phu lễ bái và siêng xem Kệ Giảng, vì Ngài đã kể hết mọi việc trong đó. Vậy mọi người hãy nên trau sửa cho thân tâm mình sớm được trọn lành trọn sáng.

          Có được như vậy, đến ngày hội Long Hoa tới đây thầy tớ chúa tôi đồng sum hiệp, đến đó người hiền rất quí báu như cỏ lan ai trông nhìn cũng yêu kính. Còn kẻ hung ác sẽ bị luật nhân quả đào thảy diệt vong.

          -Đức Giáo Chủ cũng kêu gọi những giới quan chức thời Pháp thuộc hãy tháo ra cho khỏi kiếp cúi lòn ấy để trở về với con đường thanh bai cao khiết hơn. Nhứt là hiệp mặt chúa tôi thầy tớ trong ngày đại hội tại vùng Năm Non Bảy Núi.

CHÁNH VĂN

181.-“Đạo Phật vốn ngàn xưa rạng tỏ,

Nay lu-lờ bị mõ cùng chuông.

Thấy chúng-sanh đắp Phật bán buôn,

184.-Mà tội lỗi ngàn muôn lao-lý.

Cho đó hiểu nhiều câu huyền-bí,

Rán nghĩ suy bền chí mới mầu.

Dẹp lợi-danh dẹp hết mộng sầu,

188.-Đặng trở lợi với cha cùng chúa.

Nếu chẳng lo cũng như lá úa,

Lá úa vàng nó rụng người ôi !

Ngàn năm mới có một đời,

192.-Tới chừng lập hội Phật-Trời xử phân.

Ai muốn gần bệ ngọc các lân,

Thì phải rán lập thân nuôi chí.

Ta cho đó ít câu hữu lý,

Diệt tâm trần lập chí hiền-nhơn.

Đục trong đà tỏ nguồn cơn,

198.-Lời ta khuyên đó như đờn Bá-Nha”.

 

CHÚ THÍCH

          ĐẠO PHẬT: (Xem từ ĐP, STTĐ, cột 1, quyển 1)

          LAO LÝ: (Xem từ LL, STTĐ, trang 193, cột 1)

          HUYỀN BÍ: Sâu kín mầu diệu vô cùng.

          LỢI DANH: (Xem từ LD, STTĐ, trang 205, cột 1, Q.1).

          MỘNG SẦU: Giấc chiêm bao sầu khổ. Ý chỉ cõi đời là giả tạm, lại còn là việc khổ đau sầu hận. Giống như người mơ tưởng việc không đâu rồi chuốc lấy sự buồn khổ.

                 “Lâm sầu mộng ở trong trần thế”.(Thiên lý ca)

          NGÀN NĂM: Mười lần một trăm là một ngàn nhưng chữ ngàn năm ở đây là chỉ cho số nhiều. Ví dụ: Việc đó cả ngàn đếm không xuể đâu

                “Cả ngàn năm nhơn tâm xao xuyến,

                Sao tu hoài chẳng thấy ai thành”.(GMTK, Q.4)

          PHẬT TRỜI XỬ PHÂN: Đến ngày lập hội Trời Phật căn cứ vào luật nhân quả mà phân định, thưởng phạt rất công minh, chẳng sai chạy ly nào:

“Có ngày mở rộng qui khôi,

Non thần vang chuyển Khùng ngồi xử phân”.

                                                      (Bóng Hồng)

          BỆ NGỌC CÁC LÂN: Bệ ngọc là bực thềm trước cung vua, người ta làm bằng ngọc ngà châu báu. Các lân: Các là lầu gác; Lân là chất phi kim loại, tự nó phát ra ánh sáng. Nếu để nó vào bóng tối thì tự nó sẽ phát ra ánh sáng.

          Hiểu chung 4 chữ Bệ ngọc Các lân là chỉ cho nội điện của bậc vua chúa ngự, người ta xây đắp toàn bằng ngọc ngà châu báu, tự nó chiếu ra ánh sáng. Nghĩa bóng: Lời nói những người tu chính chắn sau nầy sẽ được sống gần bậc vua chúa sang cả. Đức Thầy từng cho biết:

                   “Mấy người còn được xác thân,

            Thì là đài ngọc các lân dựa kề”.(Sám Giảng, Q.3)

          LẬP THÂN: (Xem từ LT, STTĐ, trang 195, cột 2, Q.1).

          NUÔI CHÍ: (Xem từ NC, STTĐ trang 255, cột 2, Q.1).

          DIỆT TÂM TRẦN: Trừ diệt lòng nhơ xấu tà ác, giữ tâm đừng khởi một vọng niệm chúng sanh nào cả, Đức Thầy hằng khuyên:

                    “Gìn giới cấm sửa tâm ô tạp,

                   Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà”.

          NGUỒN CƠN: (Xem từ NC, STTĐ, trang 274, cột 1, Q.1).

          ĐỜN BÁ NHA: (Xen từ ĐBN, STTĐ trang 130, cột 2, Q.1).

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 181 tới câu 198)

          Đoạn giảng thất ngôn trên đây, Đức Giáo Chủ muốn nhắc lại thời Đinh, Lê, Lý, Trần…tinh thần Đạo Phật luôn sáng tỏ. Vì cách tu hành của các Tăng Ni, Phật tử gần với nếp sống vô vi của Đạo. Song từ khi lối hữu vi của Thần Tú từ Trung Hoa truyền đến xứ ta thì Đạo Phật cơ hồ như bị mờ lu xuống dốc. Bởi trong giới hành Đạo và truyền Đạo chỉ biết chú trọng về âm thinh sắc tướng.

          -Vì lòng từ bi và có bản nguyện chấn hưng Phật giáo, Đức Giáo Chủ lâm phàm mở cơ phổ hóa, giải rõ sự sâu kín mầu diệu trong đạo pháp để khuyên mọi người hãy suy xét cho thấu đạt chơn lý.

          -Đồng thời phủi bỏ lợi danh, tài sắc, vì những thứ đó là ảo ảnh gạt lường dắt chúng ta vào giấc mộng triền miên sầu khổ ! Ngài khuyên mỗi người quay về chánh pháp vô vi, thực tế của ông cha ta từ trước. Bằng không được vậy khác nào như những chiếc lá vàng trên thân cây, sớm muộn gì cũng rơi rụng.

          -Theo luật tuần huờn cả bao ngàn năm mới có cơ hội may mắn, Phật Trời ân xá bớt tội căn và lập hội để phân xử, chọn lọc hiền còn dữ mất. Vậy ai muốn gần được đài mây Chúa Thánh thì hiện giờ phải lập thân hành đạo bền chí tu hành, diệt lòng tham nhiễm tài sắc vị danh mới toại nguyện.

          Và vì lòng quá thương xót sanh linh Đức Thầy mới kể hết sự tình: Hư, nên, tốt, xấu cho mọi người cùng nghe thấy. Lời lẽ của Ngài ví như tiếng đàn của Bá Nha, những người xem nghe hiện giờ phải có tâm hồn Tử Kỳ mới mong hội ý.

CHÁNH VĂN

       “Mặc ai biếm nhẻ gần xa,

200.-Lòng ta ta biết ai mà mặc ai.

         Đây khuyên đó đắng cay rán chịu,

         Mặc người trên bận-bịu chẳng phê.

       Muốn cho thân vượt khỏi lề,

204.-Cắm sào trì chí một bề lo tu.

Kim ngọc nan tri tường đông hải,

Phật tà phàm tục tất nan tri.

Ẩn xác phàm phu gìn Thích-đạo,

208.-Mặc tình thế sự chúng khinh-khi.

Mấy kẻ tu mi tròn nhơn đạo,

Hiền nhơn thức tỉnh kiến huyền-vi.

Ngay thẳng hiếu trung trang hiền thảo,

212.-Kim thời bá-tánh gọi ngu-si.

Nợ thế đền xong mong giai lão,

Hiền thần hiếu nghĩa đáng nên ghi”.

 

CHÚ THÍCH

          BIẾM NHẺ: Chê bai nhạo báng, nói xa nói gần:

“Dương trần biếm nhẻ gần xa,

Nói quỉ nói tà đây cũng cam tâm”.

          BẬN BỊU: (Xem chữ BB ở đoạn trước).

          CHẲNG PHÊ: Không đồng ý, chẳng chấp thuận.

          VƯỢT KHỎI LỀ: Lề hai bờ lề của một con lộ, ở đây chỉ con đường luân hồi sanh tử, chúng sanh cứ đi quanh trong đó khó mà vượt ra được. Nên Đức Giáo Chủ khuyên chúng ta phải tu hành cho thoát khỏi cái lề sanh tử để được giải thoát an vui.

          TRÌ CHÍ: Giữ chí bền lo tu niệm, không lý do gì chùn chơn thối bước.

          KIM NGỌC NAN TRI TƯỜNG ĐÔNG HẢI: Kim ngọc là vàng ngọc châu báu. Nan tri là khó biết. Tường Đông hải ai muốn có ngọc phải từng xuống biển mà bòn. Nghĩa bóng là nói cái Đạo không ngoài bản tâm, ai muốn thấu đạt phải quay về nơi tâm và cố gắng tu hành mới kết quả. Bởi cái đạo không có hình tướng sắc màu hay ngữ ngôn đối đãi. Người đứng ngoài cửa nhìn qua loa khó mà thấu đạt. Cho nên hành giả nào muốn thấu đạt, tất phải quay về nội tâm và cố gắng tu học giáo lý mới mong kết quả. Kinh Phật đã bảo:

          “Đạo giả vô chung thủy, minh minh hà xứ tầm.

          Thanh tịnh vô vi pháp, chánh đạo hiện chơn tâm”.

          Tạm dịch:

                   -Đạo vốn chẳng đầu đuôi sau trước,

                   Khắp muôn phương khó thể tìm ra.

                        Nếu tâm buông hết vọng tà,

                     Tự nhiên tánh đạo lộ ra nơi lòng.

          PHẬT TÀ PHÀM TỤC TẤT NAN TRI: Trong tâm của mỗi người đều có Phật ma hay Tiên phàm lẫn lộn. Nếu chúng ta chỉ nhìn hình tướng bên ngoài khó mà phân biệt được cần phải xét toàn diện từ hành động ngôn ngữ cả tư tưởng của họ mới hiểu được và đánh giá được.

          THÍCH ĐẠO: Đạo Phật cũng gọi là đạo giác ngộ do Đức Thích Ca khai mở và Ngài là Giáo Chủ:

                   “Đạo Thích Ca nhiều nẻo cao sâu,

                     Hãy tìm kiếm cái không mới có”.

          KIẾN HUYỀN VI: Thấy được lẽ sâu kín mầu nhiệm của Đạo. Đây chỉ cho người tu thấu đạt chơn lý.

          HIỀN THẦN: Người tôi hiền.

          HIẾU NGHĨA: Thích làm việc nghĩa, việc phải, giúp đời, nhưng chữ hiếu nghĩa ở đây còn có nghĩa là tu tròn nhân đạo. Đức Thầy hằng khuyên: “Nhơn sanh hiếu nghĩa dĩ vi tiên” : “Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên”.

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 199 đến câu 214)

          Người đã quyết tâm hành thiện thì dù cho đời có nhạo chê phỉ báng, mình cũng không màng kể, nên tự xét lòng mình có thật sự nhân từ ngay chánh là tốt, khỏi cần thanh minh biện lẽ với ai.

          Đức Giáo Chủ khuyên khắp môn đồ trên đường tu dù gặp kẻ cường quyền chưa chấp nhận hay người đời có đối xử cay đắng cở nào ta cũng vẫn nhịn chịu. Nhứt là mình đã dốc chí tu cho ra khỏi lề sanh tử thì hãy trì chí cho đến ngày thành quả, đừng bận tâm đến việc trở ngại hay nghịch cảnh chung quanh.

          -Vàng ngọc là thứ quí giá trong đời nên khó tìm được, ai muốn được phải lặn xuống biển mới bòn ra, cũng như chúng sanh sống trong đời, tâm trí của mỗi người Phật ma tà chánh lộn xộn, nếu chỉ nhìn qua loa bên ngoài tất khó hiểu, phải dùng cặp mắt trí huệ mới xét rõ đặng. Đức Thầy cũng nói rõ, chư Phật Thánh lâm phàm độ thế còn tiềm ẩn trong sắc thân con người, nên khách trần khó thấu hiểu.

          Người đời hay nhìn ngược chơn lý, những bực biết hiếu trung ngay thảo họ lại cho là ngu si. Song nhà tu không vì thế mà nản lòng thối chí cứ lo cho mình vẹn tròn câu trung hiếu và trả xong nợ thế là điều quí báu, sách sử nên ghi.

CHÁNH VĂN

          215.-  “Lâm sầu mộng ở trong trần thế,

          Việc tu hành như ế chợ đông.

              Mãng lo danh lợi não-nồng,

218.-Chữ tu để dạ chớ hòng lợt phai.

          Mặc tình ai gièm-pha tai tiếng,

          Sửa tâm lành như miếng hoa thơm.

              Đến chừng hoa nở nhụy đơm,

222.-Thì là trần thế mới hờm bẻ hoa.

          Câu đạo-lý thiệt tường thiệt tận,

          Khuyên dương-trần bớt giận đừng gây.

              Kìa kìa súng nổ trời Tây,

226.-Đến năm Thân-Dậu tai đầy sấm vang.

          Hung-đồ với lũ dọc ngang,

          Đến sau rơi máu khắp tràng mới tu.

              Thấy đạo-lý còn lu chưa tỏ,

230.-Dân ganh hiền ghét ngõ làm chi ?

          Buồn đời xuống bút làm thi,

          Thương dân chịu chữ cố lỳ dạy dân.

              Nào nào dân có biết ân,

234.-Mạnh rồi tưởng Phật vái Thần làm chi”.

 

CHÚ THÍCH

          LÂM SẦU MỘNG: Lâm là lâm vào, mắc vào. Sầu mộng là giấc chiêm bao sầu khổ. Ý nói kiếp sống của con người trong cõi trần gian quá ngắn ngủi, lại gặp nhiều khổ đau sầu hận, thế mà chúng sanh cứ mãi lầm lũi vào:

                   “Phù sanh nhược mộng đời lao khổ,

                   Tỉnh trí tu thân khỏi lạc lầm”.(Kh/thiện, Q.5)

          TRẦN THẾ: (Xem từ TT đã giải trong bài “Lộ chút cơ huyền”).

          DANH LỢI: (Xem từ LD đã giải trong bài “Lộ chút cơ huyền”).

          NÃO NỒNG: Cũng gọi não nùng. Có nghĩa não nề buồn bã lắm. Ví dụ: Tiếng than khóc nghe não nùng lắm:

                   Xuống dương thế dạo trong lê thứ,

                   Thấy bá gia gặp lúc não nùng”.(GiácMê, Q.4)

          ĐẠO LÝ: (Xem chữ Đạo lý đã giải trong bài đầu).

          SÚNG NỔ TRỜI TÂY: Tiếng súng nổ bên Âu Tây. Chỉ trận thế chiến thứ nhì, Tây Âu bị Đức-Ý đánh trước.

          THÂN DẬU TAI ĐẦY SẤM VANG: Hai năm Thân và Dậu (1944-1945) Nhựt Bổn bị Đồng Minh dội bom tại Sài Gòn Việt Nam.

          HUNG ĐỒ: Cũng gọi là hung đảng, tức lũ hung đồ, đảng dữ dọc ngang chuyên đánh lộn quậy phá. Đức Thầy có câu:

                   “Phồn hoa đô hội lưu giang huyết,

                     Dư đảng dọc ngang cấp Ma Ha”.

          GANH HIỀN GHÉT NGỎ: Cũng viết là ghét ngỏ ganh hiền. Có nghĩa hay ghét ghen đố kỵ những người có tài đức phẩm hạnh hơn mình, hay giàu sang hạnh phúc. Đây là một tánh xấu, không một ai chấp nhận. Đức Thầy cảnh giác:

                   “Thấy chúng sanh ghét ngỏ ganh hiền,

             Lo chế nhạo những người tu tỉnh”.(Giác Mê, Q.4).

          CỐ LỲ: Dạy hoài, dạy mãi người ta không nghe mà vẫn nói. Đây là vì từ bi Đức Thầy phải cố gắng dạy hoài chớ không phải cố lỳ như người thường.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 215 đến câu 234)

          -Chúng sanh sống trong cõi trần như trong giấc mộng, vừa ngắn ngủi, vừa gánh chịu sầu khổ. Lời giác tỉnh tu hành của Đức Thầy chẳng khác nào hàng hóa ở chợ bị ế. Vì nghiệp chướng ngăn che khiến người đua chen theo danh lợi rồi phải khổ vì nó, nên Đức Giáo Chủ khuyên môn đồ hãy ghi nhớ đường tu đừng để phai lợt.

          -Trên bước tu hành dầu gặp lắm tiếng đời gièm siểm cũng mặc cứ lo trau sửa thân tâm mình cho tốt đẹp thơm quí là được. Tâm lý người đời hễ thấy việc trồng hoa thì sợ khó, nhưng khi hoa trổ bông thì khởi lòng tham muốn.

          -Đức Giáo Chủ đem giáo lý giải bày cặn kẽ và khuyên mỗi người rán dẹp lòng mê si, hờn giận, để lo hành đạo cho kịp thời kỳ. Hiện giờ đây cũng thấy cuộc chiến tranh đã khởi dậy bên trời Âu, rồi đến các năm Thân Dậu sẽ tới đất Việt Nam mình. Và đến chừng thấy cảnh máu đổ thịt rơi người ngang tàng hung dữ mới chịu quày đầu hướng thiện.

          -Bởi nên đạo Đức Thầy mới khai mở, như ngọn đèn mới đốt chưa sáng tỏ, nên có lắm người ghét ghen đố kỵ, đón ngõ ngăn đường. Ngài cũng buồn khi thấy chúng sanh còn mê tối nên động lòng từ bi sáng tác Sấm Thi thức tỉnh dù ai không tin nghe Ngài cũng khuyên đời mãi mãi. Thế mà bá tánh đâu xem đó là ân nghĩa, khi có bịnh thì tới nhờ điều trị, lúc bịnh lành thì lơi đi sự kính tin Trời Phật.

 

CHÁNH VĂN

235.-“Lời châu ngọc khuyên ai để dạ,

       Nay gặp người quái lạ tỏ phân.

            Hãy mau khuya sớm chuyên cần,

238.-Đặng xem chư-quốc non Tần giành chia.

       Nay nhằm lúc đêm khuya lặng-lẽ,

      Nhắn ít lời cho kẻ đàng xa.

            Phật-nhi tâm tánh thật-thà,

242.-Ông còn phân biệt chánh tà nữa thôi ?

            Dương-trần thường bạc như vôi,

Gặp cơn bát loạn mới hồi tâm hung.

       Lúc áo-não cội thung lo liệu,

246.-Gắng bền lòng bận-bịu vì ai.

            Thất-Sơn lộ vẻ đài lầu,

248.-Chừng ni mới thấy nhiệm mầu của ta”.

 

CHÚ THÍCH

          LỜI CHÂU NGỌC: Lời của chư Phật Thánh, hay các danh nhân nói ra để dạy đời có lợi ích nên ai cũng tôn trọng như vàng ngọc. Ví dụ: Đó là kim ngôn, hay lời vàng tiếng ngọc.

          NGƯỜI QUÁI LẠ: Người khác thường. Lúc Đức Giáo Chủ mới khai sáng nền đạo mỗi cử chỉ hành động đến cách trị bịnh đều có khác hơn người thường, người thường thì họ tỏ ra mình là Phật Thánh còn với Ngài thì Ngài cũng xưng là Điên Khùng thậm chí còn tỏ ra mình là ngu dại. Lúc tiếp chuyện với mọi người có khi Ngài tỏ ra nửa hư nửa thật, nếu ai chịu khó xét kỹ lại sẽ thấy tài đức, tâm hạnh và trí thông minh của Ngài vượt hơn kẻ tầm thường. Ngài cũng từng thố lộ:

                    “Ta bây giờ tu niệm tầm thường,

                   Sau danh thể sạ hương khắp chốn”.

          NON TẦN: Chỉ cho vùng Bảy Núi theo Sấm Giảng của Đức Phật Thầy Tây An BSKH và Giáo lý PGHH thì vùng Bảy Núi (Thất Sơn) được gọi là Non Tần. Đức Giáo Chủ đã xác định:

“Ở đây một buổi ghe lui,

Về trên bảy núi ngùi ngùi thương dân.

Thầy trò chẳng nại tấm thân,

             Rảo khắp non Tần bận nữa thử coi”.(SG, Q.1)

          PHẬT NHI: Cũng gọi là Phật tử (Phật nhỏ, Phật chưa thành) hay gọi cách khác là đệ tử con em của Phật.

          CỘI THUNG: Cây thung là một loại cây thân lớn, cao có thể trên 20 mét. Vỏ nức nẻ, màu xám nhạt, lá hình bầu dục, trái có răng ngắn, hoa hợp thành hình tháp, có thể làm thuốc trị bịnh nhuận trường và thanh huyết. Nghĩa bóng: Là cây thung thân lớn cây cao, sống lâu nên ví như người cha cai quản trong gia đình do thành ngữ “Thung cỗi huyên già”. Thung chỉ cho người cha, huyên biểu trưng cho người mẹ. Đức Thầy thường dùng:

                   “Gẫm xác trần còn cách cội thung,

                     Đâu có được giũ mùng quạt gió”.

          Và:

“Lo bề cúc dục cội thung,

Nghe lời thầy dạy việc chung của đời”.

          THẤT SƠN LỘ VẺ ĐÀI LẦU: Theo Cơ Sấm của BSKH và Giáo lý của PGHH, các Ngài cho biết kết cuộc tại vùng Bảy Núi (Thất Sơn) sẽ có đền đài điện ngọc lộ ra do thiên tạo. Đến đó người đời mới thấy rõ sự mầu nhiệm của Tiên Phật:

                   “Lầu đài núi Cấm lộ nay mai.

                   Thức tỉnh chúng sanh mới tỏ bày”.

          Và:     “Chừng Bảy Núi lầu son lộ vẻ,

                     Thì người già hóa trẻ dân ôi !”.

          NHIỆM MẦU: Sự sâu kín mầu diệu trong Đạo Phật.

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 235 tới câu 248)

          -Lời Sấm kinh của Đức Thầy là lời của chư Phật Thánh truyền dạy, nó quí báu như vàng ngọc, nên Ngài khuyên môn đồ hãy ghi nhớ vào lòng để thực hành theo vì đời sống dưới thời Pháp thuộc, nên sự độ đời của Ngài có khác hơn các ông Đạo thường tình. Do thế, có lắm người cho là kỳ quái, khó mà tin được. Ngài hằng khuyên mọi người và môn đồ, đã qui y theo Đạo thì đối với hai thời lễ bái phải chuyên cần để sau nầy được xem các lân quốc tranh giành châu báu tại vùng Bảy Núi.

          -Đoạn nầy Đức Thầy cho biết nhân một đêm trời trong thanh lặng, Ngài tỏ lời khiêm nhượng với ông Châu và môn đồ rõ, Ngài chỉ là một Phật tử như bao nhiêu người khác, nhưng đã quyết nối chí chư Phật dùng lời chân thật khuyến dạy nhân sanh. Vậy ông và mọi người còn phân vân tà chánh nữa chi.

          -Ở đời ít ai theo đạo được chung thủy đến cùng, nhưng khi gặp tai nạn mới chịu hồi tỉnh lòng hung ác của mình. Cho nên Đức Thầy khuyên mỗi người khi tỉnh thức hãy sớm lo tròn nhân đạo. Nhứt là ân Tổ Tiên Cha Mẹ phải làm con cháu phải sớm hôm lo nuôi dưỡng báo đền và hãy bền lòng tu tỉnh, chẳng nên bám víu theo cảnh giả tạm sầu đau nầy nữa.

CHÁNH VĂN

(Từ câu 249 tới câu 266)

249.-“Khuyên bổn-đạo gần xa nuôi chí,

       Lẽ nhiệm-mầu huyền-bí nơi đây.

Bây giờ nương bóng cờ tây,

252.-Mượn phần xác thịt tỏ bày thiệt hơn.

      Thương sanh-chúng đòi cơn dạ ngọc,

     Ta quyết gìn chủng-tộc giang-sơn.

         Ta khùng mà chẳng có cơn,

256.-Cũng không có tánh giận hờn bá gia.

      Cười rồi khóc thiết-tha liệu-điệu,

     Vợ xa chồng bận-bịu thê lương.

         Chẳng cần trà, quả, nồng hương,

260.-Miễn cho bá-tánh biết đường chơn tu.

     Nghe kệ sám như ru giấc mộng,

    Lo chê cười hầu họng reo vang.

        Ỷ mình nhiều của giàu sang,

264.-Phụ khinh tông-tổ chẳng màng người xưa”.

 

CHÚ THÍCH

          BÓNG CỜ TÂY: Bóng cờ tam sắc của người Pháp ở Tây Âu nên gọi cờ Tây. Lúc Đúc Thầy mới khai Đạo (1939) chúng ta sống dưới thời Pháp thuộc.

          ĐÒI CƠN: Lắm khi, lắm lúc, nhiều lần, từ hồi, từ lúc. Truyện Kiều có câu:

                   “Nghĩ nhiều cơn lại sục sùi đòi cơn”.

          DẠ NGỌC: Lòng trong trắng quí báu như ngọc ngà. Nghĩa bóng là chỉ cho tâm hồn thanh tịnh của chư vị Phật Tiên. Đức Giáo Chủ từng nói:

                    “Nhắc ra thì dạ ngọc đớn đau,

              Không nhắc đến biết dâu dân sửa”.(Giác mê, Q.4)

          CHỦNG TỘC: Nòi giống dòng họ mình.

          GIANG SƠN: Sông và núi. Ý chỉ đất nước, dân tộc. Ví dụ: Giang sơn tổ quốc Việt Nam. Đức Thầy có câu:

                   “Mao Việt giang sơn bờ cõi vững,

                     Đuổi loài Phiên tặc lội về không”.

                                                (Phỏng đá trả lời)

          ĐƯỜNG CHƠN TU: Nghĩa của chữ Bát Chánh Đạo. Là con đường chơn chánh đúng với chơn lý, có diệu năng đưa được người ra khỏi sanh tử.

          TÔNG TỔ: Ông cha tổ tiên dòng họ của mình.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 249 tới câu 264)

          -Đoạn giảng trên Đức Giáo Chủ khuyên môn đồ phải nuôi chí bền lòng để chịu đựng qua thời gian khó khăn dài dặc. Bao nhiêu cơ mầu và giáo lý huyền diệu thâm sâu Ngài đã bày tỏ trong bài giảng nầy. Hiện giờ Ngài phải nương thời Pháp thuộc và tạm mượn thân phàm tục nói hết mọi việc hư nên tốt xấu.

          -Vì lòng quá yêu sanh chúng lâm cơn đồ thán, nên lòng Ngài xót xa nhiều đoạn và lúc nào cũng quyết tâm dốc chí bảo trì giống nòi và giang sơn tổ quốc.

          -Ngài thấy cảnh đau thương tang tóc của chúng sanh; nào là chiến tranh giặc loạn, nào vợ xa chồng, con phải lìa cha như đàn gà chiu chít, thật là cảnh nửa khóc nửa cười. Ngài giác đời chẳng cần nhu cầu hương đăng trà quả, miễn sao mọi người đều biết trở về với con đường đạo đức là quí.

          Vì mãi say mê trong giấc mộng trần gian, bá tánh không màng nghe đến lời Kệ kinh Sấm giảng, mảng lo chế nhạo người tu. Và ỷ mình nhiều tiền lắm của, rồi phụ bạc lời giáo huấn của ông cha mình từ trước.

 

CHÁNH VĂN

265.-“Mặc ý ai ghét ưa ưa ghét,

        Lấy tâm thần xem xét thể nao ?

           Sấm vang thì lộ bảng vàng,

268.-Chư nhu thế giới khắp tràng tới thi.

       Chữ thi gần chữ sầu-bi,

  Bị ham của báu ly-kỳ máu rơi.

271.-Chừng đó mới trời ơi đất hỡi,

       Mang khổ hình vì bởi chẳng tu.

           Ham vui quyền quí dại ngu,

274.-Chữ sang danh vọng như mù đi đêm.

        Ta nào có nói thêm cho chúng,

        Quá yêu đời viết túng ít câu.

            Ít câu mà ý nhiệm sâu,

278.-Nghĩ suy cho cạn mới hầu khôn-ngoan.

      Đây sắp đến lầm than khắp chốn,

     Việc tu hành đâu tốn tiền chi.

          Nầy nầy lời lẽ rán ghi,

282.-Sau đây sẽ thấy việc gì trên mây”.

         

CHÚ THÍCH

          TÂM THẦN: Phần khôn biết của con người, gồm có tâm và trí. Tâm chủ trì, tâm là chủ thể quyết định. Thần là trí quán xét sáng suốt, biết rõ không lầm. Đức Thầy bảo:

               Lấy tâm thần làm chủ mới mầu”.(Giác Mê, Q.4)

          Và:

                    Lấy tâm lấy trí xét soi”.(Dặn dò bổn đạo)

          THẾ NAO: Thế nào, việc ấy ra sao ?

          BẢNG VÀNG: Tấm bảng ghi tên những người đến thi và biết đậu rớt:

                   “Đến kỳ thi danh Thầy chạm bảng,

                   Trên đài cao gọi các linh hồn”.(Nang thơ C/tú)

          CHƯ NHU: Chư là nhiều, nhu là Nho. Chư nhu là chỉ cho một số thí sinh hay học trò đến trường thi cử.

          SẦU BI: Buồn rầu áo não. Bởi có đi thi tất có đậu rớt, may được đậu tất vui mừng, người bị rớt thì đau khổ.

          LY KỲ MÁU RƠI: Cảnh chiến tranh giặc loạn làm cho người chết máu chảy thịt rơi rất lạ lùng. Cảnh ấy Đức Giáo Chủ đã diễn tả:

                             “Tình riêng tham báu,

                               Đổ máu tuôn rơi.

                               Khùng mới nói chơi,

                               Chư bang hàng phục”.

                                            (Hố Hò Khoan)

          CỦA BÁU: Vàng bạc và ngọc ngà châu báu.

          QUYỀN QUÍ: Chức tước và quyền quí cao sang.

          MÙ ĐI ĐÊM: Đã mù mà lại bị mù thêm. Nghĩa bóng là chỉ những người từ trước tới giờ chưa gặp nền đạo chánh mà theo, giờ đây được may mắn gặp Đức Thầy khai Đạo mà họ vẫn chưa tỉnh ngộ, lại khinh chê là khác nên gọi là mù đi đêm. Đức Thầy có câu:

              Buồn cho lê thứ hết mù tới đui”.(Sấm Giảng, Q.1)

          VIẾT TÚNG: Đây là lời khiêm nhượng của Đức Thầy. Tuy Ngài đã bác lãm văn chương giáo lý, nhưng lúc nào Ngài cũng tỏ mình còn nghèo văn chương chữ nghĩa lắm. Hôm nay vì lòng từ bi mà Ngài viết ít lời vậy thôi.

          Ý NHIỆM SÂU: Đức Giáo Chủ PGHH sáng tác Sấm Giảng, tuy Ngài dùng văn chương bình dân, giản dị nhưng lý nghĩa rất thâm sâu mầu diệu, như Ngài đã nhiều lần lưu ý tín đồ:

                   “Coi rồi phải nhận cho hiểu lý,

                   Câu huyền sâu của kẻ Khùng nầy”.

                                           (Giác Mê Tâm kệ, Q.4)

          LẦM THAN: Cơ cực, khổ sở. Ví dụ: Dân ở đây đời sống rất cơ cực lầm than.

          VIỆC GÌ TRÊN MÂY: (Xem từ VGTM trong STTĐ, trang 274, cột 1, Q.2).

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 265 tới câu 282)

          -Đức Giáo Chủ PGHH mới khai Đạo có nhiều người kính tin, nhưng cũng có lắm kẻ không ưa, chỉ trích, nhưng Ngài không màng kể, còn khuyên mọi người hãy dùng tâm trí mình mà nhận xét coi thế nào. Và Ngài nói rõ chừng nào điện ngọc lầu đài tại Núi Cấm hiện ra thì chư nhu khắp bốn phương đều đến tranh giành thi cử.

          -Hễ có thi tất có kẻ đậu người rớt. Đậu thì vui mừng, bằng rớt thì sầu bi đau khổ, bởi đây là cuộc chọn lọc hiền còn dữ mất. Đến đó những kẻ không lo tu hành hiền đức dù có than trời trách đất cũng vô hiệu, vì họ từ trước không gieo nhân lành thì giờ đây đâu có quả thiện để hưởng.

          -Còn những kẻ mãi chạy theo danh vọng, cao sang quyền tước, rồi làm điều xấu xa tội ác, chẳng chịu hối cải thì ngày kết cuộc như người mù mà lại đi đêm (đã tối lại càng tối thêm). Đức Thầy vì quá yêu sanh chúng nên đem giáo pháp chơn chánh hiền từ giáo hóa khắp nơi, tuy Ngài thường thốt lời khiêm nhượng, nhưng trong đây hàm súc rất nhiều ý nghĩa cao sâu, mầu diệu. Vậy ai là người trí hãy để tâm suy xét.

          -Ngài còn cho biết từ đây bá tánh khắp hoàn cầu phải chịu lầm than đói khổ, để khuyên mọi người, mọi nơi đều sớm tỉnh ngộ tu thân hành thiện. Việc tu hành chẳng những không tốn tiền bạc mà sau nầy còn được xem các điều kỳ diệu diễn ra trên nền trời:

                   “Ôi ! Khổ thảm bốn bề sóng dậy,

                   Dòm lưng trời lửa cháy liên miên.

                        Tiêu điều sản vật điền viên,

            Thần thông biến hóa dưới miền trung ương”                                                               (Đến làng Nhơn Nghĩa)

CHÁNH VĂN

283.-“Ta mắc lánh tà-tây đa sự,

        Làm Điên-Khùng cũng tự lẽ ni.

           Ai là đáng bực tu-mi,

286.-Thương đời ta mới làm thi khuyên đời.

       Còn ẩn-nhẫn đợi thời đưa đến,

       Nên phải làm kẻ mến người khinh.

           Người hiền tâm trí thông-minh,

290.-Người hung cứ mãi chống kình với ta.

      Theo học cổ nôm-na ít tiếng,

      Làm nhiều điều xao-xuyến nhơn tâm.

          Chữ nhu ta học âm thầm,

294.-Ai là người trí rán tầm cho ra.

      Để đến luc phong-ba biến-chuyển,

      Cảnh hồng-trần tợ biển mênh-mông.

          Mới là sợ chết ước-mong,

298.-Mà không ai cứu bởi lòng ác-gian”.

 

CHÚ THÍCH

          LẼ NI: Lẽ nầy, việc đó, lẽ vừa qua.

          TU MI: Râu mày, chỉ cho hàng nam tử. Ví dụ: Bực tu mi nam tử hay làm được việc lớn.

          HỌC CỔ: Cũng gọi là học xưa, nền học cũ của Thánh Hiền dạy, chú trọng về luân thường đạo lý xử sự cho tròn đạo làm người. Nam có Tam cang, ngũ thường. Nữ có Tam tùng Tứ đức. Đức Thầy từng dạy:

“Theo tài học cũ nôm na,

Hỡi ai trí thức tầm mà cạn sâu”.

                                                (Dặn dò Bổn đạo)

          Hay là:

“Ngũ luân lễ nghĩa năm hằng,

Tam cang trung trực người rằng ngu si”.

                                                (Để chơn đất Bắc)

          XAO XUYẾN NHƠN TÂM: Náo động lòng người.

          CHỮ NHU: Cũng gọi là chữ Nho. Gồm cả chữ Tàu của Trung Quốc và chữ Nôm của Việt Nam.

          PHONG BA: (Xem chữ PB trong STTĐ, trang 319, cột 2, Q.2)

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 283 đến câu 298)

          Bởi người Pháp dùng chánh sách gắt gao đối với các tôn giáo Việt Nam, nên Đức Thầy xưng hiệu là Điên Khùng và giả vờ nửa hư nửa thực để đánh lạc hướng họ. Vậy ai là người tu mi nam tử sớm lo đọc học Kinh Giảng của Ngài, vì Ngài quá thương xót chúng sanh mới viết ra.

          -Lại thêm cơ trời vận chuyển lúc nầy chưa thuận tiện nên Ngài phải ẩn nhẫn để đợi cơ may phúc tốt đưa đến. Do đó mà công cuộc dạy đời của Ngài phải có kẻ khinh người mến. Song chỉ có những kẻ hung dữ mới chống kình với Ngài. Còn người có tâm trí sáng suốt thì lúc nào cũng lo tìm học, tu sửa theo Kệ kinh.

          -Ngài đem học thuyết đạo đức của ông cha từ xưa khuyến dạy nhân sanh, làm cho mọi người phải ngạc nhiên vì họ thấy lúc bình thường không thấy Đức Thầy có học Nho Giáo hay nghiên cứu kinh văn Phạn ngữ, mà nay Ngài họa đáp các thể thơ đủ loại đều thông suốt. Theo Ngài cho biết đó là Ngài đã âm thầm tu học từ nhiều kiếp trước.

          -Ngài cũng tiên tri cho dân chúng hiểu, nếu ai không sớm hồi tỉnh, chừng cuối đời Hạ Nguơn sẽ có cuộc biến chuyển lập lại Thượng Nguơn, đến đó sẽ có những cuộc chiến tranh lụt lội “Thương hải Tang điền”, những kẻ hung dữ dù có hối cải lo tu cũng không kịp.

 

CHÁNH VĂN

299.-“Tiếng đờn hò liếu cống-xang,

     Đêm khuya khuyên-nhủ khắp tràng chúng-sanh.

     Chốn Phật-cảnh vắng tanh khách tới,

     Ta ra đời nên mới đổi thay.

          Bởi vì lời lẽ thẳng ngay,

304.-Cho nên chúng nó ghét bài phú thi.

      Thấy tăng-chúng sầu bi dạ mỗ,

      Kệ khuyên trần nước đổ lá môn.

          Khắp cùng làng xóm hương thôn,

308.-Vì khôn quá thế nên tồn lại ngu.

      Dạy đạo-đức người tu rạng lý,

      Mong cho người hữu chí làm theo.

          Không làm thì ắt mang eo,

312.-Làm xong vượt khỏi qua đèo chông gai”.

 

(H.H. tháng 7 năm Kỷ-Mão 1939).

 

CHÚ THÍCH

          TIẾNG ĐỜN: Cũng gọi tiếng đàn. Hò liếu cống xang là những phiếm bực trong phiếm đờn. Nghĩa bóng chỉ cho lời Sấm Giảng của Đức Thầy. Ngài viết có đủ nhạc điệu nhặt khoan trầm bổng, người nghe dễ rung cảm . Đức Thầy từng thốt:

                   “Đờn những câu tỉ mỉ rung hồn.

                     Cho người lành dạ ái bắt nôn,

                     Cúi đầu trước qui y Phật pháp”.

                                          (Nang thơ Cẩm tú)

          PHẬT CẢNH: Cũng gọi là cảnh Phật. Có hai nghĩa: Hiểu rộng là cảnh Tây phương Cực lạc, của Đức Phật A Di Đà. Hiểu hẹp là mỗi nhà của tín đồ đều có cảnh Phật, tức là ngôi Tam Bảo:

                 “Chớ bỏ lời thề nơi Phật cảnh”.(Thiên lý Ca)

          NƯỚC ĐỔ LÁ MÔN: Lá môn không bao giờ dính nước, nên đổ bao nhiêu nước nó cũng chảy trớt hết. Nghĩa bóng là chỉ cho lời khuyên dạy của Đức Thầy đã nhiếu lần mà người ta chưa chịu nghe.

          RẠNG LÝ: Sáng tỏ chơn lý của đạo hay đạt được đạo quả.

          ĐÈO CHÔNG GAI: Đèo là con đường leo qua núi, rất khó đi, lại gặp nhiều chông gai cản trở.

          Nghĩa bóng là chỉ cho đường tu rất khó khăn trở ngại; tuy nhiên, nếu hành giả vẹn giữ cái Đạo, tất sẽ vượt qua một cách dễ dàng.

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 299 đến câu 312)

          -Lời khuyên nhủ của Đức Thầy êm ả như bản đờn, thế mà ít người thức tỉnh qui đầu Phật pháp. Bởi từ trước có số người tu Phật sai lạc chơn lý, khiến lòng người giảm lòng tin đối với Đạo Phật trước sau như một. Song vì muốn hạp cơ duyên của mỗi chúng sanh và hoàn cảnh xã hội hiện đại mà Đức Giáo Chủ PGHH có thay đổi đôi phần về nghi thức và phương tiện hành đạo.

          -Cổ ngữ hằng bảo: “Lời thật mất lòng” “thẳng nét mực tàu tất phải đau lòng gỗ”. Thật vậy Đức Giáo Chủ đã làm cuộc cách mạng trong Đạo Phật, từ lối tu hữu vi, lìa đời yếm thế, đổi ra vô vi nhập thế, thi hành Bồ Tát hạnh; tất nhiên phải có số người ghét ghen đố kỵ.

          -Ngài cũng buồn lòng khi thấy số đông dân chúng chẳng quan tâm suy xét lời cảnh giác của Ngài để lo cải sửa, họ xem tiếng khuyên ấy như nước đổ lá môn; dù vậy, nhưng lòng từ bi của Ngài vẫn khuyên hoài khuyên mãi.

          Đoạn kết của bài Thiên Lý ca, Đức Thầy cũng nói rõ cho ông Châu và hầu hết môn đồ được biết lời trần tình của Ngài là quyết làm sao cho ngọn đèn chơn lý của Đạo Phật được tỏ rạng khắp nơi, để mỗi hành giả đều thấu đạt. nếu ai không tin và chẳng làm theo ắt khó tránh khỏi tai nạn hiểm nghèo sắp đến; bằng ai thi hành theo ắt đặng vượt qua các chặng đường chông gai hiểm trở và sớm được trở về với quê xưa cảnh cũ của mình:

                   “Cảnh Niết bàn là nơi cứu cánh,

                    Về chốn ni xa lánh hồng trần”.(Giác Mê, Q.4)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn