Bài thứ một trăm lẻ một -> Bài thứ một trăm lẻ ba

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 41472)
Bài thứ một trăm lẻ một -> Bài thứ một trăm lẻ ba

Bài thứ một trăm lẻ một

 

ĐỨC THẦY đáp họa (tt)

 

                   Canh trường dạ đoản, kiến canh sơ

                   Phổ hóa nhơn sanh trực thế chờ

                   Sư giả hạ trần nhơn mạt kiếp

                   Cấp hồi Nam Việt tác cuồng thơ.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-CANH TRƯỜNG: Canh: Thời gian một phần năm đêm (1/5), mỗi canh là 2 giờ. Trường: Dài. Nghĩa rộng: Đêm dài.

          DẠ ĐOẢN: Dạ: Bam đêm. Đoản: Ngắn. Nghĩa rộng: Đêm ngắn.

          KIẾN: Thấy, gặp gỡ.

          CANH SƠ: Đầu canh.

          *Tóm lược ý câu “Canh trường dạ đoản kiến canh sơ”: Thức suốt đêm thâu.

          2/-PHỔ HÓA: Phổ: Rộng rãi khắp nơi. Hóa: Dạy dỗ.

          NHƠN SANH: Nhơn: Người. Sanh: Sống. Nghĩa rộng: Người cùng sinh sống trên đời.

          TRỰC THẾ: Trực: Ngay, thẳng vào. Thế: Đời. Nghĩa rộng: Vào đời.

          CHỜ: Đợi, trông mong.

          *Tóm lược ý câu “Phổ hóa nhơn sanh trực thế chờ”: Đức Huỳnh Giáo Chủ ra đời khai đạo dạy dỗ nhân sanh.

          3/-SƯ GIẢ: : Ông thầy, hay nhà tu hành xuất gia. Giả: Kẻ, tiếng để chỉ người khác. Nghĩa rộng: Ông ấy là bậc thầy.

          HẠ TRẦN: Hạ: Xuống. Trần: Bụi bặm, ý chỉ cõi thế gian đầy bụi bặm nhớp nhơ. Nghĩa rộng: Lâm phàm.

          NHƠN: Căn do, nguyên nhân.

          MẠT KIẾP: Mạt: Ngọn, cuối cùng. Kiếp: Thời gian dài, thông thường với nghĩa một đời người. Nghĩa rộng: Kiếp chót.

          *Tóm lược ý câu “Sư giả hạ trần nhơ mạt kiếp”: Đức Huỳnh Giáo Chủ lâm phàm vì đời Hạ nguơn sắp kết thúc.

          4/-CẤP HỒI: Cấp: Gấp. Hồi: Trở lại. Nghĩa bóng: Mau quay gót.

          NAM VIỆT: Miền Nam nước Việt Nam.

          TÁC: Làm, viết.

          CUỒNG THƠ: Cuồng: Không thật tánh, ngây ngây dại dại. Thơ: Bài vận văn. Nghĩa rộng: Thơ điên.

          *Tóm lược ý câu “Cấp hồi Nam Việt tác cuồng thơ”: Lập tức xuống miền Nam nước Việt Nam, dùng thơ văn để khuyến khích tu hành.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Vì sứ mạng lâm phàm khai đạo, dẫn dắt chúng sanh tu hành cho đến ngày dự Long Hoa đại hội. Cho nên Đức Huỳnh Giáo Chủ vì nhiệm vụ chưa hoàn thành, mà phải thao thức suốt canh trường không an giấc.

 

Bài thứ một trăm lẻ hai

 

ĐỨC THẦY đáp họa:

 

                   Thôn hành thế lữ ái nhi ca

                   Cổ thụ huyền thi thiết nhĩ hà

                   Đái bích Lư Bồng thâm tải hận

                   Đãi thì Thiên định thiết phong xa.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-THÔN HÀNH THẾ LỮ: Thôn: Làng (xã). Hành: Trải qua. Thế lữ: Quán trọ. Nghĩa bóng: Ý nói những người sống trên thế gian tạm bợ như khách ở nơi quán trọ.

          ÁI: Yêu mến.

          NHI CA: Nhi: Mà, dùng để chuyển qua ý khác. Ca: Hát, ý nói bài văn. Nghĩa rộng: Lời văn thơ nói lên được điều gì đó.

          *Tóm lược ý câu “Thôn hành thế lữ ái nhi ca”: Cõi đời Hạ nguơn như quán trọ, mà chúng sanh là khách tạm trú.

          2/-CỔ THỤ: Cổ: Xưa. Thụ: Cây lâu năm. Nghĩa rộng: Cây có tuổi hay vật xưa, người xưa đáng kính trọng.

          HUYỀN THI: Lời văn sâu xa, kín đáo.

          THIẾT: Gần gũi, thúc bách.

          NHĨ HÀ: Nhĩ: Nghe. Hà: Từ dùng để hỏi. Thiết nhĩ hà: Gần gũi, nghe tường tận lắm là bởi vì sao ?

          *Tóm lược ý câu “Cổ thụ huyền thi thiết nhĩ hà”: Những lời thơ văn tuy cao thâm, nhưng khi nghe qua khiến gần gũi, được hoan nghinh là bởi vì sao ?

          3/-ĐÁI BÍCH: Đái: Đem, mang. Bích: Màu xanh. Nghĩa rộng: Viên ngọc màu xanh.

          LƯ BỒNG: Lư: Thảo lư. Bồng: Tên một hòn đảo Tiên: Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Nghĩa rộng: Nơi Tiên ở.

          THÂM: Sâu xa.

          TẢI HẬN: Tải: Chở. Hận: Giận. Nghĩa rộng: Ôm hận.

          *Tóm lược ý câu “Đái bích Lư Bồng thâm tải hận”: Nếu không nhân cơ hội gặp được Phật pháp ra đời, để lo tu hành, sẽ mang mối ân hận về sau.

          4/-ĐÃI THÌ: Đãi: Đợi chờ. Thì: Lúc, khi. Nghĩa rộng: Chờ cho đến lúc, khi nào đó.

          THIÊN ĐỊNH: Thiên: Trời. Định: Quyết như thế. Nghĩa rộng: Trời dành sẵn, trời ban cho.

          THIẾT: Gần gũi, thúc bách.

          PHONG XA: Phong: Gió. Xa: Xe. Nghĩa rộng: Đến thời kỳ, được dịp tốt.

          *Tóm lược ý câu “Đãi thì Thiên định thiết phong xa”: Dịp tốt để thi hành phận sự.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Con người sống ở cõi thế gian, tạm bợ như khách nơi quán trọ. Ngày nay may mắn gặp Phật ra đời, nếu không kíp lo tu hành, sau nầy hối hận thì đã muộn màng.

 

Bài thứ một trăm lẻ ba

 

KHÔNG KHÔNG

 

                   Đại đạo giáo dân, dân bất tri

                   Khai năng bạch phát đãi hà thi

                   Công danh phú quí chung huờn mộng

                   Kỳ cá miên qui thố nhứt kỳ.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-ĐẠI ĐẠO: Đạo lý quan yếu. Nghĩa rộng: Đạo Phật hay Phật giáo do Đức Phật Thích Ca là Giáo Chủ.

          GIÁO DÂN: Dạy dỗ, dìu dắt dân chúng.

          DÂN BẤT TRI: Dân: Người dân, bao gốm những người cùng sống trên cõi thế gian. Bất: Không, chẳng. Tri: Hiểu biết. Mọi người không hiểu thấu.

          *Tóm lược ý câu “Đại đạo giáo dân, dân bất tri”: Đem đạo dạy mọi người, nhưng họ không hiểu được mỹ ý đó.

          2/-KHAI NĂNG: Khai: Mở mang. Năng: Đủ sức. Nghĩa rộng: Có đầy đủ khả năng để mở mang cho rộng khắp.

          BẠCH PHÁT: Bạch: Màu trắng. Phát: Tóc con người. Nghĩa rộng: Tóc của người nào đó bị bạc trắng (còn gọi bạc đầu).

          ĐÃI: Chờ đợi.

          HÀ THI: Nói cho chính xác là Hà thì: Hà: Từ dùng để hỏi. Thì: Lúc, khi. Nghĩa rộng: Cho đến lúc nào đó, khi nào đó ?

          ĐÃI HÀ THI: Chờ đợi đến bao giờ ?

          *Tóm lược ý câu “Khai năng bạch phát đãi hà thi”: Chờ đợi cho đến khi bạc đầu mà vẫn chưa tròn ý nguyện.

          3/-CÔNG DANH: Công: Việc làm. Danh: Tên. Nghĩa rộng: Tiếng tăm, địa vị trong xã hội do mình tạo ra mà có được.

          PHÚ QUÍ: Phú: Giàu có. Quí: Sang trọng. Nghĩa rộng: Giàu sang vinh hiển, có tiếng tăm địa vị.

          CHUNG: Trọn vẹn, cuối cùng.

          HUỜN MỘNG: Huờn: Trở lại. Mộng: Giấc chiêm bao. Nghĩa rộng: Như giấc chiêm bao, không có thực.

          *Tóm lược ý câu “Công danh phú quí chung huờn mộng”: Địa vị, tiếng tăm trong xã hội như giấc chiêm bao, không thể tồn tại.

          4/-KỲ CÁ: Kỳ: Từ sở hữu, như: của nó, của chúng. Cá: Một cái, một việc hay. Nghĩa rộng: Việc hay ho ấy có ngày sẽ đến.

          MIÊN QUI: Trở về, theo về.

          THỐ: Tính làm một việc gì, đặt để.

          NHỨT KỲ: Thời gian được ấn định.

          *Tóm lược ý câu “Kỳ cá miên qui thố nhứt kỳ”: Có ngày nào đó sẽ đạt được thành công.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ đem giáo lý Phật Đà để dẫn dắt chúng sanh, nhưng họ nào có hay biết. Công danh phú quý như giấc chiêm bao, chỉ có con đường đạo đức mới thực tiễn, đem con người đến chỗ hạnh phúc. Công việc truyền bá kéo dài, nhưng có ngày nào đó cũng sẽ đạt được kết quả./.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn