III- TANG LỄ

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 52404)
III- TANG LỄ

CHÁNH VĂN

          Lúc Ông Bà Cha Mẹ từ trần, tục để tang chúng ta vẫn giữ theo cổ lệ, chỉ cần sửa đổi các sự như sau đây:

 

          Bây giờ chúng ta đã quy-y đầu Phật, thì phải do sự thành-tâm cầu nguyện, và đem sức khấn vái của anh chị em trong Đạo cầu nguyện cho vong-linh người chết được siêu-sinh nơi cõi thọ. Chẳng nên rước những ông thầy dưng bông, đốt giấy-tiền vàng-bạc, xá phướn lầu kho, vì đó là chuyện tốn tiền vô ích, bởi vì người ta nhận-định rằng xác thịt là hư hoại, thì trong lúc chết chỉ đem chôn cất cho kín đáo, đừng để hôi thúi có hại cho người sống, như thế là đủ rồi. Còn hiếu sự do hồi còn sanh tiền và do sự tu hành, sự thành-tâm cầu nguyện chớ không phải có tiền rước người khác cầu nguyện mà đạt được hiếu-thuận nhơn-nghĩa. Chỉ vọng bàn giữa nhà hay giữa trời cầu nguyện, rồi im lặng đi chôn.

 

          Việc cúng kiếng Ông Bà, Cha Mẹ, có chi cúng nấy trong những ngày kỷ niệm theo như tục lệ. Còn về việc đãi đằng hương đảng thì tùy ý. Những điều nào xét ra giản tiện, ít lãng phí cứ làm.

 

LƯỢC GIẢI

          Về MỤC TANG LỄ gồm có các phần:

          1-TỤC ĐỂ TANG:

          Về tang lễ, Đức Thầy dạy: Nếu trong nhà có người từ trần thì tục để tang được giữ theo cổ lệ. Tức là phong tục từ xưa do Tổ tiên của đất nước ta truyền lại, như : may y phục tang, khăn tang (vải trắng), bàn thờ tang, tổ chức lễ an táng; ba ngày cũng cúng khai mộ, cầu siêu 7 thất, tuần 100 ngày (bá nhựt), tuần giáp năm, tuần mãn khó (xả tang) và hằng năm cúng giỗ (kỷ niệm).(Tuần 7 thất tuy tục lệ từ trước nhưng xét đây là tục lệ chân chánh nên chúng ta còn giữ.)

            2-NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM:

          Theo ý Đức Thầy bảo: bây giờ chúng ta đã qui y đầu Phật thì trong cuộc an táng nên thi hành lễ cầu siêu trước giờ động quan. Nơi đây gồm có những bà con, thân bằng quyến thuộc và nhờ đồng đạo xa gần, thành tâm cầu nguyện cho hương linh người quá vãng được siêu thoát. Rồi mỗi người chấp nhang vào ngực hộ niệm đưa linh cữu đến nơi an táng.

          3-CÁC ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM:

          Căn cứ theo đây thì Đức Thầy không cho rước các ông thầy nhưn bông, làm đám; không đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo, xá phướn lầu kho; không dùng đờn kèn trống phách, chiêng đẩu..., không cho Đạo tỳ hò hét vang rân: ngày khai mộ không nên bắt gà kéo chung quanh mộ, làm cầu thang giả hay trồng mía lau; không dùng 5 ống tre gạo muối cắm theo năm hướng. Chỉ dùng nhang đèn, bông, nước, bánh trái mà cúng thôi. Vì các sự kiện trên đều là dị đoan mê tín.

          Đức Thầy đã nhiều lần mách bảo:

                  Vàng bạc bởi tay khách trú làm,

                   Phật, Thần, Tiên, Thánh chẳng dùng ham.

                   Giấy quần, giấy áo không nên đốt,

                   Nghĩ chuyện dối ma chẳng đáng làm”.

          4-NHẬN ĐỊNH VỀ SỰ CHẾT VÀ HIẾU SỰ:

          Xét rằng: con người có sanh tất có tử, có hình thành tất có hoại diệt, nên khi có người chết hãy đem chôn xác thể, đừng để hôi thúi mất vệ sinh chung.

          Còn sự báo hiếu là mình lo nuôi dưỡng ông bà cha mẹ lúc sanh tiền và lo tu hành, tác phước thiện duyên, để hồi hướng công đức cho ông bà cha mẹ đặng siêu thoát. Chẳng nên liệm vàng bạc theo, hoặc sát sanh hại vật mà cúng tế. Đức Thầy hằng cảnh giác:

Của tiền chớ có bỏ theo,

Chết rồi tế lễ bò heo làm gì ?

Nếu ai biết chữ tu trì,

Cha mẹ còn sống vậy thì cho ăn.

Không làm để ở lung lăng,

Chưởi cha mắng mẹ lăng xăng thiếu gì”.

          5-VIỆC TIẾP ĐÃI THÔN XÓM:

          Theo cổ lệ dân tộc Việt Nam xưa nay, không phân biệt tôn giáo hay giai cấp nào, hễ một gia đình có việc “Hôn, quan, tang, tế” thì các gia đình khác đều đến tiếp giúp qua lại với nhau.“Nhứt gia hữu sự bá gia ưu”.(Tục ngữ), cho nên trong đám tang tất phải có chòm xóm. Quan khách hoặc chánh quyền, tôn giáo bạn đến tham dự, kể như là những người ân nghĩa. Muốn đáp lại, Đức Thầy dạy: không phải đợi mâm cao cỗ đầy, mà nên đáp từ theo lễ nghĩa:“Tiếng chào cao hơn cỗ”(Tục ngữ). Còn việc tiếp đãi thì “xét ra điều nào giản tiện, ít lãng phí cứ làm”.( ĐT) Ngài có dặn rõ:

“Bỏ bớt rình rang một khi,

Nếu cha mẹ chết làm y lời nầy.

Là lời truyền giáo của thầy,

Bông hoa cầu Phật hiệp vầy đi chôn.

Còn mình muốn đãi làng thôn,

Thì là tùy ý đáp ngôn cho người”.

 

CHÚ THÍCH

          CỔ LỆ: Lệ xưa, tục lệ từ xưa lưu truyền lại.

          THÀNH TÂM: Lòng chí thành chí thật. Cổ Đức từng bảo:“Thành tâm sở chí, kim thạch vị khai”.( Ý nói sức mạnh sự thành tâm khẩn thiết hướng đến đâu có thể chẻ núi phá vàng đến đó). Cho nên Đức Thầy hằng dạy:

Thứ bảy Chánh niệm vậy thì,

Khi cầu khi nguyện chuyện gì thành tâm”.

          CÕI THỌ: Cõi sống lâu. Đây chỉ cho cõi Cực Lạc.

          THẦY DƯNG BÔNG: Cũng gọi thầy Nhưn bông. Tức là những người ăn mặc như nhà sư, nhưng chỉ chuyên đi làm đám, cầu siêu và tụng kinh mướn để lấy tiền công đức, làm hoen ố Đạo Phật. Đức Thầy bảo:

                  Kinh với sám tụng nghe thảnh thót,

                   Lũ nhưn bông tập luyện đã rành.

                   Đẩu với đờn kèn trống nhịp sanh,

                   Làm ăn rập đặng đòi cao giá”.

          GIẤY TIỀN VÀNG BẠC: Tờ giấy trắng họ in hình đồng tiền kẽm hồi xưa giáp (?) trong đó. Loại khác thì phết một khúc màu vàng, một khúc màu bạc, rồi gọi là giấy tiền vàng bạc.

          Từ lâu, có vô số người còn theo tục lệ dùng giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo và xá phướn lầu kho để đốt cho người chết mang theo hoặc gởi xuống âm phủ, mê tín rằng làm như vậy người chết xài được. Chớ họ có biết đâu những sự vật ấy là do bọn Vương Luân đời Đường (Trung Hoa) chế ra để phỉnh gạt người đới mà trục lợi. Đến bây giờ các thầy nhưn bông cũng còn tiếp tục làm theo, nên Đức Thầy mới khuyên:

                   Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi,

                     Chớ có đốt tốn tiền vô lý”.

          XÁ PHƯỚN LẦU KHO: Là hình xá hạt, xá ngựa, lầu kho, phướn sớ làm toàn bằng giấy và cỏ sậy nho nhỏ, do các thầy nhưn bông làm ra, để khi có lễ làm tuần, cầu siêu thì đem đốt. Họ mị dối với tang chủ rằng đốt đồ đó người chết ở âm phủ xài được và xá hạt xá ngựa sẽ mang phướn sớ ấy đến Trời Phật. Thật là giả dối lạ lùng. Đức Thầy thường giác tỉnh mọi người:

                   “Xá với phướn là trò kỳ quái,

                   Làm trai đàn che miếng thế gian.

                   Kẻ vinh hoa phú quí giàu sang,

                   Mướn tăng chúng đặng làm chữ hiếu.

                   Thương bá tánh vì không rõ hiểu,

                   Tưởng vậy là nhơn nghĩa vẹn tròn.

                   Thấy lạc lầm đây động lòng son,

                   Khuyên bổn đạo hãy nên tỉnh ngộ”.

          HIẾU THUẬN: Tôn kính, bảo dưỡng và thảo thuận vâng lời cha mẹ để làm tròn bổn phận con người.

          KỶ NIỆM: Ghi nhớ, tưởng nhớ. Đồng nghĩa với ngày cúng giỗ hay ngày kỵ cơm ông bà.

          HƯƠNG ĐẢNG: Thôn xóm, chỉ chung những người ở chung quanh.

          LÃNG PHÍ: Xài hao phí tiền của vô ích.

 

CÂU HỎI

          1/-Trong nhà có người từ trần, việc tang lễ Đức Thầy dạy làm sao ?

          2/-Nay đã qui y Phật, việc tang lễ nên làm và nên bỏ những gì ?

          3/-Mỗi tín đồ PGHH đối với xác người chết, có nhận định như thế nào ?

          4/-Việc cúng tế ông bà cha mẹ ra sao ? Và đãi đằng thôn xóm như thế nào ?

          5/-Đức Thầy dạy: cầu nguyện rồi im lặng đi chôn, nhưng tại sao niệm bài chú vãng sanh lớn tiếng, vậy im lặng đây là im lặng cái gì ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn