CHÁNH VĂN (Từ câu 161 đến câu 168)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 39623)
CHÁNH VĂN (Từ câu 161 đến câu 168)

161.“Từ đây sắp đến thảm-thê,

             Con lìa cha mẹ, vợ kia xa chồng.

                   Tới chừng đến việc ngóng-trông,

164. Trách rằng Trời Phật không lòng từ-bi.

                   Di-Đà lục tự rán ghi,

           Niệm cho tà-quỉ vậy thì dang ra.

                   Khuyên đừng xài phí xa-hoa,

           168. Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu”.

 

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 161 đến câu 168)

          -Đoạn nầy Đức Giáo Chủ tiên tri từ đây sắp đến cuộc chiến tranh loạn lạc, diễn ra cảnh chia ly thật là thê thảm “Con lìa cha mẹ vợ kia xa chồng”.(Sấm Giảng Q.1) Người đời nếu không cải ác tùng thiện, đợi khi đương đầu với cảnh ấy dầu có ăn năn thì việc đã muộn. Và chừng đó cũng đừng thống trách Phật Tiên sao thiếu lòng từ bi cứu độ.

          -Pháp môn niệm Phật là phương pháp thần diệu để cứu độ nhân sanh trong thời hiện đại. Chỉ có 6 chữ Di Đà, người trì hành không phân biệt đi, đứng, nằm, ngồi.    Đức Thầy dạy:

                   “Nằm , đi, đứng hay ngồi chẳng chấp”.

                                                          (Kệ Dân, Q.2)

          Mà lúc nào cũng gắng công chuyên niệm cho đến khi Tâm được thuần chánh (Chánh niệm). Không còn một vọng tưởng nào xen tạp thì chẳng những thoát khỏi nạn đao binh nước lửa mà còn được thân tâm thanh tịnh, chứng đắc “Cực lạc tại Mục tiền”.

          -Đồng thời với Pháp niệm Phật ta phải rán thi hành lời răn dạy của Đức Thầy:

          “Ta chẳng nên lười biếng, phải cần kiệm, sốt sắng, lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất…” “chẳng nên ăn xài chưng dọn cho thái quá và lợi dụng tiền tài mà đành quên nhơn nghĩa và đạo lý, đừng ích kỷ và xu phụng kẻ giàu sang phụ người nghèo khó”.(Tám điều Răn Cấm)

          Nếu ai thi hành được như thế là đúng với ý nghĩa của chữ “Lo Tu” tất được toại nguyện.

 

CHÚ THÍCH

         

          TỪ BI: (Xem chú thích đoạn 2 Bài Sứ Mạng)

          DI ĐÀ LỤC TỰ RÁN GHI: Là ghi nhớ, tưởng niệm 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” mãi mãi nơi tâm, đừng để một vọng tưởng nào xen tạp, đây là phương “Trì Danh niệm Phật”. Đức Thầy từng dạy:

                   “Rán trì tâm tưởng niệm canh thâu”.

                                                (Kệ Dân Q.2)

          Và:

                   “Muốn niệm Phật chẳng cần sớm tối,

                     Ghi vào lòng sáu chữ Di Đà.

                     Thì hiền lương quên mất điều tà,

                     Đặng hạnh phúc nhờ lòng cố gắng”.

                                                (Giác Mê Tâm Kệ)

          Nếu ai trì niệm được như thế thì ngoại cảnh không bị quỷ ma khuấy rối và nội tâm không còn tà vọng làm hoặc loạn.

          Về ngoại cảnh, Kinh Phật có dạy:“Người niệm Phật được có hào quang của Phật soi vào mình, ánh sáng chung quanh 40 dặm, nên ma không thể xâm phạm được. Đó là nhờ oai lực của Đức Phật A Di Đà và chư Phật mười phương hộ trì, mãi từ ngày phát tâm cho đến thành Đạo, trước sau mọi việc đều lành cả”.

          Ông Sư Vãi Bán Khoai cũng bảo:

“Niệm Phật có bốn Thần linh,

Thường thường ủng hộ bên mình mộ khan.

Niệm Phật tật bệnh tiêu tan,

Như sương tan nát, như hồ nước trong”.

          CÒN VỀ NỘI TÂM: Nếu ta cố gắng trì niệm lục tự cho đến khi “Nhứt tâm Bất loạn” thì vọng tâm tà vạy (Nội ma) không còn, tức diện kiến “Bản lai Thanh tịnh”.

          Đức Thầy từng dạy:

                  

                   “Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà”

                                      (Giác Mê Tâm Kệ Q.4)

          Và:

                   “Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp”.

                                      (Đáp lời cho Ông Phan Châu Bá)

            XA HOA: Ăn xài xa xí, chưng dọn lòe loẹt. Người xài xí xa hoa thì phải lao tâm mệt xác, chạy chọt tham cầu đủ cách để có tiền của ăn xài. Cho nên người càng ăn xài nhiều thì càng bị vật chất chỉ huy, Đức Thầy hằng khuyên dạy người ấy:

                   “Nhà giàu có xài không sợ tốn,

                     Phải để tiền cho kẻ nghèo nàn.

                     Lo ăn xài trà rượu xình xoàng,

                     Chừng khổ não phàn nàn căn số”.

                                      (Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)

          ĂN CẦN Ở KIỆM: Cần là siêng năng, chịu khó. Kiệm là tiết kiệm, biết bớt chỗ dư, bồi vào chỗ thiếu, không ăn xài vô lý. Đức Thầy từng dạy:

                   “Khuyên chúng sanh bỏ tánh biếng lười,

Phải sốt sắng làm ăn cần thiết.

Nghèo với đói từ đây sẽ biết,

Hàng ngoại bang bố thiết ta hoài.

Nên bá gia hãy rán miệt mài,

Dầu rách rưới cũng mau cần kiệm”.

                 (Giác Mê Tâm Kệ Q.4)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn