CHÚ THÍCH (Đoạn 5)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 43135)
CHÚ THÍCH (Đoạn 5)

THIÊN TÀO: Cũng như chữ Thiên Đình, chỗ Trời ở, triều đình trên Trời.

 THẾ GIỚI: Theo định nghĩa thông thường thì thế giới là vũ trụ, hoàn cầu. Tiếng gọi chung các nước trên mặt đất. Nói hẹp lại là một xã hội, một nhóm người riêng biệt, như Thế Giới người mù, Thế Giới nhà tu.

 Theo Phật học thì thế giới ta đang cư trú có tên là Thế Giới Ta Bà, chúng tôi chỉ giải thích thế giới nhỏ chúng ta đang ở mà thôi.

 Một thế giới gồm có: 1 Tu Di Sơn, 1 Mặt Trời, 1 Mặt trăng, 1 Tứ Thiên Hạ xung quanh núi Tu Di, 1 Tứ Thiên Hạ ở lưng chừng núi Tu Di, 1 Đao Lỵ Thiên, 1 Dạ Ma Thiên, 1 Đâu Suất Thiên, 1 Hóa Lạc Thiên, 1 Tha Hóa Thiên, 1 Sơ Thiền Thiên.

 Trong Tứ Thiên Hạ có 4 châu lớn nằm bốn góc núi Tu Di:

 1.- Đông Thắng Thần Châu.

 2.- Tây Ngưu Hóa Châu.

 3.- Nam Thiệm Bộ Châu.

 4.- Bắc Cu Lư Châu.

 Trong Nam Thiệm Bộ Châu gồm có 5 châu nhỏ là Á châu, Âu châu, Phi châu, Mỹ châu, Úc châu. Vậy chúng ở Á châu thì thuộc về Nam Thiệm Bộ Châu (một trong 4 châu lớn).

 HẠ NGƯƠN: Ngươn cùng cuối, ngươn sau rốt. Căn cứ vào luật tuần hườn của lý Tam Ngươn được phân định và diễn tiến như sau:

Thượng Ngươn : Thượng Ngươn Thượng
 Thượng Ngươn Trung.

Thượng Ngươn Hạ.

Trung Ngươn : Trung Ngươn Thượng.

Trung Ngươn Trung.
 Trung Ngươn Hạ

Hạ Ngươn : Hạ Ngươn Thượng.
 Hạ Ngươn Trung.

Hạ Ngươn Hạ.

 Cứ thế mà luân chuyển mãi, hễ hết Hạ Ngươn Hạ thì chuyển lại Thượng Ngươn Thượng, Thượng Ngươn Trung dần xuống. (Theo tài liệu của Vương Kim, tác giả quyển “Đời Thượng Ngươn”) Hiện nay nhằm Hạ Ngươn Hạ thì sắp chuyển sang Thượng Ngươn Thượng. Trong Giảng Ông Sư Vãi Bán Khoai có nói:

“Hạ Ngươn nay đã hết đời,

Minh Hoàng cầu Phật lập đời Thượng Ngươn”.

 Đức Thầy cũng bảo:

“Việc đời nhiều nỗi sầu bi,

Hạ ngươn đã hết loạn ly cơ đồ”.

 (Để Chơn Đất Bắc)

 VẬT DỤC: Lòng ham muốn các thù dục vật chất trong đời, như Danh Lợi Tình.v.v…

 LỢI DANH: Tài lợi, tiền của và danh vị tước quyền, hai điều trong lục dục.

 Ca dao có câu:

“Cái vòng danh lợi cong cong,

Kẻ toan ra khỏi người mong bước vào”.

 Cổ nhân cũng cảnh tỉnh:

 “Phù sanh, phù lợi nùng như tửu,

  Túy đắc nhân tâm, Tửu bất tinh”.

  (Níu đeo danh lợi nồng hơn rượu,

  Đến chết lòng người chẳng tỉnh say).

 Đức Thầy đã từng nói:

“Đường danh lợi đua chen mùi ong ỏng,

 Đâu có màng tiếng vọng của người tu”.

 (Không Buồn Ngủ)

 

 

 NGHIỆP QUẢ: Nghiệp là những sự việc mình đã làm, đã gây ra, do nơi thân, khẩu, ý của mỗi người đã tạo tác điều lành hay dữ từ kiếp trước hoặc thời gian trước. Cái nguyên nhân đầu tiên gọi là nghiệp nhân. Cái duyên khởi trước hết gọi là nghiệp duyên.

 Quả là sự kết quả của cái nghiệp mình gây tạo. Khi mình đã tạo nghiệp hoặc lành hay dữ thì sớm muộn gì cũng hưởng lấy quả vui hoặc khổ, chớ không bao giờ sai chạy. Ví như gieo hột giống xuống đất thì nó sẽ mọc lên cây và có bông trái. Song sự kết quả của nó có khi chậm khi mau là do hột giống mạnh hay yếu và tùy theo mỗi loại giống. Nghiệp quả nhân tạo cũng thế:“Chưởng qua hườn đắc qua, chưởng đâu hườn đắc đậu”.(Trồng dưa thì đặng dưa, tỉa đậu thì đặng đậu).

 Nói tóm lại, hễ có tạo nghiệp thì phải có kết quả, Cổ Đức từng bảo:

“Xuân một hột giống gieo,

Thu gặt nghìn thóc mễ,

Người đời tạo dữ lành,

Quả báo y như thế”.

 Tổ Qui Sơn cũng nói:“Nghiệp quả sở khiên, thành nan đào tỵ, thính hòa hưởng thuận, hình trực ảnh đoan; Nhơn quả lịch nhiên khởi vô ưu cụ”. (Nghiệp quả kéo lôi thật khó trốn tránh, như tiếng hòa vang thuận, hìng ngay bóng thẳng. Nhân quả rõ ràng, đâu không lo sợ !)

 Nghiệp quả ở đây, Đức Thầy muốn nói cái quả chiến tranh chết khổ mà chúng sanh đang và sắp gánh chịu là do cộng nghiệp tham gian, sát hại của nhiều chúng sanh gây ra từ trước.

 NHỦ LÒNG: Nhủ là khuyên nhắc, nhắn nhủ:

 “Nầy nầy ta nhủ cho đấy nhớ,

  Ấy chốn hang hùm chớ mó tay”.(Cổ Thi)

 Nhủ còn có nghĩa là ban bố. Vì tình thương mà ban bố cho. Ví dụ: Xin ông nhủ lòng thương kẻ mồ côi !

 Vậy, nhủ lòng từ bi là mở lòng lành thương xót chúng sanh mà ban bố đức ân và khuyên nhủ lời Đạo pháp.

 CHƠN TIÊN: Bậc Tiên gia tu hành chơn chánh, từng xả thân giúp đời.

 HƯỚNG THIỆN QUÀY ĐẦU: Xoay trở lại con đường hiền lành đạo đức. Đức Thầy thường kêu gọi:

“Sao chẳng lo thức tỉnh quày đầu,

Cho khỏi thẹn với người Thiên Cổ”.

 (Diệu Pháp Quang Minh)

 CẢI TÀ QUI CHÁNH: Cải sửa, chừa bỏ các điều tà quấy, trở về con đường chơn thiện mỹ.

 ÂN XÁ BỚT TỘI CĂN: Gia ân tha cho những người có tội. Như các tội nhân gặp thời kỳ ân xá thì được tha hết tội cũ. Điều nầy có mâu thuẫn với luật nhân quả không ? Chẳng những không mâu thuẫn mà còn làm sáng tỏ lý nhân quả. Bởi khi ta đã gieo hột giống xuống đất thì đợi thời gian và nhiều trợ duyên nó mới đơm bông kết quả. Nếu ta cần chuyên vun tưới, bắt sâu sửa nhánh thì sẽ gặt quả mau và năng suất cao. Ngược lại, nếu ta không trợ duyên cho hột giống ấy thì nó úng, chết, dầu có được sống cũng chậm kết quả và thâu gặt rất ít; giống lành hay dữ cũng thế.

 Mặc dầu từ trước đến giờ ta gây nhiều tội ác, giờ đây biết ăn năn cải hối tránh điều dữ, chuyên làm việc lành, thì cội lành sẽ sớm sum sê nảy nở và gặt nhiều quả, còn cây tội ác kia sẽ bị khô héo dần, bởi ta không trợ duyên cho nó,

 Luật trời đất rất công bằng, nhưng chư Phật vì lòng từ bi bác ái nên xin cho chúng sanh được hưởng sự ân xá một lúc, hầu lo ăn năn cải ác tùng thiện. Đức Thầy đã nhiều lần khuyên nhủ:

 “Kỳ xả tội nay còn một lúc,

 Sao chẳng tu đặng co hưởng nhờ.

 Gặp Giảng Kinh trần cứ làm ngơ,

 Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy.”

 (Giác Mê Tâm Kệ Q.4)

 Luật Thiên Đình căn cứ vào định nghiệp thiện ác của mỗi chúng sanh mà tự chiêu cảm phước hay họa. Như một quốc gia thể theo hiến pháp của những người đại diện do dân lập ra (quyền Lập pháp) rồi giao cho những người có trách nhiệm thi hành (quyền Hành pháp) áp dụng với dân chúng trong nước.

 Kinh Minh Thánh nói:“Tích thiện thiên báo chi dĩ phước, tích bất thiện thiên báo chi dĩ họa”. (Làm điều lành thì Trời trả cho bằng phước, làm việc chẳng lành thì Trời trả cho bằng họa). Đức Thầy cũng bảo:

“Luật Trời báo ứng nhãn tiền,

Khắp trong thiên hạ đảo huyền từ nay”.

 (Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

 Và:

“Xử những kẻ hung hăng tồi tệ,

Thưởng những người trung nghĩa vẹn toàn”.

 (Giác Mê Tâm Kệ Q.4)

 PHẬT PHÁP: Phạn ngữ là Bouddhadharma. Giáo pháp của Đức Thích Ca Như Lai. Suốt 49 năm Phật còn trụ thế Ngài tùy theo căn cơ của mỗi chúng sanh mà thuyết ra vô số lời lẽ pháp môn. Sau khi Ngài tịch diệt, các đại đệ tử kết tập những giáo pháp ấy thành Tam tạng Kinh, Luật, Luận. Từ ấy đến nay, người tu Phật nhờ nương theo đó mà được đắc Đạo vô số. Giáo pháp là một trong ba ngôi quí báu: Phật, Pháp, Tăng. Phật pháp bao trùm cả thế gian, trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Phật nói:“Tất cả Thế Gian Pháp là Phật Pháp”. Ngày nay, Đức Thầy cũng rút trong tam tạng ấy mà đem ra giáo hóa chúng sanh:

“Rút trong các Luật, các Kinh,

Tùy lòng không ép làm in Giảng nầy.”

 (Dặn dò Bổn Đạo)

 Và Ngài từng khuyên:

 “Tìm tõi Đạo mầu trong Phật Pháp,

  Cho đời hiểu rõ lý Chơn Không”.

  (Khuyên Bỏ Dị Đoan)

 KIẾN DIỆN: Thấy mặt, được giáp mặt.

 CHƠN SƯ: (Xem chữ Minh Sư đoạn 2 bài Sứ Mạng).

 PHẬT QUỐC: Nước của Phật. Như Quốc độ của Đức A Di Đà có tên là An Dưỡng Quốc hay Cực Lạc Quốc. Phật Quốc còn có nghĩa là nước của vị Chuyển Luân Thánh Vương cai quản. Bởi vị vua nầy đã tu hành gần chứng quả Phật, có đủ 32 tướng hảo và phúc báo như Phật. Quốc độ của Ngài dân chúng hưởng đủ sự thái bình an lạc. Ý chỉ cho đời Thượng Ngươn Thánh Đức tới đây. Đức Thầy đã cho biết cảnh ấy:

“Trên non Tiên văng vẳng tiếng phụng hoàng,

Phật, Tiên, Thánh an bang cùng định quốc”.

 (Không Buồn Ngủ)

 Và ngày ấy chính là ngày:

  “Địa cầu sanh chúng được nhàn an.

  Bốn biển một nhà: Cha, Phật, Thánh,

  Thì là dân sự hết tàng ngang”.

  (Hai Mươi Tháng Chạp)

 

 PHÁP MÔN: Cửa Pháp, cách thức tu học. Những giáo lý của Đức Phật truyền dạy, người tu lấy đó làm phép tắc nên gọi là Pháp. Pháp ấy là nơi thông đạt cho chúng sanh vào Đạo và đắc Đạo nên gọi là Môn. Đức Phật tùy căn cơ và trình độ của chúng sanh mà thuyết ra vô số pháp môn, nhưng pháp nào cũng thông đến quả Niết Bàn cả, như pháp môn Thiền định, pháp môn Tịnh độ v.v..Trong Tứ-Hoằng Thệ-Nguyện có câu:“Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”.

 BẾ MẠC: Hạ màn, cùng cuối, đóng lại. Chữ Pháp Môn Bế Mạc ở đâychỉ cho chánh pháp của Phật bị thất chân truyền, và cũng là nhằm thời kỳ Mạt Pháp.

 Sau ngày Đức Lục Tổ Huệ Năng tịch diệt và bặt truyền y bát (638-713) thì người tu Phật đắc được Tâm Ấn (đắc đạo) cũng đi truyền giáo mà người không đắc tâm ấn cũng đi truyền giáo; nhứt là các đệ tử của phái Thần Tú lại truyền mạnh lối tu âm thinh sắc tướng, nên trong số tu hành không mấy người được đắc đạo. Điều nầy Đức Thầy đã nói:

 “Từ ngàn xưa Phật pháp gài then,

  Nên ít kẻ tu hành đắc Đạo.”

  (Diệu Pháp Quang Minh)

 THÁNH ĐẠO TRĂN VU: Thánh Đạo nói chung về đạo Phật và đạo Thánh. Trăn vu là cỏ trăn và cỏ vu, hai loại cỏ rậm rạp và vô dụng, thường mọc lan che lấp lối đi, do câu sách:“Dị đoan phong khởi, Thánh đạo trăn vu”.(Các manh mối của tà thuyết dấy lên, làm cho nển Đạo Thánh bị lu mờ). Đây chỉ cho những tà thuyết dị đoan và các thứ văn minh vật chất lấn áp, câu nhử, khiến không còn được mấy người vững lòng tin theo Chánh Đạo.

 MA VƯƠNG: Phạn ngữ là Mara, tức là Vua các loài Thiên Ma ở cõi Trời Tha Hóa Tự Tại, tức từng Trời thứ sáu trong cõi Dục Giới, tên gọi là Ba Tuần; thường đem quyến thuộc xuống cõi người làm chướng ngại Đạo Phật.

 Lúc Đức Thích Ca thành Đạo dưới cội Bồ Đề, Ma Vương bèn đem binh và khí giới đến làm hại Phật, chúng dùng đủ cách phép mầu, nữ sắc phá quấy, nhưng Phật vẫn an nhiên tự tại. Phá Phật chẳng được, Ma Vương còn thệ nguyện qua đến đời Mạt Pháp chúng hiện vào làm đệ tử của Phật để phá Đạo cho đến kỳ cùng.

 Điều nầy, Đức Thầy có nói trong Giác Mê Tâm Kệ Q.4:

  “Hồi thuở trước Thích Ca Phật Tổ,

 Ngồi tham thiền bị nó ghẹo hoài.

 Mà cũng không rúng động đặng Ngài,

 “Nên cố oán phá đời mãi mãi”.
 (Giác Mê Tâm Kệ, Q. IV)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn