1. Thành phần điền chủ chống Phật Giáo Hòa Hảo, bởi chủ trương bình đẳng và bình dân của giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo đưa đến việc phân chia ruộng đất cho nông dân canh tác, một cuộc cải cách điền địa mà giới điền chủ không vui vẻ chấp nhận. Họ không dễ dàng chấp nhận ý hướng truất hữu ruộng đất tài sản của họ. Vì chiến sự, thành phần điền chủ bỏ điền chạy ra sống tại đô thị, họ đòi hỏi nông dân Phật Giáo Hòa Hảo góp lúa ruộng cho họ, nhưng bị từ chối, và họ cho rằng Hòa Hảo đã “cướp bóc quyền lợi của họ”. Rồi họ ngấm ngầm hay công khai truyền bá lập luận đó.
2. Thành phần thị dân chống Phật Giáo Hòa Hảo vì căn bản tư tưởng và bản chất khác nhau. Giai cấp thị dân này không thể dễ dàng chấp nhận những người mà họ cho là quê mùa ít học, mà lại có một vị trí quyền lực làm cho họ phải ép mình chịu đựng. Cũng có người phải đóng thuế cho Hòa Hảo, điều này vừa phạm tới quyền lợi vật chất và danh dự tự cao của lớp thị dân.
3. Thành phần quan lại chống Phật Giáo Hòa Hảo, vì họ cảm thấy bất lực không bắt buộc được các tín đồ và tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo quy phục dưới quyền lực pháp lý mà họ đang hành xử. Những vị tỉnh trưởng, quận trưởng trong các khu vực đa số dân cư là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, tuy biết là nhờ sự có mặt của tín đồ và binh sĩ Phật Giáo Hòa Hảo, Việt Cộng không dám đến phá rối, nhờ đó vùng lãnh thổ họ cai trị có an ninh, nhưng họ vẫn bực bội vì không được các giới Hòa Hảo tuân lịnh. Thí dụ, họ muốn đến các vùng Hòa Hảo cư trú hay giữ an ninh, họ không thể tự ý đi đến, mà phải yêu cầu giới chức Phật Giáo Hòa Hảo thuận ý, họ mới dám đến. Điều này, họ không hài lòng.
4. Thành phần quân đội chánh phủ chống đối Phật Giáo Hòa Hảo là vì họ tự cho mình là quân đội chánh quy, trang bị đầy đủ, quần áo tươm tất, họ nhìn các quân sĩ Hòa Hảo ăn mặc luộm thuộm, ăn nói bộc trực không theo phép lịch sự mà họ ưa thích, lại hầu hết thiếu học, các sĩ quan phần đông không xuất thân từ các trường chỉ huy quân sự nào. Họ nhìn những chiến sĩ nông dân nhưng chiến đấu can trường kia, với mặc cảm phức tạp, và thành kiến sai lầm, cho nên không có cảm tình với chiến binh Phật Giáo Hòa Hảo.
5. Cố nhiên phải thêm thành phần thân Cộng Sản, chống đối Phật Giáo Hòa Hảo. Thành phần này vẫn sống trong vùng an ninh quốc gia, có thể là công chức, sĩ quan, hay những chỉ huy hành chánh, quân đội trong guồng máy chánh quyền Việt Nam; hay là những trí thức, thân hào nhân sĩ sống trong một thế giới khác với Phật Giáo Hòa Hảo, lại có khuynh hướng thiên về Việt Minh Cộng Sản. Những thành phần này ngấm ngầm chống đối Phật Giáo Hòa Hảo, và khi họ hành động, thường rất khôn khéo tế nhị, sâu hiểm như những kẻ thù vô hình không ai biết được. Có thể nói rằng các bộ đội võ trang Việt Minh là du kích tại bưng biền, và các lớp người thân Cộng tại vùng quốc gia là một loại du kích trong vùng an ninh. Thành phần này có khả năng tác hại Phật Giáo Hòa Hảo không nhỏ, vì họ biết kín đáo che dấu hành động, có kế hoạch mỗi khi hành động, lại nắm một số vị trí quyền lực tại các vùng an ninh.
Tất cả các thành phần kể trên, nguồn gốc từ lớp người được ưu đãi hay may mắn hơn người nông dân Phật Giáo Hòa Hảo. Ngày nay họ có địa vị trong xã hội, trong giới kinh doanh, trong quân đội, trong bộ máy chánh quyền, và họ không ưa Phật Giáo Hòa Hảo. Tác giả này kết luận: “Sự chống đối Phật Giáo Hòa Hảo của những thành phần xã hội này rất cứng rắn, khó lay chuyển....”
Ngoài các thành phần mà tác giả kể trên, còn một thành phần chống đối Phật Giáo Hòa Hảo mà tác giả người Pháp này không liệt kê ra. Đó là thành phần thân Pháp, cũng chống đối Phật Giáo Hòa Hảo. Tuy rằng họ đang làm việc dưới quyền Pháp, mà quân lực Phật Giáo Hòa Hảo cũng đang hợp tác với Pháp, nghĩa là có thể xem như đang đứng chung một hàng ngũ, nhưng họ vẫn e ngại đối với những người Phật Giáo Hòa Hảo. Bởi vì trong quá khứ còn rất gần, họ đã từng phải lo sợ các bộ đội kháng chiến Phật Giáo Hòa Hảo nhiều lần đã phục kích đánh xe trên các trục lộ giao thông, khủng bố các viên chức theo Pháp, và có các hành động ám sát táo bạo ngay các thị trấn nhỏ ở miền Tây. Một số khác lo sợ sự trả thù của những người Phật Giáo Hòa Hảo, về các hoạt động trước đây họ đã dựa vào thế lực Pháp để hãm hại người Phật Giáo Hòa Hảo. Tâm lý phức tạp về giai cấp, mặc cảm tội lỗi và lo sợ, thành kiến cố định thiếu thiện cảm, làm cho các thành phần theo Pháp cũng chống đối Phật Giáo Hòa Hảo.
Ngoài các thành phần xã hội kể trên, còn phải kể thái độ các tôn giáo tại Việt Nam đối với Phật Giáo Hòa Hảo.
Tại Việt Nam có bốn tôn giáo lớn thường được nhắc đến, là Cơ Đốc Giáo, Phật Giáo, Cao Đài Giáo và Phật Giáo Hòa Hảo. Ngoài ra còn các tôn giáo Tin Lành, Baha’i, và các tổ chức tín ngưỡng khác.
Sự chống đối tôn giáo không xảy ra giữa Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo. Nhưng quả thật có sự bất thân thiện đối với Phật Giáo Hòa Hảo từ phía các tôn giáo kia, mặc dầu trên mặt giao thiệp bề ngoài, không tôn giáo nào minh thị nói như thế. Chế độ Ngô Đình Diệm đánh dấu một giai đoạn ưu thế của Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam, và chính ông Ngô Đình Diệm đã cứng rắn dùng quân đội tấn công tổ chức võ trang Phật Giáo Hòa Hảo. Mặc dầu có những chức sắc Thiên Chúa Giáo không đồng ý với chánh sách này của ông Diệm, và mặc dầu ông Diệm đã biện hộ rằng ông chống lại “Sứ quân” Hòa Hảo, chớ không chống lại tôn giáo Hòa Hảo, nhưng sự thật cụ thể là suốt chín năm dưới chế độ của ông cai trị tại miền Nam Việt Nam, đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo cùng chung số phận với đoàn thể Cao Đài, không được hoạt động bình thường, mà phải lui vào cái thế “nằm ngủ”.
Thái độ các vị tăng sĩ Phật Giáo tại Việt Nam đối với Phật Giáo Hòa Hảo cũng không có thiện cảm. Chư tăng lãnh đạo Phật Giáo có thành kiến rằng sự chánh thống Phật Giáo phải bắt đầu từ chùa chiền, và người Phật tử phải quy phục về chùa chiền chư tăng. Phật Giáo Hòa Hảo bản chất là cư sĩ tại gia, không thuộc hệ thống chùa chiền, lại có các nghi thức tôn giáo và thờ phượng khác với chùa chiền, cho nên các vị lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam không nhìn Phật Giáo Hòa Hảo như một tôn giáo Phật đạo giống mình. Điều rất rõ rệt là hầu hết những tác giả viết về lịch sử và sinh hoạt Phật Giáo tại Việt Nam, đã không hề nhắc đến Phật Giáo Hòa Hảo. Có thể xem đó là một thái độ “không biết đến sự hiện diện của Phật Giáo Hòa Hảo như là một tổ chức Phật Giáo”.
Với nhiều khuynh hướng chống đối, tự nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, Phật Giáo Hòa Hảo ở vào vị trí thất thế, mặc dù họ có số hội viên tín đồ đông đảo khoảng hai triệu người. Sự thất thế đó cũng bắt nguồn từ bối cảnh xã hội phát sanh từ chánh sách phân hóa xã hội của thực dân Pháp.
Tuy nhiên, không phải Phật Giáo Hòa Hảo không có đồng minh. Những thành phần đồng cảnh và đồng chí hướng là các đồng minh của Phật Giáo Hòa Hảo. Đó là những thành phần nông dân Việt Nam cùng số phận bị bạc đãi trong xã hội. Đó là những thành phần đấu tranh cách mạng cùng chí hướng và cùng mục đích với Phật Giáo Hòa Hảo. Đạo Cao Đài là một thành phần đồng cảnh ngộ, đồng chí hướng. Các đảng cách mạng chân chính tranh đấu cho quyền lợi đích thực và tối thượng của dân tộc Việt Nam, là những đồng minh của Phật Giáo Hòa Hảo. Nhưng điều éo le, là chính các đồng minh này lại cũng ở tình trạng thất thế như Phật Giáo Hòa Hảo, trong một giai đoạn lịch sử mà các thành phần ưu đãi từ thời Pháp thuộc vẫn còn nắm được ưu thế quyền lực và kinh tế trong xã hội Việt Nam như tình trạng đã xảy ra từ 1945 đến nay, xuyên qua các chế độ Pháp, Bảo Đại, Đệ nhứt, Đệ nhị Cộng Hòa, và Cộng Sản từ sau 30-4-1975.
Bù trừ sự ruồng rẫy của xã hội chung quanh, Phật Giáo Hòa Hảo được cảm tình của các tổ chức cách mạng Việt Nam. Đó là những chánh đảng đã từng đấu tranh và hy sinh chống thực dân Pháp, như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Duy Dân Đảng, Đại Việt, Việt Nam Phục Quốc Hội ở miền Bắc, và Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, nhóm Đệ Tứ, Việt Nam Phục Quốc Hội, Bình Xuyên, Đại Việt, Cao Đài... trong miền Nam. Tất cả những tổ chức này cùng mang chung mẫu số “lý tưởng quốc gia” nên được mệnh danh chung là “đoàn thể quốc gia”, và cũng đều là nạn nhân, là địch thủ của Việt Minh Cộng Sản. Vì thế, các tổ chức và nhân vật đấu tranh cách mạng là những đồng minh tự nhiên của Phật Giáo Hòa Hảo trên chiến tuyến chống Cộng. Vì chính họ cũng đã phải chịu đựng những đòn khủng bố, âm mưu lường gạt của Việt Minh Cộng Sản và của đế quốc, cho nên có sẵn mối cảm thông với tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.
Các đoàn thể quốc gia, cùng ở chung một thế kẹt, tuy mang lý tưởng chống thực dân Pháp, nhưng lại phải sống nương náu trong vùng an ninh của quân đội Pháp, bởi vì không thể đi đâu: nếu vào chiến khu sẽ bị Cộng Sản tiêu diệt, như Cộng Sản đã giết ngay từ 1945 hàng trăm nhà trí thức cách mạng ở miền Nam. Vì cũng ở trong một thế kẹt đau thương đó, các nhân vật cách mạng và đoàn thể quốc gia dễ dàng hiểu được tình thế khó khăn mà Phật Giáo Hòa Hảo phải đương đầu, sau khi Huỳnh Giáo Chủ bị Cộng Sản ám hại tháng 4-1947.
Trên một bình diện khác, các đoàn thể và nhân sĩ cách mạng cũng nhìn thấy tiềm năng quần chúng của Phật Giáo Hòa Hảo, nếu vận dụng và phối hợp được tiềm năng đó vào đấu tranh, sẽ là lực lượng quan trọng và lâu dài, trung kiên của chiến tuyến chống Cộng Sản. Do đó, có nhiều nhân vật từ Bắc vào Nam đã đến hợp tác với Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, trong các sinh hoạt chánh trị. Cao Đài đã thâu nhận nhiều nhân vật và cán bộ chánh trị từ Trung, Bắc và Nam, mời gia nhập quân đội Cao Đài, trở nên những sĩ quan Cao Đài, và hoạt động dưới danh nghĩa Cao Đài. Phía Phật Giáo Hòa Hảo không áp dụng hình thức hợp tác cá nhân, cho nên ít có các nhân vật Trung, Bắc gia nhập Phật Giáo Hòa Hảo hay quân đội Phật Giáo Hòa Hảo. Trái lại, Phật Giáo Hòa Hảo bảo trợ các tổ chức như Đại Việt, Duy Dân, Việt Nam Quốc Dân Đảng về hoạt động trong các khu vực an ninh của Phật Giáo Hòa Hảo. Nhiều đơn vị quân sự Đại Việt trong Nam đã kéo về miền Tây, nhiều bộ phận Quốc Dân Đảng cũng về miền Tây (như ông Lê Ngọc Chấn, là bạn thân của Tướng Lê Quang Vinh). Những cán bộ Duy Dân về hoạt động với Phật Giáo Hòa Hảo, hợp tác với Phật Giáo Hòa Hảo trong các công tác giáo dục, huấn luyện.
Trường hợp cụ thể nhứt là sự hợp tác giữa Việt Nam Quốc gia Độc Lập Đảng với Phật Giáo Hòa Hảo để thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, thể hiện công thức hợp tình hợp lý, phối hợp khối quần chúng với trí thức lãnh đạo. Công thức này đã đưa nhiều trí thức từ Sài Gòn về hoạt động tại bưng biền miền Tây, nhưng về sau các vị này đã phải lui trở lại Sài Gòn khi Pháp thi hành kế hoạch diệt trừ ảnh hưởng Dân Xã.
Nói chung, các giới hoạt động cách mạng là bạn đồng minh của Phật Giáo Hòa Hảo, trong khi các giới được Pháp ưu đãi, và giới thương mại đô thị, lại nuôi ác cảm với Phật Giáo Hòa Hảo.
Gửi ý kiến của bạn