14- Cộng Sản Kháng Chiến Chỉ Giành Quyền

29 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 78088)
14- Cộng Sản Kháng Chiến Chỉ Giành Quyền
Mặc dầu Trần Văn Giàu nhiều lần phóng ra luận điệu rằng Việt Minh là bạn của Đồng Minh “đối với Nga là bạn, đối với Tàu như răng với môi, đối với Mỹ đã từng sát cánh chống phát xít Nhựt, đối với nội các lao động Atlee của Anh cùng khuynh hướng”, nhưng sự việc xảy ra hoàn toàn trái ngược.

Phái đoàn Đồng Minh, tức phái bộ Anh quốc thay mặt Đồng Minh đến Saigon giải giới quân đội Nhựt, đã không nể nang Lâm ủy Hành chánh chút nào, cho nên tướng Gracey đã ra lịnh cấm mang võ khí, đóng cửa báo Việt ngữ, thiết quân luật, đuổi Lâm ủy Hành chánh ra khỏi dinh Gia Long... Chiến tranh bắt đầu theo lịnh “tiêu thổ kháng chiến”, Saigon chìm ngập trong cảnh không đèn, không nước, dân quân cách mạng và thanh niên tiền phong tự lực chiến đấu chống Pháp và quân chà chóp của Anh. Dân chúng lũ lượt tản cư khỏi thủ đô.

Lâm ủy Hành chánh đã cải tổ thành ủy ban Nhân dân Nam bộ do Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch, cũng tản cư về Chợ Đệm, không phải để chiến đấu mà thực ra để thương thuyết với Pháp. Cuộc thương thuyết kéo dài chừng 10 ngày là chấm dứt, chiến sự tái phát dữ dội.

Những thành phần thực sự chiến đấu trực diện quân Pháp chung quanh Saigon-Chợ Lớn lúc đó không phải là Cộng Sản đệ tam, mà chính là các đơn vị võ trang của Bình Xuyên, cựu quân nhân, trong Đệ nhất Sư đoàn dân quân cách mạng, đây là hai thành phần đã quen sử dụng súng, và từng có kinh nghiệm chiến trận. Ngoài ra còn có ủy ban Phong Tỏa Đô Thành Saigon Chợ Lớn, và một số Thanh Niên Tiền Phong làm công tác tình báo, liên lạc, phá hoại...

Những lãnh tụ Cộng Sản và ủy viên trong ủy ban Nhân dân Nam bộ lo bảo vệ mạng sống trước đã, nên tìm cách dời về Hậu Giang, và sau đó kẻ sang Thái Lan, người ra Bắc Việt. Họ không đóng góp xương máu vào cuộc kháng chiến Nam Bộ, nhưng lúc nào cũng biểu dương uy thế lãnh đạo.

Tướng Leclerc của Pháp đến Saigon ngày 4-10-1945 tuyên bố sẽ lập lại trật tự toàn cõi Nam Kỳ trong vòng ba tháng. Với một quân lực khá đông và võ khí tân tiến, tướng Leclerc dần dần phá vỡ vòng vây phong tỏa đô thành.

Ngày 25-10, quân Pháp cùng quân Anh Ấn tiến chiếm Thủ Dầu Một, Biên Hòa ở phía bắc và Mỹ Tho ở phía nam. Ngày 29-10, tiến chiếm Vĩnh Long, 30-10 chiếm Cần Thơ. Cho tới ngày 4-2-1946, quân Pháp chiếm tỉnh lÿ Cà Mau, và xem như đã có mặt trên hầu hết các tỉnh miền Nam.

Trước sức tấn công của quân Pháp, các tổ chức nhân dân kháng Pháp lui vào hậu phương để rồi một số bỏ bưng biền trở về thành phố, một số kiên cường hơn rút sâu vào các chiến khu địa thế hiểm trở như U Minh, Đồng Tháp, Rừng Sát...Trong khi đó thì các lãnh tụ Việt Minh chạy tứ tán. Trần Văn Giàu chạy tuốt sang Bangkok, Dương Bạch Mai, Huỳnh Thiện Nghệ, Kiều Đắc Thắng bỏ Nam bộ chạy về Bắc Việt, Lê Duản chỉ còn một chiếc quần xà lỏn và hai cận vệ sống vất vưởng tại khu rừng miền Đông...

Thật ra cuộc kháng chiến Nam Bộ đã có thể mạnh mẽ hơn nếu Cộng sản đã không trổ ngón độc tài khủng bố làm cho lòng dân ly tán mất niềm tin, làm cho quần chúng hạ tầng hoang mang, hai tôn giáo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo bất hợp tác và chống đối, làm cho các lãnh tụ cách mạng của miền Nam không thể đóng góp tài sức vì kẻ bị sát hại người bị giam cầm, người phải trốn tránh...

Những diễn tiến ghi lại trên đây cho thấy rằng vì tham vọng đảng trị mà đảng Cộng Sản đệ tam đã làm cho hàng ngũ và tiềm lực kháng chiến suy yếu trầm trọng. Ngay buổi đầu của cách mạng tháng Tám, khí thế quần chúng và các tổ chức đấu tranh vô cùng hăng say, mọi người đều sẵn sàng hy sinh hiến thân vì tổ quốc, để đòi lại độc lập tự do. Tất cả những lãnh tụ đấu tranh ở miền Nam đều không hề chủ trương cướp đoạt quyền lãnh đạo, mà chỉ mong tất cả các giới, các khuynh hướng cùng đoàn kết chặt chẽ hợp thành sức mạnh chung của dân tộc.

Nhưng từ khi Cộng Sản Đệ tam xuất hiện với thủ đoạn độc chiếm lãnh đạo, thì hàng ngũ đấu tranh miền Nam nứt vỡ từ cấp lãnh đạo đến hạ tầng quần chúng. Cuộc kháng chiến Nam bộ cũng vì vậy mà gặp rất nhiều khó khăn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn