9- Giáo Phái Miền Nam Qua Lăng Kính Xã Hội Học, Nguyễn Văn Trần

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 74960)
9- Giáo Phái Miền Nam Qua Lăng Kính Xã Hội Học, Nguyễn Văn Trần
Sau đây là phần mở đầu của Chương Dẫn Nhập của tập khảo luận đặc biệt về các giáo phái miền Nam Việt Nam, do tác giả Nguyễn Văn Trần đang nghiên cứu để trình bày trong luận án tiến sĩ của ông tại Phân khoa Khoa học Xã hội, Đại học đường Paris dưới nhan đề “LES SECTES POLITICO RELIGIEUSES AU SUD VIETNAM, UNE APPROCHE SOCIOLOGIQUE”.

Khác hơn lịch sử lập quốc của nhiều nước, trường hợp Việt Nam chính người Việt đã tự lực sáng tạo nước Việt Nam. Từ nhận xét này, yếu tố kết hợp dân tộc Việt không ở ĐẤT mà ở NGƯỜI. Trên hơn 2.000 cây số bờ biển, uốn mình dọc theo Thái Bình Dương, nước Việt Nam là MỘT trong con người Việt Nam.

Dưới thời thực dân Pháp, đất nước bị chia làm ba miền. Nhưng trong tinh thần người Việt của ba miền không hề thấy có sự khác biệt về con người Việt. Bởi thế, để đáp ứng nhu cầu lịch sử, người Việt của ba miền đã nhất tề đứng lên tranh đấu đòi độc lập dân tộc và thống nhất đất nước...

Ở Việt Nam, lòng yêu nước được trực tiếp gắn liền với cơ cấu xã hội Việt. Trong lịch sử dân tộc, nó đã được thể hiện ở vị Thiên tử, gạch nối giàn hòa giữa Trời và Đất. Đó là tụ điểm quần binh. Trong vai trò này, Thiên tử đã ban phát những vị thần xuống giữ làng xã cho dân được an lạc thái bình.
Ở Việt Nam, mọi hoạt động, mọi sức mạnh đều từ đất mà phát xuất. Chiến tranh Việt Nam trước kia đã phát động từ đồng ruộng—Đất—và cũng giải quyết theo tư thế làm chủ được đồng ruộng. Người Việt Nam đứng lên chống ngoại xâm, chính là để bảo vệ đất nơi họ sống và sẽ chết về với đất.
Văn hóa Tây phương vẫn tìm trong các nền văn minh hình ảnh của quá khứ. Nhưng đây chỉ là cái quá khứ của thời Kinh tế Nông nghiệp, nó khác hẳn với cái thế giới xã thôn Việt Nam.

Từ thái cổ, trung tâm của nền văn minh Tây Âu là Địa Trung Hải qua những kiến trúc đô thị là chứng tích và đã biến đổi bộ mặt của nông thôn. ở Tây Âu, thành thị giữ vai trò chủ động trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa.

ở Việt Nam, trái lại, thành thị không bao giờ là trung tâm xung lực, mà chỉ sống bám vào xã hội nông thôn bởi tính chất của nền kinh tế truyền thống Việt (hãy còn ảnh hưởng đến ngày nay).

Khi chiến tranh bùng nổ, dân thành thị rút về nông thôn để lập ổ kháng chiến. Hình thức sinh hoạt này đã làm sống dậy từ tiềm thức những người Việt thành thị điều mà họ đã đánh mất khi giáo tiếp với nền văn minh Tây phương: Đó là sự phục sinh truyền thống tổ tiên trong cộng đồng thôn ấp. Đời sống xã thôn sinh động trong mối quan hệ giữa cá nhân, xã hội, Đất và Trời. Thừa hưởng những truyền thống nghìn năm ấy, người Việt đã kết hợp lại thành những phong trào xã hội gọi là giáo phái, họ tìm lại được nếp sống công xã của thời xưa hãy còn đậm nét trong tiềm thức của mọi người Việt. Qua đó, không ai có thể khẳng định rằng giáo phái Hòa Hảo và Cao Đài là những chánh đảng thông thường theo kiểu Tây phương, thành hình theo nhu cầu dân chủ nghị viện hoặc dân chủ nhân dân. Mà đó là những kết hợp có cơ cấu bắt nguồn từ thôn dân xã ấp.

Nhận định này sẽ được minh chứng khi xét giáo phái trong hai biến cố chánh trị Việt Nam những năm 1945 và 1954.

Giáo phái phải chăng là thể hiện ý thức đấu tranh của dân tộc Việt nối tiếp các phong trào quần chúng lan rộng khắp miền Nam vào đầu thế kyœ? Giáo phái biến thành những lực lượng võ trang chỉ là một sự kiện xã hội, mà nội dung là lòng yêu nước chân thành bởi kháng chiến vốn bẩm sinh ở dân tộc Việt. Nếu giáo phái chỉ là hiện tượng xã hội thì tinh thần dân tộc hay lòng yêu nước của người Việt chính là điều mà giáo sư Paul Mus gọi là Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc (Le socialisme national) đã được phục sinh trong hai tổ chức quần chúng ấy như là một lý tưởng đạo đức.

Giáo phái Hòa Hảo gắn liền với lịch sử khẩn hoang miền Nam. Với một nhóm người tiên phong buổi đầu, họ tiến sâu vào miền Tây và trở thành chủ nhân của những sở đất mà họ đã khai thác. Người Pháp đến thiết lập chế độ chủ điền và tá điền đã làm sụp đổ cái trật tự cũ tạo điều kiện tất yếu cho quần chúng phản ứng. Phật Giáo Hòa Hảo thật sự thể hiện khả năng của dân tộc tiếp thu và dung hòa các dòng tư tưởng lớn Đông phương trong điều kiện miền đất mới của miền Tây. Hay đó chính là sự tái diễn lịch sử dân tộc Việt trong những hoàn cảnh xã hội mới!

Còn Cao Đài, sự khai sáng dường như là một nhu cầu để đáp ứng cho từng lớp Tây học và sự “Thiếu sót chủ thuyết” của các tôn giáo cổ truyền theo quan niệm Tây học. Đó là một tổng hợp của các dòng tư tưởng lớn chưa được hệ thống hóa theo kiểu hợp lý Tây phương, lại kết hợp với tinh thần thần bí và triết lý cận đại.

Trước tiên, Cao Đài là một tổng hợp những tín ngưỡng có tính chất Tây phương lần đầu tiến xuất hiện ở Việt Nam. Để phá cái nếp cũ Việt, người Pháp thiết lập một xã hội thị dân mới. Bất lực ở các mặt đề kháng khác, dân tộc Việt đã một lần nữa thể hiện cái khả năng dung hòa để chấp nhận những lớp người mới, sản phẩm của nền tư tưởng Tây phương, đồng thời bắt nhịp cầu giữa Đông và Tây nhưng vẫn vận động một sự canh tân Việt triệt để. Thực tế, Cao Đài trở thành một bộ máy chính trị có cơ cấu tập trung và đẳng cấp qui cũ. Tầm quan trọng của những hoạt động quân sự và kinh tế đã có lúc làm con người ta quên đi nguồn gốc tôn giáo.

Phải chăng đó là một mâu thuẫn không hiển nhiên của dân miền Nam?

NGUYỄN VĂN TRẦN
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn