9- Vấn Đề Ăn Thịt Người

07 Tháng Mười Hai 200512:00 SA(Xem: 94090)
9- Vấn Đề Ăn Thịt Người
Vào những năm 1947-1955 trong Nam có câu chuyện khá hấp dẫn “Hòa Hảo ăn thịt người”. Hấp dẫn đến nỗi một tờ báo Việt ngữ xuất bản tại Houston (Tờ Ngày Nay của ông Thanh Trúc) còn đem ra đăng lại, sau 1975. Bài sau đây của tác giả Minh Đức nói về chuyện này.

CHUYỆN HÒA HẢO ĂN THỊT NGƯỜI

“Hòa Hảo ăn thịt người” luận điệu này được đồn trong dư luận từ 1947. Sau ngày Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn tại Đốc Vàng, Long Xuyên (16-4-1947), tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khắp miền Tây võ trang chiến đấu chống lại các đơn vị quân sự và công an Cộng Sản. Với khí thế quần chúng mãnh liệt, Phật Giáo Hòa Hảo đã đẩy lui các bộ đội Cộng Sản ra khỏi nhiều vùng ở miền Tây, và dần dà bình định vùng này về sau trở thành trù phú trong phạm vi kiểm soát của chánh quyền quốc gia.

Luận điệu này được tiếp tục đồn đãi, lan ra khắp nước. Khi phong trào di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, chính đồng bào di cư cũng bán tín bán nghi. Tôi có người bạn cùng học ở Cao đẳng công chánh Hà Nội lúc trước, di cư vào Sài Gòn là tìm đến tôi để hỏi chuyện người ăn thịt người trong Nam thế nào?

Tôi đã từng thắc mắc về đề tài “người có thể ăn thịt người được sao?” nên chính tôi đã lưu tâm nghiên cứu tìm hiểu sự thật. Tuy không phải tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, tôi cũng có tìm đọc các kinh sách Phật Giáo Hòa Hảo để tìm xem trong đó có một nguyên cơ nào đó có thể dẫn đến hiện tượng ăn thịt người không?

Thú thật tôi nhận thấy Huỳnh Giáo Chủ luôn luôn khuyên nhủ chúng sanh làm lành tránh dữ, bỏ các thói hư tật xấu, tu hiền để dọn mình đến hội Long Hoa về cõi Cực Lạc. Tôi rất chú ý đến những câu kinh như sau:

“Ai chửi mắng thì ta giả điếc

Đợi cho người hết giận ta khuyên...”

Hay là:

“Nếu thiệt người thì biết thương người...”

Ngay đối với súc vật, giáo chủ cũng khuyên: “Ta chẳng nên ăn thịt trâu, chó, bò, và không nên sát sanh hại vật...” Tóm lại, kinh sách nhắc nhở rất nhiều về luật nhơn quả, đức hiếu sanh, khuyên tích đức tu nhân, và tôi đã đi đến kết luận rằng một đoàn thể tu hành như thế, không thể chủ trương ăn thịt người được.

Nhưng tại sao lại có lời đồn đãi “Hòa Hảo ăn thịt người”? Vì đâu có dư luận ghê gớm đó? Tôi không tin, nhưng cũng chẳng có bằng chứng nào để xác định rõ ràng.

Cho đến sau hiệp định Genève 1954, có mấy đứa cháu tôi đi kháng chiến trở về thành (vì không muốn đi tập kết ngoài Bắc), tôi đưa vấn đề ra thảo luận, chừng đó mới thấy được nguồn gốc của dư luận là do đâu.

Qua lời thuật của mấy đứa cháu, tôi hiểu thêm về nghệ thuật tuyên truyền và đầu độc của Cộng Sản, một nghệ thuật vô cùng tinh vi và hiểm độc tác dụng sâu đậm tâm lý quần chúng, có thể đổi trắng thành đen, đổi tròn làm vuông, đổi giả thành thiệt, và ngược lại, đến đỗi dư luận không thể không tin, dù mới nghe qua rất là khó tin.

Để tạo ra dư luận “Hòa Hảo ăn thịt người”, Cộng Sản đã đặt hẳn thành một chiến dịch dài hạn, có lớp lang kế hoạch, mà cán bộ tuyên vận phải học tập thông suốt để nhứt loạt thi hành khắp các tỉnh miền Tây, để đưa một luồng dư luận giống hệt nhau, từ nhiều địa phương và nguồn tin khác nhau, về trung tâm dư luận là thủ đô Sài Gòn.

Guồng máy cán bộ được tung ra các nơi, phổ biến dưới hình thức tường thuật của “nhân chứng mắt thấy tai nghe rõ ràng” những vụ “Hoà Hảo ăn thịt người” với nhiều tình tiết khác nhau. Các vụ tường thuật đó lan rộng ra ở miền Tây trước hết. Giai đoạn sau là đưa kế hoạch lên Sài Gòn, cùng một phương cách.

Người dân Sài Gòn có thể lần đầu nghe một người ở Châu Đốc lên tường thuật một vụ ăn thịt người, thì cũng không tin, nhưng sau đó lại nghe tường thuật một vụ ăn thịt người khác, xảy ra ở Cần Thơ, thì cũng trở nên bán tín bán nghi; rồi sau đó lại nghe thêm tường thuật một vụ ăn thịt người khác ở Sa Đéc, vụ nào cũng có địa danh, chi tiết, đầy đủ, mạch lạc, như quay phim lại. Khi đã nghe ba lần giống nhau như vậy, chắc chắn người dân Sài Gòn dù không tin cũng phải suy nghĩ, nghi ngờ, và bị tác động vào trạng thái “tin là có thể có thật, vì không có thật sao nhiều người nói giống nhau như vậy?”

Người dân Sài Gòn lúc đó đâu có thể hiểu được chính người đồn đãi tin “ăn thịt người” là những cán bộ tuyên truyền Cộng Sản, kèm thêm là những người vô tình nghe sao thuật vậy... Rốt cuộc, dư luận về vụ “ăn thịt người” tác động rộng rãi, đến nỗi chính báo chí xuất bản tại Sàigòn cũng đăng tải,... rồi cứ thế loang ra như vết dầu, trên toàn quốc.

Tôi nghe mấy đứa cháu thuật lại một nghệ thuật tuyên truyền tinh vi của Cộng Sản, nên hiểu được sự thật. Về sau này khi nghe có dư luận là chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa mổ bụng Việt Cộng lấy gan xào nhậu, tôi đã quả quyết với nhiều người rằng đó chỉ là một đòn tuyên truyền thâm độc của Cộng Sản, giống như chiến dịch 1947, Cộng Sản đã tạo ra dư luận “Hòa Hảo ăn thịt người” với mục đích bôi lọ một đối thủ họ cho là nguy hiểm, cần phải tiêu diệt. Viết tới đây tôi lại nhớ lại một câu chuyện Tăng Sâm trong Cổ học Tinh hoa:

Tăng Sâm là người nổi tiếng hiền hậu, phước đức, nhưng một hôm có người hớt hải đến báo cáo cho bà mẹ rằng: Tăng Sâm giết người. Bà mẹ điềm nhiên dệt cửi, không hề tin, bởi bà biết chắc rằng con bà hiền đức, không bao giờ có thể giết người. Lát sau, lại có người đến báo: Tăng Sâm giết người. Bà chưa tin. Một lúc sau nữa, lại có người đến bảo: Tăng Sâm giết người. Bà mẹ bị tác động tâm lý, tin là có, sợ cuống cuồng, quăng thoi trên cửi dệt mà bỏ trốn...

Lời bàn rằng: Tăng Sâm người hiền, bà mẹ cũng là người trung tín, một dạ tin con. Lần đầu nghe chẳng tin, lần sau nghe, bán tín bán nghi, và lần thứ ba, tin là có thật, không có sao nhiều người đều nói giống nhau? Thế mới biết dư luận của thiên hạ rất mạnh. Một việc dù sai trăm phần nhưng nhiều người lặp lại giống nhau, rồi người nghe cũng phải xiêu mà tin. Thí dụ giữa chợ Bến Thành, làm sao có cọp, nhưng nếu một người nào đó nghe một tiếng đồn cọp vừa ăn thịt người ta ở chợ, rồi lại nghe thêm người thứ hai nói cọp vừa ăn thịt người ta ở chợ, rồi lại nghe thêm người thứ ba nói giống hệt là có cọp ăn người giữa chợ, thì rồi cũng phải tin là có thật... Kỹ thuật tuyên truyền Cộng Sản là đổi trắng thành đen, dựng đứng tin thất thiệt, nhưng dùng nghệ thuật lặp đi lặp lại nhiều lần để người nghe bị điều kiện hóa theo thuyết Pavlov. Thuyết này thí nghiệm cho con chó ăn miếng đường. Chó nào có thích ăn đường, nhưng bị tập một thói quen, đứng trước miếng đường và một cái chuông, hễ nghe chuông gõ keng, là tự nhiên chó có phản ứng nhào tới miếng đường. Cộng sản xây dựng kỹ thuật tuyên truyền theo nguyên tắc “điều kiện hóa tâm lý” đó.

Một hình thức khác của tuyên truyền Cộng Sản lúc đó là tung ra khẩu hiệu “NÓI LÁO NHƯ HÒA HảO” để lập cho tâm lý quần chúng một thói quen, một thành kiến cho rằng “Hòa Hảo chuyên nói láo”, có nghĩa là đừng bao giờ nghe và tin...Tác dụng tâm lý là bao nhiêu nỗ lực đính chánh của Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó rất khó được dư luận quần chúng tin tưởng. Bởi dư luận đã bị đầu độc trước, hay nói theo danh từ kỹ thuật, đã được điều kiện hóa tâm lý để không tin mọi sự giải thích đính chánh nào của Phật Giáo Hòa Hảo.

Hơn nữa,sự giải thích phản tuyên truyền của Phật Giáo Hòa Hảo giới hạn ở địa phương vùng Hậu Giang, lại yếu ớt, và đi sau, trong khi bộ máy tuyên truyền Cộng Sản đã tạo thành kiến trong công luận trước rồi, bằng một bộ máy tuyên truyền mạnh mẽ, trên toàn quốc. Cho nên tôi nhận thấy đại đa số lớp người di cư 1954 từ Bắc vô Nam lúc đó đã bị điều kiện hóa tâm lý trong chiều hướng ác cảm với Phật Giáo Hòa Hảo, thêm một yếu tố có lợi cho Cộng Sản là gây mầm mống nghi kÿ chia rẽ, phát triển từ tâm lý đó về sau...

Hôm nay tôi thuật lại câu chuyện “Hòa Hảo ăn thịt người” để biện minh một sự thật, đồng thời để nhắc nhở rằng lúc nào chúng ta cũng cần đề phòng tuyên truyền Cộng Sản, đừng để Cộng Sản gieo rắc điều hồ mị, bôi lọ, làm cho người quốc gia đối nghịch nghi kÿ chia rẽ lẫn nhau.

Rất mong bài ký sự này đóng góp được một chút kinh nghiệm.

Hoa Kỳ ngày 14 tháng 5-1981

MINH ĐỨC
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn