5- Phân Tích Thắng Lợi Quân Sự

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 85836)
5- Phân Tích Thắng Lợi Quân Sự
Ông Ngô Đình Diệm đã nêu cao khẩu hiệu “thống nhứt quân đội, thống nhứt uy quyền quốc gia” để phát động chiến dịch đánh dẹp các tổ chức võ trang giáo phái. Cái chiến dịch quân sự này đã thành công, bởi vì lúc đó Thủ tướng có các yếu tố thuận lợi, tạm kể ra sau đây:

— Sự yểm trợ mạnh mẽ của Huê Kỳ về phương tiện và chánh sách. Từ 1-1-1955, viện trợ quân sự Mỹ không qua trung gian Pháp mà trao thẳng cho Việt Nam. Hơn thế, thái độ quyết liệt tấn công giáo phái của Đại tá tình báo Lansdale làm cho ông Diệm dứt khoát mọi tư tưởng lo ngại lưỡng lự trước một tình thế phức tạp. Thái độ của Lansdale, người cố vấn có thể gặp ông Diệm bất cứ lúc nào, xuất nhập bất cấm, khỏi cần phải xin hẹn trước, — làm cho ông Thủ tướng có ý rằng đó đúng là chánh sách của Huê Kỳ, trong khi Huê Kỳ vẫn còn lưỡng lự, Tướng Lawton Collins đặc sứ của Tổng thống Eisenhower ở Sàigòn vẫn giữ thái độ chờ xem và chưa tin tưởng nơi ông Ngô Đình Diệm.

— Quân đội quốc gia Việt Nam không còn phải đối phó với Việt Cộng như trước kia, với một lãnh thổ thu hẹp còn phân nưœa, các đơn vị từ chiến trường miền Bắc dồn chuyển vào Nam, làm cho quân số có thể dồn tối đa vào việc tấn công các giáo phái, thay vì phải tản ra nhiều chiến tuyến, nhiều địa phận như trước kia, lúc cuộc chiến còn đang sôi nổi và lan tràn khắp lãnh thổ Việt Nam. Về mặt phương tiện quân sự, ngoài viện trợ trực tiếp của Huê Kỳ, quân đội quốc gia còn nhận được nhiều cơ sở và võ khí các loại, các ngành binh chủng, chuyển giao bởi quân đội viễn chinh Pháp đang chuẩn bị để về nước. Quân đội quốc gia có một tiềm năng hành quân cao hơn tất cả xưa nay, về quân số cũng như phương tiện.

— Về nhân sự trong giới quân đội, Thủ tướng Ngô Đình Diệm được sự ủng hộ hầu hết các cấp chỉ huy quân sự, các cấp sĩ quan thuộc thành phần di tản từ Bắc vào Nam. Không phải ai cũng thần phục ông Diệm vì đã hiểu biết về ông và tin rằng ông là một “chí sĩ cách mạng”; nhưng họ ủng hộ ông vì tâm trạng chung của người di cư. Đây là một tâm trạng đặc thù của những người phải bắt buộc và gấp rút rời lãnh thổ mà mình đã sanh ra, sống trên đó từ lâu đời, phải bỏ tất cả tài Sản sự nghiệp, bây giờ ra đi hai bàn tay không, trong hoàn cảnh “chạy loạn” như hoàn cảnh sau hiệp định Giơ-neo. Những người này đã bỏ mất tất cả dĩ vãng sau lưng, hẳn nhiên là mong có được điểm tựa để tin tưởng trong những ngày bấp bênh của tương lai, có được cơ hội tái tạo sự nghiệp cá nhân hay tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng chung. Thủ tướng Ngô Đình Diệm từ ngoại quốc về, với sắc lịnh Ủy nhiệm toàn quyền dân sự quân sự của Quốc trưởng Bảo Đại, với sự ủng hộ của Huê Kỳ, tất nhiên, đối với những người Việt di cư này, là một cứu tinh trong cơn khủng hoảng, hay ít ra cũng là một điểm tựa có nhiều ưu điểm nhứt để họ dựa vào mà bước tới tương lai trên một vùng đất xa lạ. Tâm trạng này là tâm trạng chung của người di cư đến xứ lạ, mà tất cả những người Việt rời bỏ Việt Nam năm 1975, di cư sang Huê Kỳ, đều đã kinh qua và chứng nghiệm. Khi còn lóng nhóng tại các trại chuyển tiếp Pendleton, Fort Chaffee... người tị nạn Việt Nam nào cũng mong có được một điểm tựa, thể hiện bằng một người bảo trợ tốt, có khả năng giúp đỡ mình, để cho mình tin cậy, và sẵn lòng hướng dẫn mình trong bước đầu tiên vào một xã hội mới lạ. Thủ tướng Ngô Đình Diệm trong bối cảnh xã hội và chính trị 1954 tại Miền Nam, là hiện thân của người bảo trợ lý tưởng đó đối với đại đa số những đồng bào, công chức, quân nhân di cư từ Bắc vào Nam, ngoại trừ những người đã có cơ hội hiểu biết về con người ông, và nhìn thấy được những hậu quả của đường lối và chánh sách cai trị của ông.

“Tâm trạng người di cư” lúc đó nhìn tất cả những đối lực chống lại ông Diệm là đối lực chống lại chính tương lai của chính mình — còn được diễn tả rộng ra là chống lại tương lai của đất nước nói chung — cho nên ngoại trừ các giới tranh đấu và những người nhìn xa thấy rộng, đại đa số người di cư đều nhiệt thành ủng hộ Thủ tướng Ngô Đình Diệm, và chống đối lại các giáo phái Miền Nam.

Tâm lý chung của quân đội quốc gia Việt Nam lúc đó, biểu lộ qua thái độ các cấp chỉ huy, là không ưa các giáo phái võ trang. Vì nhiều nguyên nhân khá phức tạp. Ngoài dị biệt về nguồn gốc thành phần xã hội, trình độ học vấn, môi trường sinh hoạt, nếp sống và thái độ xã hội, là những yếu tố cơ cấu kết tụ từ lâu đời, còn có những lý do thời cơ phát sanh từ các biến cố chánh trị, mà cả hai bên, phía quân đội cũng như phía giáo phái, không thể không chịu ảnh hưởng, mà cũng không thể phân định lỗi phải rõ ràng được. Tất cả những yếu tố này, theo thời gian, trở nên các thành kiến vừa thấm vào bề sâu tâm lý, vừa truyền nhiễm rộng ra, thể hiện thành thái độ đối nghịch lẫn nhau. Đó là một hiện tượng phi lý mà có thật. Phía quân đội quốc gia có thiên kiến cho rằng giáo phái là những đạo quân ô hợp, áo quần luộm thuộm, hàng ngũ lếch thếch, quân kyœ lôi thôi, chỉ huy ít học, hay sách nhiễu dân chúng... Mặc cảm tự ty và tự tôn của đôi bên cũng rất phức tạp. Phía giáo phái tự tôn là chiến đấu cực khổ và gan dạ, trong khi phía quân đội quốc gia bề ngoài hào nhoáng, nhưng lại ngại gian khổ, sợ nguy hiểm. Phía quân đội quốc gia tự tôn xuất thân từ các trường chính quy, có học vấn và kiến thức cao hơn. Những mặc cảm phức tạp tự ty pha trộn tự tôn, ngược chiều và nghịch lý đó đã làm cho đôi bên nhìn nhau thiếu thiện cảm. Khi các giáo phái võ trang thách thức Thủ tướng Ngô Đình Diệm, cũng là lúc các sĩ quan cao cấp quân đội quốc gia nghĩ rằng danh dự của họ bị thách thức, danh dự quân đội quốc gia bị thách thức.

Cũng ở thời điểm đó, các cấp chỉ huy quân đội quốc gia ý thức các lợi điểm của mình về quân số và võ trang đang tăng gia, cộng với thế chính thống, lại còn thêm sự ủng hộ của Huê Kỳ. Các yếu tố thuận lợi đã hội tụ để quân đội quốc gia chuyển mình thoát xác từ một quân đội phụ thuộc vào quân đội Pháp do các tướng lãnh Pháp chỉ huy, nay trở thành một quân đội chính quy hùng mạnh của một quốc gia độc lập. Từ cái thế đó, và trong bối cảnh đó, các điều kiện thuận lợi đã tạo cho quân đội quốc gia động lực hăng hái và cương quyết đối đầu với quân lực các giáo phái. Về mặt tâm lý, đây cũng là cơ hội để chứng minh ngược lại rằng quân đội quốc gia chiến đấu gioœi hơn các giáo phái, đè bẹp được các giáo phái. Do đó, đương nhiên quân đội quốc gia đứng về phía Thủ tướng Ngô Đình Diệm, chống lại các giáo phái, và đã chứng tỏ khả năng chiến đấu với những thành quả đã đạt trong các cuộc hành binh dẹp quân lực giáo phái. Có thể nói rằng thành quả gọi là “phi thường” đầu tiên của quân đội quốc gia, và chiến công lúc đó của các Tướng Đỗ Cao Trí, Dương Văn Đức, Dương Văn Minh, là thành quả chiến thắng giáo phái, chớ không phải thành quả chiến thắng Việt Minh. Đó cũng là một điều khá nghịch lý!

Phía các giáo phái trong lúc đó, bị kẹt vào các điểm bất lợi sau đây:

— Hoa Kỳ không có thiện cảm với các giáo phái. Từ một quốc gia dân chủ tiến bộ hàng đầu, mới trực tiếp can thiệp vào vấn đề Việt Nam ít lâu, chưa sống và hiểu đầy đủ những thực tế đặc thù của xã hội Việt Nam. Huê Kỳ lại càng không hiểu nguồn gốc sâu xa phát sinh tôn giáo và lực lượng giáo phái võ trang tại Miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ nhìn vào bề mặt của vấn đề và kết luận rằng phải dẹp ngay các lực lượng võ trang giáo phái để củng cố uy quyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm hầu đối phó hữu hiệu với Cộng Sản Miền Bắc.

— Pháp hiểu biết về các giáo phái nhiều hơn, nhưng chánh sách Pháp xưa nay chỉ nhằm lợi dụng các giáo phái, và đến khi phải rút khỏi Việt Nam, Pháp không thể giúp cho các giáo phái; dù Pháp muốn, cũng không còn lợi thế và danh nghĩa để làm điều đó. Những tiếp liệu đạn dược và tài chánh cho các quân đội giáo phái đã bị Pháp giảm đi từ giữa năm 1954, và dự trù đến ngày 10-2-1955 là chấm dứt toàn bộ.

— Từ đầu 1955, ngoại trừ Bình Xuyên có dự trữ tài chánh do lợi tức Đại thế giới Kim Chung, hai giáo phái Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo lâm vào tình trạng thiếu thốn tài chánh và đạn dược. Tướng Lê Văn Viễn có giúp đỡ một phần nhỏ về tài chánh, nhưng cũng không trám nổi các lỗ hủng thiếu hụt càng ngày càng lớn ra. Với một quân số Phật Giáo Hòa Hảo cộng chung lúc đó khoảng 30.000 người, các nguồn tài trợ chấm dứt mà không có cái gì thay thế, các dự trữ có đem ra sử dụng cũng không thể kéo dài hơn được vài ba tháng. Phía Cao Đài cũng ở trong tình huống tương tự.

— Tương quan lực lượng giữa quân đội quốc gia và quân lực các giáo phái bây giờ đã nghiêng lệch hẳn đi, cả trên hai tiêu chuẩn. Phía yếu kém rõ ràng là phía các giáo phái, quân sĩ giao động trước các biến chuyển bên ngoài và thiếu thốn tiếp liệu, tài chánh bên trong. Ngược lại quân đội quốc gia tiếp nhận thêm trang bị, viện trợ tài chánh, tập trung thêm quân số vào Miền Nam, và tinh thần cũng phấn khởi thêm lên nhờ những yếu tố thuận lợi và tăng trưởng đó. Các giáo phái lại không phối hợp chặt chẽ được các lực lượng võ trang và chính trị.

— Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia gồm có Dân Xã, Hòa Hảo, Cao Đài, Liên Minh và Bình Xuyên. Nhưng trong nội bộ Cao Đài, hai đơn vị Trình Minh Thế (Liên Minh) và Nguyễn Thành Phương (quân lực Cao Đài) đã rút ra khỏi Mặt Trận (do sự vận động của Đại tá Lansdale) đổi từ vị trí sát cánh với Mặt Trận, sang vị trí hợp tác với Thủ tướng để chống lại Mặt Trận. Phòng tuyến quân sự đã yếu đi, phòng tuyến chánh trị của Mặt Trận bị nứt rạn, lần đầu ngày 13-2-1955 đơn vị Trình Minh Thế rút ra, và lần thứ hai ngày 31-3-1955 đơn vị Nguyễn Thành Phương rút ra. Thực lực Mặt Trận chỉ còn các lực lượng quân sự Phật Giáo Hòa Hảo, Dân Xã, và Bình Xuyên. Mặc dù Chủ tịch Mặt Trận, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc vẫn kiên trì lập trường và bổ nhậm Tướng Cao Đài Nguyễn Văn Thành thay thế Nguyễn Thành Phương, để tham gia Chủ tịch đoàn Mặt Trận, nhưng Tướng Thành lại không có Bộ tham mưu, không có đơn vị võ trang; dù ông có khả năng huy động quy tụ để thành lập các đơn vị mới dưới sự bảo trợ của Đức Hộ Pháp, ông cũng không thể thực hiện ngay được. Như thế, thực lực quân sự của Mặt Trận đã bị suy giảm mất 40 phần trăm về số lượng, và còn suy giảm trầm trọng hơn về khí thế và chánh trị.

— Về phương diện chiến thuật quân sự, các tổ chức võ trang Phật Giáo Hòa Hảo và Bình Xuyên, Dân Xã, tuy thiện chiến khi đương đầu với Việt Minh Cộng Sản, nhưng sở trường của họ là chiến thuật phản du kích, chống du kích. Bây giờ họ phải đương đầu với quân đội quốc gia trong một cuộc chiến hoàn toàn khác, đối phương không phải chỉ là các đơn vị nhỏ du kích trong đồng ruộng, mà là những đại đơn vị có pháo binh, hải không quân yểm trợ. Các phương tiện chiến đấu này trước kia của Pháp yểm trợ các quân lực giáo phái khi họ xông vào chiến khu truy lùng Việt Minh, thì bây giờ, cũng chính các loại phương tiện này, của quân đội quốc gia, dùng để tấn công lại các giáo phái. Trước kia Việt Minh có thể chịu đựng lâu dài vì có hậu cứ bưng biền, các khu chiến, các tổ chức yểm trợ chiến trường. Bây giờ các lực lượng võ trang giáo phái, khi bị tấn công phải rút bỏ các căn cứ ở vùng an ninh và trục lộ giao thông, để lui sâu vào bưng biền, mà lại không có sẵn các căn cứ hay khu chiến, ngoại trừ trường hợp của đơn vị Lê Quang Vinh đang ở tại bưng biền, tất nhiên các lực lượng võ trang giáo phải phải gặp rất nhiều khó khăn, trong một hoàn cảnh mới, một tình thế mới, mà họ không chuẩn bị trước.

Trường hợp của Bình Xuyên trước khi rút bỏ căn cứ cầu chữ Y, là một lực lượng mạnh tại đô thành Sàigòn - Chợ Lớn, nhưng khi phải rút lui về chiến khu Rừng Sát, thì không còn địa bàn và hậu cứ để chịu đựng lâu dài.

Trường hợp các lực lượng Hòa Hảo, khi rút khỏi căn cứ Cái Vồn và các trục giao thông, lui vào đồng ruộng, cũng không có sẵn các hậu cứ và tổ chức chiến khu, mặc dầu địa phận miền Tây có điều kiện dân chúng về tiếp liệu thuận lợi hơn Rừng Sát. Bộ tham mưu quân lực Phật Giáo Hòa Hảo (Trần Văn Soái) có hoạch định một chương trình xây dựng chiến khu Đồng Tháp Mười để chiến đấu lâu dài, nhưng đó chỉ là ý định sau khi đã rút vào bưng biền, chớ không có chuẩn bị từ trước. Chương trình này không có các điều kiện phương tiện và thời gian để thực hiện ngay được, trong khi quân đội quốc gia tập trung một lực lượng khổng lồ sáu sư đoàn để bao vây và tấn công (chiến dịch Đinh Tiên Hoàng cuối 1955). Mặt khác, quân lực Phật Giáo Hòa Hảo còn phải đối phó với khối dân chúng theo Việt Minh từ 1945 và các cán bộ Cộng Sản nằm vùng ẩn náu trong Đồng Tháp Mười. Một sĩ quan trong Bộ tham mưu Phật Giáo Hòa Hảo đã tiết lộ cho biết rằng các cán bộ Cộng Sản lúc đó huy động dân chúng biểu tình ủng hộ “cuộc kháng chiến của Hòa Hảo chống Mỹ Diệm”. Nhưng Bộ tham mưu Phật Giáo Hòa Hảo đã cương quyết cấm đoán, vì e rằng sẽ bị hiểu lầm là bây giờ Hòa Hảo cộng tác với Việt Minh, theo đường lối của Việt Minh Cộng Sản. Trong lúc đó, bộ máy tuyên truyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm và quân đội quốc gia bắt đầu tung ra luận điệu chụp mũ “Hòa Hảo hợp tác với Việt Minh”, nhưng về sau không hề trưng ra được bằng chứng nào về việc này. Cũng như luận điệu “quân đội Pháp tiếp liệu cho Hòa Hảo”, tất cả đều hoàn toàn bịa đặt bởi bộ máy tuyên truyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, với mục tiêu đánh hạ uy tín của Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó.

Kết quả các cuộc hành quân của quân đội quốc gia đánh dẹp các quân lực giáo phái, như sau:

— Ngày 24-10-1955, đơn vị cuối cùng của Bình Xuyên chấm dứt hoạt động tại Rừng Sát. Một bộ phận Bình Xuyên do Bảy Môn chỉ huy không về quy thuận Thủ tướng Ngô Đình Diệm, mà kéo về chiến khu rồi sau này gia nhập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, trở thành một yếu tố mà Cộng Sản Hà Nội sử dụng để tuyên truyền.

— Ngày 19-2-1956, lực lượng Trần Văn Soái ra quy thuận.

— Ngày 13-4-1956, Tướng Lê Quang Vinh bị bắt.

Phía Phật Giáo Hòa Hảo, sau khi Tướng Lê Quang Vinh bị bắt, và bị hành quyết (13-7-1956), còn một đơn vị võ trang kéo lên biên giới Việt Miên lập chiến khu, do Tướng Trương Kim Cù chỉ huy. Ông Trương Kim Cù sau cũng không chịu đựng nổi sức tấn công của quân đội quốc gia, và cũng cương quyết không hợp tác với Cộng Sản, cho nên đã chọn con đường lưu vong. Ông ra lịnh cho quân sĩ sơ tán, và kéo Bộ tham mưu vào lãnh thổ Cao Miên, xin tị nạn tại Cao Miên. Không hề có một đơn vị Phật Giáo Hòa Hảo hay Dân Xã nào, vì lý do chống chế độ Ngô Đình Diệm, mà lại quay sang hợp tác với Việt Minh. Đó là một điều rất rõ ràng trong lịch sử.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn