4-Chánh Sách Phân Phối Ruộng Đất của Pháp

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 91340)
4-Chánh Sách Phân Phối Ruộng Đất của Pháp

Ngoài mục tiêu trục lợi nằm trong mô thức kinh tế mà tư bản Pháp thi hành tại Việt Nam, với những ảnh hưởng xã hội văn hóa của nó, như đã nói ở trên đây, thực dân Pháp đã thi hành chánh sách phân phối ruộng đất, đặc biệt tại Nam Việt, để phục vụ mục tiêu chính trị lâu dài của họ.

Khởi đầu, khi Pháp mới thiết lập bộ máy thuộc địa, họ cần có một số tay sai bản xứ trung thành và hữu dụng. Pháp sử dụng đất ruộng làm quyền lợi để chiêu mộ tay sai, điển hình như Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương... Trong trường kỳ, chánh sách phân phối ruộng đất này đã tạo ra trong xã hội Việt Nam hai giai cấp rất cách biệt về quyền lợi: thiểu số đại điền chủ nắm trong tay diện tích đất đai rộng lớn, và đại đa số tá điền không có đất cày. Nói cách khác, chánh sách phân phối ruộng đất của Pháp đã biến đổi cái xã hội quân bình tương đối về tài sản thành một xã hội phân hóa lưỡng cực.

Trong xã hội Việt Nam thời xưa, theo nguyên tắc căn bản về sở hữu quyền đất nước, tất cả đất đai trong nước thuộc quyền sở hữu của nhà vua. Nhà Vua ủy quyền quản trị đất đai cho các xã thôn, dưới hình thức công điền công thổ. Ban quản trị xã hội chia cấp cho nông dân trong làng canh tác, theo các tiêu chuẩn đã ấn định với sự hướng dẫn của luật lệ và cũng theo sự đồng thuận của người dân trong làng. Mọi gia đình có ruộng đất để cày cấy, sanh lợi mà sống, và đóng thuế điền thổ vào công quỹ của xã và nhà vua. Theo chế độ đó, người dân được tham dự một cách đương nhiên vào quyền sử dụng đất ruộng, cho nên không thể xảy ra tình trạng cướp đoạt đất đai, hay tập trung đất đai vào tay một thiểu số.

Gia đình nào trong làng cũng có quyền được hưởng dụng một miếng đất canh tác. Và điều này đáp ứng nguyện vọng căn bản của nông dân; các nhà nghiên cứu văn hóa và xã hội đều khẳng định rằng người nông dân nào tại Á châu cũng nuôi nguyện vọng căn bản và quan trọng nhứt, là được có miếng đất để canh tác và xây dựng mái nhà hạnh phúc cho gia đình mình; và bất cứ chánh sách nông nghiệp nào cũng phải nhằm thỏa mãn cái ước vọng tự nhiên đó của con người, để bảo tồn quân bình xã hội. Xã hội Việt Nam với chánh sách phân phối ruộng đất này đã giữ được cái thế quân bình từ đơn vị căn bản là xã thôn, chớ không bị chênh lệch như nông thôn Tây phương thời trung cổ trong đó nông dân là những kẻ nô lệ nông nghiệp của các chủ điền đã được nhà vua phong hầu kiến địa.

Nhưng khi thực dân Pháp đến, họ tạo những luật lệ mới về điền thổ trước hết, trên nguyên tắc pháp lý, nhằm truất mất cái quyền sở hữu tối thượng của nhà vua, căn cứ vào các hiệp ước ký kết năm 1862, 1867, triều đình đã nhượng bộ sáu tỉnh Nam kỳ cho Pháp, thành lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp.

Thí dụ, các nghị định của Bộ Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ban hành ngày 20-20-1862, 16-5-1863 và 22-6-1863, điều chỉnh tình trạng sở hữu quyền ruộng đất, nhằm mục đích tịch thâu cho nhà nước tất cả những diện tích không phải tài sản của dân bản xứ hay không bị dân bản xứ chiếm hữu... Mục đích chính trị của các nghị định này là để vừa trừng phạt những phần tử chống đối bỏ làng đi theo kháng chiến hay những người bất hợp tác với Pháp bỏ xứ đi về vùng khác, đồng thời tạo cơ hội để mua chuộc tay sai bản xứ. Nhiều kẻ lanh chân lẹ bước và ham danh lợi đã thừa cơ hội này mà chiếm hữu những đất ruộng vô thừa nhạn đó làm của riêng mình, rồi vận động xin xỏ với Pháp để hợp thức hóa sở hữu quyền cho mình. Các nghị định này cũng tạo áp lực để những người đã bỏ làng ra đi, phải sớm trở về trong vùng kiểm soát của Pháp, nếu không thì se mất hết tài sản.

Thí dụ: Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, một người đã lập công lớn với Pháp tại Nam kỳ ngay từ buổi đầu (một con đường ở Chợ Lớn còn mang tên Tổng đốc Phương) chỉ cần tốn kém tiệc tùng khoản đãi các quan Tây, tốn công vận động với giới chức cao cấp phủ Thống đốc Nam kỳ, mà được phép trưng khẩn miễn phí 2,223 mẫu tây đất ở các làng Hỏa Lựu, Hòa Hưng, Vĩnh Hòa Hưng, tỉnh Rạch Giá. Một địa chủ họ Trần ở Rạch Giá được phép trưng khẩn trên 1,000 mẫu đất, một đại điền chủ ở Trà Vinh được cấp giấy phép khẩn trong địa phận tỉnh Rạch Giá (rất xa tỉnh cư trú của ông ta) một diện tích trên 1,000 mẫu tây đất... (*)

Khi quyền phân phối đất đai đã được chuyển từ triều đình nhà Nguyễn sang tay Thống đốc Nam kỳ rồi, thì viên Thống đốc Nicolai ban hành nhiều văn kiện, mở cửa cho giới tư bản chánh quốc và tay sai bản xứ đua nhau xin cấp quyền trưng khẩn đất ruộng miền Nam. Thí dụ Nghị định 29-10-1881 và 22-8-1882 của Thống đốc Nam kỳ quy định rằng phần đất nào không ghi vào địa bộ có sở hữu chủ rõ rệt thì phải bị sung vào công thổ và Thống đốc có quyền cấp phát giấy phép trưng khẩn. Nghị định 18-8-1896 đã bãi bỏ giới hạn tối đa 100 mẫu, rõ ràng là một biện pháp phá vỡ thế quân bình tài sản của xã hội cổ truyền Việt Nam, đưa nền kinh tế xứ này vào tiến trình tư bản hóa.

Tác giả J.Borie, trong luận án viết về tình trạng chiếm đất và cho tá canh tại Việt Nam, có viết rằng:

Nhờ sự dễ dãi này, mà người ta thi đua nhau xin đất. Những nhà báo, nhà thầu, y sĩ hay người làm nghề tự do, đã xin được những thửa ruộng từ 1.000 đến 2.000 mẫu tây, đôi khi lên đến cả 30.000 mẫu tây.

Giới được hưởng lợi lộc của chánh sách ruộng đất này gồm các công ty tư bản của Pháp, tại chánh quốc và tại thuộc địa, các tư nhân Pháp sống ở chánh quốc mà vẫn làm chủ đất ruộng tại Việt Nam, và sau đó là các tay sai đắc lực của Pháp, rồi đến những người Việt Nam thông hiểu luật lệ mới. Tại Nam Việt, ngoài các đại đồn điền của người Pháp, còn có những đồn điền (ngôn ngữ bình dân gọi là điền hay sở ruộng) của giới điền chủ Việt Nam. Những giới này làm chủ các sở đất khá rộng, diện tích tùy theo tiềm năng đất đai và dân số mỗi tỉnh. Theo thống kê, lúc đó tại vùng Bến Tre, một người có 300 mẫu tây là một đại điền chủ, tại Bạc Liêu có 1,000 mẫu tây là một đại điền chủ. Tại Rạch Giá, diện tích có thể lớn hơn. Một người Ấn Độ làm Trưởng tòa tại Sóc Trăng mà cũng làm chủ mấy sở đất rộng hàng ngàn mẫu tây tại vùng Tân Duyệt, Cà Mau. Một ông Hội đồng (Trần Trinh Trạch) tại Bạc Liêu, nổi tiếng đã dựng nên cơ nghiệp vĩ đại nhứt trong Nam với trên 20 ngàn mẫu tây đất ruộng cò bay thẳng cánh . Cò bay mãi mà vẫn không hết ranh đất. Những đại đồn điền của Pháp nổi tiếng tại Hậu Giang như điền Cờ Đỏ, đồn điền Bressier, đồn điền Emery, đất đai hàng chục ngàn mẫu do các gia đình hay công ty tư bản Pháp làm chủ. Người Pháp có ví von rằng nhiều điền chủ tại Việt Nam có tài sản rộng lớn hơn cả toàn khu rừng Boulogne của Pháp gần thủ đô Ba Lê (Bois de Boulogne chỉ rộng khoảng gần 800 mẫu tây, một khu nổi tiếng cạnh thủ đô Pháp).

Trong cuộc chạy đua trưng khẩn đất đai này, một số người chỉ dựa vào sự thông hiểu pháp luật mà thành công, nhưng cũng có một số người áp dụng các thủ đoạn tàn ác vô nhân đạo để cướp đoạt một cách trắng trợn những phần đất mà nông dân đã khai phá và đang canh tác. Những kẻ này cố nhiên phải là giới có thế lực đối với chánh quyền thuộc địa. Họ tìm kiếm những vùng đất tốt ở những tỉnh có dự trù khai kinh trị thủy, và họ cậy thế thần tại Sàigòn, làm thủ tục xin trưng khẩn, bất chấp sự kiện hiển nhiên là trên thửa đất ấy đã có sẵn một số nông dân đang canh tác. Bởi vì trên bản đồ và trong sổ địa bộ, các sở đất ấy chưa có sở hữu chủ, lý do là nông dân chất phác không biết gì về luật lệ, cứ đinh ninh rằng mình có công phá lâm khai mở đất rừng thành đất ruộng, thì đất đó là của mình. Đến khi có người lạ cầm giấy phép trưng khẩn đến (có khi đem cả lính hay cảnh sát đến) đuổi các nông dân ra khỏi đất, thì họ mới vỡ lẽ ra rằng họ không có giấy tờ để làm chủ đất. Người sở hữu chủ bây giờ là người cầm giấy phép trưng khẩn được quan trên ký tên đóng dấu và có lính tráng súng ống hậu thuẫn để làm áp lực đối với họ.

Thế là bao nhiêu công lao khai phá bị cướp mất một cách phũ phàng. Có nhiều kẻ còn sâu độc hơn, tuy đã có giấy phép trưng khẩn trong tay rồi, nhưng cứ nhởn nha chờ cho nhiều dân quê đến khai phá dọn đất, trồng trọt có hoa mầu rồi, họ mới xuất hiện để lấy đất và chiếm đoạt hoa mầu luôn, hay ít ra cũng cướp được công trình khai phá, mà họ không phải bo tiền ra phá lâm phát cỏ lúc ban đầu. Từ đó các gia đình nông dân này, hoặc phải dọn đi nơi khác, hoặc ở lại chấp nhận làm tá điền, canh tác trên mảnh đất mình đã khai phá mà vẫn không được làm chủ, lại còn phải đóng địa tô cho chủ đất có giấy tờ sở hữu quyền do quan trên cấp cho.

Điển hình nhứt cho thủ đoạn cướp đất kiểu này là Vụ Án Đồng Nọc Nạn xảy ra tại làng Phong Thạnh tỉnh Bạc Liêu năm 1928, thuật lại theo tài liệu tồn trữ tại tòa án:

Năm 1910, Hương chánh Luông làm đơn xin khẩn chánh thức 20 mẫu và chịu đóng thuế trên diện tích này. Đơn được chấp thuận và được cấp biên lai. Năm 1912, họ làm ruộng trên khoảng đất ấy, canh tác trọn và xin rước kinh lý (trường tiền) đến đo đạc theo luật định, để xin bằng khoán chánh thức. Viên trường tiền (géomètre) tên là Arboratie đến đo đạc, làm phúc trình, và chủ tỉnh Bạc Liêu trao cho ông Hương chánh Luông bản đồ phần đất nói trên.

Năm 1916, một người tên là Tăng Văn Đ. đứng ra tranh cản, viện lý do phần đất mà Hương chánh Luông và gia đình đang canh tác là công lao của y một phần nào. Tăng Văn Đ. được chủ tỉnh đòi đến xử và thất kiện. Tuy nhiên viên chủ tỉnh lại cho Tăng Văn Đ. một số đất nhỏ, cắt ra từ phần đất của ông Hương chánh Luông.

Ông Hương chánh Luông mất. Biện Toại là con trai lớn của gia đình và các em đành nhường nhịn và chấp nhận, mặc dầu đất của tổ phụ để lại mất hết bốn mẫu rưỡi. Nên nhớ rằng bằng khoán cấp cho Biện Toại là bằng khoán tạm.
Tưởng rằng công việc canh tác được yên ổn, dè đâu năm 1917 xảy ra một biến cố khác: Sự can thiệp của một người Huê kiều giầu khét tiếng trong tỉnh, ông Bang Tắc, tên thật là Mã Ngân. Ông bang này muốn khẩn đất bằng con đường quanh co nhưng hữu hiệu, ông ta rành luật lệ và biết rõ những sơ hở.

Số là giáp ranh với phần đất của gia đình Hương chánh Luông do Biện Toại là con trai đứng thay mặt, có phần đất khác do Phan Văn Được làm chủ. Sau khi chết, đất của Phan Văn Được để lại cho vợ hưởng, người vợ này tên Nguyễn Thị Dương. Ông Bang Tắc (Mã Ngân) chú ý nhiều vào phần đất của Nguyễn Thị Dương, đến gặp bà này mà trả giá và tìm đến hương chức làng Phong Thạnh để xem xét lại kỹ. Hương chức làng Phong Thạnh tiết lộ rằng phần đất của anh em Biện Toại, giáp ranh phần đất của Nguyễn Thị Dương đã khai thác xong nhưng chưa có bằng khoán chánh thức.

Là người rành luật lệ, ông Bang làm giấy tờ mua đất, cho thêm bà Dương một chút ít tiền để trong tờ bán đất ghi rằng bán phần đất với ranh giới bao trùm luôn khoảng đất mà anh em Biện Toại đang khai thác .
Lập tức ông Bang Tắc tìm cách hăm he, cho anh em Biện Toại biết rằng đất mà họ đang canh tác là của ông ta, vì ông ta đã mua lại của bà Nguyễn Thị Dương rồi. Lẽ dĩ nhiên, anh em Biện Toại phản ứng ngay, tìm cách kêu nài lên quan trên rằng bà Nguyễn Thị Dương đã bán phần đất mà họ đã có bằng khoán tạm cho Bang Tắc, và Bang Tắc đã lấn đất. Đơn đã gởi bốn lần đến Chủ tỉnh Bạc Liêu, và bốn lần lên Thống đốc Nam kỳ, luôn cả quan Toàn quyền Đông Dương để kêu nài. Nhưng việc khác lại xảy ra.

Năm 1919, Bang Tắc lại xúi giục tá điền của ông ta xông qua phần đất của anh em Biện Toại, đốt một căn chòi ruộng và giết một con trâu để dằn mặt. Nhưng anh em Biện Toại vẫn không nao núng, tin nơi công lý.
Bấy giờ, chủ quận ở Gia Rai là ông phủ H. Theo lời tự thuật của quan Phủ này, thì khi đến trấn nhậm tại Gia Rai, hay tin có cuộc tranh chấp giữa ông Bang Tắc và anh em Biện Toại, ông ta đã đòi ông Bang Tắc tới để phân xử, đề nghị với ông Bang Tắc là nên nhân nhượng chia đất ra hai phần đồng đều: ông Bang phân nửa, anh em Biện Toại phân nửa (như vậy là trong thực tế, ông bang đã lấn thêm một phần đất đôi chục mẫu). Quan Phủ H. cũng phân trần rằng chính ông đã nhờ Hương cả trong làng để đưa đề nghị ấy với anh em Biện Toại, nhưng anh em này không chấp nhận sự chia hai đồng đều ấy.

Trong vụ án Nọc Nạn, dư luận đã đổ lỗi cho quan phủ H.Phải chăng quan Phủ này nhận số tiền của ông Bang nên đưa đề nghị này? Nếu là người vô tư, tại sao ông không mời anh em Biện Toại đến dinh Quận để phân giải, mà chỉ mời có một mình ông Bang? Quan Phủ thanh minh với dư luận như vậy thì ta tạm tin như vậy.

Cũng năm ấy (1919), quan Phủ H. được làm Chủ tịch Hội đồng phái viên (commision administrative) để xác nhận sở hữu chủ của từng sở đất ở làng Phong Thạnh với diện tích chính xác, ranh giới, để chánh thức cấp bằng khoán.Mặc dầu anh em Biện Toại khiếu nại, nhưng với thế lực của ông Bang, với sự hậu thuẫn của một số người, phần đất của anh em Biện Toại lại bị chính thức xem như là đất của ông Bang Tắc. Về sau, ra trước tòa đại hình, Biện Toại vẫn cả quyết đây là vụ ăn hối lộ, luôn cả viên họa đồ là Roussotte cũng ăn, vì thoạt tiên khi đo đạc, tên Pháp này cho rằng đất ấy là của Biện Toại, nhưng khi đã nhận tiền của Bang Tắc, hắn nói ngược lại đó là của Bang Tắc.
Mặc dầu vậy, anh em Biện Toại vẫn cương quyết chống đối. Đất đã mất rồi, họ ở đây mà chờ... đến công lý của thực dân Pháp!

Bang Tắc cứ tiếp tục lo hợp thức hóa phần đất chiếm cứ mà Hội đồng phái viên (có ông Phủ H. làm chủ tịch) xác nhận là của chính bà Nguyễn Thị Dương ưu tiên khai khẩn rồi bán lại cho ông ta. Ngày 13-4-1926, Thống đốc Nam kỳ ký nghị định bán thuận mãi sở đất 50 mẫu với 5,000 đồng cho Mã Ngân (tên thật của Bang Tắc). Bang Tắc cứ hăm dọa, buộc anh em Biện Toại đóng lúa ruộng vì với nghị định trên và với tờ bằng khoán chính thức, anh em Biện Toại đã trở thành tá điền trên phần đất của họ.

Anh em Biện Toại chống đối ra mặt. Bang Tắc không dám làm to chuyện vì ông ta đã từng dính líu vào vài chuyện rắc rối về pháp lý, nếu sanh sự thêm thì nhà nước thực dân lúc bấy giờ có thể dùng luật lệ mà trục xuất ông ta về Tàu, cộng với mấy tội trạng trước. Ông ta nghĩ ra một biện pháp rất có lợi và rất ôn hòa để thắng đối phương. Ông ta bán sở đất nói trên cho một bà rất có uy thế: bà Hà Thị Tr., mẹ vợ của người anh ông Phủ H. (vì vậy mà sau này, dư luận cho rằng vụ giựt đất là do ông Phủ H. tiếp tay với Bang Tắc một cách đắc lực). Bà này mua xong, bèn đòi thâu địa tô trên phần đất mà anh em Biện Toại đang canh tác.

Ngày 6-12-1927, bà Tr. xin được một án lịnh của tòa cho phép tịch thâu tại chỗ tất cả lúa mà anh em Biện Toại gặt được. Anh em Biện Toại nghe tin ấy, bắt đầu lo sợ. Ngày 13-2-1928, lính mã tá tới gặp anh em Biện Toại để thi hành lịnh tịch thâu lúa, anh em Biện Toại kháng cự. Ngày 14, tức là ngày hôm sau, lính mã tà lại vô lần thứ nhì. Anh em Biện Toại cũng chống cự, lính mã tà lại rút lui.

Ngay trong đêm ấy, anh em Biện Toại đoán chắc rằng ngày mai, lính mã tà sẽ đến với lực lượng đông đảo và thái độ cứng rắn hơn vì là lần thứ ba, sau hai lần cảnh cáo. Anh em trong gia đình họp lại, làm lễ lạy ông bà. Mẹ là bà Hương chánh Luông cũng được mời ngồi để các con lạy, gọi là báo hiếu lần chót. Anh em bèn trích huyết vào cái tô, thề ăn thua, không sợ chết. Để thi hành kế hoạch, anh em bày ra chuyện bắt thăm để nhờ vong linh ông bà chỉ định ai là người đứng ra hy sinh đầu tiên. Lần thứ nhứt, đứa em gái tên Trọng lại rút nhằm thăm. Anh em không muốn thấy đứa em gái lại dám nhận sự hy sinh quá lớn lao, nên đồng ý là cho bắt thăm lần thứ nhì. Và lần thứ nhì này, cũng cô Trọng được lá thăm ấy. Cô Trọng bình tĩnh đứng dậy, bảo các anh:
Ông bà đã dạy, em xin liều chết!

Nên nhớ một chi tiết: Trước đó, khi được án tòa và thấy thái độ quá cứng rắn của anh em Biện Toại, Hương chức làng tự ý bắt giam 24 giờ bà Hương chánh Luông để hăm dọa. Biện Toại vì thương mẹ nên hứa sẽ không chống cự. Nhờ đó, bà Hương chánh được về nhà để các con lạy lần chót.
Lúc đến công sở, thái độ của Biện Toại rất buồn rầu.

Lại còn một chi tiết khác: thầy Hương thân trong làng đã mướn người gặt lúa của anh em Biện Toại, vì lịnh tịch thâu đưa tới nhằm lúc lúa chín. Mười Chức, em Biện Toại đã xin phép vị Hương thân để được tự mình gặt lúa nhưng vị Hương thân từ chối, họ nghi rằng nhơn cơ hội ấy Mười Chức có thể giấu bớt lúa.

Đại khái những nét lớn như sau:
Khoảng 7 giờ sáng (16-12-1928), hai tên cò Tây là Tournier và Bouzou cùng bốn người lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay với Hương chức làng mà thi hành án của tòa, đong số lúa hiện ở trên phần đất của anh em Biện Toại. Đến gần đống lúa, tên cò Tournier yêu cầu Hương chức làng phải mời một người trong gia đình, thí dụ như một người em của Biện Toại đến chứng kiến việc đong lúa. Mười lăm phút sau, một cô gái đi ra, hướng về đồng lúa: cô Nguyễn Thị Trọng, em của Biện Toại. Theo sau là đứa cháu gái của Trọng, đứa bé này tên là Tư, 14 tuổi.

Thoạt tiên tên cò Tournier đuổi cô Trọng, bảo rằng con gái còn nhỏ làm sao hiểu đầu đuôi cuộc tranh chấp đất ruộng này được! Viên cò nói là đến đây để trợ giúp Hương chức đong số lúa theo lịnh tòa. Cô Trọng phản đối bằng lời lẽ khẳng khái, trong đó có câu: Chết sống ở đây . Viên đội mã tà thông dịch lại. Tên cò Tournier ra lịnh đuổi lần thứ nhứt. Cô Trọng cứ đứng đó, yêu cầu khi đong lúa xong thì Hương chức phải giao cho cô một giấy biên nhận ghi rõ bao nhiêu giạ. Tournier trả lời rằng không có chuyện trao biên nhận. Rồi thì Tournier tát tai cô Trọng.

Cô Trọng rút trong áo ra một cây dao nhỏ, loại dao có miếng sắt chắn ở trước cán (couteau à cran darrêt). Cò Tournier đập một báng súng khiến cô té xỉu. Cò Bouzou bèn tiếp tay, giựt cây dao của cô và Bouzou lại vụng về khiến lưỡi dao đâm tay ông ta một vết xoàng không đáng kể. Rồi thì lính mã tà tới trói cô Trọng để đó. Đứa cháu nãy giờ đứng ở ngoài xa, khi thấy cô Trọng bị ngã gục và bị trói, bèn chạy về nhà báo động.

Từ trong xóm nhà, anh em Biện Toại chạy ra, mang theo nào là dao mác, gậy gộc. Họ chia ra hai tốp. Tốp thứ nhứt có Mười Chức, em ruột Biện Toại cầm đầu; tốp thứ nhì do thị Nghĩa, vợ của Mười Chức cầm đầu. Tên cò Tournier bảo một tên lính ra lịnh cho Mười Chức đừng dùng võ khí. Mười Chức chạy đến quá gần, cò Tournier bèn bắn chỉ thiên một phát. Nhưng Mười Chức cứ tiến tới và tên cò lại nhắm ngay Mười Chức mà bắn. Tuy bị thương rất nặng, Mười Chức vẫn cầm mác gượng nhào tới, đâm trúng bụng tên Tournier, rồi cả hai đều ngã xuống.

Anh em Mười Chức tấn công bọn lính mã tà và tên cò Bouzou. Cò Bouzou rút súng lục, bắn làm bị thương bốn người. Cò Tournier tuy bị thương nặng, nhưng cũng bò lết lại gần cò Bouzou. Vì bắn không còn một viên đạn, Bouzou bèn giựt khẩu súng lục của Tournier mà bắn tiếp. Một số người bị thương, bị chết. Miều là em rể của Biện Toại giựt được khẩu súng mút cơ tông của cò Bouzou. Với khẩu súng ấy, Miều chạy ra xa bắn về phía lính mã tà nhưng không gây thương tích cho ai. Lính mã tà cũng rút lui một lượt.

Nhơn viên công lực đến điều tra, được biết trong số người làm loạn có năm người đàn ông, hai người đàn bà và ba người đàn bà khác không biết tên.
Ngay buổi sáng hôm ấy, Mười Chức và vợ (tên Nghĩa) đều chết, luôn cả người anh tên Nhẫn cũng chết. Nhịn (trong giấy thuế ghi sai là Nhịnh, anh của Mười Chức), Liễu (em gái út của Mười Chức) đều bị thương nặng, được đưa tới nhà thương. Liễu còn sống, ba ngày sau Nhịn chết. Tóm lại, về phía gia đình Biện Toại thì có bốn người chết (ba đứa em ruột và một người em dâu, vợ Mười Chức). Nên chú ý là vợ Mười Chức đang mang thai. Bài vè Nọc Nạn ở đoạn chót kể lại với giọng trầm hùng là Năm người đổi một thằng Tây tức là kể luôn đứa hài nhi còn trong bụng mẹ.

Về phía đối phương, chỉ có tên cò Tournier chết ngày 17, khi nằm ở nhà thương Bạc Liêu. Bọn Hương chức hội tề đã nhanh chân bôn tẩu từ khi thấy tình hình quá căng thẳng.
Cô Trọng bị bắt. Biện Toại với con trai là Tia thì ra chợ Bạc Liêu với khẩu súng mà Miễu đã giựt được. Ông Biện nộp súng và thưa với nhà nước về chuyện các em bị cò Tây giết. Ông Biện và đứa con bị bắt luôn. Miễu thì hôm sau bị bắt. Còn một người duy nhứt trốn thoát là Dậu.
Hoàn cảnh của bà Hương chánh Luông thật là đáng thương hại: các con của bà đều bị chết, không chết thì bị bắt. Bà ở nhà một mình.
Báo chí Sàigòn lúc bấy giờ đua nhau khai thác vụ Nọc Nạn. Ký giả xuống tận nơi điều tra. Dư luận từ mọi giới, luôn cả giới thực dân, đều thuận lợi cho gia đình Biện Toại. Họ bị áp bức quá lộ liễu, họ là tiểu điền chủ siêng năng, nhưng bọn cường hào cấu kết với quan lại tham nhũng đã đưa họ vào đường cùng. Hơn nữa bấy giờ phong trào quốc gia đang sôi nổi, xu hướng chống thực dân lan tràn, đám táng cụ Phan Châu Trinh vừa xảy ra vào hai năm trước (1926).

Tại phiên tòa xử vụ này, luật sư Tricon đã biện hộ đại để như sau:
Biện Toại đã tranh đấu với rừng rậm để khai phá và tranh đấu với tử thần. Sau một ngày làm lụng khó nhọc, anh em trở về chòi sau khi ăn cơm, họ cho rằng chết có lẽ sướng thân hơn là sống trong hoàn cảnh nhọc nhằn. Sau khi tranh đấu với tử thần (có lẽ trạng sư muốn nói tới bệnh rét rừng), anh em trong gia đình lại còn phải tranh đấu với những người khác, tức là bọn người chỉ biết có đồng tiền, làm giầu bằng thủ đoạn sang đoạt. Sau khi tranh đấu với bọn người nói trên, họ còn phải tranh đấu với thủ tục pháp lý.

Luật sư Zévaco cho rằng chánh sách của nhà nước đã bị nhiều người thừa hành xấu làm cho xấu đối với dân chúng. Việc cai trị trở nên xấu nếu các quan phủ (chủ quận) là người ác độc. Sau khi xảy ra thảm trạng, có lẽ nhà nước nên nói thẳng với Mã Ngân: Chúng tôi trả lại cho ông số tiền 1,080 đồng mà ông đã xuất ra theo giá của nhà nước để mua phần đất của Biện Toại. Và xin ông để nhà nước được yên .

Luật sư nhắc lại ý kiến của Công tố viện là muốn cho bộ máy cai trị có lề lối đứng đắn thì phải sa thải những kẻ bất lương. Luật sư nói thêm rằng đuổi những kẻ bất lương ở cấp dưới cũng chưa đủ, phải đuổi những người ở cấp cao hơn mà bấy lâu nhà nước đã tin cậy. Nên sa thải vài ông phủ, ông huyện bất hảo. Chúng ta đã thấy rõ hành động của cặp bài trùng: Mã Ngân cấu kết với một ông Phủ Chủ quận. Tên chánh phạm của tấn kịch đẫm máu này chính là Phủ H.
Luật sư kết luận:

Thưa quý tòa, lần này sẽ có bà lão khóc về cái chết của bốn đứa con. Bốn người này đã chết, vì họ tưởng rằng có thể tự lực gìn giữ phần đất ruộng mà họ đã từng rưới mồ hôi và máu của họ trên đó. (*)
Vụ án Nọc Nạn nêu trên vừa là điển hình cho số phận các tiểu điền chủ và nông dân miền Nam, nạn nhân của chế độ phân phối đất đai bất công và của các thủ đoạn cướp đoạt công lao khai phá một cách trắng trợn và sâu độc, lại vừa là điển hình cho ảnh hưởng tai hại của một xã hội bất quân bình: quyền lực và phương tiện sản xuất tập trung vào tay một thiểu số được ưu đãi, trong khi đại đa số bị bạc đãi.

Theo tác giả Yves Henry trong Economie Indochinoise, thì ở Nam Việt đại điền chủ chỉ là 7.2% dân số, nhưng lại chiếm hữu 54% diện tích đất đai. Cũng theo một tài liệu khác, tại một số tỉnh Nam Việt, đại điền chủ chỉ là 2.5% tổng số người có ruộng, nhưng lại chiếm hữu 45% diện tích đất ruộng.

Không phải đến thời Pháp thuộc mới có giai cấp điền chủ, mà trước kia tại nông thôn Việt Nam, cũng có những ông Bá hộ chủ đất. Nhưng họ chỉ làm chủ những diện tích nhỏ, giới hạn bởi luật lệ khẩn đất và sở hữu quyền. Thí dụ, một gia đình điền chủ ở Tân Thành, tỉnh An Giang, theo tài liệu của Luro, làm chủ ba sở đất ruộng cộng 75 mẫu; một chủ đất khác tên Mai Văn Ngọc có 12 mẫu tại làng Tân Bình, Lấp Vò, tỉnh An Giang. Tài liệu này trích từ tập sách Lịch sử Khẩn Hoang Miền Nam của tác giả Sơn Nam. (*)

Các điều kiện phát sanh thành phần điền chủ thời kỳ trước và sau khi Pháp đến cũng khác nhau. Chủ đất hay Bá hộ thời trước phần đông là người đã cùng đi khai khẩn trong nhóm người khai hoang lập ấp, cùng chia sẻ công lao khai lâm mở đất với nhau. Họ có thể mua lại các phần đất của người khác, chớ không được luật pháp ưu đãi để chiếm hữu các diện tích lớn hàng ngàn mẫu, như dưới chế độ thuộc địa Pháp. Cũng không thể dùng thủ đoạn để cướp đất của dân quê bằng con đường quanh co kiểu Mã Ngân trong vụ án đồng Nọc Nạn trên đây.

Giới chủ đất Bá hộ thời trước cũng xuất tiền cho nông dân vay làm vốn canh tác hay khi túng thiếu, mức lãi xuất tuy cũng cao so với tín dụng bình thường trong hệ thống ngân hàng chính thức của nền kinh tế tiến bộ, nhưng cũng không đến mức độ bóc lột hút máu nông dân như sau này. Vị trí người Bá hộ trong xã hội nông nghiệp như ngân hàng khi cần thiết đối với dân trong làng xóm, vì đó là vai trò, là quy chế mặc nhiên của họ trong xã hội nông thôn. Ông Bá hộ điền chủ không phải là người xa lạ sinh sống ngoài đô thị, mà là người trong làng xóm, là một thành phần bất khả phân của làng xóm, sinh ra, sống và chết tại làng xóm với dân cùng làng, chớ không bỏ làng ra sống riêng tại thành thị như lớp điền chủ sau này. Vì còn tinh thần hãnh diện và sống chết với làng mình cho nên họ phải cư xử phải lễ, giữ lấy tiếng tăm tốt đối với dân trong làng.

Ngược lại, thời Pháp thuộc giới điền chủ không sống tại nông thôn, phần nhiều ra đô thị sống với các tiện nghi vật chất, đồng thời còn có cơ hội tham gia vào các sinh hoạt công kỹ nghệ và thương mại để phát triển sự nghiệp thêm. Người ta thường thấy ở miền Nam những vị điền chủ kiêm nghiệp chủ, chức vụ này được trang trọng in trên danh thiếp để thiên hạ biết rằng mình vừa làm chủ bất động sản ruộng đất, lại vừa làm chủ các cơ sở thương mại công nghệ ở đô thị. Lợi tức phát sinh từ đất ruộng là địa tô và tiền lời cho tá điền vay, giới điền chủ bán lúa lấy tiền để tạo mãi thêm ruộng đất hoặc đầu tư vào các nghiệp vụ tại đô thị: Xây cất nhà phố, kho vựa, rạp hát, tiệm tùng, hoặc làm chủ xe đò, tầu đò, hay khai thác lò than vựa củi, núi đá, lâm sản... Cao hơn nữa, là thiết lập các kỹ nghệ như nhà máy xay lúa và các kỹ nghệ cơ bản đầu tiên của một quốc gia đang phát triển, như kỹ nghệ làm sà bông, dệt vải, dệt lụa...

Với những tài sản ấy, giới này có thể dùng làm bảo đảm để vay tín dụng ngân hàng hay các cơ quan tín dụng nông nghiệp, để tăng gia khả năng phát triển. Vay tín dụng cũng là một đặc quyền của giới hữu sản, vì nông dân không có điều kiện bảo đảm đối vật để được ngân hàng cho vay tiền. Nhiều điền chủ đã vay tín dụng với lãi xuất bình thường, nhưng khi đem cho tá điền vay lại, họ áp đặt một lãi xuất nặng nề, và như thế lại thêm được một nguồn lợi tức khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn