2- Huỳnh Giáo Chủ

20 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 79180)
2- Huỳnh Giáo Chủ
Người khai sáng tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo là Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ, sinh quán tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, một tỉnh viễn tây giáp giới biên thùy Cao Miên. Đản sinh ngày 25 tháng 11 năm Kyœ Mùi âm lịch, tức ngày 15-1-1920, trong một gia đình tại nông thôn, con của một kỳ lão cao cấp nhứt trong hệ thống hành chánh làng Hòa Hảo, đó là ông Hương Cả Huỳnh Công Bộ.

Khi tuyên bố khai lập đạo Phật Giáo Hòa Hảo vào ngày 18 tháng 5 năm Kyœ Mão âm lịch tức ngày 4-7-1939, thanh niên Huỳnh Phú Sổ chưa tròn 20 tuổi. Thanh niên này chỉ ngồi trên ghế nhà trường cho tới năm mười lăm tuổi, rồi phải rời bỏ lớp học vì lý do sức khỏe. Thân hình ốm yếu, sắc diện xanh xao, biếng ăn biếng ngủ, lại thêm bịnh sốt rét, làm cho không bao giờ được mạnh, và do đó không thể tiếp tục đến trường học. Các y sĩ được giao phó việc điều trị đều không thành công, con bịnh không chết nhưng bịnh tình không thuyên giảm, lại có veœ càng ngày càng trầm trọng thêm.

Trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó, bỗng nhiên người thanh niên bịnh hoạn ấy hết bịnh, vào ngày 18 tháng 5 Kyœ Mão, tuyên bố khai mở một nền đạo, khuyên dân chúng tu hành theo giáo lý Phật đạo. Vì xuất hiện tại làng Hòa Hảo, nên tôn giáo này từ đó mang danh hiệu PHẬT GIÁO HÒA HẢO. Một con người đang xanh xao ốm yếu, nay bỗng trở thành một thanh niên tuấn tú mạnh khỏe, da deœ hồng hào, sắc diện trang nghiêm. Thanh niên ấy cũng bỗng nhiên trở thành một nhà truyền giảng đạo Phật và chữa trị bịnh tật cho dân chúng quanh vùng. Giảng đạo và trị bịnh là hai việc khởi đầu của Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ.

Hiện tượng “người bịnh bỗng nhiên khỏe mạnh”; hiện tượng “một người chỉ học hết cấp tiểu học mà có kiến thức Phật giáo uyên bác” và hiện tượng “một người không biết y học mà trị lành nhiều chứng bịnh nan y”, cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào của nội bộ Phật Giáo Hòa Hảo hay của các giới bên ngoài đưa ra một phân tích khoa học nào để giải thích. Các tài liệu biên khảo của những tác giả nguyên là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và được nhiều người biết đến, như tác giả Vương Kim, Nguyễn Văn Hầu (mỗi tác giả đã xuất bản trên 10 tác phẩm nghiên cứu về Phật Giáo Hòa Hảo) đều cho rằng các hiện tượng này thuộc phạm vi siêu hình tín ngưỡng, không thể giải thích bằng định luật khoa học, chỉ được cảm nhận như những “phép lạ” trong phạm vi khoa học huyền bí “sciences occultes” mà cho tới bây giờ con người chưa có khả năng áp dụng các định luật vật lý để giải thích.

Hai tác giả này đã viết như sau:

“Sở dĩ Ngài trổ tài dùng huyền diệu của tiên gia chữa bịnh của một cách thần diệu như thế để chứng tỏ Ngài không phải là hạng phàm nhơn. Như mọi người đã biết, Ngài có học thuốc với ai đâu, thế mà nay Ngài bỗng dưng chữa bịnh, chữa đâu hết đó... Đây có lẽ là một vị Tiên, Phật, Thánh, Thần mượn xác phàm để cứu thế...”

Một số những người bên ngoài tỏ veœ nghi ngờ mức độ khả tín của những điều “lạ lùng phi thường” này, nhưng cũng có một số người khác đồng hóa trường hợp của Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ với các thần đồng, hay thiên tài, hay các bực “sanh nhi tri” không học mà biết. Một lập luận khác, trên căn bản Phật Giáo, cho rằng sở dĩ người thanh niên Huỳnh Phú Sổ bỗng nhiên tỏ ngộ (illuminé) là vì qua nhiều tiền kiếp đã tu hành đắc đạo, như trường hợp của Phật Thích Ca.

Dù là “sanh nhi tri” hay “tỏ ngộ” hay “thần đồng” hay “phép lạ” hay “Tiên Phật giáng phàm”, các định luật vật lý cho tới nay vẫn chưa thể đưa ra giải thích thỏa đáng về cả trường hợp xuất hiện của các vị Giáo Chủ Jésus, Mahomet, Thích Ca, và những phép lạ đã xảy ra.

Vẫn trên lập trường tín ngưỡng siêu hình, các tác giả Phật Giáo Hòa Hảo nhìn sự xuất hiện của vị Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo không chỉ là một hiện tượng xã hội, một người có khả năng “tạo ra thời thế” mà cho rằng đây là sự xuất hiện của bực siêu phàm với sứ mạng cứu nhơn độ thế nằm trong một quy luật đã được lịch sử chứng nghiệm, dù đó là quy luật siêu hình. Tác giả Vương Kim cho rằng Huỳnh Giáo Chủ ra đời cũng ở trong hoàn cảnh tương tự như Đức Phật Thích Ca ở Ấn Độ, Đức Khổng Tử ở Trung Quốc và Thiên Chúa ở Trung Đông, ở những thời kỳ xã hội băng hoại, luân lý suy đồi, nhân tâm ly tán.

Lịch sử thường chứng nhận, trong những hoàn cảnh xã hội băng hoại, nhơn tâm ly tán, thế đạo suy đồi, lòng người hung ác, mê muội bạo tàn... là lúc Thánh nhơn ra đời để dìu dắt nhơn dân, cải ác tùng lương chấn chỉnh luân thường đạo nghĩa.

Như Đức Phật Thích Ca ra đời vào lúc xã hội Ấn Độ phân chia giai cấp trầm trọng, các mối ngoại đạo thạnh khởi, mê hoặc lòng người, gây thành một trạng huống hỗn loạn, làm cho tâm trí con người đảo điên, đời sống mê mờ tăm tối. Ngài ra đời để đem đạo trí huệ soi sáng lòng người, đức từ bi phá tan giai cấp xã hội.

ở Trung Quốc, Đức Khổng Tử ra đời cũng vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, các nước thôn tính lẫn nhau, trật tự xã hội rối ren, đời sống nhân dân cùng khốn, luân lý suy đồi, cang thường đảo lộn. Ngài ra đời đem lại đạo nghĩa, chỉnh lại nhơn luân, xây dựng lại trật tự xã hội băng hoại đào tạo nên hạng người quân tử làm mẫu mực trong đời.

ở Trung Đông, Chúa Cơ Đốc giáng lâm cũng vào thời con người hung ác, xã hội mê lầm. Ngài đem tình bác ái ban rải khắp nơi, treo gương hy sinh cao cả, biểu dương tình thương bất diệt. (*)

Tác giả Sơn Nam viết trong sách “Cá tính của miền Nam” rằng:

Khi xã hội nông nghiệp tổ chức theo lối cổ truyền bị lung lay trước sự xâm nhập của một hệ thống kinh tế có thế lực hơn như hệ thống tư bản, thì xảy ra khủng hoảng, chẳng những về kinh tế nhưng còn là về tâm lý. Keœ sĩ (trong đó có tu sĩ) và nông dân, điền chủ lần lần bị mất vai trò quan trọng; giới thương gia, kỹ nghệ gia, giới cho vay, những người đảm trách dịch vụ chuyên chở giao thông chi phối nhanh chóng và nắm guồng máy chính trị. Phản ứng của xã hội nông nghiệp cổ truyền là tự vệ, hoặc là cải cách, hoặc là cách mạng. Những tín ngưỡng của xã hội phong kiến cổ truyền không còn là hợp thời. Vài vị Hoạt Phật (Phật sống) xuất hiện để cứu thế, phổ độ chúng sanh, mong cứu vãn cơ cấu nông nghiệp cổ truyền với vài sự cải cách.

Bên Âu Châu, bên Mỹ Châu, những phong trào “Cứu thế” này thường xảy ra và các nhà nghiên cứu xã hội xem là đề tài hấp dẫn. Vị cứu thế xuất hiện (Messie) được dân chúng địa phương rầm rộ tham gia và tích cực ủng hộ, ngài rao giảng những lời tiên tri về cuộc tận thế sắp xảy đến cùng là những điểm bất thường mà Thượng đế sắp đặt (sao chổi mọc, bệnh dịch hoành hành, núi lở...) ở Nam kỳ lục tỉnh từ đời Tự Đức và đến khi người Pháp chiếm cứ bằng võ lực, một phong trào khá mạnh bùng nổ ra, mang tánh chất độc đáo trong hoàn cảnh địa phương khá phức tạp. Chúng ta nghe đến những danh từ Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật sống, Phật Thầy, Đức Bổn Sư hoặc ông đạo này ông đạo kia rao giảng, gây nhiều thắc mắc cho chánh quyền hồi cuối đời Tự Đức và người Pháp.

Người quá thiên về khoa học thì cho là chuyện khó tin. Người trong cuộc thì tự tôn cho rằng sự thật lần hồi phải thắng vì vũ trụ càn khôn biến chuyển theo qui luật riêng, không ai cưỡng lại được: hết xuân hạ thu đông thì mùa xuân trở lại, theo vòng tròn, Thượng ngươn, Trung ngươn, đến Hạ ngươn để rồi có hội Long Hoa, tái lập đời Thượng ngươn. (*)

Tóm lại, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nhìn Huỳnh Giáo Chủ như một vị Phật sống, một đấng cứu thế, điều mà các giới khoa học không tin, nhưng cũng không giải thích được các hiện tượng mà họ cho là dị kỳ đó.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn