6- Nạn Trung Gian Cập Rằng Bao Tá

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 80775)
6- Nạn Trung Gian Cập Rằng Bao Tá

Một nỗi khổ khác nữa của giới tá điền là nạn trung gian trục lợi. Đó là giới Cặp rằng, Bao tá, vừa hưởng lợi, vừa là tay chân thi hành một số thủ đoạn bóc lột lợi tức và đối xử tàn ác với tá điền.

Người viết sách này, trong một dịp đến sống tại đồn điền của gia đình Savary, người Ấn Độ gốc Pondichery, làm chủ nhiều đồn điền tại vùng Khánh Bình, Cà Mau, đã đích thân được chứng kiến ba thảm kịch xảy ra tại đây. Chủ điền Savary không đích thân điều hành công việc tại đồn điền, gia đình ông sống trong một biệt thự sang trọng ở tỉnh lỵ Sóc Trăng. Việc quản trị hai đồn điền tại Tân Duyệt và Khánh Bình giao cho hai người Chà-và khác, mỗi người coi một cơ sở, dưới quyền có một số cập rằng người Việt. Những người Ấn Độ này có chức vụ là Quản lý đồn điền, mỗi đồn điền rộng mấy ngàn mẫu tây. Quản lý có vợ người Việt sống trong một khu nhà gồm nhà ở và lẫm lúa, sân phơi lúa được xây cất trên bờ một con rạch trong đồn điền.

Thảm kịch thứ nhứt xảy ra khi bà vợ Việt Nam của viên Quản lý nói rằng mình vừa mất một món nữ trang. Bà quả quyết rằng khi đi chợ Cà Mau về, bà mở chiếc vòng tay để trên bàn trong phòng ngủ. Và bà không tìm được. Bà nghi cho một thằng bé con khoảng 15 tuổi, có tên gọi là thằng Líp, con của tá điền được đưa vào làm việc lặt vặt trong nhà viên Quản lý. Thằng Líp bị kêu lên hỏi, và nói là không biết gì cả. Bà giao nội vụ cho viên Cặp rằng người Việt, hạ lịnh phải điều tra cho ra manh mối. Thế là thằng Líp bị trói vào cột nhà trước lẫm lúa, thân mình phơi trần làm mồi cho muỗi đốt. Muỗi Cà Mau đã nổi tiếng đến đỗi muốn chắc ăn phải ngủ trong hai lớp mùng, thế mà thằng Líp bị đày cho muỗi cắn suốt từ tối cho đến 10 giờ đêm; khi được mở trói, thì đã ngất xỉu. Hôm sau, bà Quản lý tìm lại được món nữ trang, nằm kẹt trong hộc tủ, chớ thật sự không hề bị đánh cắp.

Thảm kịch thứ hai là viên Quản lý ở đồn điền Khánh Bình, cũng là người Ấn Độ, có vợ Việt Nam, cũng ở trong đồn điền. Người vợ này, trước khi lấy chồng Chà-và, đã có một đời chồng người Việt, và có được một người con gái, lúc này đã 18 tuổi, cùng ở chung trong điền với mẹ và cha ghẻ. Trong một buổi bà này đi chợ, ở nhà viên Quản lý hiếp dâm con gái của vợ, xong rồi còn đánh đập tàn nhẫn để bịt miệng luôn.

Thảm kịch thứ ba mà tôi được nghe nói lại, khi xuống vùng Tân Bằng Cán Gáo (Cà Mau). Một tên Cặp rằng người Việt đã bắt ép một cô gái con tá điền phải đến ăn ngủ với viên Quản lý đồn điền Emery tại sông Trèm Trẹm. Cô gái cự tuyệt và thủ sẵn một con dao để đối phó. Khi bị uy hiếp, cô rút dao ra đâm vào mắt tên Quản lý, làm cho tên này hư một con mắt. Chuyện này rất nhiều người biết và đồn đãi ra, nên tôi nghe được. Viên Quản lý chột mắt này tên là Fouroux.
Sinh hoạt chung của các đồn điền này, được miêu tả như là những vùng tự trị, sinh mạng tá điền và người làm công trong đồn điền hoàn toàn tùy thuộc vào quyền lực của viên Quản lý và đám Cặp rằng người Việt. Sự chết sống cũng được định đoạt bởi Quản lý và Cặp rằng. Pháp luật ở rất xa, vì thời đó muốn đi từ Cà Mau vào đến các đồn điền này chỉ co thể đi bằng đường thủy, bằng ghe chèo cả ngày mới tới. Quản lý có thể quyết định giết người, không sợ ai thưa kiện. Cặp rằng thì phần đông là hạng người vô lương tâm hay thành tích bất hảo mới tìm vào sống trong các đồn điền khỉ ho cò gáy này. Đời sống tá điền đã cơ cực về mặt vật chất, lại còn bị đe dọa ức hiếp mà không có ai binh vực cho. Đúng là cuộc sống địa ngục, không một chút ánh sáng tương lai nào cả.

Những thảm kịch kể trên không phải chỉ xảy ra ở đây, mà có thể xảy ra ở bất cứ đồn điền nào. Đó là số phận chung của giới bị bạc đãi trong xã hội nông thôn miền Nam.
Trong những câu chuyện trao đổi với người dân nông thôn Hậu Giang, tôi có ghi chép được một vài tập tục sau đây, mà giới thiệt hại vẫn là giới tá điền.

Ông chủ điền tham lam thường có hai cái giạ đong lúa khác nhau, cũng gọi là Giạ mẹ, giạ con . Giạ mẹ lớn hơn giạ con, có mục đích để đong lúa khi tá điền trả địa tô hay nợ lúa. Giạ con dùng để đong lúa khi xuất ra cho tá điền vay làm giống hay ăn làm mùa. Một tiểu xảo khá đặc biệt: giạ con thường đan thật dày, kín hơn, trong khi giạ mẹ lại đan thưa thông hơi. Khi lúa đổ vào giạ mẹ, nhờ thông hơi, nên bụi cát lọt đi, lúa trong giạ đã dẽ dặt mà tốt hơn. Có người kêu là một giạ hai lòng .

Một thủ đoạn khác nữa là "Công tầm điền và công tầm cắt" . Đây là ngôn ngữ mà tá điền nào cũng biết. Khi đến mướn đất của chủ điền, người Cặp rằng hay bao tá đưa tá điền đến đo đất. Đơn vị diện tích thông thường là công tức 1/10 của mẫu tây (một mẫu có 10 công) tức 1.000 thước vuông. Đi đo đất để cho mướn, cặp rằng hay chủ đất đem theo một dụng cụ đo đất, gọi là cây Tầm. Đó là một cây tre hay một khúc cây bào tròn, nếu dài hai thước rưỡi thì đó là cây tầm điền, nếu dài ba thước thì đó là cây tầm cắt.

Cứ đo 12 tầm ngang 12 tầm dọc, đó là một công. Có khi hình thể đất không vuông vức như thế, thì áp dụng công thức 8x18 hay 10x14 rưỡi, hoặc 7x20 rưỡi, đều đạt được diện tích của một công đất. Hãy lấy công thức 12x12 mà tính, sẽ thấy mỗi chiều là 30 thước (12x2.5 = 30 mét) và vuông vức là 900 thước vuông được kể là một công (thay vì phải 1.000 thước vuông).

Ngược lại, khi chủ đất mướn người tới cắt lúa, phát quang, thì lại đo bằng cây tầm cắt, dài ba thước. Áp dụng công thức 12x12 ta sẽ thấy kết quả là một diện tích 1.276 thước vuông (thay vì 1.000 thước vuông).
Sự kiện trên đây cho thấy rằng khi đi mướn đất thì được tính diện tích thiếu, trái lại khi đến làm công thì phải làm việc trên một diện tích cao. Công thức này, nếu chỉ căn cứ vào số học, thì được diễn tả là một thủ đoạn bóc lột, nhưng nó đã thành tập tục mà dường như tá điền không than phiền hay ưu tư. Họ chấp nhận sự kiện này như chấp nhận đời sống hiện tại của họ. Đối với nông dân, lao nhọc thêm một chút không đáng kể, khác hẳn lối làm việc tính giờ trong xã hội kỹ nghệ. Có các vị điền chủ giầu lòng nhơn đạo không nỡ bóc lột tá điền, nhưng không vì thế mà thay đổi tập tục này. Vẫn áp dụng công thức công tầm điền công tầm cắt, xem như một thông lệ ở thôn quê.

Tóm lại, thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa, đã khai thác tài nguyên xứ sở này để trục lợi cho tư bản Pháp. Muốn củng cố thế lực lâu dài, Pháp đã áp dụng triệt để chánh sách chia để trị, làm cho cái xã hội Việt Nam truyền thống, quân bình và đạo đức trước đó, dần dà bị phân hóa, bất quân bình và mất đi các giá trị đạo đức, để còn lại một bộ mặt văn minh vật chất, nhưng chất chứa bên trong những bất công, mâu thuẫn, nứt rạn. Văn minh tây phương tuy có đem lại một số tiến bộ kỹ thuật, nhưng mặt khác đã gieo mầm mống cho những hậu quả trầm trọng lâu dài về sau, điển hình là tư tưởng dân chủ tự do của Pháp đã tạo ra tại Việt Nam về sau một thứ dân chủ hình thức, rối loạn, bất khả trị, chỉ có cái vỏ dân chủ mà chưa hề có thực chất dân chủ. Khuynh hướng quá khích khác đi về hướng Mác-xít, để trở thành một đại họa của dân tộc Việt Nam, với sự đồng lõa ngoan cố và sai lầm của Pháp.

Nước Pháp đã tự đề cao sứ mạng khai hóa tại thuộc địa, nhưng thực sự đã hành động trái ngược, vì kết quả thực tế là một nước Việt Nam bị phân hóa cùng cực, bề mặt, bề sâu, bề ngang, bề dọc, với ảnh hưởng tai hại lâu dài, làm cho tiềm lực phát triển của dân tộc này bị suy nhược mãi mãi đến nay.

Cho nên có người đã nói 1.000 năm bị Tầu đô hộ không tai hại cho dân tộc Việt Nam bằng 100 năm bị Pháp đô hộ, vì thời Bắc thuộc, Việt Nam chỉ mất chủ quyền, nhưng thời Pháp thuộc, Việt Nam mất chủ quyền và mất luôn cả truyền thống văn minh. Thời Bắc thuộc, dân tộc Việt đoàn kết, thời Pháp thuộc xã hội Việt Nam bị phân hóa cùng cực.

Trong tình huống phân hóa ấy, nông thôn là khu vực chịu đựng thiệt thòi nhiều nhứt. Và cũng từ bối cảnh xã hội tâm lý đó, xuất hiện tổ chức Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn