6- Lực Lượng Cách Mạng Dân Tộc Việt

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 77472)
6- Lực Lượng Cách Mạng Dân Tộc Việt
Một nỗ lực đấu tranh khác trên bình diện cách mạng và chánh trị của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo trong giai đoạn này, là sự hình thành một lực lượng tổng hợp các khuynh hướng và nhân vật cách mạng, mang tên là Lực Lượng Cách Mạng Dân Tộc Việt.

Sau khi đất nước Việt Nam bị chia hai (1954) các Đảng phái và nhân vật có khuynh hướng quốc gia dân tộc tập trung vào Miền Nam. Uy quyền thực dân Pháp đã chấm dứt, nhưng các chế độ cộng hòa sau đó ở Miền Nam thiếu bản chất cách mạng, nên nặng khuynh hướng dựa vào sức mạnh ngoại bang để tồn tại.

Những thành phần ưu tú, trung kiên của các đoàn thể cách mạng, và các nhân sĩ quân nhân yêu nước chân chính, đã thực hiện một cuộc kết hợp lịch sử. Khởi đầu là Phong trào Cách mạng Dân tộc, được thành lập do sáng kiến của bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, và Cụ Phan Bá Cầm (tháng Tư, 1964).

Bước đầu là nghiên cứu các chủ thuyết và cương lĩnh của các Đảng cách mạng (Duy Dân, Đại Việt, Quốc Dân Đảng, Phục Quốc Hội, Đại Việt Quốc Xã, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội...) để hóa giải các dị biệt, dung hợp tinh hoa các chủ thuyết khác nhau, tiến tới mục tiêu: một tổ chức duy nhứt, một chủ thuyết duy nhứt, một cương lĩnh duy nhứt của tất cả các lực lượng cách mạng dân tộc Việt Nam.

Sau nhiều năm kiên trì và tích cực ươm mầm, vun bón, nghiên cứu, chuẩn bị, cuộc kết hợp lịch sử được thực sự thành hình: LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG DÂN TỘC VIỆT chính thức ra đời ngày 15-5-1968, với thành phần cốt cán các đoàn thể cách mạng đã dầy công gian khổ đấu tranh cho sự sống còn của Dân Tộc Việt:

— Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (chánh Đảng của Phật Giáo Hòa Hảo)
— Việt Nam Phục Quốc Hội (chánh Đảng của Cao Đài Giáo)
— Đại Việt Quốc Dân Đảng
— Đại Việt Duy Dân
— Đại Việt Quốc Xã
— Việt Nam Quốc Dân Đảng
— Các nhân sĩ cách mạng.

Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã Đảng nhờ có cơ sở quần chúng và phương tiện cơ hữu, cho nên đã đóng góp tích cực vào sự hình thành cũng như điều hành, duy trì và phát triển Lực Lượng Cách Mạng Dân Tộc Việt, từ 1964 đến 1975. Lực Lượng Cách Mạng Dân Tộc Việt đã bị chánh quyền Đệ nhị Cộng Hòa tấn công mãnh liệt trong những năm sau cùng của chế độ.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ là Chủ tịch đầu tiên của Lực Lượng Cách Mạng Dân Tộc Việt. Ông từ trần năm 1967, và sau đó lực lượng này được lãnh đạo bởi Chủ tịch đoàn do ông Phan Bá Cầm làm Chủ tịch. Sau biến cố 1975, nhiều lãnh tụ Lực Lượng Cách Mạng Dân Tộc Việt đã qua đời trong các khám đường của Cộng Sản Việt Nam: Phan Bá Cầm, Tạ Nguyên Minh, Trần Quang Vinh, Nguyễn Xuân Tiến... Lãnh tụ Xuân Tùng Dương Như Thuấn (Việt Nam Quốc Dân Đảng ) và Phạm Quốc Trị qua đời trong thời kỳ lưu vong hải ngoại.

Lực Lượng Dân Tộc Việt được xem là một tổ chức thuần túy dân tộc, cách mạng chân chánh, chưa hề tham gia bất cứ chánh quyền nào ở Việt Nam cho đến 1975, bởi không chấp nhận tiếp tay cho chánh sách ưu quyền của đế quốc.

Ngoài thành phần lãnh đạo và cán bộ gồm nhiều lớp tuổi: lão thành, trung niên, thanh niên đã từng hoạt động tham gia công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, còn có hậu thuẫn lớn lao của quần chúng, đặc biệt trong hai tôn giáo lớn ở Miền Nam là Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài, với tổng số quần chúng khoảng bốn triệu người. Lực Lượng Dân Tộc Việt, ngoài phẩm chất cách mạng đấu tranh, còn có lớp cán bộ chuyên viên ưu tú các ngành, xuất thân từ các đại học kỹ thuật tại các quốc gia tân tiến, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tái thiết, phát triển nước Việt Nam tương lai, thành một quốc gia phồn thịnh, tân tiến.

Tóm lại, giai đoạn 1964-1975, tuy hoàn cảnh có khá hơn trước để phát triển, tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo cũng chỉ mới đạt được một số thành quả giới hạn, bởi vì cả Cộng Sản lẫn Chánh quyền quốc gia vẫn tìm mọi cách để kềm hãm.
Ý kiến bạn đọc
23 Tháng Hai 20128:00 SA
Khách
A pleansigly rational answer. Good to hear from you.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn