Đại úy Võ Quang Định là con trai một sĩ quan thuộc quân lực Phật Giáo Hòa Hảo tại tỉnh Mỹ Tho. Trong thời gian đi học tại Sài Gòn, vào những năm 1950-1955, anh thường nghe được dư luận và trong một số bạn học, những thắc mắc và nhiều lời đồn đãi về những chuyện cướp đoạt tài sản dân chúng do các đơn vị võ trang Phật Giáo Hòa Hảo tại miền Tây. Chính anh cũng rất khó chịu vì các hành động đó, và trong một dịp nói chuyện với thân sinh của anh là Đại úy Nguyễn Văn Phu, sĩ quan quân lực Phật Giáo Hòa Hảo, anh đã nêu các thắc mắc này.
“Tôi hỏi cha tôi rằng tại sao lại tịch thâu tài sản một cách phi pháp như vậy? Cha tôi trả lời rằng: Vậy chớ mình đánh giặc mà chẳng có ai nuôi mình, không lấy lúa gạo của giặc về nuôi quân thì quân nào đánh giặc nổi? Và cha tôi giải thích rằng những năm đầu 1947-1948, nhu cầu phát triển quân số và võ khí rất cần thiết, tổ chức võ trang Phật Giáo Hòa Hảo phải tăng gia quân số và các đơn vị thật mau lẹ để ứng phó với một tình thế đặc biệt nghiêm trọng. Trong thời gian này không hề được chánh phủ Việt Nam tài trợ một xu lương bổng hay cấp phát thực phẩm, thử hỏi phải làm sao mà sống?...
Trong câu chuyện, cha tôi còn cho biết rằng: Muốn thắng địch, vấn đề triệt hạ nguồn cung cấp lương thực là một yếu tố rất quan trọng. Điều này đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Thời kỳ đó, quân lực Phật Giáo Hòa Hảo có chỉ thị tuyệt lương địch, không để cho các bộ đội Việt Minh Cộng Sản có cơm gạo để mà đánh lại mình, mà khuấy phá vùng an ninh của mình. Hồi 1945, Việt Minh tiêu thổ kháng chiến cũng nằm trong chủ trương đó.
Tôi có thuật cho cha tôi nghe lời chỉ trích của một anh bạn học cùng lớp, nói rằng gia đình của anh có ruộng đất ở vùng Cần Thơ, bây giờ bị Hòa Hảo chiếm đóng và không chịu góp lúa ruộng cho chủ đất. Anh bạn ấy bất mãn và lên án Hòa Hảo là ăn cướp, sang đoạt tài sản của gia đình anh.
Cha tôi giải thích rằng thời kỳ giặc giã 1945, phần đông các điền chủ bỏ điền ra châu thành sống cho an ninh, lúa thóc do Việt Minh thâu góp, các ông chủ điền không kiện cáo thưa gửi ai được nên làm thinh, nay quân lực Phật Giáo Hòa Hảo đánh đuổi Việt Minh ra khỏi điền đất của họ, họ cho rằng có quyền thâu hồi tài sản và bắt tá điền góp lúa cho họ như hồi xưa. Có bao giờ họ tự hỏi rằng ai đã đổ xương máu để trục xuất Cộng Sản ra khỏi vùng và họ có đóng góp đồng xu cắc bạc nào vào các chi phí quân sự bảo vệ an ninh ở đó không?
Cha tôi cho rằng thái độ các ông điền chủ này rất bất công. Khi Việt Minh chiếm điền sản và thâu lúa, họ không hề lên tiếng chỉ trích phản đối, bây giờ họ cứ nhè Hòa Hảo mà nói xấu, như thế có phải là một thái độ công bình được không? Cha tôi còn nói rằng có một số điền chủ thiên về phía Việt Minh, còn lén lút tiếp tế cho Việt Minh, như thế thì góp lúa cho họ cũng là đem lương thực đi nuôi kẻ địch rồi. Trong chiến tranh, không được làm bất cứ điều gì có lợi cho địch, đó là quy luật của chiến tranh.
Và cha tôi kết luận rằng những người ưa nói xấu, chỉ trích Hòa Hảo, rất ít ai hiểu thấu đáo các nguyên nhân đã tạo ra tình trạng đó, cũng rất ít ai hiểu được quy luật khắt khe của chiến tranh. Ngoài ra, một số đã sẵn thiên kiến thân Việt Minh, thêm thành kiến không thích Hòa Hảo, và thêm nữa là quyền lợi ích kỷ của cá nhân. Họ chỉ muốn người khác hy sinh cho họ sống yên lành để hưởng lợi và chỉ trích. Quân lực Hòa Hảo tự động đứng ra nhận lấy phần việc gian khổ và nguy hiểm ngoài chiến trường, lằn tên mũi đạn vô tình có thương ai đâu, bao nhiêu chiến sĩ đã chết, đã thương tích tàn phế, đâu có phải chỉ để làm hài lòng hay thỏa mãn tham vọng quyền lợi của một số cá nhân. Công bằng xã hội là thế nào? Có phải là đa số phơi thân ngoài mặt trận để cho thiểu số ở nhà sống phè phỡn, cỡi trên đầu trên cổ, và lớn tiếng làm quyền hay chỉ trích?” (*)
Người thanh niên này sau trở thành một sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, và chính anh đã thực nghiệm cái thuyết mà ông thân sinh của anh đã thực nghiệm trước đó. Anh cho biết rằng:
‘’...Mỗi khi đi hành quân vào vùng địch, tôi lại nhớ đến lời nói của ông già tôi, và tôi mới thấy rằng rất khó để thoát khỏi cái tình thế lưỡng nan mà người chỉ huy hành quân thường phải đối diện tại mặt trận. Một bên là phải lấy lòng dân chúng, không được xâm phạm tài sản của dân, dù là ngọn rau lon gạo. Nhưng một bên là quy luật chiến tranh. Tôi biết chắc rằng ngọn rau lon gạo trong vùng hành quân sẽ được tiếp tế cho địch, và do đó, cần phải tiêu diệt nguồn lương thực của địch, mới nắm được thế thắng. Đó là tình trạng tế nhị rất khó giải quyết. Phía bên Cộng Sản họ cũng hiểu rõ như thế, cho nên họ có chánh sách xúi dân chúng đi thưa kiện, kêu nài mỗi khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa đến hành quân mà tịch thâu lương thực. Họ bày cho dân chúng mọi hình thức khiếu nại, lên án chúng tôi “sách nhiễu dân chúng”, “xâm phạm tài sản nhân dân”, “phá hoại chánh sách thân dân của chính phủ”, và có kỹ thuật nại ra các bằng cớ, nhân chứng, dữ kiện, chi tiết, làm cho các giới chỉ huy hay tư pháp ngồi trong văn phòng ở Sài Gòn hay các đô thành, khi đọc hồ sơ khiếu nại, chỉ nhìn thấy một khía cạnh duy nhất là binh sĩ đã phạm tội xâm phạm tài sản, sách nhiễu dân, đủ các thứ tội!
Cho nên bản thân tôi rút ra được, qua nhiều lần như thế, cái kết luận bi đát là kẻ ra mặt trận là kẻ phải chịu chết và chịu tội trước hết, bởi vì kẻ ấy phải đối diện các tình trạng phức tạp nan giải, mà những kẻ ngồi trong văn phòng không thể hiểu rõ được, chỉ biết áp dụng luật lệ trừng phạt hay khiển trách.
Cái kết luận bi đát nữa tôi nhận thấy qua kinh nghiệm bản thân của chính tôi, là trong cuộc chiến tranh không có chiến tuyến rõ ràng này, chúng tôi bị rơi vào cái bẫy của địch một cách quá dễ dàng, và do đó, chúng ta khó mà thắng thế được...
Bây giờ thì tôi hoàn toàn thông cảm với cha tôi, chứ không còn bực bội như hồi còn đi học. Có vào rừng rậm mới biết có chông gai. (*)
Gửi ý kiến của bạn