Thời kỳ Hạ nguơn càng tới lúc gần tận cùng, thì càng tồi tệ. Xã hội và con người tiến bộ vượt bực về vật chất nhưng bại hoại về tinh thần, tội ác và đau khổ càng gia tăng, tranh chấp và tham vọng càng ngày càng ác liệt, đưa nhau đến tình huống bế tắc và hoại diệt.
Do đó, khi Hạ nguơn tới điểm tận cùng, một cuộc đổi đời hay tận thế xảy ra, chấm dứt chu kỳ
Tam nguơn, để tái lập đời Thượng nguơn mới. Tận thế không phải là quan điểm của tôn giáo đông phương, mà Cơ Đốc giáo cũng đã nêu trong thánh kinh rằng sau 2000 năm, tận thế sẽ đến với nhân loại.
Thuyết Tam nguơn được xiển minh trong kinh sách Bửu Sơn Kỳ Hương bởi Đức Phật Thầy Tây An từ giữa thế kỷ 19 (1849-1856), như một thông điệp báo cho con người biết rằng nhơn loại đang sống trong thời kỳ sau cùng của Hạ nguơn, ngày tận thế đổi đời sắp xảy ra.
Căn cứ vào những kinh điển thượng dẫn, Phật Giáo Hòa Hảo quan niệm rằng thời kỳ hiện nay là đời Hạ nguơn Mạt pháp, là chặng đường cuối cùng còn lại để con người còn một cơ hội sau cùng mà tỉnh ngộ, thẩm xét lại thái độ một cách cần kíp, chớ không thể lần lựa chần chờ được nữa.
Tôn giáo Cao Đài và một số tổ chức tín ngưỡng Việt Nam cũng đồng quan điểm về thuyết Tam nguơn, cuộc đổi đời và Hội Long Hoa.
Ngoài chủ trương quy nguyên, tức tìm về chân lý đạo Phật, Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo còn nêu lên cho quần chúng một luận đề rất quan trọng: Đó là “tu mau kẻo trễ”, bởi vì thời đại hiện nay là thời kỳ cuối cùng của chu kỳ tam nguơn, tức thời kỳ Mạt-Hạ-Nguơn, ngày tận thế đổi đời sắp sửa xảy đến. Trước khi cuộc tận thế đổi đời xảy ra, con người hiện có cơ hội cuối cùng: hãy kịp thời cải tà quy chánh, từ bỏ ác đạo, trở về đường lành, lập công bồi đức trong cuộc sống còn lại, để tự tạo các điều kiện trong kỳ đại tuyển Hội Long Hoa, mà thăng hoa vào cuộc sống mới của thời kỳ Thượng nguơn để tiếp tục tu hành cho đến khi đạt cứu cánh giải thoát.
Luận đề này như hồi chuông báo động lưu ý các chúng sanh đang vô thức và chần chờ, để gây cho họ ý thức minh bạch rằng vũ trụ và con người hôm nay đang sống những ngày cuối cùng trước khi những thay đổi mãnh liệt xảy ra, mà kẻ ác sẽ bị tiêu diệt, cho nên con người nào muốn đạt đến cứu cánh giải thoát, phải lập tức định lại thái độ, cần kíp tỉnh ngộ, chớ không thể vô ý thức và chần chờ nữa.
Luận đề này đã tạo sự lưu tâm đặc biệt của quần chúng và trong thực tế đang khơi dậy một phong trào ồ ạt mãnh liệt tại nông thôn, hàng trăm ngàn người rủ nhau quy hướng về con đường giải thoát mà Huỳnh Giáo Chủ đã vạch ra cho họ theo.
Hội Long Hoa được xem như một chặng đường hữu hạn trên lộ trình quá xa có vẻ mịt mù bất tận, của con đường giải thoát. Tâm lý hành giả thường dễ chán nản và thiếu niềm tin trước một hành trình bất tận trong thời gian mịt mù và không gian bao la. Vì thế Hội Long Hoa là một chặng đường hữu hạn, là cái mốc rõ ràng, để hành giả ý thức được rằng mình có khả năng, còn thì giờ để tiến tới cái mốc đó, cố nhiên với những nỗ lực tinh tấn trong một tình trạng cần kíp gấp rút. Thuyết Tam nguơn và Hội Long Hoa có tác dụng tâm lý như tiếng chuông ý thức và chặng đường hữu hạn trên lộ trình giải thoát của con người đang sống trong thời Mạt pháp Hạ nguơn này.
Phật Giáo Hòa Hảo tiếp nối truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng xuất hiện trong một bối cảnh xã hội khắc nghiệt hơn, trong đó con người Việt Nam khốn khổ hơn, vì đó là thời kỳ Pháp thuộc, với bao nỗi bất công và tủi nhục. Cho nên khi thông điệp báo động “đời Hạ nguơn sắp tàn và Hội Long Hoa sắp mở” mà Huỳnh Giáo Chủ nêu lên một cách khẩn thiết, người nông dân miền Hậu Giang bừng tỉnh, và hưởng ứng ồ ạt, tạo nên một cao trào quần chúng tín ngưỡng đông đảo và nồng nhiệt chưa từng có. Con đường mà Huỳnh Giáo Chủ vạch ra, chính là xuất lộ đưa lớp người nông thôn ra khỏi cuộc sống tối tăm, vô vọng, bế tắc mà tự họ, họ không thể tìm được giải đáp.
Có thể nói rằng Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo đã nhấn mạnh thuyết Tam nguơn và Hội Long Hoa để khai triển và giải thích vũ trụ quan nhân sinh quan Phật Giáo, tạo một động lực mãnh liệt trong tâm lý quần chúng. Và đó là một đặc điểm rất quan trọng.
Gửi ý kiến của bạn