1- Đưa Tư Tưởng Vào Hành Động

20 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 78392)
1- Đưa Tư Tưởng Vào Hành Động
Triết học Tây phương vụ vào thỏa mãn óc nghiên cứu phát minh tư tưởng, ít quan tâm rằng nghiên cứu phát minh tư tưởng để làm gì? Trái lại, triết lý Đông phương là triết lý nhân sinh, thực sự là cái “Đạo sống”. Cho nên có người đã nói rằng “Đông phương không có triết gia, chỉ có hiền giả (sages)”.

Triết học được xem là thế giới riêng của một số tư tưởng gia, nhất là triết lý thuần lý thuyết. Nhưng “đầu óc bất bình thường” tranh luận lẫn nhau liên miên bất tận về các vấn đề không liên hệ đến đời sống thực của con người. Hai đường thẳng song hành biểu thị một đường có triết lý cao siêu một đường là nỗi khổ đau lớn lao của con người, song hành không gặp được nhau. Đó là trạng thái “tư tưởng, triết lý, ý thức hệ đứng ngoài đời sống con người không khế hợp được với thực tại xã hội”, ngoại trừ tư tưởng triết học nhân sinh.

Đông phương “không có triết học” theo quan niệm Tây phương, bởi vì tư tưởng đạo học Phật, Khổng, Lão, Ấn Giáo đã không hệ thống hóa giống như các hệ thống triết lý Tây phương. Đông phương không có triết gia theo quan niệm Tây phương, bởi vì các bậc “hiền giả” Thích Ca, Khổng Tử, trước hết là những vị “cứu đời”, thuyết giảng đạo học để đem hạnh phúc cho con người trong xã hội thực tại, và cũng để giải thoát con người trong hậu kiếp (Phật). Có thể nói đây là những triết gia minh đức, những minh triết, chớ không phải triết gia hiểu theo định nghĩa Tây phương.

Bực hiền giả minh triết của đạo học Đông phương còn khác biệt với người triết gia Tây phương ở một điểm khác. Đó là: người hiền giả Đông phương tự mình cùng hành động xử thế tiếp vật đúng như tư tưởng mà mình đem ra truyền bá. Đưa tư tưởng vào thực tại xã hội và đời sống nhân sinh, còn là một khía cạnh của “tri hành hợp nhất. Tây phuơng xem “tư tưởng là một dụng cụ để hiểu biết”, nhưng đối với Đông phương thì “tư tưởng là một dụng cụ để hành động trước hết”.

La grande différence, l’unique peut être, entre la philosophie occidentale et celle orientale, c’est que, pour l’occidental, la pensée est un instrument de connaissance, tandis que pour l’Indien, elle est d’abord un instrument d’action. (*)

Một số trường hợp nêu ra để so sánh và chứng minh lập luận trên đây, do học giả H. de Glassenapp viết trong quyển Philosophie Indienne:

Người Đông phương chẳng những chỉ khám phá và đưa ra ánh sáng những huyền bí của “thực tại” mà trước hết nhằm vào mục tiêu thực dụng của nó: cái học siêu hình nghiên cứu về chân tướng của sự vật phải mang lại cho đời sống hiện tại một nguồn vui bất diệt cho tâm hồn vượt lên trên mọi ham muốn và lo sợ. Bởi vậy Đông phương đã tìm ra mọi cách để xem sự chân xác của một triết thuyết bằng cách kiểm xét lại đời sống thực tế của người phát minh ra học thuyết ấy, coi nói và làm của họ có ăn khớp nhau chăng? Một người như Jean Jacques Rousseau trình bày lý thuyết rất hay về giáo dục, nhưng chính ông lại đem con cái mình bỏ vào cô nhi viện. Một tư tưởng gia là Schopenhauer truyền bá phương pháp tu luyện mà chính mình không bao giờ tu luyện theo đó.

Một triết gia nổi danh đại tài như Bacon, về học thuyết có thể gọi là cao siêu, nhưng đời tư của ông là đời một con người đê tiện. ở Đông phương không có hạng người như thế mà được gọi là triết nhân. Ngô Khởi ở học Khổng tử, bất hiếu, bị đuổi ra khỏi trường lập tức. Đức thắng tài vi quân tử, tài thắng đức vi tiểu nhân...

Trong lịch sử Đức Phật Thích Ca có ghi sự việc Đức Phật không chịu bàn luận về các vấn đề siêu hình suông không có công dụng diệt khổ. Ngài cho rằng những tranh luận siêu hình về chân lý mà các trí giả đương thời thích đem ra bàn cãi, đều là những tranh luận phù phiếm vô ích. Đông phương còn có thuyết “tam bất hủ” là Đức, Công, Ngôn. Theo trình tự công thức này thì Ngôn đứng sau chót. Sự lập đức, lập công quan trọng hơn lời nói suông. Lấy thuyết này để nhận xét sự việc, tức xét xem tư tưởng hay ý thức (ngôn) có đem đến cho con người xã hội những ân ích nào, chớ không phải chỉ lượng giá trên tiêu chuẩn cái biết, cái thuyết, như bên Tây phương. Lấy nhận thức quan này mà xét, thì Huỳnh Giáo Chủ đã suy tư, sáng tác, thuyết giảng và hành động cho Con Người, chớ không cho một triết lý, một chủ thuyết, một ý thức hệ. Cho nên dưới cái nhìn của một học giả, một trí thức Tây phương, Giáo Chủ không là một “thiên tài sách vở”, khi đem đối chiếu các tác phẩm gọi là “bác học” của các triết gia, các nhà tư tưởng khác. Trái lại, khi đặt các tác phẩm của Huỳnh Giáo Chủ vào ngay thực tại xã hội thời kỳ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo (1939), tại không gian Việt Nam, và khi theo dõi hành động cũng như tư cách con người của Huỳnh Giáo Chủ, người ta sẽ thấy rằng đây là một bực minh triết thánh thiện, đã sáng tác, thuyết giảng, truyền bá và hành động vô cùng tích cực, để cứu khổ và giải phóng con người đang sống trong bối cảnh xã hội đó.

Huỳnh Giáo Chủ đối diện thực tại, nhận thức về cái thực tại trước mắt, nhìn sâu vào các nguyên nhân siêu hình, lịch sử và xã hội đã tạo ra cái thời đại đó, cái lớp người đó, rồi lại đọc rõ được nguyện vọng thâm sâu của khối nhân sinh đang sống trong hoàn cảnh xã hội và bối cảnh địa dư đó, để rồi đưa ra phương lược chuyển hóa cái thực tại trước mắt đó. Như một lương y, một dược sư, chẩn mạch định bệnh, biết rõ con bịnh, gốc bịnh, rồi đưa ra phương thuốc điều trị cứu bịnh.

Cho nên Huỳnh Giáo Chủ đã không làm công việc lập thuyết, không đưa ra một hệ thống lý thuyết, không bắt các tín đồ phải học phần “ý thức hệ”, mà Giáo Chủ chỉ nhắm thẳng vào thực tại trước mắt để rồi đưa ra những lời khuyên, lời giảng, lời hướng dẫn, với những hành động gương mẫu cảm hóa con người, tạo cho con người một niềm tin sắt đá là “cứ đi theo con đường chánh đạo này thì sẽ ra khỏi hầm tối và sẽ thấy ánh sáng giải thoát”.

Thực tại xã hội vào thời kỳ đó là một nước Việt Nam bị cướp mất chủ quyền, bị ngoại bang thống trị, là một dân tộc Việt Nam đang đau khổ rên siết trong thân phận nô lệ của đế quốc thực dân, và ngay gần sát bên, hay chung quanh, là lớp dân nông thôn đang sống một cuộc đời bế tắc vô vọng, không biết đường nào, cách nào để tự giải thoát. Rất ít người đi sâu vào bối cảnh ấy để tìm hiểu đúng nguyện ước thâm sâu của lớp dân nông thôn sinh hoạt trong tình trạng xã hội nông nghiệp truyền thống, với trình độ thuần phác và với niềm tin tôn giáo còn rất mãnh liệt. Cũng rất ít người tìm hiểu về tâm lý và tâm tư của lớp dân nông thôn này, để biết rằng phải làm thế nào, cách nào để huy động họ, chuyển hóa họ, tự bản chất an phận thụ động thành con người tích cực và dám chết sống cho một lý tưởng. Nói chung lớp dân đa số này bị “bỏ quên trong lũy tre xanh”, không được ai nghĩ đến, thương đến, để hiểu rằng họ cũng có nhu cầu được hướng dẫn, được cứu giúp để cùng đại khối quốc dân nhập cuộc hành trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, tức cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng con người cũng đồng thời đang diễn ra khắp thế giới, theo trào lưu tiến hóa chung của nhân loại “các dân tộc bị trị phải đứng lên”.

Cũng vì không thấu hiểu được tâm tư, tâm lý, trình độ, nguyện vọng đặc thù của lớp dân nông thôn này, cho nên các sinh hoạt đấu tranh tại miền Nam Việt Nam lúc đó đã chỉ giới hạn tại các đô thị, bởi vì một số lãnh tụ tung ra những ý thức hệ quá xa lạ đối với nông dân, những khẩu hiệu và chủ trương của đấu tranh mà họ không thể hiểu được, thí dụ họ không thấy cái gọi là “thặng dư giá trị” nó liên hệ thế nào đến cuộc sống của họ.

Nhưng Huỳnh Giáo Chủ đã nhận thức được rằng: Nông dân là khối quần chúng đại đa số trong xã hội, bị thiệt thòi nhứt trong xã hội, không được ai lưu ý để cứu họ, lại cũng không được ai hướng dẫn.

Trước một thực tại xã hội và tâm lý như thế, Huỳnh Giáo Chủ đã “nói những lời thường cho dân dễ hiểu”, dạy những câu trung đẳng, chẳng nói điều quá cao siêu, để dân dễ nhận, dễ hành.

Vấn đề chính yếu đối với Huỳnh Giáo Chủ trong bối cảnh đó, không phải là “chứng tỏ mình là người thông thái”, mà là thể hiện mình là người thánh thiện, đến với quần chúng với tấm lòng từ bi, với lòng thương không phân biệt, và với con đường cứu khổ khả tín.

Nếu Huỳnh Giáo Chủ bắt đầu bằng cách đưa ra một ý thức hệ hay những lý thuyết khó hiểu, bác học, hẳn là không thể giúp được cho lớp dân nông thôn, và cũng không thể chuyển hóa được thực tại. Giống như một thầy thuốc bắt mạch sai, cho thuốc trật, không thể giúp được con bịnh.

Huỳnh Giáo Chủ không lập thuyết, nhưng có “trứ thư lập ngôn”. Tư tưởng truyền bá không theo hệ thống, nhưng có căn bản. Cơ sở tư tưởng thoát ra qua các tác phẩm của Giáo Chủ là tam giáo Đông phương, nhưng chính yếu là đạo Phật. Nhưng khi đem phổ biến trong quần chúng, không phải dưới hình thức những luận đề khó hiểu, mà là những lời giải thích rất chi tiết, cặn kẽ, thực tế, giản dị để cho tín đồ hiểu một cách mau chóng nhưng rõ ràng về nguyên lý cuộc sống, về nguyên nhân sự khổ, con người từ đâu tới, sống để làm những gì, và cứu cánh phải đạt. Đó là những bài học thực tế đào tạo con người tốt trong xã hội, con người hiểu đạo lý, hiểu bổn phận làm người và nghĩa vụ công dân, để lập công bồi đức trong hiện tại mà tạo điều kiện tiến về cứu cánh giải thoát.

Người tín đồ thấy rõ cái xã hội mà chính họ đang sống trong đó, biết các điều xấu phải tránh, điều tốt phải làm. các vấn đề văn minh văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng hành đạo, nghề nghiệp sinh nhai, nguồn gốc dòng giống, quốc gia dân tộc, gia đình xã hội, tình nghĩa con người, đạo nghĩa vợ chồng, liên hệ gia đình, yêu đương tình ái, hôn nhân tang lễ... đều được đề cập trong các tác phẩm của Huỳnh Giáo Chủ, không phải dưới hình thức các “định luật, nguyên tắc” mà là những bài học trực tiếp hay lời dẫn giải minh bạch để người nghe hiểu được và hành theo được.

Tóm lại, giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo không hệ thống hóa như một ý thức hệ Tây phương, mà là những tư tưởng đã phát xuất trên cơ sở bền vững của tam giáo Đông phương, được phổ truyền và thể hiện tùy duyên tùy ứng “tùy phong hóa dân sanh phù hạp”, theo như bản chất hòa hợp luôn đối cơ đối cảnh của Phật Giáo. Huỳnh Giáo Chủ đã truyền bá tư tưởng trong một nghịch cảnh đặc biệt khó khăn phức tạp, với một phương thức đặc biệt để khế hợp với một thực tại xã hội và tâm lý, trình độ quần chúng, làm cho tư tưởng đó sống động, thể hiện vào hành động, có sức mạnh chuyển hóa nhân tâm, thay đổi xã hội.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn