8- Cuộc Vượt Thoát Từ Bạc Liêu Lên Sài Gòn

20 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 78383)
8- Cuộc Vượt Thoát Từ Bạc Liêu Lên Sài Gòn
Theo tài liệu của chánh quyền Pháp tại Đông Dương, họ dự trù đưa Huỳnh Giáo Chủ sang lưu đầy tại Ai Lao, bởi vì Pháp đã không hài lòng với biện pháp biệt cư tại các tỉnh miền Nam. Họ theo dõi và rút ra một nhận xét rằng: ở bất cứ nơi nào cũng vậy, Huỳnh Giáo Chủ lại thâu nhận được thêm ủ lại thâu nhận được thêm c biệt cư ở các tỉnh, chỉ giúp thêm cơ hội cho sự bành trướng của Phật Giáo Hòa Hảo, mà họ không thể ngăn chận được. Về mặt tâm lý tín ngưỡng, thật khó mà cấm cản, dù bằng tuyên truyền hay võ lực, hay giải thích; niềm tin tôn giáo là niềm tin mãnh liệt, bền bỉ, bất khả lay chuyển.

Cho nên, sau hết, người Pháp quyết định đưa Huỳnh Giáo Chủ biệt xứ thật xa, ở ngoại quốc. Lúc đó, họ đã lựa chọn Ai Lao, vì vương quốc này cũng là một nước do Pháp đô hộ.

Nhưng tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã khám phá được dự tính này, và đã hành động kịp thời, đưa vị Giáo Chủ từ Bạc Liêu về Sàigòn, trước khi chánh quyền Pháp thực hiện ý định.

Theo tài liệu của Phòng Tình báo Quân sự Pháp, có viết về việc này như sau:

‘’Bạc Liêu đã trở thành nơi hành hương của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Họ tới thăm Thầy, khi về nhận chỉ thị miệng và sấm giảng, giấu giếm đem phổ biến khắp nơi. Đó là những tài liệu, những thông điệp của Thầy với khuynh hướng chống Pháp rõ rệt. Cho nên đầu 1942, nhà cầm quyền địa phương đề nghị đưa ông Huỳnh Phú Sổ trở về sinh quán, làng Hòa Hảo. Nhưng phủ Toàn quyền quyết định đưa ông đi đầy Ai Lao. Chỉ vài ngày trước khi thi hành quyết định này, một số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo với sự tiếp tay của hiến binh Nhật đã tổ chức giải cứu ông đưa về Sàigòn. Những nhân vật có dính líu trong vụ này gồm có: Lương Trọng Tường bí danh Lê Văn Kinh, Bùi Văn Trung, Cả Vi, Hội đồng Điều (Ngô Quang Điều), trung sĩ hiến binh Nhựt Kimura, và tài xế Trần Văn Son...’’

Nhưng chi tiết của tác giả Savani không chính xác, khi đối chiếu với lời tường thuật của ông Lâm Ngọc Thạch, con trai của ông Lâm Thơ Cưu, là người đã đứng ra tổ chức vụ giải cứu Huỳnh Giáo Chủ. Do sự tranh chấp giữa Pháp và Nhựt, ông Lâm Thơ Cưu cũng gọi là ông Hương chủ Cưu, một cao đồ theo đạo từ đầu, đã được biết về dự tính của Pháp. Ông nhờ viên thượng sĩ hiến binh Nhựt giúp đỡ trong công tác “cướp” vị Giáo Chủ không để cho Pháp đưa đi Ai Lao.

Sau đây là những chi tiết do ông Lâm Ngọc Thạch thuật lại:

‘’Việc Pháp khủng bố Cao Đài, bắt Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc đầy đi Madagascar, làm cho tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo lo ngại. Khoảng tháng 9 năm 1942, một tín đồ, mà cũng là thân thuộc gia đình, là ông Biện Hùm (có đi đăng sơn với Đức Thầy) đến Bạc Liêu. Đức Thầy nói riêng cho ông Biện Hùm biết Pháp có ý định đưa Ngài đi đầy xa, ở ngoại quốc, giống như đã đầy Hộ pháp Cao Đài đi Madagascar. Biện Hùm về gặp cha tôi (ông Lâm Thơ Cưu) bàn tính kế hoạch đưa gấp Đức Thầy đi nơi khác, trước khi Pháp thực hành ý định. Cha tôi liền đến sở hiến binh Nhựt tại Sàigòn, nhờ họ giúp đỡ thực hiện kế hoạch, bằng cách mượn một chiếc xe hơi của sở hiến binh, xuống Bạc Liêu bất thần chở Đức Thầy đi nơi khác, thoát khỏi tay Pháp.

Nhưng Kempeitai không cho mượn xe của sở hiến binh, họ tìm giùm được chiếc xe hơi dân sự, giao viên thượng sĩ hiến binh Kishi (tài liệu Savani nói là Kimura) cùng đi với cha tôi và tài xế Ba Xạ, trực chỉ Bạc Liêu. Khi đến tỉnh này (12-10-1942), xe đến thẳng nhà ông Võ Văn Giỏi (tức Ký Giỏi) nơi Đức Thầy đang ngụ. Đức Thầy lên xe ngay, và trước khi dời khỏi nhà, Ngài còn cẩn thận dặn dò ông Giỏi rằng:

— Sau khi Thầy đi rồi, ông đến báo với nhà chức trách sở tại rằng Nhựt đã đến bắt Thầy đem đi.

Đó là ý của Đức Thầy muốn tránh cho gia đình ông Ký Giỏi sự phiền phức do nhà cầm quyền Pháp sẽ gây ra, hay sẽ buộc ông Giỏi vào tội đồng lõa.

Rủi ro xảy ra là tài xế chạy xe lạc hướng, thay vì đi hướng Bắc về Sàigòn, lại đi hướng Nam xuống Cà Mau. Dọc đường xe lại hư tại Tắc Vân. Viên thượng sĩ Kempetai phải đến nhà ông Bang trưởng Triều Châu tại đây mượn chiếc xe hơi của ông đang đậu trước nhà, rồi trở lại Bạc Liêu để tiếp tục chạy về Sàigòn. Do sự trễ nãi này, nhà cầm quyền Pháp kịp thời bố trí để chận bắt giữa đường.

Xe vừa tới Trung Lương (gần thị trấn Mỹ Tho), công an Pháp dàn sẵn, chận đường. Tài xế liều mạng lái lách qua bên lề đường để tránh xe công an, nhưng không lọt, nên xe xuống ruộng, cha tôi bị thương ở xương sống mũi. Đức Thầy bị thương nhẹ nơi tay, và viên thượng sĩ Nhựt cũng bị thương sơ sơ.

Công an Pháp điệu tất cả về Sàigòn. Viên thượng sĩ hiến binh vì cự nự, nên bị Pháp còng tay luôn. Tới Sàigòn, viên thượng sĩ đòi hỏi phải có mặt Đại sứ Nhựt để giải quyết vấn đề. Khi Đại diện Đại sứ Nhựt đến, thượng sĩ hiến binh này hét lên một tiếng, xô nguyên chồng hồ sơ của Pháp từ trên bàn xuống đất, và nằng nặc đòi mổ bụng harakiri tự sát, bởi đã bị Pháp làm nhục. Sau khi Đại diện Đại sứ Nhựt nói, công an Pháp đến mở còng tay của thượng sĩ hiến binh, nhưng ông này hất tay Pháp không cho mở, và chìa tay đợi vị Đại diện Nhựt mở còng. Đồng thời cha tôi cũng được mở còng.

Viên thượng sĩ hiến binh liền cặp tay Đức Thầy và cha tôi ra xe, chạy thẳng về Sàigòn, tới trụ sở hiến binh Nhựt tại đường Lefèbvre trong vòng cao ốc Phòng Thương mại (sau là hội trường Diên Hồng)’’.

Chú thích:

Kimura là tên của viên Tham vụ Ngoại giao tại tòa Lãnh sự Nhựt, đặc trách phổ biến Nhựt ngữ, trong phạm vi hoạt động của Nam Dương Học Viện, chớ không phải là hiến binh Kimura có liên hệ đến thông tấn xã Domei. Đại sứ Nhựt lúc đó là Minota. Còn Thượng sĩ Kishi mới là người có liên hệ đến việc giải cứu Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, sau này Kishi về Nhựt có tên là Katayama. Xem như thế, thì tài liệu rất dễ sai lầm.

Theo các thi tiết diễn tiến trên đây, vụ giải cứu này không do sáng kiến của Nhựt, mà là sáng kiến của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo có sự giúp đỡ của Nhựt để thực hiện.

Một chi tiết cần ghi lại, để hiểu đúng tâm trạng và đường lối của Huỳnh Giáo Chủ đối với chánh sách Nhựt Bổn tại Việt Nam. Trong lúc tá túc tại sở hiến binh Nhựt, Huỳnh Giáo Chủ có viết hai câu thơ, dưới hình thức câu đối, như sau:

Trương Tiên tá Hớn phi thần Hớn,

Quan đế cư Tào bất đê Tào.

ngụ ý mình như nhân vật Trương Tiên ngày xưa tuy ở với nhà Hán, nhưng không thần phục và nhắm mắt phục vụ nhà Hán, cũng như Quan Vân Trường, tuy tạm về nương nhờ Tào Tháo khi anh em lạc nhau, nhưng không vì thế mà lệ thuộc Tào Tháo, vẫn giữ tư cách và đường lối của mình. Hai câu thơ này cũng là đường lối chánh trị hướng dẫn cuộc đấu tranh của Phật Giáo Hòa Hảo trong thời kỳ đó, và Phật Giáo Hòa Hảo đã không phải là một tổ chức “thân Nhựt”. Cái nhìn của Huỳnh Giáo Chủ lúc đó là đã tiên liệu thế nào Nhựt cũng bại trận, mà bại trận trong năm 1945. Với câu nói “Nhựt Bổn ăn không hết nửa con gà”. Huỳnh Giáo Chủ tiên liệu rằng Nhựt không thể kéo dài quá nửa năm con gà (1945 là năm Ất Dậu âm lịch, tức năm con Gà). Quả nhiên, từ 26-7-45, Đồng minh chánh thức kêu gọi Nhựt đầu hàng, và ngày 6-8-45, bom nguyên tử nổ tại Hiroshima, Nagasaki, đưa nước Nhựt vào một tình thế phải quyết định đầu hàng Đồng minh ngay. Huỳnh Giáo Chủ cũng tiên liệu trước khi Nhựt bại trận, quân đội Nhựt sẽ phải cướp quyền cai trị Đông Dương, để ứng phó với tình hình trong cái thế chủ động.

Với cái nhìn tiên liệu về vai trò của Nhựt Bổn tại Đông Dương như thế, cho nên Phật Giáo Hòa Hảo đã tiếp tục chuẩn bị hàng ngũ để đối phó với sự trở lại của thực dân Pháp, thái độ thân hữu với Nhựt chỉ được xem như nhu cầu giai đoạn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn