Với chiêu bài chống đế quốc tư bản thực dân để giải phóng các dân tộc nhược tiểu bị trị , Nga Sô đã làm cho một số người Việt Nam tin theo và dựa vào Mạc Tư Khoa để thực hiện cách mạng. Ngược lại, những chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong Khối Quốc Gia lại cho rằng đảng Cộng sản Đông Dương nằm trong hệ thống quốc tế của Nga Sô, chỉ nêu mục tiêu giải phóng dân tộc làm bình phong để trá hình mà vận dụng quần chúng, gây tạo uy thế, trong một giai đoạn chiến lược.
Sự khác biệt chủ trương đường lối này tiềm tàng trong lúc đầu sau đó từ tháng 9-1945, nổ bùng thành cuộc xung đột mãnh liệt giữa hai khuynh hướng Quốc gia và Quốc tế vào đầu thập niên 50, và trở thành đối nghịch sắt máu dưới hình thức chiến tranh thực sự khi chánh phủ Hồ Chí Minh thi hành chánh sách đàn áp đối lập từ tháng 8-1945.
Sự bùng nổ Đệ nhị thế chiến vào tháng 9-1939 là cơ hội thuận tiện cho dân tộc Việt Nam phát động va tăng gia nỗ lực cách mạng giải phóng dân tộc. Quân đội Nhựt Bổn đến Đông Dương, và nước Việt Nam bị đặt vào tình thế một cổ hai tròng dưới sự cai trị của hai đế quốc: Pháp và Nhựt. Tình trạng này kéo dài đến 9-3-1945, quân đội Nhựt lật đổ bộ máy quyền lực Pháp tại Đông Dương, tạo cơ hội duy nhất cho Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố Việt Nam Độc Lập, sau trên 80 năm Pháp thuộc. Tuy nhiên, Nhựt Bổn cũng không có thiện chí thực sự trả độc lập cho dân tộc Việt Nam cho nên bộ máy quân phiệt Nhựt vẫn nắm quyền thống trị, trong khi chánh phủ độc lập đầu tiên do thủ tướng Trần Trọng Kim cầm đầu không có thực quyền, mặc dầu đó là một nội các gồm những nhà trí thức khoa bảng nổi tiếng thời đó, tuy giàu lòng yêu nước, nhưng yếu kém ý thức chánh trị, không nhận thức được hiểm họa cộng sản, do đó đã để cho Việt Minh, không nhận thức được hiểm họa cộng sản, do đó đã để cho Việt Minh cướp mất cả chánh quyền lẫn cái thế chủ động.
Chỉ năm tháng sau, Nhựt hoàng đầu hàng Đồng minh, Đệ nhị thế chiến chấm dứt, toàn dân Việt Nam đồng loạt đứng dậy đòi độc lập thật sự. Đây là cao điểm của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, được mệnh danh là Cách mạng Tháng Tám (1945). Nhưng cũng từ đó, khởi đầu những khó khăn khủng khiếp và đau khổ trường kỳ cho dân tộc Việt Nam.
Từ bên ngoài, đạo quân viễn chinh Pháp đã lên đường sang tái chiếm Đông Dương. Từ bên trong, đảng Cộng sản Đông Dương áp dụng kỹ thuật và thủ đoạn đã được huấn luyện nghiên cứu từ Mạc Tư Khoa, để chiếm đoạt quyền bính lãnh đạo, thể hiện vào chiến thuật hai mặt: Một mặt Hồ Chí Minh thỏa hiệp với Pháp chấp nhận quân đội viễn chinh Pháp của tướng Leclerc đổ bộ lên Bắc Việt hầu đánh đổi lấy sự công nhận của chánh phủ Pháp để Hồ Chí Minh có tư cách đại diện chánh thức quốc gia Việt Nam; và mặt khác, dựa vào vị thế chánh quyền, đảng Cộng sản Đông Dương thi hành kế hoạch tiêu diệt các tổ chức và lãnh tụ cách mạng nào không đồng ý với đường lối của họ. Những nạn nhân đầu tiên của chánh sách tiêu diệt đối lập này là các tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Đệ Tứ, Quốc gia Độc lập Đảng trong miền Nam, và các chánh đảng Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt và Duy Dân Đảng ở miền Bắc, tất cả đều đã bị Cộng sản khủng bố và sát hại rất khắc nghiệt.
Từ đó về sau mối mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng Quốc gia và Quốc tế trong hàng ngũ cách mạng chống Pháp tại Việt Nam trở thành một cuộc chiến tranh ý thức hệ, không còn chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, mà càng ngày càng mở rộng ra để trở thành cuộc tranh chấp quốc tế giữa Hoa Kỳ tiêu biểu cho khối Tư bản và Thế giới Tự do, và bên kia là Nga Sô cầm đầu khối Cộng sản quốc tế.
Với sự can thiệp quốc tế, cuộc chiến tại Việt Nam khởi đầu là chiến tranh chống thực dân xâm lược Pháp, với mục tiêu độc lập quốc gia, sau này biến thái thành một cuộc thế giới chiến tranh tuy giới hạn về địa dư, nhưng liên hệ mật thiết đến quyền lợi chiến lược của các siêu cường và các khối quyền lực quốc tế.
Trong khi hầu hết những cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc của các nước nhược tiểu bị trị từ trước đệ nhị thế chiến, đã đưa các dân tộc này đến độc lập và hòa bình khi chủ quyền đất nước đã được lấy lại, thì cuộc chiến tại Việt Nam vẫn còn tiếp tục, cho mãi đến ngày nay, mà vẫn chưa thấy có viễn tượng của sự chấm dứt. Nếu kể từ 22-9-1940 là ngày quân đội Nhựt tràn từ Quảng Tây sang Lạng Sơn, khởi đầu không khí chiến tranh trên lãnh thổ Việt Nam, cho đến thời điểm 1987 này, thì cuộc chiến Việt Nam đã kéo dài gần nửa thế kỷ rồi. Một điều rất rõ ràng được rút ra trong sự so sánh Việt Nam với các quốc gia bị trị trước đệ nhị thế chiến, là: tại Việt Nam đã xảy ra hai cuộc chiến tranh cách mạng: Khởi đầu là cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng sau đó là chiến tranh do Mốt Cu và Hà Nội kéo dài thêm để thực hiện cách mạng vô sản quốc tế.
Và đó chính là thảm trạng của dân tộc Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn