6- PGHH Và VNDCXHĐ Trong Lịch Trình Đấu Tranh Của Dân Tộc Việt, Hà Thế Ruyệt

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 82173)
6- PGHH Và VNDCXHĐ Trong Lịch Trình Đấu Tranh Của Dân Tộc Việt, Hà Thế Ruyệt
Lịch sử dân tộc Việt là lịch sử đấu tranh không ngừng để sống, còn, nối, tiến, hóa. Tạm gác giai đoạn từ thời Viêm Đế đến Lạc Long Quân của nòi Đại Việt, lịch sử dân tộc Việt từ Hùng Vương lập quốc vẫn là lịch sử đấu tranh miên trường, để quốc dân Việt được sống an vui với bát cơm đầy, manh áo ấm; để giòng giống Việt được Còn trước bao họa diệt vong; nhân loại tiến hóa; và để đời sống Việt được Chuyển Hóa kịp theo đà tiến hóa chung của lịch sử văn minh nhân loại.

Chế độ Tư hữu Bình sản thể hiện từ đời Hùng Vương với chính sách Quân điền, Quân thổ, là để mọi quốc dân đều được sống an vui về vật chất, với bát cơm đầy, manh áo ấm.

Chế độ Xã thôn Tự trị, Dân chủ Trực tiếp, Quân sự Tự lập, Sản xuất Tập thể Đổi công, là hệ thống tổ chức xã hội để mọi người có cơ hội thăng tiến, đóng góp tự nguyện, thống nhứt ý chí và hành động vào việc xây dựng và bảo vệ quê hương, nòi giống.

Đại giáo Thờ Cúng Tổ Tiên Cha Mẹ, tục lệ Trọng Người Già Cả là để tinh hoa Việt được nối tiếp từ thế hệ này truyền qua thế hệ khác, mà chế độ Thái Thượng Hoàng tại triều đình là một hình thức truyền nối: cha và con cùng chung trị quốc, để có liên tục và hiệu năng.

Từ truyền thuyết Tiên Rồng, văn minh Việt phát huy không ngừng theo tiến trình cái loa (spirale) biểu dương bởi Đồ Án Loa Thành, tiến hóa hướng thượng liên tục và vô cùng, để sau này có khả năng mầu nhiệm thu nhập và tổng hợp tinh hoa Tam Giáo và các Văn minh Ngoại nhập, bồi đắp phong phú hóa nền văn minh Việt cho tới nay và mãi về sau.

Khả năng Thích nghi, óc Thực tiễn rất phổ cập trong nếp sống Việt, uyển chuyển từ triết lý vô tư, văn hóa truyền khẩu, đến chữ viết từ chữ Nôm đến quốc ngữ, qua những canh cải trong cách ăn nếp mặc, phong hóa, đã thể hiện một Triết lý Hành động Thực tiễn Tiến hóa, mà câu chuyện Phù Đổng Thiên Vương, Sách ước Gậy thần là tượng trưng cho tinh lý Triết Tùy và Quân Bình Động, nghĩa là uyển chuyển mà tiến hóa liên tiếp trong thế quân bình.

Gậy thần có hai đầu, một nặng một nhẹ, một âm một dương, một thiện một ác, điều khiển được gậy thần trong thế quân bình động là quán xuyến được những chiều hướng biến chuyển không ngừng của các thế, lực đối xung, để tùy nghi mà điều hợp, chuyển những đối xung thành hòa hợp hỗ trương, hầu sức mạnh dân tộc được thể hiện tối đa. Có sức mạnh tối đa thì ước gì được nấy. Các vị minh quân lãnh đạo dân tộc lấy đức Đại Hùng với nhãn quan Chiến lược để điều hợp các bản vị dị biệt, mà xây dựng sức mạnh hợp quần, mà bảo vệ sự sống, còn, nối, tiến hóa của dân tộc Việt.

Phù Đổng Thiên Vương là ý hướng chỉ nam về phương thức hành động của con người: bình thời thì sống hồn nhiên tĩnh mạc như treœ thơ, nhưng khi hữu sự thì vươn mình lên to lớn, đấu tranh như vũ bão, rồi khi thành công rồi lại trút hết danh lợi, đem khí hạo nhiên hòa mình trong thú vui sơn dã...
Tóm lại, các căn bản triết lý mà mô thức sinh hoạt của dân tộc Việt như đã sơ lược kể trên, kết tinh thành Việt Đạo tức Đạo làm người của dân Việt.
Người dân Việt lấy Người làm gốc, lấy Trời Phật làm tổ tiên làm biểu tượng tôn kính, lấy hợp dẩn, hỗ tương, kính nhường, hiếu thảo, tận tâm trách vụ làm phương châm sống. Đạo Việt là Đạo của Đời, của cuộc sống. Vì Đời cũng là Đạo. Đạo với Đời là một.

Nhờ Việt Đạo đã thể nhập ngay trong đời sống của quốc dân Việt trong dòng sử Việt, mà văn minh Việt, dù trải qua bao thời kỳ biến động khốc liệt khủng hoảng của đất nước, vẫn vững vàng kiên cố, phong phú và thăng hoa, có nghĩa là không bao giờ có thể tàn tạ, tiêu diệt. Có thể nói gọn là: Nhịp Sống Thái Hòa dù Hoàn Cảnh Khốc Liệt.

Chính đó là Quân Bình trong liên tục lịch sử, thể hiện bởi hòa hợp Tam giáo tại Việt Nam ở những thời đại thịnh trị Lê, Lý, Trần, và cũng thể hiện bởi sự có mặt của các tổ chức vừa mang bản chất tín ngưỡng vừa mang bản chất dân tộc, trong lịch sử cận đại và hiện đại của Việt Nam.
Một trong những tổ chức đó là Phật Giáo Hòa Hảo và Dân Xã Đảng.

Văn minh Việt và sự cường thịnh của dân tộc Việt đã sáng chói dưới các triều đại Trần, Lý. Ánh sáng ấy rực lên từ truyền thống văn hóa, tinh thần tổng hợp Tam giáo đồng nguyên, mà Hội nghị Diên Hồng đã biểu dương như một cao điểm của ý chí thiện chí của dân tộc. Cũng từ ánh sáng đó, tinh hoa đó, kết tụ thành một nền Phật giáo dân tộc: Trúc Lâm Yên Tử. Từ Đại sư Vạn Hạnh giúp vua Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ giữ vững sơn hà, đến vua Trần Thái Tông từ ngôi thiên tử lên núi Yên Tử xin tiếp tục con đường tu hành giải thoát. Không phải một mình Trần Thái Tông, mà triết lý ấy còn thể hiện với Tuệ Trung Thượng Sĩ, với vua Trần Nhân Tông sau này trở thành Trúc Lâm đệ nhất tổ. Các Ngài vừa là tu sĩ toàn thiện, vừa là nhà lãnh đạo chính trị anh minh, vừa là chiến sĩ với chiến công lừng lẫy, cứu nguy dân tộc.

Ngày nay Phật Giáo Hòa Hảo và Dân Xã Đảng cũng thể hiện được cái tinh thần Trúc Lâm Yên Tử đó, tức tinh thần Việt Đạo, kết hợp Đạo Đời làm một.
Chúng tôi xin đề cập sau đây tinh hoa Phật Giáo Hòa Hảo qua:
— Triết lý hành động của Phật Giáo Hòa Hảo và Dân Xã.
— Phương thức hành động của cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo và chiến sĩ Dân Xã.
— Cứu cánh hành động.

TRIẾT LÝ HÀNH ĐỘNG CỦA PHẬT GIÁO HÒA HẢO VÀ DÂN XÃ
Triết lý căn bản hướng dẫn hành động của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là tư tưởng Phật giáo và thuyết Tứ Ân, đã được Đức Huỳnh Giáo Chủ diễn giải rành mạch, khi bằng văn xuôi, khi bằng văn vần, qua tập Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ, để các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo y cứ mà tu, mà hành. Chủ trương đường lối lấy Đạo xây đời đã được tóm vào Tuyên ngôn cả chương trình hành động của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.

Thi tập Giác Mê Tâm Kệ sáng tác năm 1939 với ý thơ chan chứa liên hoàn một mạch suốt 846 câu, Đức Giáo Chủ đã chứng tỏ trạng thái liễu đạo, nhập diệu giáo lý Đức Phật từ kiếp nào “lấy xác phàm, mượn ngòi bút, noi theo chí Thích Ca ngày trước” để truyền giảng đạo Vô Vi của Phật, tức là tinh túy của Đạo Phật.

Đặc điểm mà mỗi người cần lưu ý là: Đạo Phật vớ 84.000 pháp môn, với thiên kinh vạn quyển, người Phật tử khó tìm thấy, hay không thể tự mình tìm thấy con đường nào cho mình giữa cái “rừng kinh kệ” đó, và như thế rất nhiều người không tìm thấy lối ra khỏi rừng để thấy ánh sáng chân lý. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã ý thức minh bạch điều khó khăn này của chúng sinh, cho nên Ngài đã chọn lọc những Yếu Lý, và cũng chỉ truyền giảng những yếu lý đó, để chúng sinh nắm được cái chính yếu, tìm được con đường chính mà lại là con đường “tắt” ngắn nhứt để tiến tới cứu cánh của hành trình tu tiến. Những yếu lý của Ngài đề cập là Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Tam Nghiệp, cùng một số lý thuyết về Thập Nhị Nhân Duyên, Môn Hoàn diệt để trừ Ngũ Uẩn, Lục Căn, Lục Trần. Tất cả những yếu lý đó để hướng dẫn chúng sanh đi theo Trung Đạo của Phật, đồng thời với pháp môn Tịnh Độ, để cho tâm chí thành, chí thiết, cầu nguyện được sự trợ lực của Chư Phật để hỗ trợ sự tự lực tu hành của mình mau đắc quả.

Đặc điểm khác là tính cách Nhập thế của Phật Giáo Hòa Hảo. Nhập thế để cứu nhân độ thế, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thể hiện tích cực Việt Đạo, Việt Tính, như tính chất nhập thế của Trúc Lâm Yên Tử thời xưa, và của Bửu Sơn Kỳ Hương do Đức Phật Thầy Tây An khai sáng năm 1846, ở miền Nam. Theo giáo lý nhập thế đó, thì trước khi đến bờ giải thoát, người hành đạo phải thực hiện trọn vẹn bốn điều Ân: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam Bảo, Ân đồng bào nhân loại.

Thể hiện giáo lý đó vào hành động, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vừa là cư sĩ tại gia tu hành để giải thoát, vừa là người chiến sĩ Dân Xã can trường bảo vệ giang sơn, gìn giữ sự sống, nối, tiến, hóa của dân tộc.

PHƯƠNG THỨC HÀNH ĐỘNG CỦA CƯ SĨ PHẬT GIÁO HÒA HẢO VÀ CHIẾN SĨ DÂN XÃ
Phương thức này gồm có bước căn bản là: Tu Thân và Phục Vụ Đời. Con người, trước khi nhận nghĩa vụ trong đời, phải cách mạng thân tâm đã. Giống như công thức Nho giáo Tu Thân rồi mới Tề Gia Trị Quốc, công thức Phật Giáo Hòa Hảo là học Phật tu Nhân, tự tạo cho mình có căn bản của một người hiểu rõ lý đạo, thì khi dấn thân nhập thế mới không bị ô nhiễm bởi chuyện thế gian, cám dỗ danh lợi thế gian.

Con người còn mê đắm trong biển lợi danh, là con người còn tham lam vị kỷ, thiếu căn bản đạo đức thì sẽ:
Đời vật chất văn minh tranh cạnh,
Chữ lợi quyền giựt giết lẫn nhau.

và như thế xã hội sẽ chia rẽ phân hóa vì tranh giành quyền lợi, thì đại nghĩa dân tộc làm sao chu toàn.

Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy rằng: Con người phải trừ khử Tam nghiệp, Thập ác (sát sanh, đạo tặc, tà dâm thuộc Thân Nghiệp, Lưỡng thiệt, ỷ ngôn, ác khẩu, vọng ngữ thuộc Khẩu Nghiệp, và tham, sân, si thuộc Ý nghiệp), đồng thời hành Bát Chánh đạo, gồm có: chân chính nhìn sự việc, chân chính suy nghĩ tư tưởng, chân chính tạo danh lập nghiệp, chân chính phát biểu lời ăn tiếng nói, chơn chính nguyện cầu, tưởng nhớ sự việc, và chơn chính giữ tâm định không xao xuyến.

“Nếu ta tìm con đường Bát Chánh Đạo của Phật mà đi, giữ tâm thanh tịnh làm việc nhơn từ, không lòng hờn giận, chẳng dạ ghét ganh, chuyên tâm niệm Phật, giúp thế độ đời, đừng chứa phiền não và để bụng tham lam ích kỷ, gây mối thiện duyên, lần lần trí huệ mở mang, cõi lòng sáng suốt, thì màn vô minh sẽ diệt”. (*)

Nguyên tắc học Phật tu Nhân của Huỳnh Giáo Chủ cũng giống như con đường Đại học trong Nho giáo: “Đại học chi đạo, tại minh Minh đức, tại Thân dân, tại chỉ ư Chí thiện... Cổ chi dục minh, Minh đức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc, dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia, dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân, dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm, dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý, dục thành kỳ ý giả, tiên tri kỳ Trí, Trí tri tại Cách vật... Vật cách nhi hậu Trí chi. Trí chi nhi hậu Ý thành. Ý thành nhi hậu Tâm chính. Tâm chính nhi hậu Thân tu. Thân tu nhi hậu tề gia. Gia tề nhi hậu Quốc trị, quốc trị nhi hậu thiên hạ bình...” Chánh Tâm, Thành Ý, Trí Tri, Cách Vật chính là một phần của Bát Chánh đạo vậy.

Cuộc cách mạng dân tộc, nhơn loại phải bắt đầu bằng cách mạng ngay bản thân con người, nhất là cấp lãnh đạo: Tự Thiên tử dĩ chứ ư Thứ dân giai dĩ Tu thân vị Bản.

Lấy người làm gốc, lấy bản vị cá nhân làm nền tảng, nên Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng như lãnh tụ Duy Dân ông Lý Đông A đều chủ trương mỗi chiến sĩ khởi đầu bằng Tự thắng, thắng chính mình trong cuộc diệt trừ ác tính, vật tính, lòng tham lam, sự vị kỷ, rồi mới tiến được đến Nhân chủ, đưa mình tới thật lành thật đẹp. “Phải coi mình là một con vật mình phải luôn thờ phượng nâng cao lên thật lành và thật đẹp. Đối với người cũng như thế (**) “Mỗi quốc dân phải tự mình thực hiện ba sự nghiệp: Nhân cách tu dưỡng cho kiện toàn, lãnh đạo gia đình cho phúc lợi, phục vụ dân tộc để đồng tình nhân loại...” (***)

Nếu không cách mạng được chính bản thân, thi đấu tranh trong vô minh sẽ đầy vị kỷ, tranh bá đồ vương, giành xôi kiếm thịt, chỉ gây khổ não cho đồng bào, cho đoàn thể, cho dân tộc, cho nhơn loại, chớ không thể đạt được mục đích của cách mạng.
Cái chữ tâm là quỷ hay ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó.

(trích thi Đức Huỳnh Giáo Chủ SGTVTB tr.97)

Tóm lại, muốn cứu nhân độ thế, con người phải học Phật tu Nhân.
Mối tương quan giữa Đạo và Đời đã được Huỳnh Giáo Chủ diễn tả trong hai câu thơ:
Đời không Đạo, đời vô liêm sỉ,
Đạo không Đời, Đạo biết dạy ai.

Trong phương thức hành động của các cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo và đảng viên Dân Xã thì Đạo với Đời là một, trong Đạo có Đời, trong Đời có Đạo. Đạo và Đời thể hiện cùng cung độ tư tưởng và hành động của mỗi cá nhân.

Tu hành không xuất gia, người cư sĩ hàng ngày tự giác theo Phật đạo tu sửa thân tâm ngay tại nhà, trong khi phục vụ gia đình xóm làng, hay đầu quân đền nợ núi sông. Vừa tu thân, vừa làm nghĩa vụ cho trọn Tứ Ân. Phương thức hành động này cũng là phương thức của các vị tổ Trúc Lâm Yên Tử, Tuệ Trung Thượng Sĩ vốn là quan đại thần nhà Trần, anh Đức Trần Hưng Đạo, hàng ngày tu thân học Phật đến chỗ cao thâm siêu thoát, nhưng vẫn đóng trọn vai trò trong gia đình, tại triều đình hay ngoài mặt trận... Tư tưởng của Ngài đã truyền cho vua Trần Nhân Tông, vị vua anh kiệt, chủ tọa hội nghị Quân Cán Chính Bình Thân (1283), triệu tập Hội nghị Diên Hồng (1284) để từ đó hai lần đánh đuổi Thoát Hoan và 50 vạn quân Nguyên ra khỏi bờ cõi.

Vừa tu hành, vừa làm vua, rồi Thái Thượng Hoàng, đánh Đông dẹp Bắc, bình trị kiến thiết xứ sở. Rồi khi đã là Trúc Lâm đầu đà, vị tổ thứ nhứt cửa Trúc Lâm Yên Tử, thiền sư còn đi chu du, ở Chiêm Thành, gặp Chế Mân, hứa gả công chúa Huyền Trân cho vị vua này, để hai nước giao hòa, đem về cho giang sơn Việt thêm hai châu quận: Châu Ô và Châu Rí.

Đạo là Đời, Đời là Đạo, đó là phương thức hành động đưa người đến chỗ cao đẹp thanh tao, nhờ đó mà cuộc sống, còn, tiến, hóa của dân tộc được diễn tiến, phát huy cao độ.

CỨU CÁNH HÀNH ĐỘNG CỦA CƯ SĨ PHẬT GIÁO HÒA HẢO VÀ CHIẾN SĨ DÂN XÃ
Muốn tu thân, đạt đạo, và phục vụ thế gian, vẫn cần có môi trường thuận hảo, điều kiện vật chất trợ duyên. Đây là nói về một cuộc cách mạng xã hội, vấn đề thực thi dân chủ, kiến thiết kinh tế, văn hóa, giáo dục, hành chánh, là những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống, để tiến tới cứu cánh của hành đạo.

Do đó, phải có chủ trương, đường lối cách mạng và tổ chức đấu tranh cách mạng Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng được thành lập để làm phương tiện cho cứu cánh cách mạng. Theo tuyên ngôn và chương trình Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng mà Đức Huỳnh Giáo chủ công bố ngày 21-9-1946, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, một đảng chống giai cấp đấu tranh chống độc tài dưới mọi hình thức, để thực hiện bình đẳng xã hội, tư hữu tài sản giới hạn, công bằng nhân đạo, giáo dục phổ biến và cưỡng bách, để kiến thiết một xã hội Việt Nam tự chủ, hòa ái, thịnh vượng, tiến bộ.

Nhưng khi xã hội tốt đẹp như thế đã được thực hiện, thì người chiến sĩ Dân Xã sẽ làm gì? Đức Huỳnh Giáo chủ đã nói trước cho biết là người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo lúc ấy sẽ rũ hết chuyện thế gian, để tiếp tục hành trình tu học tìm về cõi giải thoát của Niết Bàn lạc cảnh. Cứu cánh, và cả phương thức ấy, đã được Huỳnh Giáo chủ phác họa qua mấy câu thơ:
Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi Tòa sen.
hoặc:
Mài gươm trí cho tinh cho khiết,
Dứt tâm trần, kiếm chữ Sắc, Không.
(Giác Mê Tâm Kệ SGTVTB tr.91)
hoặc:
Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Đà nam mô.
(Tặng thi sĩ Việt Châu SGTVTB, tr.545)
hoặc:
Trả nợ thế, nghĩa ân trọn vẹn,
Cảnh non bồng, kỳ hẹn ngày xưa.
(Vọng Bắc Hoài Nam SGTVTB, tr.369)

Giải thoát là trạng thái tu hành tới mức đạt đạo, trong cảnh trí thanh tịnh, không còn ngụp lặn trong biển trầm luân cõi ta bà nữa.
Chủ trương của lãnh tụ Lý Đông A cũng có câu:
Làm tròn giấc mộng tiền sinh ấy,
Vào chốn non sâu nhập Niết bàn.

Đây cũng là triết lý hành động trong Phù Đổng Thiên Vương: bình thường sống hòa mình dân giả. Hữu sự, hành động phi thường. Việc xong, non Bồng nước Nhược, không lưu luyến danh lợi thế gian.

Ôi, cao đẹp thay cho giòng giống Lạc Hồng.

PHẦN KẾT: BÀI HỌC TRONG LỊCH SỬ ĐẤU TRANH
Phật Giáo Hòa Hảo khai sáng 1939, khi Đức Thầy hóa hiện xác phàm để hoằng dương chánh pháp, đã hun đúc nên hai triệu tín đồ, đem sinh khí phủ khắp miền Nam, tạo sinh lực đáy tần cương kiện, làm sung mãn cuộc sống, còn, nối, tiến, hóa của dân tộc. Nhờ nguồn sinh lực ấy mà ngày nay, dù trong nghịch cảnh, ý chí kiên cường, nhẫn nại của dân tộc vẫn tiềm tàng, vẫn sục sôi để sẽ chuyển thành sức mạnh cùng dân tộc chấm dứt thời đại Cộng sản bạo tàn, đóng góp cho cuộc sống, còn, nối, tiến, hóa của dân tộc.

Dân tộc Việt hiện đang trải qua một thời kỳ khó khăn, thời kỳ quá độ của giai đoạn gạn lọc thử thách, trong đó có một bài học mà chúng ta rút ra. Sự thất bại của giai đoạn vừa qua, ngoài các lý do chánh trị, quân sự và quốc tế, còn phải kể một lý do quan trọng: là ta đã thiếu sự hợp đàn hợp lực, có nghĩa là ta đã không giữ được Việt đạo Việt tính của tiền nhân.

Cộng sản đã mất nguồn gốc dân tộc, cho nên cuộc liên kết trong buổi đầu cách mạng (1945) tất nhiên phải đưa đến chỗ đổ vỡ. Nguyên lý là: bản chất Cộng sản Quốc tế, không đồng bản chất với dân tộc.

Nhưng tại sao những thành phần đồng bản chất dân tộc lại đã không thể hợp đàn hợp lực với nhau? Câu trả lời nằm trong bài này, là: con người mà chưa tu thân, chưa dẹp được tham lam vị kỷ, thì hàng ngũ xã hội dễ bị phân hóa chia rẽ. Quyền lợi cá nhân phe phái, cũng như chấp ngã tự ái cũng là các lý do làm ly tán giữa những người Việt cùng mang chung một giòng giống một ước vọng, một lịch sử và một tương lai.

Cho nên, nhìn vào công thức Đạo Đời, và phương thức tu thân để phục vụ của Phật Giáo Hòa Hảo, lại càng thấy rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ quả thật là một thiền sư có cái nhìn xuyên thời gian, với chủ trương quán thế, mà một nhân sĩ miền Nam, ông Trần Văn Ân đã viết về Ngài, rằng Ngài là một nhà Tam thân Cách mạng: Cách mạng Dân tộc, Cách mạng Xã hội, và Cách mạng Tôn giáo.

THÁI KINH DƯƠNG HÀ THẾ RUYỆT
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn