3- VN Dân Chủ Xã Hội Đảng Bị Đàn Áp

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 86475)
3- VN Dân Chủ Xã Hội Đảng Bị Đàn Áp
Về Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội, vốn là tổ chức đấu tranh chánh trị của Phật Giáo Hòa Hảo thành lập năm 1956, đã bị Pháp đánh phá ác liệt năm 1948 đến đỗi phải tạm đình chỉ công tác, để rồi được phục hoạt khi đơn vị của Lê Quang Vinh được cải danh Nghĩa quân Cách mạng thành Quân lực Dân Xã Đảng. Khi Đại tá Lê Quang Vinh rút vào bưng biền năm 1954, Chánh phủ Ngô Đình Diệm rút giấy phép hoạt động của Đảng này, đặt Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng ra ngoài vòng pháp luật. Năm 1955, để nối tiếp các hoạt động Dân Xã, ông Phan Bá Cầm và Nguyễn Bảo Toàn đứng đơn xin hợp thức hóa Đảng trở lại, nhưng chỉ ít lâu sau đó cũng bị chánh quyền Ngô Đình Diệm khủng bố, và phải rút vào bí mật, các lãnh tụ kẻ bị giết, người bị đày ra Côn Đảo.

Ông Nguyễn Bảo Toàn, Tổng Bí thơ Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội, là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Cách mạng thành hình ngày 28-4-1955 để cứu nguy ông Ngô Đình Diệm, giúp ông có thế lực đối phó với Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia trong cuộc tranh chấp gay go năm 1955. Ngay bữa xảy ra giao tranh giữa quân đội quốc gia và quân lực Bình Xuyên, Hội đồng Nhân dân Cách mạng ra đời, với thành phần:

Nguyễn Bảo Toàn, Chủ tịch
Hồ Hán Sơn, Phó Chủ tịch
Nhị Lang, Tổng Thơ ký
và một số nhân vật khác.

Hội đồng này quả đã cứu ông Ngô Đình Diệm trong một tình thế hiểm nghèo. Nhưng chỉ ít lâu sau, Hội đồng này lại là nạn nhân bị chế độ ông Diệm khủng bố. Ba nhân vật chính yếu của Hội đồng nói trên, thì ông Nguyễn Bảo Toàn phải lưu vong sang Mỹ, ông Nhị Lang lưu vong sang Cao Miên, còn ông Hồ Hán Sơn ở lại bị giết trong một trường hợp mờ ám rất đau lòng.

Về nhân vật Nguyễn Bảo Toàn xưa nay vẫn được xem có liên hệ với Phật Giáo Hòa Hảo, đã từng giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, đại diện Đảng này xuất dương sang Trung Hoa hợp với các giới cách mạng Việt Nam lưu vong, thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt Toàn Quốc (gọi tắt: Mặt Trận Toàn Quốc), và đến 1955 giữ chức vụ Tổng Bí thơ Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Cách mạng. Thế mà sau cùng, ông Toàn cũng bị mật vụ của ông Diệm bắt giam và thủ tiêu bằng cách bỏ vào bao bố cột lại quăng xuống sông, mất xác, không biết đâu mà tìm nữa.

Một điều xưa nay dư luận hiểu lầm, cho rằng ông Nguyễn Bảo Toàn là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Không đúng vậy. Ông là người thuộc gia đình theo đạo Thiên Chúa, gốc làng Long Kiến, Long Xuyên. Ông được mời tham gia Ban Chấp hành Trung ương Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng năm 1946, là do sáng kiến của Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, kết hợp quần chúng với trí thức. Đây là một sáng kiến khá táo bạo và rất độc đáo của Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, không ngần ngại giao phó địa vị then chốt trong bộ máy lãnh đạo Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng cho những người không phải tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, mà lại là tín đồ một tôn giáo khác.

Chỉ tiếc rằng ông Nguyễn Bảo Toàn, một người đã cứu nguy ông Ngô Đình Diệm, lại bị chính mật vụ của chế độ này hạ sát một cách thê thảm như thế.
Một nữ chiến sĩ quốc gia, cụ bà Đức Thụ, đã thuật lại một ít tin tức về cái chết của ông Nguyễn Bảo Toàn, như sau:

‘’...Trước khi chết, em tôi thuê xe xích lô giờ đi phân phối tài liệu “khai sơn phá thạch” cho các chiến khu, mà thay thế giấy đòi của ông Ngô Đình Nhu. Tiếp xúc với ông Lê Văn Đồng, cứ tưởng em tôi giả vờ cáo bệnh.

Mặc dầu án lệnh thủ tiêu tôi, ông Trần Kim Tuyến (hiện tị nạn tại Luân Đôn) đã báo cho tôi biết án lệnh đã thu hồi.

Khi tôi trở về bệnh viện, thấy ông Nguyễn Bảo Toàn xuất hiện trong phòng cấp cứu, tôi thúc giục ông Nguyễn Bảo Toàn đi ngay, chính quyền đang truy lùng, treo luôn giải thưởng một triệu rưỡi, nếu ông không đi thì chết cả lũ.

Vì cái giải thưởng to lớn đó, người chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo kiêm Tổng thư ký Dân Xã Đảng, phải chết tức tưởi dưới dòng sông Nhà Bè cầu Tân Thuận. Tôi không nhớ ngày, chỉ biết trước khi thủ tiêu, ông Toàn được nhét giẻ vào miệng, cho vào bao bố cột chặt. Có lịnh hỏi: “Ai đấy?” Trả lời: “Nguyễn Bảo Toàn”. Lịnh thêm: “Thôi đem đi cho xong việc...” (*)

Tác giả cuốn sách “Chín Năm Dưới Chế Độ Ngô Đình Diệm” cũng tường thuật vụ án Nguyễn Bảo Toàn như sau:

Sau vụ đảo chánh hụt ngày 11-11-1960, sở Trung ương Tình báo của Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia được lịnh của Diệm, Nhu truy nã ông Nguyễn Bảo Toàn, vì ông có tên trong thành phần đảo chánh, và bị kết án tử hình khiếm diện.

Cấp trên ra lịnh cho Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia và Phó Giám đốc thi hành. Đào Quang Hiển, chánh sở Trung Ương Tình báo được giao nhiệm vụ theo dõi, lùng bắt Nguyễn Bảo Toàn. Vào khoảng trung tuần tháng 11-1962, Thiếu tá Nguyễn Văn Minh, Tỉnh trưởng An Giang qua sự dò hỏi một Đảng viên Dân Xã, đã khám phá manh mối nơi trú ẩn của Nguyễn Bảo Toàn. Trần Bửu Liêm, Trưởng ban Mật vụ thuộc hạ Đào Quang Hiển đã bắt được Nguyễn Bảo Toàn và Phạm Xuân Gia tự Màng vào ngày 13-11-1962 sau khi khai thác những người có liên lạc với ông Toàn. Hai nạn nhân bị bắt tại góc đường Bà Hạt và Nguyễn Tiểu La thuộc khu Nguyễn Tri Phương Chợ Lớn.

Sau khi theo Trần Bửu Liêm đến nhìn mặt để xác nhận Nguyễn Bảo Toàn đã thật sự bị bắt, Đào Quang Hiển phúc trình lên cấp trên và được chỉ thị chở hai người này đến giam kín tại ban Hoạt vụ IV của Khưu Văn Hai. Sau đó Đào Quang Hiển đi công tác ở Mã Lai.

Thượng cấp ra lịnh cho Nguyễn Văn Y và Nguyễn Văn Hay phải thủ tiêu Nguyễn Bảo Toàn và Phạm Xuân Gia. Đào Quang Hiển vừa từ Mã Lai trở về, chỉ thị cho Trần Bửu Liêm thi hành. Trần Bửu Liêm đã sử dụng 11 tay chân tin cẩn để thi hành công việc thủ tiêu. Chúng hạ sát bằng cách đè hai nạn nhân xuống và thắt cổ bằng dây thừng. Rồi bỏ xác vào hai thùng thông, chở ghe tam Bản chực sẵn tại bến Hàm Tử, cho ghe máy kéo ra sông Nhà Bè. Khi qua khỏi dãy kho cầu Tân Thuận, chúng cột mỗi xác chết vào cây trụ xi măng và liệng xuống sông. Lúc ấy vào khoảng 1, 2 giờ khuya, đầu tháng giêng năm 1963.

Sáng hôm sau Trần Bửu Liêm có báo cáo với Đào Quang Hiển, và Hiển phúc trình lên Tổng nha Cảnh sát, để tại đây trình lên Diệm, Nhu. Kế đó, Đào Quang Hiển có Bảo Trần Bửu Liêm dẫn 11 nhân viên đã tham dự vụ hạ sát thủ tiêu này, đến trình diện để y chuyển lời ban khen của thượng cấp, và căn dặn họ phải tuyệt đối giữ bí mật.

(Thuật theo lời khai trước tòa án của các bị can) (*)

Một vụ thảm sát khác đã làm cho Phật Giáo Hòa Hảo mất đi năm cán bộ cao cấp, và cũng là một vụ điển hình rõ ràng nhứt của chánh sách tiêu diệt cán bộ Phật Giáo Hòa Hảo bởi mật vụ của chế độ Ngô Đình Diệm. Tầm quan trọng của vụ thảm sát này rất lớn, làm cho tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo mất hết chút cảm tình mong manh còn sót lại đối với chế độ.

Đây là một cuộc tấn công táo bạo vào Tổ Đình Phật Giáo Hòa Hảo, và vào cá nhân Đức Ông Huỳnh Công Bộ thân sinh của Huỳnh Giáo Chủ. Bốn người bị giết là các cán bộ cao cấp, cộng sự viên thân tín của Đức Ông, và được mặc nhiên xem như bộ tham mưu của Tổ đình Phật Giáo Hòa Hảo.

Vào khoảng giữa năm 1962, bốn cán bộ: Trần Văn Tập, Lê Hoài Nam, Huỳnh Thiện Tứ, Huỳnh Hữu Thiện, và một người lái xe, cùng đi trên một chiếc xe nhà của Đức Ông, từ Thánh Địa Hòa Hảo lên Saigon. Họ bị bắt đem đi mất tích.

Từ đó về sau, không có tin tức nào của họ, cũng không biết ai bắt, vì tội gì, giam giữ tại đâu. Trong không khí nặng nề của khủng bố, và trong màn lưới khủng khiếp của mật vụ, các trại giam mọc thêm rất nhiều, và bí mật, cho nên các nỗ lực tìm kiếm tung tích những người bị bắt đều vô hiệu quả.

Chỉ sau khi chế độ nhà Ngô sụp đổ vào ngày 1-11-1963, các tin tức bưng bít trong các trại giam, nhà tù, khám đường, và cơ sở mật vụ, được lọt ra ngoài, do chính những người đã bị bắt giam, bị tra tấn. Nhờ phối kiểm các nguồn tin tức cá nhân này, phía Phật Giáo Hòa Hảo mới khám phá ra được manh mối và diễn tiến sự mất tích của chiếc xe hơi và năm người trong đó.

Chiếc xe đã bị phát giác tại bắc Mỹ Thuận trên lộ trình đi về Saigon, và họ bị bắt tại Saigon. Tất cả, bốn vị cán bộ và người tài xế được đưa về cơ sở tra tấn của mật vụ dưới quyền chỉ huy của Đào Quang Hiển. Sở dĩ chiếc xe bị chận lại là do một tin của nhân viên phòng Mật vụ Tân Châu báo cho Mật vụ Saigon biết về chuyến đi này. Hệ thống mật vụ này thường xuyên rình rập theo dõi các sanh hoạt tại Thánh Địa Hòa Hảo, để báo cáo về Saigon, bởi vì chế độ Ngô Đình Diệm tự biết mình không được Phật Giáo Hòa Hảo ủng hộ, cho nên luôn đề phòng mọi hoạt động của Tổ đình Phật Giáo Hòa Hảo, lúc đó được xem như đầu não của đoàn thể này, dù chỉ là đầu não “tự nhiên” tập trung sự tin tưởng để hướng dẫn tinh thần cho khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

Sau khi bị bắt, những cán bộ Phật Giáo Hòa Hảo bị tra tấn rất tàn nhẫn; mục tiêu tra tấn là để tìm hiểu mưu đồ những gì trong chuyến đi Saigon đó. Tình hình lúc này đang căng thẳng sau khi xảy ra cuộc đàn áp Phật Giáo trong ngày lễ Phật Đaœn tại Huế. Sự chống đối của tín đồ Phật Giáo càng ngày càng tăng. Ủy ban Liên phái để điều đình với chánh quyền đã thất bại, các chùa chiền bị phong toœa, biến cố trầm trọng là cuộc tự thiêu của Thượng tọa Thích Quảng Đức tại Saigon ngày 11-6-1963. Bộ máy công an, cảnh sát, mật vụ Cần Lao bắt bớ quá nhiều, các trại giam đầy, phải lập thêm nhiều trại giam mới.

Có lẽ vì thế nên bốn cán bộ Phật Giáo Hòa Hảo đã bị chận bắt và tra tấn, vì phía chánh phủ nghi rằng có sự liên hệ giữa Phật Giáo Hòa Hảo và phong trào tranh đấu của Phật Giáo. Mật vụ theo dõi, khi thấy chuyến đi này có vẻ như một phái đoàn gồm bốn cán bộ cao cấp từ Thánh Địa Hòa Hảo lên Saigon, nên quyết định bắt hết đem về tra hỏi.

Nếu chỉ nghi và bắt lầm như một biện pháp phòng ngừa thì cũng không có gì nghiêm trọng. Nhưng mật vụ đã tra tấn dã man bằng mọi kiểu hành hạ thể xác và tinh thần, cho nên cuối cùng đã giết luôn hết cả năm người, cho phi tang.

Tin tức sau Cách mạng 1-11-1963 xác nhận rằng sau thời gian tra tấn, có lịnh của Tổng nha Cảnh sát Công an cho Mật vụ đem năm vị này đi thủ tiêu. Họ bị trói chặt, và dồn vào bao bố, cột thêm mỗi bao một cục đá, và thả xuống sông Nhà Bè, tức con sông từ Vũng Tàu vào thương cảng Saigon. Nội vụ được đưa ra tòa án Saigon xét xử sau Cách mạng, những thủ phạm đều bị kêu án tù nhiều năm, trong đó có vị Đại tá Tổng Giám đốc Cảnh sát.

Cái chết của bốn cán bộ cao cấp Phật Giáo Hòa Hảo là cái tang chung của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, cũng là niềm phẫn nộ chung của khối tín đồ này đối với chế độ Ngô Đình Diệm.

Sau khi chế độ Đệ nhất Cộng Hòa sụp đổ, vụ này được đem ra xử trước tòa án đại hình. Phần tường thuật sau đây được nói là theo tài liệu cung khai của các bị can trước tòa án:

Về việc hạ sát thủ tiêu năm cán bộ Hòa Hảo: Huỳnh Thiện Tứ, Trần Văn Tập, Trương Văn Kỉnh biệt hiệu Lê Hoài Nam, Huỳnh Hữu Thiện, Nguyễn Văn Dành, các bị can khai như sau:

— Bị can Võ Văn Nhàn nguyên Quận trưởng Tân Châu khai rằng khoảng tháng 10-1962, y về Saigon thăm gia đình có gặp tại Bắc Mỹ Thuận năm người Hòa Hảo trong số đó có Huỳnh Hữu Thiện, cho biết họ đi Saigon xin phép mở cuộc lạc quyên để thành lập Tổ đình. Về tới Saigon, Nhàn đến thuật chuyện này với Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia.

— Bị can Khưu Văn Hai khai rằng khoảng tháng 10-1962, Đào Quang Hiển Bảo y đến tiếp xúc với Đại úy Huỳnh Ngọc Thạch, bí thư của Tổng Giám đốc Cảnh sát. Thạch cho biết có năm cán bộ Hòa Hảo từ An Giang lên Saigon. Bị can được lịnh bắt năm người này. Thạch dẫn bị can tới quan sát căn nhà số 5 đường Trần Nhật Duật là nơi trú ngụ của năm người đó. Những người này đã bị nhân viên của Khưu Văn Hai bắt được trên chiếc xe Vedette số NBI-010, xong rồi trình cho Đào Quang Hiển, nhận được lịnh phải khai thác, và giam riêng họ tại một biệt thự kín ở Phú Lâm của Đại tá Trung.

Khoảng giữa tháng 10-1962, Đào Quang Hiển ra lịnh cho bị can đem thủ tiêu các cán bộ Hòa Hảo này. Việc thủ tiêu được Tổng nha Cảnh sát thừa lịnh tòa án, do chính các bị can diễn lại như sau đây:

— Bị can Lê Văn THảo khai rằng trong vụ hạ sát này, y có nhiệm vụ lái xe, chở các nạn nhân, bị còng tay ra sau bịt mắt kín, đưa đến Phú Xuân (Nhà Bè) rẽ bên trái vào một con đường nhỏ ra sông Nhà Bè, rồi đậu xe tại một khoảng đất trống cách bờ sông độ 150 thước.

— Bị can Nguyễn Văn Ngời khai rằng phận sự của y trong nhiệm vụ này là dẫn năm người từ chỗ xe đậu đến bờ sông cho Huỳnh Phước Bang hạ sát, và sau đó hai người khiêng các xác chết chở trên xuồng ra giữa sông liệng xuống nước.

— Bị can Huỳnh Phước Bang khai rằng y có tham gia vụ bắt năm cán bộ Hòa Hảo đầu tháng 10-1962. Sau đó theo lịnh của Khưu Văn Hai, y tham dự vụ hạ sát thủ tiêu năm người này. Y hạ sát cả năm người bằng cách dùng dây luộc xiết cổ cho chết. Sau đó, Thảo cột trụ xi măng vào các xác nạn nhân, rồi cùng với Ngời, chở ra quăng giữa sông.

(Thuật theo tài liệu cung khai trước tòa án của các bị can) (*)

Sự việc trên đây là điển hình mối tương quan giữa chế độ Ngô Đình Diệm và tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo. Trong mối tương quan đó, Phật Giáo Hòa Hảo là nạn nhân của chánh quyền; còn chánh quyền với quyền lực bao trùm và lề lối cai trị độc tài, tự ý muốn bắt bớ giam cầm, bất chấp thủ tục pháp lý và tinh thần nhân đạo thông thường. Cho nên không thể nói rằng “Phật Giáo Hòa Hảo được tự do sanh hoạt dưới chế độ này”. Dù rằng không có văn kiện nào cấm đoán, nhưng áp lực khủng bố bao trùm và đè nặng như thế, thì làm sao có được sanh hoạt tự do cho Phật Giáo Hòa Hảo.
Ý kiến bạn đọc
26 Tháng Chín 20117:00 SA
Khách
That's more than ssenilbe! That's a great post!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn