5- Tương Quan Giữa PGHH Và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 80590)
5- Tương Quan Giữa PGHH Và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam
Khi Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam ra đời năm 1960, tổ chức này thường đưa ra luận điệu rằng có đại diện của Phật Giáo Hòa Hảo tham gia Mặt Trận, cùng với đại biểu của Cao Đài, Bình Xuyên. Các giới truyền thông quốc tế đương nhiên ghi nhận như thế. Nhưng trên thực tế, không hề thấy Mặt Trận này đưa ra tên tuổi của đại diện Phật Giáo Hòa Hảo là ai. Nếu quả thực có sự tham gia chính thức thì người đại diện Phật Giáo Hòa Hảo phải là một nhân vật đã có một quá trình hoạt động ở cấp lãnh đạo hay đã có tên tuổi nhiều người biết đến. Các tài liệu của Hà Nội và của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam đều không đưa ra được một nhân vật Phật Giáo Hòa Hảo nào ở tầm vóc đó. Cuốn “Hồi ký của một Việt Cộng” (tác giả Trương Như Tảng, Cựu Bộ trưởng trong Chánh phủ Lâm thời Giải phóng Miền Nam), cũng không cung cấp được tên tuổi nhân vật đại diện Phật Giáo Hòa Hảo.

Một nhân vật, tuy không phải là người Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng đã được phía Hà Nội và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam trình bày là người đại diện Phật Giáo Hòa Hảo, và một số dư luận Tây phương cũng tin theo. Đó là Huỳnh Văn Trí tự Mười Trí thường phát ra những truyền đơn hay lời kêu gọi tự xưng là “Sư Thúc” tức là em của Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, mà kêu gọi các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo về hợp tác với kháng chiến của Cộng Sản và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.

Sự thật, Mười Trí là một lãnh tụ Bình Xuyên. Trong buổi đầu kháng chiến Nam Bộ, khi Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo kháng chiến chống Pháp ở chiến khu miền Đông, đơn vị Bình Xuyên của Mười Trí thường đóng binh chung với đơn vị quân sự của Phật Giáo Hòa Hảo. Do đó, giữa Bình Xuyên và Phật Giáo Hòa Hảo có mối thân tình tốt. Do thân tình này, Mười Trí tôn xưng Huỳnh Giáo Chủ là huynh trưởng, và Huỳnh Giáo Chủ gọi Mười Trí là chú, tức chú em. Sau khi lãnh tụ Bình Xuyên Lê Văn Viễn về hợp tác với chánh phủ Nguyễn Văn Xuân (1948), Mười Trí tiếp tục ở lại bưng biền, đến sau hiệp định Giơ Neo 1954, ông tập kết ra Bắc, trở thành một cán bộ trong guồng máy quân sự của Hà Nội.

Mười Trí trở về Nam sau khi Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam ra đời, nhưng không được giao chức vụ quan trọng, mà chỉ được giao công tác tôn giáo vận nhắm vào hai đối tượng Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo. Đối với Phật Giáo Hòa Hảo, ông tự xưng là “Sư thúc” hiểu theo nghĩa thông thường áp dụng trong phạm vi các hội kín hay môn phái võ thuật Trung Hoa, là em của lãnh tụ, của Giáo Chủ để điều khiển các cấp dưới. Nhưng Phật Giáo Hòa Hảo lại không phải là một môn phái võ thuật hay một hội kín, mà là một tôn giáo. Giáo Chủ của tôn giáo là một nhân vật siêu phàm có quyền thánh thể và tuyệt đối (charismatic) không thể chia sẻ, Ủy thác hay thay thế. Bất cứ người nào, dù đó là thân sinh của Giáo Chủ hoặc một vị cao đồ có nhiều uy tín nhứt, cũng không được tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo chấp nhận thay quyền Giáo Chủ. Cho nên các vận động của Mười Trí đối với khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã hoàn toàn thất bại, bị bác bỏ mãnh liệt. Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo không ai chấp nhận ông là “Sư Thúc” của họ.

Mặt khác, nếu Phật Giáo Hòa Hảo đã có tham gia Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, thì sau 1975, nhân vật đại diện đã xuất hiện để tiếp tục vai trò trong chế độ mới. Nhưng sự việc này đã không thấy xảy ra.

Hơn nữa, chắc hẳn tổ chức công an mật vụ của chế độ Ngô Đình Diệm đã có đủ khả năng phanh phui điều này, nếu quả thật trong thời kỳ đó Phật Giáo Hòa Hảo đã có hợp tác với Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Điều này cũng không hề xảy ra.

Các giới chức lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo, khi được hỏi về vấn đề này, đã khẳng định rằng không hề có việc Phật Giáo Hòa Hảo hợp tác hay tham gia Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.

Theo lập luận của giới chức Phật Giáo Hòa Hảo thì tuy bị chèn ép bởi chế độ Ngô Đình Diệm, Phật Giáo Hòa Hảo không hợp tác với Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam là vì không ở tình trạng hiểm nghèo sinh tử như năm 1947. Tuy là không được chế độ Ngô Đình Diệm đối xử công bình, nhưng cũng không bị tàn sát ghê gớm như những cuộc tàn sát 1945, 1947, trong đó hàng chục ngàn tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã bị giết.

Năm 1947, sau khi Huỳnh Giáo Chủ bị Cộng Sản ám hại (16-4-1947) Phật Giáo Hòa Hảo phải đương đầu với một tình thế hiểm nghèo, mà các nhà phân tích gọi là một thế kẹt lịch sử. Trước chiến dịch “khủng bố để tiêu diệt” của chánh quyền Cộng Sản, Phật Giáo Hòa Hảo không thể tồn tại nếu tiếp tục chống lại cả hai đối thủ: Trước mặt là Pháp, sau lưng là Việt Cộng.

Năm 1947, Phật Giáo Hòa Hảo bị Cộng Sản đàn áp nên phải buộc lòng hợp tác với Pháp vì lý do tự tồn. Năm 1955 tuy cũng bị đàn áp, nhưng lại cho rằng chế độ Ngô Đình Diệm cùng chung lý tưởng chống Cộng, cho nên Phật Giáo Hòa Hảo không dựa vào Cộng Sản hay Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam để chống lại chế độ Ngô Đình Diệm.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn