10- Sự Đóng Góp Của Huỳnh Giáo Chủ Và PGHH Vào Công Cuộc Cứu Nước Và Dựng Nước, Trịnh Đình Thắng

18 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 73730)
10- Sự Đóng Góp Của Huỳnh Giáo Chủ Và PGHH Vào Công Cuộc Cứu Nước Và Dựng Nước, Trịnh Đình Thắng
Bài phát biểu trong phần “cảm tưởng quan khách” tại Đại lễ 18-5 Phật Giáo Hòa Hảo ngày 26-6-83 tại California

Xin được mạo muội nhận định bằng con mắt của một người tranh đấu, về sự đóng góp của Đức Huỳnh Giáo Chủ và Phật Giáo Hòa Hảo vào công cuộc đấu tranh cứu nước và dựng nước của dân tộc Việt Nam.

Đó cũng là sự đóng góp tiêu biểu của thế hệ Thanh niên ở một giai đoạn mà ta phải nhấn mạnh rằng sự đóng góp có tính cách vĩ đại nhất cho sự sống còn và tiến hóa của dân tộc ta. Sự đóng góp đã “cởi mở thời đại, gây dựng cháu con”.

Thật vậy, kể từ ngày Nguyễn Thái Học dũng liệt cùng 12 đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông lấy máu đào tô thắm hoa cách mạng, lịch sử đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới: GIAI ĐOẠN THANH NIÊN THAY THẾ CÁC BẬC VĂN THÂN VÀ CẦN VƯƠNG PHÁT ĐỘNG VÀ LÃNH ĐẠO CUỘC CÁCH MẠNG. Cũng trong giai đoạn này, thanh niên đã đóng trọn vẹn vai trò chủ động thế hệ đấu tranh của mình và cũng là lần đầu tiên, suốt bốn ngàn năm lịch sử Việt, kể từ khi Phù Đổng Thiên Vương diệt giặc cứu nước, thanh niên Việt Nam đã lẫm liệt đứng lên, đưa phong trào đấu tranh cho dân tộc lên cao độ. Đó là sự thành hình của hai tôn giáo lớn, bốn đảng Cách mạng, hai chủ thuyết dân tộc, một môn phái Võ dân tộc và một văn đoàn. Với một đặc điểm là tất cả những người lập thuyết, sáng lập hay lãnh đạo đều là THANH NIÊN. Dưới ba mươi tuổi.

Trong hàng ngũ thanh niên lãnh đạo đó, tôi muốn kể đến hai người. Một người sinh cuối năm 1920, đến năm 19 tuổi, tức 1939, đã là một trong những người lãnh đạo Phục quốc quân cùng với Trần Trung Lập, và bắt đầu xây dựng chủ thuyết Nhân Chủ Duy Dân. Đến năm 1943, chính thức thành lập Đại Việt Duy Dân Đảng, và lấy chủ thuyết duy dân làm tư tưởng chỉ đạo. Người thanh niên đó là Thái Dịch Lý Đông A. Trong vòng mấy năm kể từ 1939, toàn bộ tư tưởng Lý Đông A được chính ông viết ra trong bốn bộ sách lớn gồm 15 tác phẩm văn, và một tập thơ, cộng với 16 tập tài liệu khác với đầy đủ chi tiết về sách lược Cứu nước và Dựng nước, sách lược mà ông đã chuẩn bị cho 500 kế hoạch dựng nước.
Năm trăm năm nữa gió Nam dương,
Đừng ghép ta vào hàng trăm tuổi...

Riêng tập thơ Đạo-trường-ngâm gồm 50 bài thơ đủ các thể, từ trường thiên đến tứ tuyệt, từ đường luật đến tự do, thuộc loại kiệt tác về thơ tranh đấu, suốt từ đầu đến cuối đã nói lên được cái dụng ý là làm sáng Sử hồn, nêu cao lòng yêu nước thương nòi, và thúc đẩy đấu tranh cách mạng cứu nước, giữ nòi.

Người thanh niên nữa tôi muốn đề cập chính là Đức Huỳnh Giáo Chủ của Đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Cũng sinh năm 1920, cũng 19 tuổi lập đạo vào năm 1939, với hơn hai triệu tín đồ, và đã sáng tác được ba ngàn sáu trăm câu thơ trong năm cuốn vừa Kệ vừa Sám giảng, một tập văn xuôi khuyên người đời tu hiền, mấy trăm bài thơ, với hàng ngàn lần thuyết giảng về giáo lý cũng như về lý tưởng cách mạng cứu nước, giữ nòi.

Lý do mà tôi đề cập đến hai vị này, trước hết là nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập đạo Phật Giáo Hòa Hảo, thứ hai là vì hai người thanh niên này có rất nhiều điểm tương đồng. Sự tương đồng trong cốt cách, phong thái, tư tưởng đến quan điểm sống hành đạo cứu đời của hai vị, đã là nền tảng cho những sự kết hợp sau này của hai đảng Duy Dân và Dân Xã, trong quá trình đấu tranh chống phong kiến, độc tài gia đình trị, quân phiệt và chủ nghĩa Cộng sản. Hai vị cùng sanh một năm, cùng sáng lập đạo và lập thuyết vào năm 19 tuổi, hiển nhiên phải là hai thiên tài xuất chúng. Nhưng cái quý giá của sự đóng góp của hai thiên tài này chính là sự làm phong phú nền văn hóa dân tộc cũng như sự khai mở một thời đại mới: THỜI ĐẠI NHÂN CHủ, làm sống dậy nhân sinh quan Việt: sống là đi làm lịch sử, làm thăng hoa nền dân chủ Việt: QUỐC DÂN ĐÓNG GIỮ VAI TRÒ QUAN TRỌNG NHỨT TRONG MỘT QUỐC GIA.

Khi tuyên ngôn lập đảng, cụ Lý Đông A đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của quốc dân: “Phàm người nào sống ở nơi giữa quốc dân, đau cái đau của quốc dân, tai nghe mắt thấy cái sống dạt dào trong đời sống quốc dân, tất cảm thấy và giác ngộ trên lý tính thực tiễn cái ngày mai của quốc dân thế nào” thì khi khai sáng nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã ý thức tính thực tiễn cái ngày mai của quốc dân, vì cụ đã sống giữa quốc dân, đau cái đau của quốc dân: ‘’Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh”, hoặc: “Nếu chúng sanh còn chốn mê tan, thì ta chẳng an vui cực lạc...” vui cái vui của quốc dân: “Thuận hòa trăm họ đời an lạc, Chừng ấy xe tiên thế dép giày...”

Hành vi lập Đạo, cứ cái nhìn của chúng tôi, cũng là một hành vi cách mạng. Sự canh cải lễ nghi, thực hiện tu hành tại gia, tiết giảm những cúng lễ có tánh cách xa xí, loại boœ mê tín dị đoan, thực hiện Tứ ân và đem đạo vào đại đa số nông dân, Việt hóa đạo Phật, đem Đạo vào Đời để cứu nước, đem Đời phát triển Đạo để tô bồi văn hóa dân tộc. Đạo Phật Giáo Hòa Hảo do đó, chính là Đạo của dân tộc, đã được xuất hiện trong cao trào cách mạng Dân tộc và Nhân chủ Việt. Ngay cả hành vi Việt hóa Phật giáo để chăm sóc cho dân “tu Nhân học Phật” cũng đã chứng toœ cái nét tương đồng lớn của Đức Huỳnh Giáo Chủ và Cụ Lý Đông A trong quan điểm đã được nêu lên bởi nơi bản Tuyên Ngôn của Duy Dân Đảng là: Quốc dân không vì một chủ nghĩa chế độ hay pháp luật mà sinh ra; trái lại, hết thẩy các chủ nghĩa, chế độ hay pháp luật phải từ nơi quốc dân mà sinh ra mới thích hợp, mới đúng chắc và mới thiết thực giải quyết được những nhu yếu, hy vọng và lý tưởng của Quốc dân. Do đó, việc canh cải đạo Phật cho phù hợp với truyền thống dân tộc, thích hợp với nếp sống nông dân, lực lượng gốc và thành phần chủ lực của dân tộc hẳn là một điều đương nhiên.

Một điểm tương đồng lớn nữa là hai vị đã phát tâm cứu nhân độ thế với hùng tâm Phật, ý chí Việt và tinh thần Phù Đổng Thiên Vương. Hai vị luôn luôn khẳng định rằng khi đã cứu yên được trăm họ rồi thì lui về tiếp tục việc tu hành. Người thứ nhất chủ trương:
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật đà nam mô.
Người thứ hai luôn luôn mong moœi: Tìm người đồng chí dạ khát khao. Tìm đồng chí để:
Cùng ta dong ruổi khắp doanh hoàn,
Dựng lại non sông xưa Bách Việt,
Tạo nên thế giới mới Duy Dân.
để rồi:
Làm tròn giấc mộng tiền sinh ấy,
Trở lại non sâu nhập Niết bàn...

Như tất cả quý vị đã biết, câu trên là của Đức Huỳnh Giáo Chủ, câu dưới là của cụ Lý Đông A. Cái tinh thần Phù Đổng ấy, ở cả hai cụ đều có: cái tâm thức Việt ấy, ở cả hai cụ đều có. Và bởi vì cả hai người, một ở Bắc, một ở Nam, cùng sinh hoạt một năm, cùng bị thất tung sau khi Cộng sản nắm chánh quyền và đang đoạt chính nghĩa dân tộc; tuy chưa bao giờ gặp nhau, nhưng cả hai vị đó đã cùng làm một việc lớn: đó là phát động cuộc Cách Mạng Dân Tộc Nhân Chủ cho Việt Nam.

Đó cũng là lý do giải thích tại sao khi Hội đồng Nhân dân Cách mạng do ông Nguyễn Bảo Toàn thuộc Dân Xã Đảng làm Chủ tịch được thành lập năm 1955, cả hai đảng Duy Dân và Dân Xã đã có thể sát cánh cùng nhau. Và sau này năm 1967, khi Lực lượng Dân tộc Việt thành lập do Cụ Phan Bá Cầm cũng thuộc Dân Xã Đảng làm Tổng Bí thư để thực hiện một cuộc cách mạng đúng nghĩa ở Việt Nam, thì cả hai đảng Duy Dân và Dân Xã vẫn sát cánh cùng nhau.

Như vậy, sự đóng góp của Đức Huỳnh Giáo Chủ và Phật Giáo Hòa Hảo vào dòng vận động cách mạng Dân tộc và Nhân chủ Việt lớn lao như thế nào, tưởng không cần phải nói thêm. ở đây, chúng tôi chỉ muốn được nhấn mạnh một điều: Giờ đây cả hai vị đều thất tung, sự sống chết không ai được biết, nhưng sau 40 năm, tác phẩm của hai cụ không còn là của riêng đạo Phật Giáo Hòa Hảo hay Đảng Duy Dân nữa, mà học thuyết Nhân chủ Duy dân phải được kể là học thuyết của dân tộc Việt, mà Phật Giáo Hòa Hảo mới thực là Phật giáo Việt Nam.

26-6-1983
TRỊNH ĐÌNH THẮNG
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn