9- Phong Trào Truy Lùng Và Xử Án Việt Gian

29 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 80075)
9- Phong Trào Truy Lùng Và Xử Án Việt Gian
PHONG TRÀO TRUY LÙNG VÀ XỬ ÁN VIỆT GIAN

Có lẽ sáng kiến “Việt gian” phát sinh từ kinh nghiệm mà Cộng Sản Việt Nam đã thâu nhận được qua cuộc cách mạng vô sản tại Nga Sô (1917), nhất là dưới trào Stalin dùng chánh sách khủng bố đẫm máu để tiêu diệt đối lập. Stalin có trùm Mật vụ Béria, thì năm 1945 tại miền Nam Trần Văn Giàu có Nguyễn Văn Trấn, Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, tức tổ chức công an mật vụ lệ thuộc Lâm ủy Hành Chánh Nam Bộ, tức lệ thuộc Trần Văn Giàu.

Đồng thời với hành động tiêu diệt nhóm Đệ Tứ ở miền Nam, Cộng Sản Việt Minh lúc đó còn tiêu diệt rất nhiều chiến sĩ có khuynh hướng quốc gia trong các tổ chức chánh trị, tôn giáo và nhân sĩ độc lập.

Tổng hợp các tài liệu về cuộc tàn sát 1945-1946, có những ghi nhận sau đây của nhân vật Trịnh Hưng Ngẫu trong tài liệu: “Tặng thế hệ nay và mai sau.”

Trần Văn Giàu, Chủ tịch ủy ban Hành chánh Nam bộ, chạy thoát sang Bangkok (Thái Lan) và gặp tôi ngày 13-6-1946. Trần Văn Giàu thú nhận rằng chính hắn ra lịnh thủ tiêu gần hai ngàn năm trăm (2.500) cán bộ quốc gia trong mấy tháng nắm chánh quyền. Hắn và đồng bọn may mắn thoát khỏi miền Nam, nếu không khó tránh được hậu quả của hành động tàn sát đó, vì hắn đã gieo quá nhiều hận thù...

Thường bọn công an Cộng Sản, cuối 1945, phao đồn rằng những người bị thủ tiêu đó là Việt gian. Sự thật là bọn chúng gán tội Việt gian nhằm đánh lạc hướng dư luận; sau khi đã “cho mò tôm”, lại còn rỉ tai nói là “đi công tác phương xa”.

Cộng Sản tàn sát các phần tử quốc gia đặng tạo khống khuyết lãnh đạo trong hàng ngũ quốc gia, rồi thay thế bằng cán bộ Việt Minh để thi hành chánh sách của chúng. Chủ trương dài hạn của Cộng Sản Đệ tam thực hiện trên căn bản lý luận là “cán bộ lãnh đạo không thể thay thế trong một thế hệ”, cho nên chúng tiêu diệt các phần tử lãnh đạo của giới quốc gia là tiêu diệt cái đầu lãnh đạo trong nhiều thế hệ.

Phong trào truy lùng và xử án Việt gian khởi đầu ở miền Nam năm 1945, sau lan tràn ra miền Bắc mấy năm đầu kháng chiến, là một cơn ác mộng kinh hoàng giống như trong đợt đấu tố cải cách ruộng đất mà Cộng Sản thi hành năm 1956-1957 ở miền Bắc. Ai bị gán tội Việt gian thì khó thoát khỏi chết. Phần nhiều là chặt đầu, mổ bụng để tiết kiệm đạn. Chặt đầu mổ bụng Việt gian thường là những cuộc mít tinh dưới hình thức tòa án nhân dân để vừa tuyên truyền vừa hăm dọa, làm cho mọi người phải biết ép mình dưới uy quyền của Việt Minh lúc đó.

Giết Việt gian là một phong trào khủng bố có chánh sách, có chủ trương. Đối với dân chúng, đó là áp lực để mọi người phải tuân lịnh trung thành với Việt Minh. Đối với các lãnh tụ và cán bộ đối lập, đó là phương cách tiêu diệt trừ hậu hoạn.

Có thể nói chánh sách “Việt gian” tại miền Nam khởi đầu từ bản thông cáo của Trần Văn Giàu được đăng tải trên các báo sáng ngày 8-9-1945:

ĐÂY LÀ THÔNG CÁO CHÁNH PHỦ LÂM THỜI

Sáng ngày 8-9-1945, các báo đều đăng thông cáo sau đây:

“Chánh phủ Lâm thời Nam bộ đang dự bị lập ủy ban điều tra mỗi tỉnh, mục đích là xem xét và tố cáo bọn phản quốc. Bọn này sẽ bị tòa án nhân dân trừng trị, và tài sản của họ bị tịch thu, ruộng đất của họ sẽ bị lấy lại mà cho dân nghèo.”

Một thông cáo chánh phủ như vậy làm sao không gây dư luận xôn xao giữa đồng bào Nam Bộ, khi mà mỗi người đều biết chánh quyền trong tay Cộng Sản, việc gì họ lại không dám làm? Vu khống là điều dĩ nhiên rồi.

Một phong trào bắt giết Việt gian nổi lên khắp nơi: những ai đối lập Cộng Sản là bị thủ tiêu. Một cơ hội để Cộng Sản trả thù.

Từ đó, Lâm ủy Hành chánh, nói cho đúng là Việt Minh, tha hồ bắt buộc các báo đăng thông cáo phao vu nhóm này, nhóm nọ. Uy thế của chánh phủ Cộng Sản tự nhiên lần lần mất.

Nhà cầm quyền Việt Minh đi sâu vào chánh sách bắt bớ “Việt gian phản quốc”. Những cuộc khủng bố tiếp diễn khắp nơi: sự tín nhiệm của quốc dân mỗi ngày một ly tán.

Sau thông cáo đó, phong trào bắt giết Việt gian được phát động khắp nơi, những ai đối lập với Cộng Sản là bị thủ tiêu. Trước hết là nhóm Đệ Tứ, rồi đến những ai biết bề trái của Trần Văn Giàu, sau mới đến những người đối lập bị khép tội Việt gian.

Trong tập hồi ký của ông Trần Văn Ân có một đoạn như sau về việc bắt giữ Việt gian:

“Chính Bảy Viễn trước kia chuyên rải truyền đơn chống Pháp, đánh đồn, phá khám, vượt ngục, năm 1945 có được lịnh của Trần Văn Giàu và Nguyễn Văn Trấn để hạ sát mấy trăm người trí thức ở Saigon, nhưng Bảy Viễn không giết. Thí dụ, khi kỹ sư Lê Văn Ngọ (nhạc phụ bác sĩ Trần Lữ Y) bị thanh niên tiền phong bắt trói dưới cột cờ, đợi giờ mổ bụng dồn trấu. Bảy Viễn đi qua hỏi: “Bắt thằng này trói dưới cờ để làm gì?” Trả lời: “Thưa đợi giờ mổ bụng dồn trấu” —’’Tại sao?’’— ‘’Thưa vì nó có vợ đầm (người Pháp)’’. Bảy Viễn ra lệnh: “Tha nó đi. Có vợ đầm kệ nó. Có vợ đầm chưa phải là Việt gian.” (Cũng vì chuyện cứu mạng này mà sau đó kỹ sư Lê Văn Ngọ trở thành người bạn trung thành, cộng tác với Bình Xuyên suốt đời) — Khi được Giàu, Trấn trao danh sách mấy trăm trí thức Việt gian phải giết, Bảy Viễn đã chửi thề rằng: “Đ.M. độc lập mà giết hết trí thức thì lấy ai làm việc?’’— Và ông đã không thi hành lịnh đó.”

Trong đợt tàn sát đầu tiên từ khi chiến sự bùng nổ ở miền Nam, những lãnh tụ tên tuổi sau đây đã bị giết: Dương Văn Giáo, Hồ Văn Ngà, Hồ Vĩnh Ký, Nguyễn Thị Sương, Bùi Quang Chiêu, Lê Kim Tÿ, Lâm Ngọc Đường, Trương Lập Tạo... và các lãnh tụ Đệ Tứ như đã nói ở trên. Ngoài ra cán bộ trung cấp của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất cũng bị hạ sát rất nhiều, con số 2.500 của ông Trịnh Hưng Ngẫu đưa ra không xa sự thật.

Trường hợp Hồ Văn Ngà xảy ra như sau:

Ông Hồ Văn Ngà là lãnh tụ cầm đầu đảng Việt Nam Quốc Gia Độc Lập đã nhiều lần tuyên dương ý chí: “sẵn sàng phục vụ bất cứ ai có tài cứu nước”, nhưng chính ông lại là nạn nhân của Việt Minh. Ông bị công an Việt Minh bắt trong lúc cùng với Kha Vạng Cân, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn An thành lập ủy ban Phong tỏa Đô thành Saigon-Cholon. ủy ban này ra đời để ngăn chặn bước tiến của quân đội Pháp, trong khi các cán bộ Cộng Sản trong Lâm ủy Hành chánh Nam bộ đã bỏ chạy. ủy ban đặt văn phòng tại nhà ông Nguyễn Bá Tường, và thực hiện công tác phong tỏa đô thành khá hiệu lực. Nửa đêm khi ông Hồ Văn Ngà đang ngủ, công an Việt Minh tới bắt, không nêu lý do, tội phạm chi cả. Qua 1946, Hồ Văn Ngà bị đâm chết ở Kim Quy Đá Bạc (Rạch Giá), thi hài bị thả trôi dưới sông.

Hồ Văn Ngà bị giết vì một lòng tin tưởng rằng mình là bạn của Trần Văn Giàu, không bao giờ Giàu hại mình. Hồ Văn Ngà bị giam chung khám với Vũ Tam Anh, Trần Quang Vinh ở Cà Mau, hai ông Vinh, Anh vượt thoát nhờ kế hoạch phá khám của Nguyễn Thành Phương (Cao Đài).

Số người bị giết trong hai tôn giáo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo năm 1945 lên đến trên mười ngàn, nhưng vì xảy ra tại các vùng nông thôn hẻo lánh, cho nên báo chí không đăng và dư luận trong nước ngoài nước không khám phá ra được.

Phía Phật Giáo Hòa Hảo đưa ra con số trên dưới 10.000 tín đồ và cán bộ bị hạ sát năm 1945, từ sau cuộc biểu tình tại Cần Thơ ngày 8-9-1945.

Cũng giống như chánh sách thi hành tại Saigon, Việt Minh ở miền Tây nhắm trước hết vào các cán bộ đầu não của Phật Giáo Hòa Hảo. Đoàn thể này đông quần chúng, nhưng ít trí thức, cho nên sau đợt tàn sát 1945, lực lượng trí thức Phật Giáo Hòa Hảo mất đi đến 70%, làm cho tổ chức này lâm vào tình trạng khủng hoảng lãnh đạo với các hậu quả lâu dài về sau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn