1- Cố Quản Trần Văn Thành: Chiến Khu Bảy Thưa

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 79635)
1- Cố Quản Trần Văn Thành: Chiến Khu Bảy Thưa

CỐ QUẢN TRẦN VĂN THÀNH: CHIẾN KHU BẢY THƯA


Trong tài liệu Bửu Sơn Kỳ Hương có ghi một sự việc sau này:

Phật Thầy Tây An lúc sinh tiền, có trao tay cho đệ tử Trần Văn Thành một cái ấn triện chạm bốn chữ ØBửu Sơn Kỳ Hương, một cây cờ và một cái áo nhuộm màu đà, với lời dặn dò rằng:

Cái ấn này để sau này thay ta mà truyền đạo, còn cây cờ và cái áo thì để dùng trong lúc trở ra đền nghĩa nước non.

Lời dặn dò ấy gây ấn tượng sâu xa trong tâm hồn Cố Quản Trần Văn Thành, cho nên khi quân Pháp đến hoành hành, ông đã trở thành một lãnh tụ kháng chiến kiên trì và can đảm vô cùng.

Khi quân Pháp làm áp lực tại thành Châu Đốc, tình thế quá khẩn trương, quân sĩ phía Việt Nam chia làm hai khuynh hướng: mở cửa nộp thành cho Pháp, hay rút vào kháng chiến. Chánh quản Trần Văn Thành cầm đầu phe kháng chiến, ông rút quân về lập chiến khu tại vùng Láng Linh là vùng hiểm địa, và chiêu mộ thêm nghĩa binh, mở mang đồn trại, tích trữ lương thực vật liệu ở nhiều địa điểm, đặc biệt là mở ra năm lò đúc súng giao cho đề đốc Văn chỉ huy, vừa đúc súng vừa chế đạn (năm 1936, người ta còn đào được tại Bảy Thưa ba lò đúc và 12 họng súng đồng). Vì kỹ thuật lúc ấy còn kém, nên chỉ chế tạo được kiểu súng nạp đạn vào phía miệng, bắn ra tầm ngắn và chậm, còn đạn thì bằng sắt, khó đi xa, thua súng của Pháp nhiều. Để bổ khuyết nhược điểm này, ông Trần Văn Thành gởi người vượt biên giới sang tận Xiêm vận động mua súng của Xiêm, nhưng không thành công, vì lúc đó Pháp-Xiêm vừa ký hiệp ước (15-8-1862, 15-7-1867). Nhưng đây là những sự việc chứng tỏ cái nhìn xa và sáng suốt của ông Trần Văn Thành, có lẽ vượt hơn một số lãnh tụ cần vương lúc đó.

Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương các nơi nghe theo lời kêu gọi của đại đệ tử Trần Văn Thành, nghe rằng ông đã khởi binh lập chiến khu, nên hưởng ứng nồng nhiệt, khắp nơi tự động đem tiền bạc và vận tải lương thực như lúa gạo, cá khô, rau đậu... đến tiếp tế. Số lương thực chở đến nhiều đến đỗi binh sĩ phải dùng xe trâu để kéo về cứ điểm, và sau này, đích thân bà Trần Văn Thành phải huy động đào một con kinh nhỏ nối liền rạch Cái Dầu vào Láng Linh để vận tải lương thực bằng đường thủy. Con kinh ấy mang danh là Kinh Ông Bà bây giờ vẫn còn lưu thông (dân chúng gọi Ông Bà là chỉ ông bà Trần Văn Thành).

Có thể nói rằng, tổ chức kháng chiến của ông Trần Văn Thành lúc đó được xem là hùng hậu hơn hết các tổ chức khác. (Không hiểu vì lý do nào, các nhà viết sử Việt Nam, thường không để tâm đến phong trào kháng chiến Trần Văn Thành, thường chỉ nhắc đến Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân, Trương Công Định, và Nguyễn Trung Trực).

Sau khi lãnh tụ Nguyễn Trung Trực bị hành quyết (1868), tại miền Nam thật sự chỉ còn tổ chức Trần Văn Thành là có qui mô và lực lượng kháng Pháp đáng kể. Pháp rảnh tay dồn khả năng để tiêu diệt tổ chức này. Theo các tài liệu của Pháp thì viên Chủ tỉnh Long Xuyên là Emile Puech bố trí cuộc tấn công, trước hết bằng cách chận nghẹt các đường tiếp vận lương thực của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Vì thế trong chiến khu thiếu lương thực, và vai trò của bà Trần Văn Thành lại một lần nữa nổi bật lên trong công tác huy động sản xuất tự túc, làm thế chịu đựng lâu dài. Tại Láng Linh hiện còn một cái hồ gọi là Hồ Bà do bà Thành đào để lấy nước và bắt cá, và một giồng cũ, tương truyền là một giồng dâu, trong công tác sản xuất nông nghiệp của bà.

Theo lời đồn truyền thì ông Trần Văn Thành, trong tình thế khó khăn đó, còn nuôi hy vọng vào sự tiếp tay của triều đình để xoay chuyển tình thế, nhưng vô vọng, triều đình hoặc là quá yếu đuối, hoặc là đã quên mất cuộc kháng chiến của nghĩa binh miền Nam rồi.

Năm 1782, ông Trần Văn Thành dự trù khởi binh nhất tề tấn công các địa điểm Tịnh Biên, An Giang và Đông Xuyên. Lúc này, theo tài liệu, quân đội của ông mang danh hiệu là Binh Gia Nghị. Cuộc tấn công không có kết quả, nhưng quân Pháp cũng không dám phản công lâu dài, chỉ tấn công nửa tháng rồi rút quân về. Binh Gia Nghị tiếp tục áp dụng chiến thuật du kích chiến, lịch sử có ghi lại những trận tập kích Chắc Cà Đao, tấn công đồn Pháp tại Tịnh Biên, vây khốn đồn Cây Mít, quân Pháp phản công thì Binh Gia Nghị rút vào rừng Bảy Thưa, Pháp không làm sao tiêu diệt được.

Trận cuối cùng, cũng là trận quyết định đã xảy ra vào tháng 2 năm 1873. Sau nhiều lần dụ hàng không được, Hải quân Đề đốc Dupré mở cuộc tấn công mãnh liệt vào chiến khu Bảy Thưa, bằng cả hải lục quân, súng đồng, đánh từ nhiều mặt dồn lại làm cho binh Gia Nghị không thể đối phó. Ngày 21 tháng 2, quân Pháp tràn vào hành dinh cuối cùng của kháng chiến, là đồn Hưng Trung. Binh Gia Nghị phần rút lui, phần chết, phần bị bắt trong đó có các tùy tướng của lãnh tụ Trần Văn Thành. Cũng từ ngày đó Cố Quản Trần Văn Thành mất tích, có người nói là tử trận, nhưng không tìm thấy xác.

Chỉ có ghi lại rằng Ông Trần Văn Thành mặc áo màu đỏ xậm đốc thúc chiến sĩ, ra hiệu lịnh, bên cạnh đứa con ruột đang tiếp tay, và đích thân ông bắn súng...

Trong lịch sử kháng chiến của tổ chức Trần Văn Thành, có hai sự việc nên ghi lại:

1. Khi Pháp cho người đem thơ đến tận Bảy Thưa yêu cầu ông Trần Văn Thành về hợp tác, noi theo gương Tôn Thọ Tường, thì ông đã khẳng khái trả lời người bạn nhận sứ mạng đó rằng:

Ta thà cùng quân sĩ bỏ xác nơi rừng này, chớ không chịu ra làm quan cho Tây đâu. Ông hãy trở về nói lại với chúng nó như thế, và từ nay về sau cũng đừng nên lãnh đi những việc nguy hiểm như vậy nữa. Tình anh em không thể làm lờn phép công mãi được.

Cũng có câu thơ rằng:
ØThà thua xuống láng xuống bưng, Kéo ra hàng giặc lỗi chưng quân thần.

Sau khi chiến khu Bảy Thưa thất thủ, và người con trai của Cố Quản là Trần Văn Chái bị Pháp bắt đem về An Giang, bà Trần Văn Thành rất đau đớn vì chồng mất, con bị giặc bắt, cuộc kháng chiến tan vỡ. Nhưng bà vẫn còn đầy đủ nghị lực và tiết tháo để viết một bức thơ, cuốn vào một con dao nhỏ giấu giữa một chiếc bánh tét, cho người đem tới An Giang đưa tận tay người con trai. Bức thơ ấy đại lược như sau:

ØCon đã bị giặc bắt, ấy là gần xong bổn phận của con. Nếu quân thù cứ đem lợi danh cám dỗ, con liệu không thoát được mà về, mẹ muốn con hãy tự dùng lấy dao này mà quyết định đời con để bảo tồn danh tiết cả nhà ta lâu nay đã hy sinh vì đất nước.

Năm hôm sau cậu Trần Văn Chái dùng dao tự sát tại ngục thất An Giang, năm đó cậu 18 tuổi.

Những hàng lược sử về tổ chức kháng chiến của Cố Quản Trần Văn Thành cho ta thấy một nhiệt tình cao độ đã biểu lộ từ giới nông dân, trong cuộc võ trang kháng chiến chống Pháp. Tuy biết là thế yếu chống mạnh, châu chấu đá xe, nhưng người chiến sĩ nông dân kia vẫn coi thường cái chết, coi thường cả thất bại, miễn là làm tròn bổn phận con dân đối với Tổ quốc.

Lại nữa, ngay cả giới phụ nữ, tấm gương anh thư của bà Trần Văn Thành, phải được kể như là một tấm gương hy sinh sáng chói của giới phụ nữ trong thời đó.

Và phải nói thêm rằng chính tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương đã thay đổi những người nông dân an phận thành những chiến sĩ yêu nước nồng nàn và anh hùng như thế.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn