4- Đức Phật Thầy Tây An Và Các Vị Kế Truyền

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 116602)
4- Đức Phật Thầy Tây An Và Các Vị Kế Truyền

Đức Phật Thầy Tây An tục danh là Đoàn Minh Huyên. Có tài liệu nói tên là Ngài là Lê Hướng Thiện, nhưng điều này, sau khi đã kiểm chứng, thấy sai lầm như sau:
1. Sách Tòng Sơn ghi rằng nhân vật Lê Hướng Thiện có cứu bịnh cho một bà đầm vợ viên Chánh tòa người Pháp. Chuyện này phi lý vì Đức Phật Thầy Tây An viên tịch từ năm 1856, nghĩa là 11 năm trước khi quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây (1867). Vậy là Lê Hướng Thiện có thể là một nhân vật có chữa bịnh, nhưng Lê Hướng Thiện và Phật Thầy Tây An không thể là một người.
2. Trên mộ bia của Phật Thầy Tây An tại chùa Tây An Núi Sam có ghi tục danh là Đoàn Minh Huyên. Đây là một điều xác nhận, không thể nhầm lẫn được.

Ông Đoàn Minh Huyên sanh ngày rằm tháng Mười Đinh Mão tức 1807, tại làng Tòng Sơn, thuộc tổng An Tịnh, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thành, thuộc địa phận Gia Định thành. Sau này làng Tòng Sơn thành xã Mỹ An Hưng, quận Lấp Vò, tỉnh Sađec, trên lộ từ Cái-Tàu-Thượng đi Bắc Mỹ Thuận.

Thuở nhỏ học hành, sanh hoạt ra sao, không có tài liệu nào ghi chép, chỉ biết là ông rời làng đi biệt tích. Đi đâu, làm gì lúc nào, cũng chẳng ai biết.
Năm 1849, bỗng nhiên ông tái xuất hiện tại Tòng Sơn. Từ đó dân làng mới tìm hiểu rằng ông Đoàn Minh Huyên đã đi khắp các tỉnh Gò Công, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, An Giang, và lên dãy Thất Sơn, có lẽ với mục đích tìm hiểu về cuộc sống của con người và xã hội tại các tỉnh Hậu Giang.

Sau khi đã trở về sanh quán làng Tòng Sơn, ông sống cô độc, nghèo nàn, tạm trú dưới mái hiên ngôi đình làng. Thái độ của ông khác thường, như ngây như tỉnh, lời nói hư hư thực thực, hành động có vẻ bí hiểm khó hiểu, khêu gợi sự hiếu kỳ của dân làng.

Cũng năm ấy, nạn dịch tả hoành hành dữ dội, người chết như rạ, dân làng lo sợ, Hương chức trong làng lo lập đàn cúng vái ôn thần, và tống gió. Nhưng ông bác bỏ, cho rằng đó là điều mê tín dị đoan, cho nên ông bị Hương chức xô đuổi ra khỏi mái hiên đình. Sau khi từ giã dân làng và họ hàng, ông đi đến nhiều nơi khác, vừa giảng đạo khuyến tu, vừa cứu bịnh. Ông hòa mình vào cuộc sống thôn dã với nông dân để an ủi, nâng đỡ, dậy dỗ hướng dẫn họ.

Một chi tiết khá đặc biệt trong việc trị bịnh: khi Hương chức làng Tòng Sơn và các thầy pháp bày ra lễ tống gió độc giết heo gà vịt để cúng Thần linh mà đuổi gió độc đi nơi khác, thì Phật Thầy bác bỏ, cho là hành động mê tín, phi lý. Ông lập luận rằng:
Mình tống gió độc đi cho ai chịu thay mình đây? Đó là ích kỷ hại nhân, lại còn sát sanh hại vật vô lý, Thánh Thần nào chứng cho những điều tội lỗi đi ngoài chánh pháp tín ngưỡng đó.

Phật Thầy đã chận đứng được bịnh thời khí dịch tả hoành hành dữ dội lúc đó, và từ hành động cứu bịnh đó, dân chúng tin tưởng tôn phục vô cùng. Đó là bước đầu tiên tạo niềm tin để dân chúng cảm mến mà nghe những lời truyền giảng đạo pháp.

Ông không áp dụng các phương thuật phức tạp của giới thầy cúng, thầy bùa, phù thủy, mà chỉ giản dị dùng nước lạnh, giấy vàng mà ngăn chận được dịch tả đang hoành hành khắp vùng này. Nạn dịch tả mà dân chúng rất đỗi lo sợ, được ông chận đứng một cách mau lẹ, mầu nhiệm, lạ kỳ, làm cho dân chúng vô cùng thán phục. Từ đó dân chúng đồn đãi rằng Ông là Phật Thầy giáng phàm cứu dân.

Dân chúng các vùng chung quanh kéo đến, và ông vừa trị bịnh cho họ vừa giảng về đạo Phật, khuyến khích họ tu hành. Từ đấy danh hiệu Đức Phật Thầy xuất hiện, từ sự tôn phục của dân chúng, chớ không phải do chính ông Đoàn Minh Huyên tự xưng. Sau này thêm chữ Tây An từ lúc Phật Thầy đến định cư tại ngôi chùa Tây An, núi Sam Châu Đốc.

Số người quy y thọ giáo càng ngày càng đông. Mỗi tín đồ, sau khi làm lễ qui y, được cấp phát một lòng phái bằng giấy màu vàng trên đó có in triện màu đỏ bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương. Trên quan điểm lịch sử, có thể nói rằng Tông phái Phật Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương được khai sáng vào năm Kỷ Dậu 1849, mà vị Giáo tổ là Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử truyền bá Phật Giáo tại Việt Nam, có sự hưởng ứng nồng nhiệt và đông đảo của quần chúng, cuồn cuộn tăng lên như một phong trào, chớ không lẻ tẻ từ người như xưa nay các Phật tử tìm đến các chùa chiền. Sinh khí đặc biệt đó phát sinh từ hai lý do: trước hết là do niềm tín phục ở khả năng cứu bịnh mầu nhiệm của Phật Thầy, sau đó là do đường lối và phương thức tu hành rất thực tế, giản dị của giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương. Cách thờ phượng không đòi hỏi chùa cao tượng lớn, chỉ một tấm trần điều tượng trưng trên bàn thờ, với ba lễ vật đơn sơ là nước lạnh, nhang và bông hoa. Người dân đã không tốn kém tiền bạc nhiều, mà ai cũng có thể thiết lập một bàn thờ giản dị như vậy tại nhà mình, cũng không phải mất công đi đến chùa hay miễu, chỉ cần cúng lạy và niệm Phật tại gia đình, đồng thời tránh các điều dữ, làm các điều lành, và luôn nghĩ đến bổn phận đền trả bốn điều ân mà con người ai cũng gánh chịu.

Giáo lý và phương thức tu hành ấy thích hợp với trình độ của quần chúng nông thôn bình dị ít học, thích nghi với nếp sống nông nghiệp, cho nên được phổ biến và cảm nhận rất mau chóng để trở thành một phong trào quần chúng tín ngưỡng rất đông đảo ở Hậu Giang. Quần chúng từ nay không còn phải tìm đến các ông thầy cúng, thầy bùa, thầy phù thủy nữa, đương nhiên các tín ngưỡng đa thần và dị đoan được loại trừ bởi chính dân chúng.

Cũng vì vậy mà Phật Thầy trở thành đối tượng chống phá của các thầy pháp, phù thủy mất lợi, mất khách hàng, lại thấy Phật Thầy chữa bịnh mà không ăn tiền của ai, cho nên họ đâm ra ghen tức, tìm cách hãm hại. Ngay cả những ông thầy lang hốt thuốc nam thuốc bắc trong vùng cũng mất khách, và chống phá Phật Thầy. Có câu chuyện lưu truyền rằng, một ông lang kia thường hay nhạo báng rằng trị bịnh bằng nước lạnh là vì dốt nát không biết y dược lý. Nhưng đến một hôm chính ông ta bị bịnh dịch tả, mà không thể tự chữa cho hết bịnh. Sau cùng ông lang đến xin Phật Thầy cứu cho. Phật Thầy có nhắc lại cho ông biết rằng ông đã nhận xét sai lầm về một điều mà ông không hiểu. Và Phật Thầy đã chữa cho ông hết bịnh, chỉ bằng nước lạnh.

Vì sự hãm hại thưa gởi của giới này, mà nhà cầm quyền tỉnh An Giang lúc đó tìm bắt Phật Thầy, với tội cáo là gian đạo sĩ có liên hệ đến các ông sãi Miên đang âm mưu gây loạn (Sãi Kế, Lâm Sâm). Thế là Phật Thầy bị bắt vì lúc đó gian đạo sĩ có nghĩa là phiến loạn, bởi các nhóm người Cao Miên khởi loạn đều do sư sãi Miên cầm đầu. Trấn binh tỉnh An Giang phái hai người là Đội Nhứt Bông và Cai Nhứt Trung đến làng Kiến Thạnh bắt giải Phật Thầy về An Giang. Khi về tới tỉnh lỵ, các quan muốn trắc nghiệm xem Phật Thầy có phải đúng là người xuất chúng chăng. Họ trải hình Phật ở dưới, trải chiếu bông lên trên và mời Phật Thầy đến ngồi. Phật Thầy từ chối nói rằng không thể vô lễ với Phật. Rồi Phật Thầy giở tấm chiếu lên, lộ hình Phật ra, làm cho mọi người đều kinh ngạc. Một lần khác họ thử bằng cách trong ngày chay lạt, dọn cơm mặn lẫn cơm chay, nhưng vùi thức ăn dưới cơm, để không nhìn bề ngoài mà phân biệt được là chay hay mặn. Phật Thầy ung dung ngồi ăn một lúc bốn chén, lựa toàn chén cơm chay. Ăn xong, Phật Thầy chỉ vào cái hộp trước mặt quan Trấn binh mà hỏi rằng: Bây giờ ông có muốn trói tôi nữa không? Trong hộp đã có để sẵn một sợi dây luộc, và đã có lịnh nếu Phật Thầy ăn nhằm cơm mặn, thì lính tức thì bắt trói.

Cũng trong thời gian bị giam trong khám đường An Giang, có nhiều người thấy Phật Thầy vẫn đi ngoài đường phố.

Những điều lạ lùng kể trên càng làm cho dân chúng tín phục Phật Thầy. Tất nhiên còn nhiều sự việc lạ lùng khác, nhưng vì không ai ghi chép lại, nên không còn lưu truyền. Nhà cầm quyền cũng không thấy Phật Thầy có hành động nào là gian đạo sĩ, hay cấu kết với loạn quân. Riêng vị Tổng đốc An Giang lúc đó, sau khi nghe Phật Thầy thuyết giảng đạo Phật, ông nhận thấy đây là một vị chơn tu, nên dâng biểu về triều đình (Tự Đức) xin sắc phong Phật Thầy tước hiệu Đại Đức Chơn Tu.

Lúc đó Tổng đốc Đoàn Uẩn vừa cất xong ngôi chùa Tây An tại núi Sam, Châu Đốc, nên yêu cầu Phật Thầy về định cư tại ngôi chùa này, một là tỏ lòng tôn kính, hai là muốn đưa Phật Thầy vào vị trí của một vị tăng trong hệ thống, để triều đình dễ kiểm soát. Tuy là về sống tại chùa, Phật Thầy vẫn quảng truyền giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương qua các đại đệ tử, bằng công thức lập các trại ruộng để quy tụ dân chúng vừa tu hành vừa sản xuất lúa gạo ngũ cốc tự nuôi lấy mình. Đây cũng là một công thức đặc biệt, thích nghi với nếp sống trong xã hội nông nghiệp.

Sau lần đi đó đây thăm hỏi các tín đồ, Phật Thầy trở về núi Sam, tịch diệt tại ngôi chùa Tây An, vào giờ ngọ ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856).
Tại chùa Tây An, có ngôi mộ của Phật Thầy, và có một tấm bia ghi những hàng chữ sau đây:
Ngươn sanh Đinh Mão niên, thập ngoại, thập ngũ nhựt, ngọ thời chú sanh.

Tự Lâm Tế giả chủ thiền phó tam thập bát thể, thượng pháp hạ tăng tánh Đoàn, pháp danh Minh Huyền, đạo hiệu Giác Linh chi miễn tọa.
Tịch ư Bính Thìn niên, bát ngoại, thập nhị nhựt, ngọ thời thị tịch diệt.

Theo mộ bia này thì Phật Thầy Tây An thuộc dòng Lâm Tế trong Phật giáo. Điều này hoàn toàn sai với sự thật. Đây chỉ là do ý muốn của nhà cầm quyền, hay của nhà sư trụ trì tại chùa này. Giáo pháp Bửu Sơn Kỳ Hương không theo giáo pháp Lâm Tế, tuy nhiên, vì nhà cầm quyền muốn đặt Phật Thầy vào hệ thống chùa chiền công lập, cho nên đã yêu cầu Phật Thầy đến cư trú tại chùa Tây An. Khi Phật Thầy viên tịch, thay vì ghi rằng Ngài là Giáo tổ Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, lại ghi rằng Phật Thầy thuộc dòng Lâm Tế. Lúc ấy vị trụ trì tại chùa Tây An là Nguyễn Nhứt Thừa trong hệ thống chùa công Giác Lâm tại Chợ Lớn.

Cảnh tượng thờ phượng hiện nay tại bên trong chùa Tây An núi Sam cũng không phải theo nghi thức Bửu Sơn Kỳ Hương, mà theo nghi thức chùa Phật dòng Lâm Tế. Điều này có thể làm cho những người đến viếng cảnh chùa hiểu lầm rằng đó cũng là cách thờ phượng của Bửu Sơn Kỳ Hương.
Điểm trên đây là một điển hình cho tính chất sai biệt của các sự kiện lịch sử, khi có sự can thiệp của nhà cầm quyền với mục đích bóp méo sự thật theo nhu cầu và mục tiêu của chánh quyền đương thời, hay của vua chúa.

Nên biết dòng Phật Đạo Lâm Tế là một trong năm dòng nguồn gốc bên Trung Hoa truyền sang Việt Nam: Lâm Tế, Qui Ngưỡng, Tào Động, Văn Môn và Pháp Nhãn.

ĐỨC PHẬT TRÙM (1868-1875)
Nhân vật Phật Trùm mang nhiều bí ẩn không thể giải thích. Hơn nữa, lại rất hiếm hoi tài liệu nói về Phật Trùm. Tên thật là gì, cũng không nơi nào ghi chép. Có tài liệu nói ông gốc người Cao Miên tên là Pucombo. Điều này không được xác nhận trong các tài liệu Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo. Trong diễn biến lịch sử của thời kỳ 1864-1884 giữa Pháp, Cao Miên và Việt Nam, có nói đến một nhân vật hoàng tộc Cao Miên tên Pucombo, nhưng không có điểm nào chứng minh liên hệ giữa hoàng thân Pucombo và Phật Trùm, cũng không hề có chứng minh rằng tên của Phật Trùm là Pucombo, dù rằng các tài liệu đều đồng ý về điểm Phật Trùm gốc người Cao Miên. (Ghi chú: thời gian truyền đạo của Phật Trùm từ 1868 đến 1875, so với thời gian hoàng thân Pucombo liên hệ đến các diễn tiến Miên Pháp là năm 1866).

Pháp chiếm Cao Miên từ hiệp ước 11-8-1863. Vua Miên tỏ ra nhu nhược không dám chống đối. Trong hoàng tộc có hoàng thân Achar Soa cầm đầu kháng chiến tại vùng Kampot. Sau lần thất trận năm 1866 khi mưu chiếm thủ đô Phnom Penh, bộ phận kháng chiến này tan rã, và một hoàng thân khác là Pucombo tiếp nối đứng lên cầm đầu phong trào kháng Pháp.

Còn một điểm khác nữa cũng rất mù mờ là việc Phật Trùm bị Pháp bắt đưa đi đày biệt xứ tại hải ngoại. Các tài liệu phần nhiều chỉ nói hải ngoại, mà không rõ địa danh. Lúc đó người Pháp thường lưu đày những lãnh tụ kháng chiến hay những thành phần mà họ cho là nguy hiểm, đi biệt xứ khỏi Việt Nam, tức là đi đến một thuộc địa khác của Pháp. Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân bị đày đi đảo Réunion năm 1864. Một nho sĩ kháng chiến Bửu Sơn Kỳ Hương là Từ Phong bị đày đi Cayenne năm 1868. Một lãnh tụ kháng chiến khác là Trần Văn Cương bị Pháp đày đi Cayenne năm 1872 đến 1882. Thêm một lãnh tụ kháng chiến Bửu Sơn Kỳ Hương nữa là Nguyễn Văn Vi bị đày đi Côn Đảo năm 1883. Đề đốc kháng chiến Bùi Văn Thuận bị đày đi Côn Đảo năm 1889.

Theo một số tài liệu, thì Phật Trùm bị Pháp bắt, rồi bị đày biệt xứ năm 1870, nếu lúc đó Pháp áp dụng liên tục nguyên tắc thì có thể đã đày ông đi Réunion hay Cayenne chớ không phải đày ra Côn Đảo.

Điều mà ai đọc đến lịch sử Đức Phật Trùm cũng đều kinh dị là trường hợp xuất hiện truyền đạo cũng giống như trường hợp Đức Phật Thầy Tây An. Ngài gốc là một người Miên, sống tại vùng Tri-Tôn (cũng gọi là Xà Tón) tỉnh Châu Đốc. Chết vì bịnh thời khí, nhưng ông bỗng sống lại rồi từ đó không nói tiếng Miên nữa mà chỉ nói tiếng Việt. Cũng từ đó ông ra tay cứu bịnh, và truyền đạo khuyến tu, theo như giáo lý của Đức Phật Thầy Tây An. Sự việc này được xác nhận: Đức Phật Trùm cũng phát lòng phái Bửu Sơn Kỳ Hương, cho nên dân chúng tin rằng ngài chính là Phật Thầy Tây An chuyển kiếp để tiếp tục độ dân.

Cũng vì thế mà dân chúng rất tin tưởng, kéo đến quy y đông đảo, làm cho Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương lại một lần được phát truyền mạnh mẽ. Cuộc truyền giáo đang tiến hành thì Pháp bắt Đức Phật Trùm đưa đi lưu đày. Một thời gian sau, được Pháp trả tự do, trở về, ngài lại tiếp tục truyền đạo và cứu bịnh.

Nên biết thời kỳ này là lúc quân Pháp đã chiếm Nam kỳ lục tỉnh, các phong trào Cần Vương kháng Pháp do những anh hùng ái quốc là Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân, Trần Văn Thành phất cờ khởi nghĩa ở miền Đông và miền Tây. Vì trong số lãnh tụ Cần Vương có hai vị là Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành có liên hệ đến Bửu Sơn Kỳ Hương, cho nên Pháp truy nã các tín đồ của tôn giáo này, và thi hành chánh sách khủng bố nghiệt ngã khi gặp tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương.

Theo một số tài liệu khác thì Đức Phật Trùm còn có thêm danh hiệu là ông Đạo Đèn, do sự việc dùng sáp đốt cho bịnh nhân ngửi mà hết bịnh. Ông chữa bịnh dịch tả và các chứng bịnh khác.

Cũng có tài liệu nói rằng Đức Phật Trùm có phép thần thông, dù bị Pháp bắt giam trong cũi và trong khám, nhưng tín đồ vẫn thấy ông đi ngoài đường, giống như trường hợp Đức Phật Thầy Tây An khi xưa bị Tổng Đốc An Giang bắt giam trong khám, mà vẫn đi ngoài chợ An Giang.
Đức Phật Trùm cũng có sáng tác một số kinh giảng, khuyến tu và tiên tri.

ĐỨC BỒN SƯ (1870-1890)
Thời kỳ này gọi là thời kỳ củng cố, là vì trong những năm đầu quân Pháp chiếm đóng miền Nam, họ đã đánh phá tan tành các cơ sở kháng chiến và trại ruộng, trung tâm hành đạo của Bửu Sơn Kỳ Hương, làm cho tín đồ xiêu tán đi khắp nơi. Đức Bổn Sư làm công việc quy tụ tín đồ trở lại, mà điển hình nhứt là việc lập làng An Định, gần dãy Thất Sơn, đồng thời củng cố hàng ngũ kháng chiến chống Pháp.

Tên thật là Ngô Lợi (có chỗ còn ghi thêm một tên nữa là Ngô Viên), cũng có tên khác là Hữu, con thứ năm trong gia đình, nên được kêu là Năm Hữu. Sau lại có thêm danh hiệu Năm Thiếp, bởi hay đi thiếp (nằm như chết một thời gian để linh hồn tiêu diêu ở một cõi khác). Về sinh quán, có tài liệu nói tại một làng ở biên giới Việt Miên, có tài liệu nói tại làng Trà Tân (Mỹ Tho).

Tài liệu về cuộc đời Phật Trùm rất ít, trái lại tài liệu về thân thế và hành động của Đức Bổn Sư đầy đủ hơn.

Theo tài liệu Bửu Sơn Kỳ Hương, thì Đức Bổn Sư cũng tự nhiên ngộ đạo, không học mà thông, trị bịnh bằng mầu nhiệm, chỉ dùng nước lạnh, giấy vàng như Phật Thầy Tây An, để trấn áp bịnh dịch tả, mà không cần dược liệu. (Ghi chú: dịch tả thường rất hay xảy ra trong thời kỳ này, có lẽ vì điều kiện vệ sinh quá yếu kém).

Về công cuộc kháng Pháp, cũng theo tài liệu Bửu Sơn Kỳ Hương, Đức Bổn Sư có đến vùng Láng Linh, tức chiến khu Bảy Thưa của lãnh tụ Cố Quản Trần Văn Thành, và hay giả dạng làm đàn bà để che mặt mật thám Pháp, mà dễ dàng đi đó đi đây. Đức Bổn Sư tổ chức lập làng An Định quy tụ tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tại đây để canh tác nông nghiệp, đồng thời kháng chiến. (Khi Pháp tàn phá làng An Định vào năm 1990, tại đây có 1990 người sống tại làng).

Tại làng An Định, Đức Bổn Sư có lập chùa gọi là Chùa Lớn, chia làm hai ngôi nhỏ, phía trước đặt tên là An Định Miếu, thờ các vị Công thần của đất nước, phía sau đặt là chùa Phi Lai thờ Phật, với tấm trần điều theo nghi thức Bửu Sơn Kỳ Hương.

Tài liệu Bửu Sơn Kỳ Hương nói danh hiệu Đức Bổn Sư chánh thức xuất hiện năm 1870, nhưng theo kinh Hiếu nghĩa, thì đến ngày 28 tháng 4 năm Kỷ Mão (1879), Đức Bổn Sư mới thọ ký, nghĩa là mới chánh thức trở thành vị giáo chủ kế truyền sau Đức Phật Trùm.

Nguồn tài liệu về nhân vật Ngô Lợi tức Đức Bổn Sư được kiểm chứng, và khá dồi dào, là những bản báo cáo của Pháp về những hành vi của nhân vật này. Qua các tài liệu của Pháp, ta thấy Đức Bổn Sư Ngô Lợi đã thể hiện tích cực tinh thần giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương, cụ thể và điển hình là việc lập làng An Định ở chân dãy Thất Sơn, quy tụ nông dân làm ruộng rẫy, tu hành và kháng Pháp. Tại làng này, có đền thờ các vị anh hùng dân tộc bên cạnh chùa thờ Phật, và toàn dân làng An Định là kháng chiến quân, làng này như một chiến khu, giống như chiến khu Bảy Thưa Láng Linh của cố Quản Trần Văn Thành, vị đại đệ tử số một của Phật Thầy.

SƯ VÃI BÁN KHOAI (1901-1902)
Danh hiệu Sư Vãi Bán Khoai phát xuất từ dân chúng mà ra, bởi vì trong lúc đi truyền đạo, ông Đạo này (dân chúng cũng gọi là ông Sư) thường giả làm người bán khoai, và thường đem theo khăn áo bằng vải mà tặng cho người nghèo khó rách rưới. Cũng có lập luận rằng tác người ông nhỏ nhắn như phụ nữ, lại mang cái yếm trước ngực, trông giống như một cô vãi. Tuy nhiên lập luận này không vững như lập luận trên.

Tục danh là Mỹ, họ chi không rõ, lai lịch và quê quán cũng không ai biết. Sau khi Đức Bổn Sư Ngô Lợi tịch diệt độ mười một năm, ông Sư Vãi Bán Khoai ra đời, xuất hiện vào năm 1901-1902, cũng là lúc Pháp đang theo dõi bắt bớ tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương.

Trong những năm sau khi Đức Bổn Sư viên tịch, Bửu Sơn Kỳ Hương phải thu hẹp hoạt động để tránh né sự khủng bố của người Pháp. Để tránh bị theo dõi. Đức Bổn Sư cho sửa đổi cách thờ phượng, cho giống như nghi thức nhà Thiền. Với sự xuất hiện của ông Sư Vãi Bán Khoai, Bửu Sơn Kỳ Hương chuyển sang thời kỳ phổ biến nặng về truyền đạo, nhẹ về kháng Pháp. Đây là phương lược mới của Bửu Sơn Kỳ Hương để thoát sự kềm tỏa ngăn chận của thực dân Pháp.

Sư Vãi Bán Khoai mở một kỷ nguyên mới về hình thức truyền giáo. Ông giả dạng, nay là người bán khoai, mai là người bán củi, rồi cũng xưng hiệu điên khùng, đi khắp chợ này làng nọ, nhiều nhứt trong vùng kinh Vĩnh Tế, biên giới Cao Miên. Chủ đề của ông truyền bá là khuyên dân tu hành, làm lành và niệm Phật.

Không bao lâu, dân chúng vùng Châu Đốc đều nghe nói đến ông, truyền bá kinh giảng của ông, và hiểu được rằng ông là một vị kế truyền của Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông Sư Vãi Bán Khoai không phát lòng phái, cũng không lập chùa chiền, chỉ rao truyền cuốn Sấm Giảng Người Đời gồm mười một thiên. Dân chúng nghe qua cuốn Sấm Giảng này, đều hiểu rằng ông là một bực tiên giác của Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời phổ hóa giáo lý của Đức Phật Thầy Tây An. Nên biết rằng hầu hết các gia đình người Việt ở vùng này trước kia đều có ông cha đã từng theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và vẫn giữ truyền thống này. Cho nên khi thấy Sư Vãi Bán Khoai truyền bá tư tưởng Sấm Giảng Người Đời, họ cảm nhận ngay được truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương trong đó.

Dân chúng đồn rằng ông có nhiều pháp thuật và võ nghệ. Ông dùng đầu ngón tay cái như cái mõ, mỗi khi niệm kinh, lấy cây gậy gõ trên đầu ngón tay cái mà phát ra tiếng kêu lóc cóc y như tiếng mõ của sư sãi trong chùa. Lúc ở Vĩnh Thông, ông thường đi nhổ bàng để dệt đệm. Một hôm, ông đang cầm mác đi phát bàng, bỗng nghe tiếng cọp gầm và tiếng người la cầu cứu gần đó. Ông cầm mác chạy tới, thấy người cùng xóm tên Mạnh đang vật lộn với một con cọp trong một thế võ lạ kỳ. Ông Mạnh nằm dưới bị cọp vồ lên, nhưng hai tay ông nắm chặt chân trước cọp và lấy đầu đội bụng cọp lên. Cọp rất mạnh và nặng, ông không quật nó được, cứ giằng co trong cái thế nguy hiểm đó. Ông Sư Vãi Bán Khoai cầm mác vươn mình nhảy tới chém một nhát thật mạnh trên lưng cọp, khiến thân mình cọp bị xẻ ra chết tại chỗ.

Nội dung Sấm Giảng Người Đời của ông cũng hàm chứa một cách kín đáo tư tưởng Đạo và Yêu nước, thí dụ như những câu sau đây:
Niệm Phật thì phải chí tình, Ơn cha nghĩa mẹ giữ mình cân phân. Niệm Phật phải giữ Tứ Ân, Ơn nhà nợ nước xử phân trọn ghi.

hay là:
Thảo cha ngay chúa xưa nay, Dầu mà có thác miễu son tạc thờ. Xem trong các truyện các thơ, Nịnh thần có thác, miễu thờ ở đâu!

Tác phẩm này của ông được dân chúng Hậu Giang truyền tụng và lưu giữ như báu vật. Trong đó ngoài phần giảng đạo, còn có nhiều điều tiên tri về tương lai, có chỗ nói rõ cả ngày tháng sự việc quan trọng sẽ xảy ra. Thí dụ những câu sau đây trong cuốn thứ tám Sấm Giảng Người Đời:
Mây Trời mở hội đăng khoa, Mười ba tháng chín Trời ra một điềm. Trời chiều mây gió lặng êm, Giờ Thân Trời mới nổi lên rõ ràng...

Sau này đúng vào ngày 13 tháng 9 âm lịch (1985), có xảy ra vụ nổ lớn trong dãy Thất Sơn, lần này tại núi Cấm nước trào như suối thác từ ngọn núi tuôn ra, làm cho dân chúng đồn đãi và gây đợt sóng chấn động khắp miền Nam, hàng vạn người kéo về Thất Sơn để xem tận mắt một cảnh tượng thể hiện lời tiên tri trong sấm truyền của Sư Vãi Bán Khoai, mà họ cho là một triệu chứng báo hiệu những thay đổi sắp xảy ra: một cuộc đổi đời.

Đặc biệt trong Sấm Giảng Người Đời, ông Sư Vãi Bán Khoai nói rất nhiều về thuyết Tam Ngươn, một lập thuyết về vũ trụ quan và nhân sinh quan Bửu Sơn Kỳ Hương. Lập thuyết này cho rằng vũ trụ xoay vần theo lý tam ngươn, từ Thượng Ngươn chuyển qua Trung Ngươn và Hạ Ngươn. Rồi khi Hạ Ngươn mãn, lại bắt đầu chu kỳ mới với đời Thượng Ngươn. Cũng theo thuyết đó, thì hiện nay nhân loại đang sống thời kỳ cuối cùng của Hạ Ngươn, và một cuộc đổi đời sắp xảy ra.

ÔNG CỬ NGUYỄN ĐA (CUỐI THẾ KỶ 19)
Ông là một nhân vật đặc biệt, không phát xuất từ địa phương Hậu Giang, mà từ miền Trung đến đây. Lại là một nhà khoa bảng.

Tên thật là Nguyễn Đa, đã thi đỗ cử nhân khoa võ, nên được kêu là ông Cử Đa. Lúc mới đến Thất Sơn, nhiều người nghe tiếng nói của ông phát giọng miền Trung, cho nên cũng gọi ông là ông Thầy Huế. Quê ông là làng Phù Cát (có chỗ chép là Phù Lạc), huyện Bình Khê, tỉnh Qui Nhơn, nơi đã sản xuất ra vị anh hùng Nguyễn Huệ Quang Trung.

Ông vào vùng Thất Sơn giữa thời kỳ lãnh tụ Nguyễn Trung Trực vừa thất bại ở miền Đông, lui quân về Kiên Giang ẩn náu, vào khoảng năm 1867-68. Lúc ấy người ta phỏng định ông vào khoảng 40 tuổi. Theo Việt sử và các sách nói về binh chế Việt Nam, thì thời gian trước ngày ông Cử Đa vào Nam, có các khoa thi võ vào những năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) và Tự Đức thứ 18 (1865). Có lẽ ông đã thi đậu võ cử vào thời Thiệu Trị. Ông bỏ miền Trung vào Nam để tìm cách phát triển phong trào kháng Pháp, vì lúc đó trong Nam có nhiều tổ chức kháng chiến. Có lẽ ông có kiến thức về sự liên kết kháng chiến toàn quốc để chống Pháp cho hữu hiệu, cho nên mới vào Nam. Nhưng lúc đó lại là lúc các phong trào kháng chiến đang gặp khó khăn, cho nên ông lưu lạc giang hồ đến Thất Sơn. Có những vần thơ của ông viết lúc đó, còn lưu truyền lại:
Lòng ta luống những ưu phiền, Một mình trực tiết không miền gió trăng. Trong mình cũng biết võ văn, Trải chơi thế cuộc tiếng văn giang hà.
và những câu:
Anh hùng nghĩa khí trung cang, Trai ở thủy trạch Lãnh trang ít người. Tang bồng hồ thỉ đời đời...

Tình thế miền Nam lúc đó vô cùng nguy ngập rối ren. Sau khi cụ Phan Thanh Giản bị ép phải trao ba tỉnh miền Tây cho Pháp rồi tử tiết, Nguyễn Hữu Huân bị bắt đi đày, Trương Công Định bị Pháp giết, Nguyễn Trung Trực ẩn náu ở miền Tây. Trước tình thế ấy, ông Cử Đa tan nát cõi lòng, tìm về Thất Sơn ẩn dật hay là tìm về các trại ruộng của Bửu Sơn Kỳ Hương, chờ ngày có cơ hội giúp nước. Vì vậy, dấu chân ông đi khắp các ngọn núi trong vùng Thất Sơn. Rốt cuộc, ông chọn con đường tu hành như một người trong Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

Nhưng quân Pháp cũng phát giác được tung tích của ông, và kéo lính từ đồn Cây Mít đến bao vây. Ông sợ lụy đến dân chúng trong vùng, nên từ giã đệ tử mà rời khỏi Thất Sơn, qua Hà Tiên, rồi lên núi Tà Lơn (Cao Miên). Tại đây ông trở thành một người thoát tục, và viết rằng:
Hắc y đổi lại cà sa, Cải tên đặt lại hiệu là Ngọc Thanh.

Ông Cử Đa có nhiều đệ tử tại núi Tà Lơn, lâu lâu ông cũng trở về Thất Sơn thăm lại các đệ tử cũ. Sau đó, ông biệt tích, không ai biết ông về đâu nữa. Hiện tại vùng Kampot, dưới chân núi Tà Lơn có miếu thờ Ông Cử Đa. (Ghi chú: Tà Lơn: dãy núi có tên là Chaine des Eléphants bắt đầu từ Kampot lên dãy Cardamomes Tây Bắc Cao Miên).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn