2- Pháp Và Hoa Kỳ: Chánh Sách Giảm Binh Của Hoa Kỳ. Nhận Xét Của Pháp

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 77356)
2- Pháp Và Hoa Kỳ: Chánh Sách Giảm Binh Của Hoa Kỳ. Nhận Xét Của Pháp
PHÁP VÀ HOA KỲ: CHÁNH SÁCH GIẢM BINH CỦA HOA KỲ. NHẬN XÉT CỦA PHÁP

Một lý do khác cản trở việc thi hành hai bản nghị định trên. Đó là quyết định giảm binh của Tòa đại sứ Huê Kỳ.

Đầu tháng 12-1954, Chánh phủ Huê Kỳ qua cơ quan Cố vấn Huấn luyện (T.R.I.M., Training Relations Instruction Mission) thông báo cho Chánh phủ Việt Nam biết rằng quân số Việt Nam bây giờ bước vào thời bình, phải tài giảm bắt đầu từ 1-1-1955. Mục tiêu của chương trình tài giảm là giới hạn 100.000 binh sĩ vào ngày 1-7-1955. Huê Kỳ cũng nói rõ cho biết rằng viện trợ quân sự Mỹ chỉ đài thọ đến số tối đa đó mà thôi. Nên biết từ 1-1-1955 viện trợ quân sự Mỹ giao thẳng cho Chánh phủ Việt Nam, không qua tay Pháp như trước đó nữa.

Quan niệm Huê Kỳ là: Việt Nam lưu giữ quân số thường trực 100.000 người, và phải có chế độ quân dịch để tạo ra lực lượng trừ bị tại gia đông đảo, làm hậu thuẫn cho quốc gia khi hữu sự. Do đó, không nên có một quân đội chuyên nghiệp mà nên tạo một đạo quân ở trạng thái luân chuyển, thay đổi liên tiếp bằng cách gọi các thành phần bị động viên nhập ngũ 18 tháng, rồi cho xuất ngũ về đời sống dân sự, với tư cách trừ bị tại gia. Kế hoạch này, theo quan điểm Huê Kỳ, sẽ không tốn kém mà tạo được một lực lượng quốc phòng đông đảo. (*)

Khách quan mà xét, quan điểm Huê Kỳ có thể đúng với quốc gia Huê Kỳ, hay những nước có sinh hoạt chính trị xã hội bình thường và đã ổn định. Trái lại, tình trạng miền Nam lúc đó là một tình trạng bất bình thường, chiến tranh vừa tạm chấm dứt được sáu tháng, các xáo trộn xã hội đầy dẫy, gần một triệu người di cư từ Bắc vào, lại thêm các xáo trộn chánh trị đang diễn ra mà nguồn gốc cũng là vấn đề liên hệ đến quân đội, như vấn đề sáp nhập quân lực giáo phái. Lại thêm kỳ hạn gọi là hiệp thương tuyển cử 7-1956 mà áp lực ám ảnh các giới chánh trị. Ý nghĩ phổ quát của các giới là cần phải duy trì một lực lượng quân sự mạnh để hậu thuẫn cho miền Nam đối phó các yêu sách của miền Bắc.

Do đó, vấn đề tài giảm binh bị và “quan niệm quân đội thời bình” của Huê Kỳ đặt ra ở thời điểm và bối cảnh đó, thật là khó hiểu vô cùng.

Sau đây là một số sự việc xảy ra chung quanh quyết định tài giảm quân số lúc đó.

Việc giải ngũ quân sĩ đối với Việt Nam đã khó khăn như vậy, thì ngược lại, người Mỹ lại không ngớt thúc giục, như việc đầu tháng 4-1955, phái bộ quân sự Mỹ đưa ra một lịch trình giải ngũ mới, và muốn được Việt Nam tích cực thi hành như sau:

— Tới 1-5-55 quân đội chỉ còn 150.000

— Tới 1-8-55 quân đội chỉ còn 125.000

— Tới 1-11-55 quân đội chỉ còn 100.000

Người Mỹ còn muốn con số 100.000 người chưa phải là mức chót bởi vì tuy muốn duy trì một quân đội quốc gia ở mức 100.000, nhưng muốn quân số hiện diện phải rút xuống còn 85.000 hoặc 90.000 rồi bù đắp cho bằng 100.000 người với những thành phần mới, là những người động viên.

Cuối năm 1954 quân đội có trên 200.000 trong đó có 6.500 sĩ quan, 27.00 hạ sĩ quan...

Các rắc rối xảy đến với các quân nhân là bởi các quân nhân này bị đẩy ra khỏi hàng ngũ quân đội một cách vô lý. Sự giải ngũ lại nhắm đa số vào thành phần hạ sĩ quan có gia đình đông con, nên đã gây ra những phản ứng trong quân đội, như tại Nha Trang các quân nhân bị giải ngũ đã chưởi bới om sòm, và tại một đơn vị ở Đà Nẵng, những quân nhân bị giải ngũ không chịu rời khỏi đơn vị, khiến cho đơn vị trưởng phải áp dụng những biện pháp mạnh, dùng quân xa chở họ và gia đình tới Đà Nẵng bỏ xuống. (*)

Có lẽ các cố vấn Huê Kỳ quên rằng tại Việt Nam lúc đó không có hệ thống trợ cấp xã hội như tại Huê Kỳ, và hậu quả trực tiếp của biện pháp giải ngũ là những quân nhân ra khỏi quân đội bị mất lợi tức, trở thành đội quân thất nghiệp, mà lại không được hưởng trợ cấp xã hội để sống trong thời gian chưa có việc làm mới. Cho nên Huê Kỳ khăng khăng đòi giải ngũ, mà không nghĩ đến các hậu quả xã hội, cũng như hoàn cảnh và phản ứng của các quân nhân bị giải ngũ. Trên lý thuyết, quan niệm về một quân đội thời bình, để giảm chi phí quốc phòng, đồng thời tạo lực lượng trừ bị quốc gia đông đảo, có thể xem là rất hay. Nhưng trên thực tế, đem áp dụng tại Việt Nam giữa bối cảnh chánh trị lúc đó, tất nhiên là có hại nhiều hơn là có lợi.

NHẬN XÉT CỦA PHÁP VỀ VẤN ĐỀ SÁP NHẬP LỰC LƯỢNG PGHH VÀO QUÂN ĐỘI VN

Qua một số tài liệu nghiên cứu của quân đội Pháp để lượng giá quân lực Phật giáo Hòa Hảo, có những dữ kiện sau đây được tìm thấy trong kho văn khố quân đội mới được chánh phủ Pháp cho phép các giới được sử dụng từ thời điểm 30 năm sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam.

Cái nhìn tổng quát của Pháp như sau:

— Những cấp chỉ huy Phật Giáo Hòa Hảo, cũng như đa số tín đồ, đều tin rằng họ là nạn nhân của một chánh sách kỳ thị bất công của chánh phủ quốc gia, do đó các nỗ lực hợp tác của phía Phật Giáo Hòa Hảo với chánh phủ nặng về mục tiêu ngăn ngừa chủ trương của phía chánh phủ lấn áp và xâm phạm quyền lợi của họ.

— Mặt khác sự nghi ngờ dè dặt của các cấp chỉ huy phía Phật Giáo Hòa Hảo đã tạo ra một bức tường ngăn cản sự xen lấn của phía chánh quyền vào công việc của họ, trong địa phương của họ. Trong một tình trạng như thế, phải mất nhiều ngày giờ mới mong đạt được kết quả trong địa hạt này. Điều cần thiết phải làm là các giới chánh quyền nên có mặt thường hơn tại các khu vực Phật Giáo Hòa Hảo, mà củng cố uy quyền quốc gia.

— Dân chúng Phật Giáo Hòa Hảo khó chịu đối với việc chuyển quyền tại miền Tây từ Pháp sang Chánh phủ Việt Nam, bởi họ nhận thấy, và trách cứ chánh phủ sử dụng những cán bộ trước kia đã theo Việt Minh, và mới về đầu thú gần đây. Có thể chính viên chức chánh quyền hay người sĩ quan quân đội quốc gia được bổ nhậm về thay thế sĩ quan Pháp tại địa phương đó, trước kia lại đã là cán bộ Việt Minh trong vùng, đã từng đàn áp Phật Giáo Hòa Hảo, và do đó tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vẫn cứ coi người này là Việt Minh, vẫn tiếp tục chống đối, hoặc là không tin cậy, không hợp tác. Ý thức chống Việt Minh của người Phật Giáo Hòa Hảo rất mạnh, và họ không muốn phân biệt người Việt Minh cũ với người cán bộ quốc gia bây giờ có thể đã thay đổi lập trường khi về hợp tác. Đây cũng là một khó khăn trở ngại cho sự hợp tác giữa chánh quyền Việt Nam và Phật Giáo Hòa Hảo.

— Phật giáo Hòa Hảo đứng về phía chống Cộng trước khi chánh quyền quốc gia thực sự ra đời, cho nên họ mang tâm lý tự coi là công thần, có công mở đầu, và từ tâm trạng đó, tự nhiên họ cảm thấy bực bội trước những chánh sách mới, mà họ không được hay biết gì cả, trong việc chuyển quyền từ Pháp sang Việt Nam.

Trong tình thế mới này, các yếu tố về tương quan lực lượng đã thay đổi, chánh phủ cương quyết chứng tỏ mình có quyền lực và bắt buộc các giáo phái phải tuân phục, thì khó tránh được va chạm cả về chính trị lẫn quân sự.

Nhiều lần, các giới chức cao cấp Pháp đã cảnh giác trước về các hậu quả trầm trọng của một chính sách vụng về trước vấn đề phức tạp tế nhị này, và Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm cũng hiểu, nên ông dựa vào sự quen biết cá nhân với Tướng Trần Văn Soái mà áp dụng thái độ mềm dẻo để tìm giải pháp dung hòa. Cho nên các chánh phủ trước Thủ tướng Ngô Đình Diệm, tuy chưa tìm được giải pháp cho vấn đề thống nhứt quân đội, nhưng cũng không ai nghĩ đến giải pháp táo bạo là dùng võ lực để giải quyết.

Trong một bản phúc trình hàng niên 1952-1953, giới chức quân sự Pháp đã có các nhận xét vấn đề Hòa Hảo trong mối tương quan với Chánh phủ Việt Nam như sau:

Khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo gồm giới tá điền và tiểu nông vô cùng nhiệt thành đối với tôn giáo của họ, một nền đạo Phật được giản dị hóa, hoàn toàn thích hợp với lớp người chất phác này. Niềm tin đối với Đạo và Đức Thầy là một sức mạnh hiện hữu.

Khối quần chúng tín ngưỡng này tuân lịnh thượng cấp một cách đồng loạt. Người chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo dù ở nhóm quân sự này hay nhóm quân sự kia, cũng vẫn coi mình là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, và vẫn mãnh liệt chống lại Cộng Sản Việt Minh. Mặc dù ở các vùng xôi đậu, có vài sinh hoạt thương mại giữa tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại địa phương với dân trong bưng biền Cộng Sản, nhưng chắc chắn không thể cho rằng Phật Giáo Hòa Hảo có liên hệ với tổ chức Việt Minh. Vùng đất nằm giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, kể từ biên giới phía Bắc tỉnh Châu Đốc giáp giới Cao Miên, dài xuống phía Nam thị trấn Cái Vồn tỉnh Vĩnh Long, là vùng đất mà Cộng Sản không cách gì xâm nhập được.

Số quần chúng này, và vùng địa dư này gắn bó với nhau thành một khối sanh hoạt, một thực thể mà chánh phủ phải kể đến. Trong khu vực sanh hoạt của họ, người Phật Giáo Hòa Hảo với bản chất mộc mạc, có ý niệm cũng mộc mạc giản dị về bộ máy chánh quyền. Cũng vì khối người này có ít người học thức, cho nên họ có mặc cảm lo sợ bị lường gạt bởi bên ngoài. Họ rất dè dặt, nghi ngại, nhưng khi họ đã tin tưởng rồi, nhiều vấn đề sẽ từ từ được giải quyết, với điều kiện là phải nhìn nhận sự hiện hữu của Phật Giáo Hòa Hảo.

Khối Phật Giáo Hòa Hảo đã đóng góp lớn lao vào việc đánh bại Cộng Sản. Họ chống Cộng mãnh liệt, mà nguyên nhân là việc Việt Minh đã ám hại vì Giáo Chủ của họ...

Ông Lương Trọng Tường, biệt danh Lê Văn Kinh, đại diện của Tướng Trần Văn Soái tại Sàigòn, là một người có học thức, giao thiệp rộng rãi tại Sàigòn, có khuynh hướng sẽ trở thành nhân vật chánh trị của Phật Giáo Hòa Hảo. Ông ngoœ lời trách cứ Chánh phủ Việt Nam đã không bao giờ tham khảo ý kiến của đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo. Việc quan trọng như sáp nhập lực lượng võ trang Phật Giáo Hòa Hảo vào quân đội quốc gia chánh quyền cũng chỉ thảo luận tay đôi với Pháp.

Ông Lương Trọng Tường cho rằng các vị tỉnh trưởng bổ nhậm bởi chánh phủ Việt Nam để cai trị các tỉnh vùng Hậu Giang, không những đã không đếm xỉa đến ý kiến của Phật Giáo Hòa Hảo, mà còn là những người không có uy tín nào đối với dân chúng, cũng không lưu ý gì tới dân chúng. Như thế làm sao mà người Phật Giáo Hòa Hảo có thể chấp nhận được? Các ông tỉnh trưởng này thiếu khả năng về cai trị, vì trước đó họ chỉ là những viên thư ký hành chánh thứ yếu, nay nhờ thời cuộc thân thế mà làm chức lớn. Do đó, những vị tỉnh trưởng này tỏ ra bất lực trong nhiệm vụ cai trị một tỉnh, khi cần phải lấy các quyết định quan trọng, nói chung họ là cấp chỉ huy bất lực lại thiếu kiến thức, mà lại còn thêm có đầu óc kỳ thị đối với Phật Giáo Hòa Hảo...

Phật Giáo Hòa Hảo không được chánh phủ tham khảo ý kiến về các vấn đề trọng đại liên hệ trực tiếp đến số phận của họ. Sự kiện này đúng hay sai? Và lời chỉ trích của ông Lương Trọng Tường trên đây là đúng hay sai?

Những người dân sống trong một thể chế dân chủ tiến bộ như Huê Kỳ hay Pháp, chắc chắn phải đồng ý rằng chánh phủ phải tôn trọng ý nguyện của dân, và các việc quan trọng liên hệ đến số phận dân chúng, phải có sự tham khảo ý dân, dưới các hình thức khác nhau: bầu cử, trưng cầu dân ý, trao đổi quan điểm, thương thảo... Tại Việt Nam, một việc hệ trọng như thế—tức là dẹp bỏ một tổ chức hiện hữu của dân, để sáp nhập vào cơ chế chung của quốc gia, — hay bổ nhậm một vị cầm đầu một địa phương cấp tỉnh (State ở Huê Kỳ, Departement ở Pháp), mà người dân đang sống tại địa phương không được tham khảo ý kiến, dù là dưới hình thức giản dị nhứt là trao đổi quan điểm. Mức độ dân chủ tại Việt Nam thời kỳ đó không có bầu cử tỉnh trưởng, thị trưởng, nhưng ít ra cũng phải có sự tôn trọng ý kiến dân chúng, tham khảo ý kiến các giới tiêu biểu cho thành phần dân chúng sinh sống trong địa phương liên hệ.

Các Thủ tục đó đã không được thi hành, chánh phủ tự cho mình có quyền lựa chọn, bổ nhậm các vị tỉnh trưởng đến cai trị các tỉnh mà đa số dân chúng là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, không quan tâm chút nào đến ý kiến của Phật Giáo Hòa Hảo. Theo tài liệu, dân số tỉnh Long Xuyên thời kỳ đó khoảng 350.000 người, trong số này đã có gần 250.000 là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng vị tỉnh trưởng Long Xuyên đã được bổ nhậm theo ý riêng của chánh phủ, bất chấp và không tham khảo ý kiến với Phật Giáo Hòa Hảo.

Vấn đề hệ trọng hơn và xảy ra vào những năm 1952-1954, Pháp lần lượt chuyển quyền cai trị sang chánh phủ quốc gia Việt Nam, làm phát sanh vấn đề giải quyết tình trạng các quân lực giáo phái như Cao Đài, và Phật Giáo Hòa Hảo. Đây là một vấn đề lớn trong sanh hoạt xã hội và chánh trị: giải thể một cơ chế hiện hữu để sáp nhập vào cơ chế quốc gia, có thể xem là một tình trạng thay đổi cơ cấu quốc gia. Đáng lẽ việc này phải được giải quyết qua tiến trình thảo luận giữa hai thành phần chính yếu liên hệ là chánh phủ và giáo phái này, lại đã không được thực hiện một cách hợp lý như vậy. Pháp và chánh phủ Việt Nam đã thảo luận tay đôi, quyết định tay đôi, để rồi khi đem ra thi hành, gặp nhiều trở ngại, mà trở ngại lớn nhất là trở ngại tâm lý. Khi phía Phật Giáo Hòa Hảo nhận thấy rằng những giới khác tự ý giải quyết số phận của mình, họ cho rằng họ bị kỳ thị, khinh miệt. Đó là trở ngại tâm lý, đưa dần đến cuộc thanh toán bằng võ lực năm 1955.

Những sự kiện trình bày trên đây đã làm cho công cuộc sáp nhập các quân lực giáo phái vào quân đội quốc gia phải đình hoãn, với các biến chứng chính trị mà chúng ta đã chứng kiến ở thời điểm 1955. Vấn đề này không phải không có giải pháp thỏa đáng, nhưng đáng tiếc là giải pháp quân sự đã được ưu thế và được chọn lựa bởi Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn