3- Những Thay Đổi Trong Sinh Hoạt Kinh Tế

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 77191)
3- Những Thay Đổi Trong Sinh Hoạt Kinh Tế
Sau khi thiết lập bộ máy cai trị thuộc địa tại Nam Việt (mà họ gọi là Nam kỳ), thực dân Pháp thực hiện kế hoạch khai thác kinh tế. Diện tích bằng phẳng của miền Nam có tiềm năng nông nghiệp lớn lao, trước đó chỉ được khai thác và canh tác theo các phương pháp cổ truyền, bằng sức người và nông cụ thô sơ, theo một nhịp độ phát triển chậm.
Người Pháp đem những phương tiện lớn và mới: kỹ thuật và một ít cơ giới, tư bản, để đẩy mạnh khai khẩn đất đai theo một nhịp độ mau hơn và theo mô thức kinh tế khác hơn. Trước đó, là nền kinh tế nông nghiệp tổ chức theo cộng đồng xã thôn, bây giờ là nền kinh tế tư bản có mục tiêu trục lợi cho tư bản.

Quan niệm của thực dân tư bản Pháp không phải là phát triển nông nghiệp để phát triển kinh tế và xã hội cho quốc gia Việt Nam, mà chính yếu là để trục lợi. Mặc dù Pháp đã có nền văn minh cơ khí tiến bộ ở thời kỳ đó, nhưng lại không chủ trương khai thác nông nghiệp Việt Nam bằng cơ giới. Họ chủ trương khai thác nhân lực thuộc địa để giảm tổn phí khai thác. Con người Việt Nam đã được các đại đồn điền Pháp sử dụng như những cái máy sanh lợi cho họ, mặc dù họ cũng biết có thể cơ giới hóa, dùng máy móc để tăng năng suất và đỡ lao nhọc cho con người.

Đối với chủ đồn điền Pháp tại vùng Hậu Giang, vấn đề năng suất không quan trọng bằng sản ngạch và lợi tức khai thác. Nếu tăng năng suất mà phải đầu tư vào hạ tầng cơ sở hay cơ giới với vốn tài chánh cao, thì họ dùng nhân lực, dù cho năng suất thấp hơn, nhưng tổn phí sản xuất cũng thấp hơn. Cũng vì vậy, mà nền kinh tế nông nghiệp tại Nam Việt, tuy là khai thác các diện tích rộng lớn, nhưng trình độ cơ giới hóa rất dè dặt, giới hạn. Thay vì dùng kỹ thuật canh tác và cơ giới để canh tác các diện tích lớn, họ lại chia đồn điền thành những lô đất nhỏ, giao cho tá điền mướn mà canh tác và nạp địa tô, hoặc gián tiếp qua trung gian Cặp rằng, Bao tá... Đó là một đặc tính của thực dân nông nghiệp ở miền Hậu Giang Nam Việt, với quan niệm đầu tư ít, năng suất thấp, nhưng mức lợi cao, nhờ tổn phí thấp. Đó cũng là một lối kinh doanh đầu cơ trục lợi, chớ không phải phát triển kinh tế để đem phúc lợi cho xã hội.

Đồn điền cao su của Pháp tại miền Đông Nam Việt cũng là một hình thức mới, tạo ra thay đổi xã hội tại Việt Nam. Vườn cao su không còn là sinh hoạt kinh tế gia đình hay làng xã nữa, mà là một loại kỹ nghệ, nhân công làm việc theo giờ giấc nhất định, lãnh lương có kỳ hạn, phải đạt chỉ tiêu sản xuất đã ấn định như trong xưởng máy. Vốn khai thác là của tư bản đại công ty, sản phẩm không phải là thực vật để tiêu thụ trong làng xã, mà để cung ứng thị trường hải ngoại và chánh quốc. Giá cả cũng phải lệ thuộc vào thị trường thế giới. Người công nhân làm việc tại đồn điền cao su không là nông dân nữa, mà là một vô sản kỹ nghệ, và cũng không thể làm chủ mảnh đất, tức phương tiện sản xuất, như người nông dân làm chủ miếng đất nhỏ của gia đình. Ngoài ra, khi người nông dân đầu quân vào làm người công nhân vườn cao su, anh đã tự bật gốc khỏi khung cảnh làng xã của anh, bật gốc khỏi nếp sống sanh hoạt văn hóa xã hội quen thuộc. Anh đã đổi vị trí xã hội, trở thành người vô sản trong guồng máy kỹ nghệ. Đó là một thay đổi xã hội tạo ra bởi mô thức kinh tế tư bản.

Người Pháp đã thiết trí những hạ tầng cơ sở như các trục lộ giao thông, đường xe lửa, đào kinh, lập hải cảng... để phục vụ chánh sách khai thác kinh tế, nhưng đồng thời cũng tạo ra sự di chuyển dân chúng và sinh hoạt xã hội kinh tế từ những làng xã khép kín ra các môi trường xa lạ, rộng lớn. Nông phẩm của dân làng không phải chỉ bán tại chợ làng, mà còn bán tại đô thị và thị trường quốc tế. Ngược lại, các sản phẩm kỹ nghệ cung ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, cũng mang những sắc thái mới, đến từ những nguồn cung cấp xa xôi, đem vào các làng xã những điều mới lạ, ảnh hưởng đến nếp sống tại thôn quê. Từ cái áo sơ mi, đôi giày, cái nón nỉ, đến cái máy hát dĩa quay dây thiều bằng tay có cái loa và nhãn hiệu con chó, các sản phẩm tiêu thụ nhập cảng từ Pháp quốc, quả đã tạo thay đổi trong nếp sống và nếp suy nghĩ của người dân làng. Văn minh mới đã dần dà phá vỡ lũy tre xanh cổ truyền của làng xã Việt Nam, tập quán xã thôn cũng bị lung lay, tinh thần sống chết với làng mình bị mờ nhạt đi, không còn thiết tha chặt chẽ như xưa.
Các đô thị mới mọc lên theo nhu cầu cai trị và khai thác kinh tế của chánh quyền thuộc địa. Hệ thống đô thị mới không mang tính chất của các đô thị cũ tại Việt Nam. Trước khi Pháp đến, đô thị là những trung tâm hành chánh và những khu chợ búa lớn hơn là chợ làng. Người dân trong làng ít có dịp ra đô thị, và dân số đô thị không nhiều, gồm những thành phần trong bộ máy hành chánh, một ít thương gia. Cho nên nếp sống đô thị không tạo ảnh hưởng đến nếp sống nông thôn, cũng không có sự cách biệt quá đáng trong hai nếp sống này.

Các đô thị mới sau này, không phải chỉ là trung tâm hành chánh, mà là những đơn vị hành chánh của bộ máy chánh quyền thuộc địa. Đô thị là biểu tượng của quyền lực cai trị sử dụng các công chức do Pháp bổ nhậm; và với dân số tăng lên, các đô thị mới trở thành những đơn vị xã hội văn hóa và kinh tế, với các sanh hoạt khác hẳn nông thôn. Pháp có dụng ý thiết trí những tiện nghi đô thị làm cho nó trở thành những trung tâm tiêu biểu cho văn minh tiến bộ mới và dùng đô thị để truyền bá nền văn minh của Pháp tại Việt Nam. Từ đó, về mặt chánh trị, đô thị có vai trò ưu thế, khống chế nông thôn.

Lợi tức đô thị cố nhiên cao hơn nông thôn rất nhiều, đời sống dễ dàng ít cực nhọc hơn, do đó tạo ra một lớp người mới, có nếp sống mới và lối suy nghĩ bắt chước theo văn minh Tây phương. Vì thế, con người đô thị càng ngày càng cách biệt với con người nông thôn. Hiện tượng cách biệt giữa đời sống thị dân và nông dân thì ở đâu cũng có, nhưng đặc biệt tại Việt Nam, sự khác biệt này tạo ra tình trạng phân hóa xã hội khá trầm trọng. Bởi vì đô thị Việt Nam mới có nếp sống riêng biệt theo kiểu sống mới của Tây phương, khác hẳn lối sống theo văn minh cổ truyền tại nông thôn. Trạng thái này đưa đến phân cực xã hội, bởi vì không có trào lưu liên tục và giao hoán hòa hợp giữa hai nếp sống theo hai khuynh hướng văn hóa xã hội khác nhau.

Tại các quốc gia Âu Châu, giữa đô thị và làng xã không có sự cách biệt về trình độ văn minh, cũng không có chênh lệch quá đáng về tiện nghi vật chất và lợi tức đầu người. Đô thị Âu Châu là hình thức kéo dài của làng xã. Khi một làng đã phát triển về sinh hoạt kinh tế và dân số, nó trở thành một đô thị. Vì vậy không có sự cách biệt. Trái lại, tại Việt Nam, làng xã và đô thị là hai loại đơn vị xã hội khác nhau về mọi mặt, về nếp sống, về lợi tức, về các sanh hoạt xã hội, kinh tế, văn hóa. Có thể cho đó là hai xã hội khác nhau.

Cho nên có thể nói rằng hệ thống đô thị mới xuất hiện từ khi người Pháp đến miền Nam, đã tạo những thay đổi sâu xa trong cấu trúc xã hội và cả trong sanh hoạt văn hóa Việt Nam.

Đô thị cũng là môi trường xuất hiện các sinh hoạt công kỹ nghệ và thương mại ở cường độ mạnh hơn và nhịp độ mau hơn trước kia rất nhiều. Do đó, trong xã hội Việt Nam, phát sinh giai từng mới là giới thương buôn và công nghệ mà vị trí xã hội khác hẳn với vị trí trước kia trên nấc thang giá trị Sĩ, Nông, Công, Thương thời xưa. Theo ngôn ngữ kinh tế học, thì ngoài khu vực sơ đẳng (nông nghiệp) có sẵn, xã hội Việt Nam từ khi Pháp đến có môi trường và hoàn cảnh phát triển khu vực đệ nhị đẳng, đệ tam đẳng, và cũng từ đó có thêm giai cấp mới. Về mặt thương mại, tư bản Pháp, vì mục tiêu hiệu năng khai thác, đã tạo ra một lớp mại bản trung gian, phần lớn là người Trung Hoa sinh sống tại Việt Nam. Quan hệ nhứt là hệ thống thu mua lúa gạo, biến chế lúa thành gạo (nhà máy xay lúa), phân phối sản phẩm nhập cảng nhu dụng trong đời sống, hệ thống này phần rất lớn nằm trong tay Huê kiều. Không những giới mại bản chi phối sanh hoạt kinh tế của miền Nam mà còn bóc lột một phần quan trọng lợi tức của dân tiêu thụ và sản xuất nông nghiệp. Đầu cơ, tích trữ, mua rẻ, bán mắc, hệ thống Huê kiều mại bản trở thành quyền lực kinh tế thứ hai sau tư bản thực dân Pháp.

Sử gia Phạm Văn Sơn trong Quân sử Việt Nam đã làm một bản kết toán sơ lược của tình trạng cách biệt giữa đô thị và nông thôn Việt Nam như sau:

Chỉ ở các đô thị là có những kỹ nghệ tối tân, nội ngoại thương phát triển, một hệ thống kinh tế tư bản xuất hiện, nhưng đó là của người Pháp và Hoa kiều. Phía người Việt có một số tư bản mới chớm nở, nhưng lệ thuộc vào tư bản Pháp. Trong khi ở nông thôn, nơi sinh hoạt của 94% dân chúng, nhà nông vẫn tiếp tục cày cấy gieo trồng bằng dụng cụ và phương pháp cũ. Thành thị và thôn quê bày ra hai cảnh tượng trái ngược: một đằng thì nhà cửa phố xá khang trang sạch sẽ, còn một đằng thì nhà cửa xóm làng tiêu điều nghèo nàn, buôn bán lẻ tẻ, sinh hoạt chẳng có gì là tiến bộ cả... Sở dĩ có tình trạng ấy là bởi vì tư bản mại bản Pháp đến kinh doanh tại Việt Nam chỉ lo sao cho được nhiều lợi và mau chóng, nên không nghĩ đến việc mở mang những kỹ nghệ quy mô lâu dài, cơ giới hóa nông nghiệp, v.v... vì đó là những việc làm mất thì giờ lâu dài mà chưa chắc có lợi, lại có thể gây cạnh tranh với kỹ nghệ chánh quốc nữa (*)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn