2- Tổ Chức Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo

24 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 80231)
2- Tổ Chức Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo
PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Việt Nam có sẵn truyền thống “nhân dân tự vệ” từ lâu đời, thể hiện qua tổ chức và hình thức làng xã tại miền Bắc, với chế độ xã thôn tự trị. Làng xã miền Bắc là một vùng đất được bao quanh bởi lũy tre kiên cố, có những cổng làng để ra vào, thường đặt điếm canh để bảo vệ an ninh trong làng, đề phòng kẻ lạ mặt đến phá khuấy. Mỗi làng xã tự lo lấy việc trị an, và chính trai tráng trong làng phân công đảm nhận nghĩa vụ bảo vệ an ninh của làng.

Làng xã miền Nam không giống hình thái làng xã miền Bắc. Làng miền Bắc là một hình thể thu gọn có chu vi, trái lại làng xã miền Nam là một đường dài đi theo sông theo rạch, mà ranh giới thường là một con sông, hoặc do sự hoạch định hành chánh, có khi trên một con sông rạch, có nhiều làng liên tục. Có lẽ sự khác biệt hình thái cũng ảnh hưởng tới sự khác biệt về tánh tình, thái độ và nếp sống của dân chúng. Người dân miền Bắc “khép kín” vào làng mình, đến đỗi coi dân làng khác hay những kẻ ở làng khác đến ngụ cư trong làng mình, là dân “ngoại tịch”. Tinh thần xã thôn tự trị ở miền Bắc cao hơn miền Nam, cho nên con người thường chỉ biết có “làng của mình” ngoài gia đình mình. Thể hiện qua tập tục pháp lý “phép vua thua lệ làng”, mối liên hệ với hệ thống hành chánh cao hơn cấp làng đối với họ chỉ rất mơ hồ xa xôi. Đây là tình trạng trước biến cố 1945.

Trái lại, người dân làng miền Nam có tinh thần khá cởi mở giữa làng này với làng kia, và các “lệ làng” cũng không chặt chẽ cứng rắn như ở Trung, Bắc. Hình thái làng “trải dài ra” thay vì “khép kín lại” của làng xã, có vẻ giống đặc tính cởi mở của dân miền Nam.

Hình thể địa dư làng xã cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt nhân dân tự vệ trong công tác bảo vệ làng xã. Tại miền Bắc, trước năm 1945, làng là một pháo đài riêng của làng. Nhưng trong miền Nam tổ chức nhân dân tự vệ của Phật Giáo Hòa Hảo, mang tên là tổ chức Bảo An, lại không chỉ là nhân dân tự vệ của riêng từng làng.

Tổ chức Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo hình thành trong bối cảnh tiền cách mạng Việt Nam, xuất phát từ lý do chính trị, không phải chỉ để bảo vệ an ninh làng xóm. Các giới chức Phật Giáo Hòa Hảo cho biết ý nghĩa của danh xưng Bảo An như sau:

— Giải nghĩa hẹp là bảo vệ an ninh làng xã, nhưng không phải là mục đích chánh yếu. Giải nghĩa rộng là Bảo quốc An dân, tức bảo vệ quốc gia dân tộc.

Tại miền Nam, ở giai đoạn trước biến cố 8-1945, một tổ chức được đông đảo thanh niên và trung niên hưởng ứng, là phong trào Thanh Niên Tiền Phong, ra đời đầu năm 1945, nhưng phạm vi hoạt động giới hạn ở đô thị nhiều hơn là vùng nông thôn. Như thế có thể nói rằng phong trào Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo đã ra đời gần hai năm sớm hơn phong trào Thanh Niên Tiền Phong, cả hai tổ chức đều có khuynh hướng đấu tranh, quy tụ lớp thanh niên và trung niên, để chuẩn bị tham gia cuộc cánh mạng giải phóng dân tộc, đối đầu chủ trương tái chiếm thuộc địa của đế quốc Pháp. Trên tiêu chuẩn xã hội và kiến thức, phong trào Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo quy tụ tầng lớp nông dân chất phác. Cả hai phong trào quần chúng này bao gồm đại đa số lớp người Việt có nhiệt huyết và sức khỏe thể chất, đáng tiếc là đã không hiệp lại được thành sức mạnh cách mạng của dân tộc, mà lại bị chia thành hai giới đối nghịch nhau vì lý do chính trị, bởi âm mưu của đảng Cộng Sản Việt Nam, dưới danh nghĩa Việt Minh thời 1945, trong đường lối lấy thành thị áp đảo nông thôn.

Sau đây là phần trích dẫn từ cuốn sách “Huỳnh Giáo Chủ” của tác giả Vương Kim nói về lý do chánh thức thành lập tổ chức Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo. Lý do “chánh thức” dùng để công bố đối với chánh quyền đương thời, để giảm bớt sự chú ý và theo dõi ngăn cản, tất nhiên khác với lý do thầm kín đã được biểu lộ trong ý nghĩa “bảo quốc an dân” có tầm vóc và mục đích rộng lớn quan trọng hơn việc bảo vệ hương thôn.

ĐỘI BẢO AN

Huỳnh Giáo Chủ đã thấy trước Nhựt sẽ đầu hàng. Trong tình trạng này, hương thôn sẽ phải trải qua một giai đoạn hỗn độn, vô trật tự có thể nói vô chánh phủ. Trước kia, khi Nhựt đảo chánh Pháp, đã có chuẩn bị trứơc một bộ máy cai trị để thay thế, nhờ vậy mà giữ được an ninh trật tự, bởi bộ máy hành chánh được duy trì và tiếp tục hoạt động.

Nay nếu như Nhựt đầu hàng, bộ máy cai trị của Nhựt sẽ sụp đổ trong lúc không có bộ máy cai trị hữu hiệu khác thay thế, thì sao khỏi gây nên tình trạng rối loạn, vì cơ quan an ninh đã trở thành bất lực hay vô hiệu. Trong khoảng thời gian đó, chi cho khỏi xảy ra cướp bóc, giết hại do đám người thừa nước đục thả câu, gây nên để thỏa mãn dục vọng và thù oán cá nhân.

Để kịp thời ứng phó với biến chuyển sắp tới, sự tổ chức quần chúng thành các đội Bảo An có thể thực hiện được những việc:

    Giữ việc trị an trong làng để phòng ngừa trộm cướp, giải tán những cuộc ẩu đả, bắt bớ các đám cờ bạc, giữ gìn trật tự.
    Bảo vệ mùa màng.
    Tìm bắt kẻ gian.

Tổ chức Bảo An, cứ mỗi tiểu đội có một tiểu đội trưởng, mỗi trung đội có một trung đội trưởng. Tất cả đặt dưới quyền điều khiển của một viên Đoàn trưởng.

Trong xã ấp, những nơi có vườn xoài, vườn tre, những nơi có bóng mát, đều có lập sân tập võ, do một võ sư đứng ra huấn luyện. Ngoài các đội Bảo An nam, còn có các đội Bảo An nữ, ngày đêm tập luyện võ thuật côn quyền đao kiếm. Trên đường đi, không dứt tiếng đếm bước: Một, hai, một hai..., nhứt là những đêm trăng sáng cảnh tượng tập dượt thật là náo nhiệt. Nam theo nam, nữ theo nữ, xếp thành hàng ngũ chỉnh tề, áo khăn đồng phục. Tinh thần võ thượng lên cao không lúc nào bằng.

Cũng nhờ các đội Bảo An này, khi Nhựt đầu hàng mà làng xã trật tự được duy trì, an ninh được bảo đảm, nhứt là trong thời kỳ lực lượng kháng chiến rút lui, cơ quan hành chánh hoàn toàn sụp đổ. (*)

Cũng nên trích dẫn thêm một tài liệu ngoại quốc do tác giả A.M Savani viết “Evolution de la Secte” nói về sự hình thành tổ chức đấu tranh Phật Giáo Hòa Hảo:

Sinh hoạt tín ngưỡng của Phật Giáo Hòa Hảo chìm xuống khi các vấn đề chính trị hiện ra trước mắt và khẩn trương. Bắt đầu năm 1943, ông Lâm Thơ Cưu là người thường đưa những tài liệu hay khẩu lịnh của Huỳnh Giáo Chủ về miền Hậu Giang để phổ biến trong khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Nội dung các tài liệu và thi văn này ngụ ý tiên liệu rằng người Pháp sẽ phải ra đi, Việt Nam sẽ tiến tới độc lập, đây là thời kỳ vô cùng khốn khổ điêu linh cho dân chúng, và chúng sanh phải lo tu hành mới mong thoát khổ.

Ảnh hưởng của những tài liệu này rất mạnh mẽ và sâu rộng trong quần chúng. Có hai loại phản ứng. Những người nặng về khuynh hướng tín ngưỡng, bỏ các sinh hoạt thế tục, kể cả canh tác nông nghiệp, bỏ luôn nhà cửa, để lên núi Thất Sơn mà chuyên tâm tu hành. Những người nặng khuynh hướng đấu tranh, nhiều năng động, đặc biệt lớp trẻ tuổi dưới bốn mươi, tham gia tổ chức Bảo An, nhập cuộc đấu tranh.

Trước những biến động này, nhà cầm quyền Pháp hạ lịnh cấm đoán, ngăn cản dân hành hương, bắt bớ các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cầm đầu hoạt động, một số bị tù đày đi Côn Đảo và Bà Rá, trong đó có một người sau này là tướng Nguyễn Giác Ngộ, một thủ lãnh quân sự của Phật Giáo Hòa Hảo, và một số cao đồ đã chết luôn trong tù đày như các ông Cả Đô, ông Cả Cừ, ông Dương Thiện Sứ tự Sử...

Vào cuối năm 1945, ông Đạo Khùng (tức Huỳnh Giáo chủ) bộc lộ thái độ không tin tưởng Nhựt Bổn, và không dựa vào Nhựt để đạt mục đích đấu tranh. Từ đó Phật Giáo Hòa Hảo bắt đầu thực sự tổ chức các đơn vị võ trang với hai mục đích:

    Sẵn sàng ứng phó với biến động thời cuộc,
    Chống trả bằng võ lực nếu bị cảnh sát đàn áp.

Về mặt chính trị, từ đầu 1944, ông Huỳnh Phú Sổ liên lạc với ‘’Chánh phủ An Nam tại Trùng Khánh’’. (Thực ra đây là Chánh Phủ Liên Hiệp Lâm Thời thành lập ngày 28-3-1944 tại Trung Quốc, do nhà cách mạng Trương Bội Công làm Chủ tịch, gồm các quý vị Nguyễn Hải Thần, Vũ Công Khanh, Hồ Chí Minh, Bồ Xuân Luật, Nghiêm Kế Tổ. Cũng nên biết: sự có mặt của Hồ Chí Minh trong chánh phủ này là do áp lực của tướng Trương Phát Khuê, đại diện chánh phủ Liên Hiệp Quốc Cộng Trung Hoa — tác giả chú giải).

Khi Nhựt bổn khám phá điều trên, họ bao vây chặt chẽ ông Đạo Khùng trong nhiều tháng, nhưng họ không ngăn cản được sự phát triển của tổ chức nhân dân tự vệ Phật Giáo Hòa Hảo mang tên là Bảo An đã thành lập theo chỉ thị của ông Huỳnh Phú Sổ, Bảo An được lịnh rèn các loại võ khí bén, luyện tập võ nghệ Việt Nam, học tập quân sự, trang bị các ghe xuồng, chuẩn bị lương thực, và giới hạn mọi nhu cầu phù phiếm để dồn mọi khả năng vào đấu tranh của đoàn thể Phật Giáo Hòa Hảo. (*)

Bản phúc trình của cơ quan Cảnh sát Đặc biệt, tức cảnh sát chánh trị “Rapport sur les Sectes Religieuses” năm 1944, đã viết như sau: Từ lúc được hiến binh Nhựt đưa về Sài Gòn (10-1942) ông Huỳnh Phú Sổ gia nhập Việt Nam Phục Quốc Hội. Với vị thế đặc biệt đó, cán bộ tuyên truyền Phật Giáo Hòa Hảo đã thâu nhận thêm rất nhiều tín đồ và tiền bạc cho công quỹ cách mạng. Theo những tin tức sốt dẻo lúc đó, ông Huỳnh phú Sổ dự trù sẽ xuất dương đi Nhựt gặp Hoàng thân Cường Để, và có thể tham dự Đại Hội Phật Giáo thế giới cử hành tại Đông kinh ngày 4-7-1943, với tư cách đại diện của miền Nam Việt Nam. Trước khi lên đường, ông đã loan báo cho tín đồ biết rằng:

Khi thầy trở lại gia trung,

Thì trong bổn đạo bóng tùng phủ che...

Một số các tác giả khác, phần nhiều là giới quân sự cũng viết về thời kỳ hình thành của tổ chức bán quân sự Phật Giáo Hòa Hảo:

Thiếu tá De Mallerey đã trình bày như sau:

Năm 1942, Nhựt Bổn xen vào, yểm trợ việc giải thoát Huỳnh Giáo Chủ khỏi tình trạng biệt cư tại Bạc Liêu. Và từ đó, khuynh hướng cách mạng và gây loạn xuất hiện, các tổ chức hội họp bí mật, số người gia nhập Phật Giáo Hòa Hảo gia tăng.

Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nghĩ đến trang bị võ khí để thiết lập các nhóm tự vệ, gọi là Bảo An. Khởi đầu họ chỉ có võ khí bén, một ít khẩu súng săn bắn, nhưng đó là nòng cốt đầu tiên của phong trào đấu tranh quân sự sau này. (*)

Tác giả Fusier đã viết như sau:

Khi bị Pháp đưa đi biệt cư tại Bạc Liêu, ông Huỳnh Phú Sổ lại càng tăng gia uy tín đối với dân chúng miền Tây, họ nhìn ông như “một người chịu khổ cho bá tánh”.

Vào tháng 3-1942, người Nhựt bắt đầu lưu ý đến phong trào Hòa Hảo, và sau đó (10-1942) họ đưa vị Giáo Chủ về Saigon dưới sự bảo vệ của hiến binh Nhựt. Cũng cần phải ghi nhận rằng, khác với đạo Cao Đài lúc đó, Phật Giáo Hòa Hảo chỉ cộng tác với Nhựt một cách miễn cưỡng, vì ông Huỳnh Phú Sổ đã tiên đoán rằng Nhựt sẽ bại trận. (*)

Thiếu tá Savani, trong tập phúc trình “Notes sur le Phat Giao Hoa Hao” đã viết như sau: Toàn quyền Pháp ở Đông Dương muốn đưa ông Huỳnh Phú Sổ sang biệt xứ tại Ai Lao, nhưng chỉ vài ngày trước khi thi hành (10-1942), thì vài tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo với sự giúp đỡ của hiến binh Nhựt, đã cướp ông, từ Bạc Liêu đưa về Saigon. Tại Mỹ Tho, cảnh sát Pháp chận đường bắt lại, tạo ra một rắc rối ngoại giao. Bộ tư lịnh Nhựt xen vào viện cớ rằng “ông này làm gián điệp của Trùng Khánh”, để đưa ông về Saigon, cư trú tại ngôi nhà 168 đừơng Lefèbvre, dưới sự bảo trợ của hiến binh Nhựt. Mục đích của Nhựt lúc đó là lợi dụng Phật Giáo Hòa Hảo để chống lại thế lực Pháp. Hiến binh Nhựt trong vụ này tên là Kimura, tài xế lái xe tên Trần Sơn tức Ba Xạ. (**)

Đại tá Soreau, trong “Le problème Hoa Hao” đã viết như sau:

Từ 1941 đến tháng 8-1945, là thời kỳ chuyển hướng đầu tiên của hoạt động Phật Giáo Hòa Hảo. Khi nhận thấy phong trào nông dân miền Tây bỏ canh tác ruộng đất, nhà cầm quyền Pháp bắt giữ Huỳnh Giáo Chủ, đưa đi biệt cư tại Bạc Liêu. Ông trở thành “Thánh tử vì đạo” hy sinh vì đạo pháp và dân tộc. Sau đó, người Nhựt đưa ông về Saigon, ông gia nhập tổ chức cách mạng do Hoàng thân Cường Để lãnh đạo.

Do đó, Nhựt Bổn xem Phật Giáo Hòa Hảo như một lá bài chính trị của họ nhưng Phật Giáo Hòa Hảo lại không đi sát với Nhựt Bổn như đạo Cao Đài, nhờ cái nhìn sáng suốt đặc biệt của giới lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo, tiên đoán được sự bại trận của Nhựt Bổn.

Cũng trong thời kỳ này, một tổ chức võ trang tự vệ được thành lập (Bảo An), với danh nghĩa bảo vệ an ninh làng xóm, bắt đầu chiếm đất, chống nhà cầm quyền, và chuẩn bị nổi loạn. (*)

Theo chỉ thị truyền khẩu từ vị Giáo Chủ và cấp Trung ương, các Ban Trị sự Phật Giáo Hòa Hảo tại địa phương, cấp Quận và Xã, đã tuyển lựa những vị Đoàn trưởng để giao phó nhiệm vụ thành lập, chỉ huy và huấn luyện các đoàn Bảo An. Đó là thời kỳ bước vào đấu tranh, mang tính chất nguy hiểm, cho nên Phật Giáo Hòa Hảo có một hệ thống truyền đạt chỉ thị bằng miệng, rất ít dùng công văn giấy tờ. Hệ thống truyền khẩu này hoạt động khá hữu hiệu, nhờ có sẵn tín đồ trung thành, kỳ cựu, đã theo vị Giáo Chủ từ năm đầu lập đạo, được Giáo Chủ tín nhiệm, và mặc nhiên được các tín đồ tin cậy. Lời nói của họ thay thế công văn và chữ viết. Họ là những chức sắc không tước hiệu sắc phục gì cả, được lịnh lên Saigon để làm việc trực tiếp bên cạnh Huỳnh Giáo Chủ. Khi đã có quyết định từ Trung ương, họ nhận khẩu lịnh của Giáo Chủ, thuộc kỹ và hiểu rõ ý nghĩa mục đích, rồi kín đáo lên đường về miền Hậu Giang. Những sứ giả này được đồng bào bảo vệ an ninh rất kỹ lưỡng, đề phòng công an cảnh sát của Pháp.

Về tới Hậu Giang, sứ giả theo hệ thống giao liên địa phương, đến các địa điểm để gặp các chức sắc có trách nhiệm và uy tín tại các địa phương. Đây thường là các ông “Quận bộ” hay “Tổng bộ” tức nhân vật đặc trách một quận hay một tổng, gồm nhiều làng hợp lại. Tín đồ kêu họ là ông Quận X, và chính các ông Quận bộ, Tổng bộ này là những mấu chốt quan trọng giữ vững giềng mối của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo, điều hành các công tác của tổ chức từ hạ tầng cơ sở. Tuy không có tài liệu minh thị, nhưng trong thời kỳ mà tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo mới manh-nha-cơ-cấu-hóa, lại phải cẩn thận đề phòng sự dòm ngó của công an mật thám Pháp, cấp Quận được quan niệm như một cấp Tỉnh thâu hẹp, để dễ dàng điều hành, hơn là một địa phận rộng lớn của một Tỉnh thực sự.

Hệ thống truyền đạt bằng đi bộ, ghe xuồng, xe ngựa, hay xe đạp, hình thức truyền khẩu chỉ có thể hữu hiệu và kịp thời trên một diện tích hẹp, nên ông Quận có thể trực tiếp với cấp Xã, mà không cần cấp trung gian, vừa bảo mật vừa thân mật, hữu hiệu.

Cũng vì nhu cầu đặc biệt trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế, cho nên thành phần Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo nào cũng có một Ban Liên Lạc, để dẫn đường, đưa người và chuyển công văn len lỏi qua các sông rạch hay đồng ruộng. Liên lạc đi theo từng chặng đường, là phương thức rất phổ thông của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo. Người liên lạc địa phương hiểu rõ địa dư, hành trình, và nhứt là quy luật sanh hoạt của địch, vị trí cơ quan và nhân sự địch, nên có khả năng bảo vệ an toàn cho cán bộ hay nhân vật mà họ phải đưa đường từ địa điểm của họ tới một địa điểm kế cận, rồi họ trao trách nhiệm sang bộ phận liên lạc của trạm kế tiếp.

Trạm liên lạc được ngụy trang dưới những căn nhà của tín đồ tin cậy. Tại đây các vấn đề cơm nước, nghỉ ngơi, phương tiện di chuyển luôn luôn sẵn sàng. Phương tiện di chuyển chính yếu, ngoài đi bộ băng đồng, là xe đạp, xuồng, hay ghe tam bản loại nhỏ đi khá mau trên các sông rạch. Liên lạc viên bằng đường thủy thường hay có sẵn những ống tre dùng làm phao câu cá của đường dây câu, vừa dùng để ngụy trang, vừa dùng để dấu các tài liệu hay giấy tờ cá nhân. Khi bắt buộc phải đi ngang các đồn bót hay vị trí kiểm soát của nhà cầm quyền, họ thường bỏ giấy tờ tài liệu vào một ống tre, đậy nút thật kín, rồi thả trôi trên mặt nước, với một sợi dây câu thật dài cột vào ghe xuồng của họ đang bơi. Nếu bị khám xét, họ chỉ cần chặt bỏ sợi dây này, mặc cho ống tre trôi linh đinh, họ tìm cách trở lại vớt lấy sau. Như thế, cảnh sát không thể lục soát thấy các tài liệu trong mình họ hay trên ghe xuồng. Nếu không bị khám xét, khi đã đi qua khu vực nguy hiểm, họ phăng đường giây câu, và lấy chiếc ống tre lên xuồng. Đây chỉ là một trong các xảo thuật công tác giao liên, mà họ đã áp dụng trong hoàn cảnh khó khăn và chiến tranh.

Lấy tổ chức truyền đạt và giao liên làm điển hình, so sánh với các tiện nghi khoa học của đô thị, như điện thoại, xe hơi, máy móc văn phòng, ta thấy được sự khác biệt giữa sanh họat đô thị và nông thôn tại Việt Nam thời kỳ đó.

Tuy rằng các chỉ thị được truyền đi bằng đi bộ hay ghe xuồng hoặc truyền khẩu, nhưng ảnh hưởng lại rất mau và mạnh. Người tín đồ nào được đề cử vào trách vụ Đoàn trưởng Bảo An, xem đó là một vinh dự đặc biệt của “Đạo giao phó cho mình”. Ít nhứt anh cũng phải có hai tiêu chuẩn căn bản: được đồng đạo trong xã tin tưởng, và biết võ thuật, hay có sức khỏe đặc biệt, hoặc có tinh thần gan dạ khác thường. Đoàn trưởng đi đến từng gia đình đồng đạo, ghi tên gia nhập Bảo An của các thanh niên Phật Giáo Hòa Hảo. Tất cả đều tự nguyện, sự gia nhập đoàn Bảo An trong xã là một vinh dự, cho nên cả giới phụ nữ cũng đòi được chia sẻ niềm vinh dự ấy. Sắc phục Bảo An màu đen, gồm có bộ quần áo bà ba vải đen, trên đầu chít khăn đen, dưới chân quấn xà cạp để cho ống quần không bay phất khi tập luyện võ nghệ.

Mỗi ngày, sau bữa cơm chiều, các đội viên Bảo An đến điểm hẹn, tức một võ trường, thường là một sân đất bằng phẳng lộ thiên, ở sau nhà, cho được kín đáo, để các đoàn viên tập luyện võ nghệ. Trước nhứt là bài học căn bản về quyền thuật, rồi tiến sang các thuật đánh côn, đao, kiếm, gươm giáo... Võ khí thông dụng nhứt là cây côn, tức một cây tầm vông (loại tre nhỏ đặc ruột và nặng) được đẽo gọt trơn tru, dài bằng bề cao con người. Sở dĩ cây côn thông dụng là vì tầm vông rất dễ kiếm, trong làng chỗ nào cũng có, không tốn tiền mua hoặc phải đi xa. Nhà nào có bụi tre tầm vông, cũng sẵn sàng đem hiến cho đoàn Bảo An “làm khí giới đánh giặc.”

Trái lại, các loại võ khí bén như đao, kiếm, gươm giáo... cần phải có kim khí, và phải được trui đập tại các lò rèn. Vừa tốn tiền lại vừa dễ bị công an mật thám kết tội “tàng trữ võ khí giết người”. Tuy nhiên trong tâm trạng người đội viên Bảo An lúc đó, chỉ có cây tầm vông, thì chưa mãn nguyện. Ai cũng mong có được một cây đao hay một thanh kiếm. Thời kỳ đó, họ chưa dám nghĩ đến súng đạn, vì biết rằng giấc mơ súng đạn còn lâu lắm mới thực hiện được.

Nhưng giấc mơ “đao kiếm” của họ có thể thực hiện với một sáng kiến và cố gắng nào đó. Sáng kiến là đem cây phảng phát cỏ đến lò rèn, chuyển thành lưỡi kiếm: đánh giặc khẩn cấp hơn là làm ruộng, đó là khuynh hướng chung của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó. Nhưng như thế cũng không đủ cung cấp cho nhu cầu võ trang của các đoàn Bảo An. Cho nên có người nẩy ra sáng kiến đi lấy các thanh sắt tại những cây cầu sắt trên lộ giao thông. Nhiều nhóm tổ chức rủ nhau dùng cưa sắt, đang đêm lén đến gầm cầu, cưa các thanh sắt đem về. Chỉ ít ngày sau, các thanh sắt cầu này qua lò lửa, ống bễ và cây búa thợ rèn, đã biến thành những lưỡi kiếm, đao, để trang bị các đoàn Bảo An trong làng.

Trong các vùng nông thôn lúc đó, ban ngày sanh hoạt canh tác nông nghiệp vẫn diễn tiến, nhưng rời rạc hơn bình thường. Nhưng ban đêm mới biểu lộ sức sống và ước nguyện tinh thần của lớp nông dân tín ngưỡng Phật Giáo Hòa Hảo. Sau thời gian tập luyện võ nghệ khoảng một năm, những lớp thanh niên và phụ nữ Bảo An cảm thấy niềm tin tưởng và hãnh diện gia tăng. Họ chưa có ý thức nào về hình thức chiến tranh khi quân đội Pháp trở lại Đông Dương với võ khí tối tân; họ chưa thực sự hiểu được tác dụng rất giới hạn của cây tầm vông, khi đối diện với súng cá nhân và cộng đồng, với võ khí tự động và đại bác của quân đội viễn chinh Pháp. Có những tác giả hay phóng viên báo chí Tây Phương đã tỏ ra “thương hại” cho sự hiểu biết giới hạn của họ, khi họ lao đầu vào cái chết cầm chắc trước súng đạn tối tân của địch. Nhưng ngược lại, sức mạnh của những đoàn người này không phát sinh từ võ khí, mà từ tinh thần. Võ khí, cây tầm vông, cây đao, cây kiếm hay cây súng là phương tiện trợ lực cho niềm tin tưởng và hãnh diện. Nhưng đối với các đoàn viên Bảo An này, nếu phải chờ cho có cây súng mới chiến đấu, thì lịch sử Việt Nam hẳn đã đổi khác rồi.

Ở vào thời kỳ tiền cách mạng đó, vấn đề then chốt là võ trang tinh thần quần chúng. Súng đạn rồi sẽ đến sau, bằng nhiều ngả, nhiều cách, và quan trọng nhứt trong cuộc chiến tranh của nhân dân là cách “lấy súng địch làm súng mình”, theo một nguyên lý du kích chiến.

Cho nên, đối với người đội viên Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo ở thời kỳ mới thành lập, điều đáng kể là võ trang tinh thần. Đoàn ngũ hóa, gây ý thức con người, đưa cho người ấy một cây tầm vông để tự tin rằng mình “được giao phó một nhiệm vụ thiêng liêng”, một công việc nguy hiểm đến tính mạng, mà dù có chết cũng là đền đáp ơn Đất nước, chết vinh quang để tròn nhiệm vụ ở cõi thế gian, mà được về cõi Phật sau này.

Nếu phải diễn tả động lực tâm lý và nếp suy nghĩ của các đội viên Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo, có thể nói không sai lầm rằng đó là tâm trạng của họ ở thời kỳ chuẩn bị đấu tranh 1945.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn